Bà Phùng Thị Bình, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) chia sẻ tại hội thảo “Dẫn dòng vốn lớn từ tín dụng xanh”. Ảnh Dũng Minh.

Bà Phùng Thị Bình, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) chia sẻ tại hội thảo “Dẫn dòng vốn lớn từ tín dụng xanh”. Ảnh Dũng Minh.

Phó tổng giám đốc Agribank: Thúc đẩy mở rộng nguồn vốn tín dụng xanh, xu thế tất yếu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) “Để triển khai thành công chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và bền vững cần sự tham gia đồng bộ của tất cả các ban ngành từ trung ương đến địa phương, nếu chỉ một mình hệ thống ngân hàng tham gia thì không khác gì vỗ tay trên một bàn tay trong phát triển tín dụng xanh”.

Đó là nội dung bà Phùng Thị Bình, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) chia sẻ tại hội thảo “Dẫn dòng vốn lớn từ tín dụng xanh” do báo Đầu tư phối hợp cùng Agribank tổ chức sáng ngày 4/12.

Tín dụng xanh là xu thế tất yếu

Bà Bình cho biết, trong thời gian qua Việt Nam đã luôn chú trọng, tích cực triển khai nhiều hoạt động theo các thỏa thuận, cam kết quốc tế nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm phát triển xanh và bền vững. Tại COP 26, Việt Nam đã cam kết với quyết tâm đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Xanh hóa nền kinh tế đang là xu hướng toàn cầu, tín dụng xanh là xu thế tất yếu của nhiều ngân hàng trên thế giới và trở thành một tiêu chí bắt buộc của nhiều tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong thực hiện thành công chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2050 của Việt Nam.

Với tầm quan trọng đó, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành kế hoạch hành động ngành ngân hàng thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2050 và đề án giải pháp triển khai.

Agribank là Ngân hàng thương mại duy nhất 100% vốn nhà nước, là ngân hàng chủ lực trong triển khai chính sách tam nông của Chính phủ. Tính đến ngày 31/10/2023, tổng tài sản của Agribank đạt hơn 1,96 triệu tỷ đồng, dư nợ cho vay nền kinh tế hơn 1,5 triệu tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm khoảng 65%. Vì vậy, việc thực hiện các chương trình tín dụng xanh đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn đóng vai trò quan trọng của Agribank.

Với vai trò chủ lực cung ứng vốn và dịch vụ tài chính cho nông nghiệp, nông thôn, Agribank xác định mục tiêu xây dựng hướng tới nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn thân thiện môi trường và quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng xanh, quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Hiện nay, Agribank đang triển khai hiệu quả 7 chương trình chính sách và 2 chương trình quốc gia trong xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững. Đây là mắt xích quan trọng trong chuỗi liên kết xây dựng phát triển bền vững và hỗ trợ giảm phát thải.

Xanh hóa nền kinh tế đang là xu hướng toàn cầu, tín dụng xanh là xu thế tất yếu của nhiều ngân hàng trên thế giới. Ảnh Dũng Minh.

Xanh hóa nền kinh tế đang là xu hướng toàn cầu, tín dụng xanh là xu thế tất yếu của nhiều ngân hàng trên thế giới. Ảnh Dũng Minh.

Theo Phó tổng giám đốc Agribank, trong thời gian qua, Ngân hàng đã triển khai các giải pháp để thúc đẩy sản xuất xanh và bền vững. Từ năm 2016, Agribank đã đồng hành cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam triển khai chương trình “Nông nghiệp sạch” phát sóng hàng ngày trên VTV1, triển khai chương trình tín dụng nông nghiệp sạch - con đường nông sản việt. Sau một năm thực hiện dư nợ chương trình đạt hơn 30.000 tỷ đồng và là tiền đề để thực hiện chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm).

Agribank tích cực triển khai nhiều dự án có vấn đề liên quan đến môi trường do Ngân hàng Thế giới và các tổ chức tài chính tài trợ như Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học; Dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững; Quản lý rủi ro thiên tai; Hỗ trợ nông nghiệp các-bon thấp; Cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn vùng đồng bằng sông Hồng; năng lượng tái tạo…

Kim ngạch xuất khẩu vẫn là chủ lực của Việt Nam với lợi thế rộng khắp, số lượng khách hàng lớn, Agribank đã triển khai cho vay theo chuỗi khép kín từ người nông dân đến các doanh nghiệp. Các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam theo xu hướng môi trường, đảm bảo các tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu ngoài tiêu chuẩn về chất lượng.

