Phát hành trái phiếu, doanh nghiệp không cần tài sản bảo đảm

0:00 / 0:00
0:00
Theo ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính - Ngân hàng (Bộ Tài chính), Nghị định 65/2022/NĐ-CP không đặt thêm điều kiện phát hành, chỉ quy định cụ thể về phát hành, đầu tư, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ nhằm minh bạch thị trường, nâng cao chất lượng trái phiếu.

Thưa ông, có ý kiến cho rằng, Nghị định 65 bổ sung quy định tài sản bảo đảm của trái phiếu là “quá chặt”?

Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính - Ngân hàng (Bộ Tài chính).

Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính - Ngân hàng (Bộ Tài chính).

Nghị định 65 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP) tuân thủ các quy định về điều kiện phát hành trái phiếu tại Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp, không đặt thêm bất cứ điều kiện nào nhằm gây khó dễ cho doanh nghiệp huy động vốn qua kênh trái phiếu.

Tôi khẳng định, Nghị định 65 không yêu cầu doanh nghiệp phải có tài sản bảo đảm mới được phát hành trái phiếu riêng lẻ, mà khi huy động vốn qua kênh này, doanh nghiệp thực hiện theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và đảm bảo khả năng trả nợ.

“Trái phiếu có bảo đảm” đã được quy định trong Nghị định 153, là loại hình trái phiếu được bảo đảm thanh toán toàn bộ hoặc một phần lãi, gốc khi đến hạn bằng tài sản của doanh nghiệp phát hành hoặc tài sản của bên thứ ba; hoặc được bảo lãnh thanh toán theo quy định của pháp luật. Nghị định 65 chỉ làm rõ thêm, tại phương án phát hành, doanh nghiệp phải nêu cụ thể loại tài sản bảo đảm và giá trị của tài sản bảo đảm được định giá, tình trạng pháp lý của tài sản bảo đảm, việc đăng ký biện pháp bảo đảm và thứ tự thanh toán của nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu khi xử lý tài sản bảo đảm để thanh toán nợ.

Nhưng nếu đáp ứng được các điều kiện về tài sản bảo đảm như trên, thì doanh nghiệp sẽ đi vay ngân hàng thay vì phát hành trái phiếu, thưa ông?

Vay ngân hàng, huy động vốn trên thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu hay huy động vốn từ kênh nào đó là quyền của doanh nghiệp. Phát hành trái phiếu riêng lẻ không bắt buộc doanh nghiệp phải có tài sản bảo đảm của mình hoặc bên thứ ba, hoặc được bảo lãnh thanh toán, nhưng nếu có bảo đảm, thì nhà đầu tư yên tâm hơn, chất lượng trái phiếu cao hơn, nên có thể trả lãi suất thấp hơn, thời gian huy động nhanh hơn, thời hạn trái phiếu dài hơn so với trái phiếu không có bảo đảm.

Trên thực tế, không phải doanh nghiệp nào có tài sản bảo đảm cũng có thể tiếp cận được nguồn vốn dài hạn tại ngân hàng, vì bị khống chế bởi tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. Hơn nữa, theo thông lệ quốc tế và xu hướng chung là ngân hàng chỉ tập trung cung cấp vốn ngắn hạn, còn muốn có vốn dài hạn, thì doanh nghiệp phải huy động từ kênh khác, trong đó trái phiếu là kênh phổ biến nhất, hiệu quả nhất.

Như vậy, không thể hạn chế được tình trạng doanh nghiệp phát hành khối lượng trái phiếu gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu?

Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán không hạn chế doanh nghiệp phát hành trái phiếu, nên Nghị định 65 cũng không hạn chế. Theo quy định của pháp luật hiện hành, TPDN được phát hành ra công chúng và riêng lẻ. Trong đó, TPDN phát hành ra công chúng bắt buộc phải được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép và có thể bán trái phiếu cho mọi nhà đầu tư; còn trái phiếu riêng lẻ thì không cần bất cứ cơ quan nào cấp phép.

Huy động trái phiếu cũng là hình thức đi vay nợ và để bảo đảm an toàn cho nhà đầu tư cũng như tránh trường hợp doanh nghiệp phát hành quá mức, pháp luật hiện hành quy định, trái phiếu riêng lẻ chỉ được bán cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Doanh nghiệp phải bảo đảm thanh toán đủ gốc và lãi của trái phiếu đã phát hành hoặc nợ đến hạn trong vòng 3 năm; có báo cáo tài chính năm trước được kiểm toán; đáp ứng các chỉ tiêu an toàn tài chính, an toàn hoạt động theo quy định.

Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp không quy định giới hạn, khống chế khối lượng phát hành trái phiếu của doanh nghiệp, ngoại trừ một số tổ chức hoạt động theo pháp luật chuyên ngành như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm... phải tuân thủ các quy định tỷ lệ an toàn tài chính.

Huy động trái phiếu là hình thức vay nợ, nếu doanh nghiệp vay nợ quá lớn sẽ không hạn chế được tình trạng “vốn mỏng”. Theo ông, cần có giải pháp gì?

Hiện tại, Việt Nam chưa khống chế tỷ lệ vay nợ của doanh nghiệp gấp bao nhiêu lần vốn chủ sở hữu. Nhưng để giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư và cả doanh nghiệp; phát triển thị trường TPDN minh bạch, bền vững, nâng cao chất lượng của trái phiếu, Nghị định 65 quy định, doanh nghiệp phát hành có trách nhiệm công bố thông tin đầy đủ, chính xác, minh bạch về trái phiếu phát hành và tình hình tài chính, trong đó có thông tin về tổng số nợ phải trả, chỉ tiêu về cơ cấu vốn, chỉ tiêu về khả năng thanh toán...

Nhà đầu tư trước khi mua trái phiếu cần tìm hiểu rõ quy định pháp luật, nghiên cứu kỹ các thông tin về doanh nghiệp và trái phiếu phát hành, khi đã hiểu rõ, biết đầy đủ thông tin… mà vẫn đầu tư, thì khi rủi ro xảy ra sẽ phải chấp nhận. Về phía doanh nghiệp, nếu không tính trước được rủi ro, huy động khối lượng trái phiếu quá lớn, hoạt động sản xuất - kinh doanh bị thua lỗ dẫn đến giải thể, phá sản, thì doanh nghiệp phải chịu hậu quả. Trường hợp doanh nghiệp gian dối thông tin và tình hình tài chính khi phát hành trái phiếu, thì sẽ bị xử lý; nếu vi phạm hình sự, thì xử lý theo Bộ luật Hình sự.

Để bảo vệ nhà đầu tư, tránh rủi ro trên thị trường, công tác quản lý nhà nước với thị trường có vai trò đặc biệt quan trọng. Nếu không hạn chế, khống chế doanh nghiệp phát hành trái phiếu, thì cách nào để thanh tra, kiểm tra, giám sát được, thưa ông?

Các ngân hàng thương mại là nhà phát hành lớn nhất trên thị trường TPDN riêng lẻ, trong 8 tháng của năm 2022 đã phát hành 115.158 tỷ đồng, chiếm 39% tổng khối lượng phát hành. Đồng thời, ngân hàng cũng là nhà đầu tư lớn nhất trên thị trường, trong 8 tháng của năm 2022 đã mua 134.000 tỷ đồng, chiếm 45,34% tổng khối lượng phát hành.

Các công ty chứng khoán cũng đóng vai trò quan trọng trên thị trường TPDN, do đây là tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn hồ sơ chào bán, đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành, đại diện người sở hữu trái phiếu, đồng thời cũng là nhà đầu tư lớn trên thị trường sơ cấp, với khối lượng mua trong 8 tháng của năm 2022 khoảng 70.100 tỷ đồng, chiếm 23,73% tổng khối lượng phát hành.

Vì vậy, thay vì kiểm tra, giám sát tất cả doanh nghiệp phát hành, chúng tôi chỉ “nắm” ngân hàng, công ty chứng khoán. Thông qua việc “quản chặt” những đầu mối này, nếu phát hiện ra doanh nghiệp phát hành vi phạm, sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp ngay.

Tin bài liên quan