"Đối với phát triển xanh, doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu ra nước ngoài phải theo tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu. Chúng tôi triển khai chuỗi khép kín từ người nông dân đưa đầu vào đến doanh nghiệp sản xuất nên kiểm soát được chất lượng. Như với lúa gạo, trái cây, gỗ cũng theo tiêu chuẩn của nhà nhập khẩu.

Năm 2023 với khó khăn chung của kinh tế thế giới xuất khẩu thủy sản, lâm sản gặp nhiều khó khăn, nhưng chúng ta đã có sự chuẩn bị tham gia tiêu chuẩn xuất khẩu liên quan đến xuất khẩu xanh, Agribank là ngân hàng đi đầu tham gia, trong gói 15.000 tỷ đăng ký tham gia 3.000 tỷ đến nay đối với hai lĩnh vực đã đạt được con số gần gấp đôi", bà Bình chia sẻ.

Trong 12 định hướng phân loại ngành tín dụng xanh, Agribank không chỉ tham gia về lĩnh vực nông nghiệp nông thôn mà còn tham vào các lĩnh vực khác như năng lượng tái tạo, phát triển công nghiệp. Agribank cũng đồng hành với doanh nghiệp dệt may như Công ty cổ phần Đầu tư quốc tế Thagaco (tại Thái Nguyên). Ngoài ra, Ngân hàng không chỉ tham gia lĩnh vực chủ lực là nông nghiệp nông thôn mà còn các lĩnh vực khác.

Song song với đồng hành với khách hàng, Agribank đã triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số, hướng tới xanh hóa hoạt động ngân hàng, cải tiến quy chế quy trình, xây dựng bộ tiêu chí về quản trị rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, định hướng cấp tín dụng đối với các dự án tín dụng xanh để triển khai thống nhất trên toàn hệ thống.

Dư nợ tín dụng xanh tăng trưởng từ 100-380% trong 3 năm

Với những giải pháp triển khai trên, đến nay, Agribank đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Trong giai đoạn 2018-2020, dư nợ tín dụng xanh tăng trưởng nhanh từ 100 - 380%/năm (từ 1.727 tỷ đồng năm 2018 lên 13.010 tỷ đồng năm 2020). Sau giai đoạn này, do ảnh hưởng của các yếu tố vĩ mô như đại dịch Covid-19, căng thẳng leo thang giữa Nga - Ukraine và các nước phương Tây, suy thoái kinh tế của các nền kinh tế lớn trên thế giới ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam..., tốc độ tăng trưởng dư nợ có sự suy giảm nhẹ, tuy nhiên vẫn khá ổn định về giá trị cho vay lẫn số lượng khách hàng.

Tính đến 31/10/2023, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực xanh tại Agribank đạt hơn 12.098 tỷ đồng, với gần 42 nghìn khách hàng còn dư nợ. Trong đó, dư nợ lĩnh vực lâm nghiệp bền vững khoảng 7.000 tỷ đồng, chiếm 55% tổng dư nợ tín dụng xanh; tiếp đến là lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, công nghiệp...

Đa dạng hình thức cấp tín dụng và đối tượng khách hàng, lĩnh vực nông nghiệp có chuỗi liên kết từ người dân đến doanh nghiệp, lĩnh vực công nghiệp, trước đây có DN chuyên nhập khẩu than vận hành lò hơi cho DN sản xuất hiện thay thế than bằng các viên nén từ gỗ, trấu góp phần đảm bảo phát triển xanh.

Thúc đẩy, mở rộng phát triển tín dụng xanh

Về định hướng thúc đẩy và mở rộng phát triển tín dụng xanh của Agribank trong thời gian tới, ngoài thực hiện theo yêu cầu của NHNN (Thông tư 17), bà Phùng Thị Bình, Phó tổng giám đốc Agribank đưa ra 4 giải pháp.

Thứ nhất, triển khai áp dụng chính sách quản trị rủi ro môi trường và xã hội (ESG) trong hoạt động cấp tín dụng, ban hành khung tài chính xanh, khung tài chính xã hội chính sách ESG trong vận hành của ngân hàng, xác định mục tiêu cụ thể và xây dựng lộ trình triển khai trong ngắn hạn và dài hạn nhằm tạo môi trường thuận lợi trong phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh và thu hút các nguồn vốn quốc tế xanh và bền vững. Hoàn thiện tổ chức, chức năng nhiệm vụ của các tổ chức liên quan trong triển khai thực hiện ESG

Thứ hai, ưu tiên cung ứng vốn và dịch vụ tài chính phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân; tiếp tục duy trì tỷ trọng cho vay nông nghiệp nông thôn chiếm 60-70% tổng dư nợ.

Thứ ba, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện quyết định 1490, có chính sách ưu đãi khuyến khích cho vay các dự án, phương án kinh doanh hiệu quả thân thiện với môi trường, phù hợp với định hướng kinh doanh, phân khúc khách hàng, thị trường mục tiêu cũng như năng lực, thế mạnh của Agribank

Thứ tư, chủ động tìm kiếm các đầu mối thông qua các tổ chức, chuẩn bị phát hành trái phiếu xanh tăng vốn.

Bà Bình chia sẻ thêm, Agribank đang đẩy mạnh phát triển các sản phẩm dịch vụ tài chính các hộ gia đình kinh doanh, tiện ích công nghệ số, xây dựng thói quen thân thiện môi trường cho khách hàng, xây dựng triển khai các biện pháp tổng thể, tổ chức đào tạo nhằm nâng cao kiến thức cho nhân viên thẩm định rủi ro các dự án.

Trong quá trình triển khai, Agribank cũng gặp một số khó khăn cho vay tín dụng xanh. Điển hình, qua thực tiễn tiếp cận với khách hàng theo xu hướng chung phát triển dự án điện sử dụng nhiên liệu sạch như viên nén gỗ, trấu, mùn cưa, các dự án này để triển khai được từ khâu trồng rừng đến xây dựng nhà máy phát triển điện bằng nguyên liệu như trên, thời gian dài và nguồn vốn lớn. Agribank là ngân hàng thương mại khi thực hiện một dự án không chỉ quan tâm về điều kiện môi trường xã hội mà còn tính đến hiệu quả, khi một dự án lần đầu triển khai, Ngân hàng cũng phải thận trọng tính toán.

"Nếu đầu tư một dự án điện thông thường như thủy điện, nhiệt điện đã có giá mua điện cụ thể, còn đối với dự án nhà máy điện mới sẽ khó khăn hơn", bà Bình nhấn mạnh.

Từ năm 2021, khi Việt Nam có tuyên bố tại COP 26 có sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông, báo chí, thông tin nhiều về chương trình phát triển xanh, trong quá trình làm việc có truyền thông lớn, nhưng nhận thức của người vay nói về tín dụng xanh còn hạn chế, họ tập trung vào hiệu quả trước mắt, chưa có nhận thức rõ ràng về chuẩn hóa môi trường, xã hội, khó khăn trong đưa vốn vào lĩnh vực này.

Tín dụng xanh đòi hỏi kiến thức chuyên sâu, Agribank cho biết phải đào tạo cán bộ nắm bắt kiến thức. Hiện nay, tại các địa phương hợp tác chặt chẽ với hội nông dân, hội phụ nữ, định hướng người dân dần chuyển sang phát triển xanh.

Bà Bình đề xuất thúc đẩy hấp thụ vốn tín dụng xanh nói chung và trái phiếu xanh, chứng chỉ carbon nói riêng. Các cơ quan liên quan rà soát hành lang pháp lý sớm phân loại tín dụng xanh, ưu tiên lĩnh vực nào trước, lĩnh vực nào sau.

Gần đây đã truyền thông đến thị trường chứng chỉ carbon cần được đẩy mạnh. Bà đưa ra ví dụ, đối với dự án từ trồng rừng đến phát triển điện sạch, doanh nghiệp trồng bao nhiêu rừng, có bao nhiêu chứng chỉ carbon, sẽ hỗ trợ quá trình tiếp cận nguồn vốn từ chứng chỉ carbon, phát triển dài hạn.

Ngoài ra, cần tăng cường chủ động tiếp cận các nguồn vốn xanh thông qua các đầu mối. Agribank đã tiếp cận các nguồn vốn này nhưng mới ban đầu tài trợ tư vấn kỹ thuật còn vay dài hạn chưa thực hiện được.

Agribank đa dạng hóa sản phẩm tín dụng xanh, đa dạng hóa khách hàng, nâng cao khả năng cạnh tranh; Đào tạo nâng cao năng lực cho khách hàng, cán bộ ngân hàng về tín dụng xanh, nâng cao năng lực đảm bảo môi trường, xã hội.

“Để triển khai thành công chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và bền vững cần sự tham gia đồng bộ của tất cả các ban ngành từ trung ương đến địa phương, nếu chỉ một mình hệ thống ngân hàng tham gia thì không khác gì vỗ tay trên một bàn tay trong phát triển tín dụng xanh. Cần sự đồng hành vào cuộc của các cơ quan ban ngành như ban hành các thể chế, nguồn lực tài chính hỗ trợ các tập thể, cá nhân tham gia vào quá trình này, bởi đó là xu hướng phát triển tất yếu của toàn cầu”, bà Phùng Thị Bình, Phó tổng giám đốc Agribank nhấn mạnh.

Tin bài liên quan