Phớt lờ lạm phát, giới đầu tư vẫn nỗ lực gom hàng

Phớt lờ lạm phát, giới đầu tư vẫn nỗ lực gom hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall duy trì đà khởi sắc trong phiên thứ Sáu cuối tuần (28/5), đánh dấu một tuần tăng điểm nhờ sự hỗ trợ từ dữ liệu kinh tế tích cực, mặc dù lạm phát vẫn đang ở mức cao nhất trong khoảng 13 năm.

Thứ Sáu, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) tháng 4, dữ liệu quan trọng và là thước đo lạm phát mà Fed ưa thích, được Bộ Thương mại Mỹ công bố. Theo đó, chỉ số PCE tháng 4 đạt mức 3,6%, mức cao nhất ghi nhận được từ năm 2008 và cao hơn nhiều so với mức 2,9% được các chuyên gia dự báo.

Trong khi đó, PCE cốt lõi, không tính đến biến động thực phẩm và năng lượng, tăng 0,7% trong tháng 4, vượt dự báo tăng 0,6% từ giới phân tích và cao hơn so với mức tăng 0,4% hồi tháng 3. Trong 12 tháng tính đến tháng 4, PCE cốt lõi tăng 3,1%, vượt mục tiêu 2% do Fed đề ra.

Thông tin về chỉ số giá tiêu dùng cá nhân được đưa ra khi thu nhập của người tiêu dùng Mỹ giảm 13,1% trong tháng 4, sau khi chương trình trợ cấp tiền mặt của chính phủ kết thúc, tuy nhiên chi tiêu của người tiêu dùng vẫn tăng 0,5%.

Mặt khác, chỉ số PMI Chicago tăng lên 75,2 điểm vào tháng 5 từ 72,1 của tháng trước đó, ghi nhận mức cao nhất kể từ tháng 12/983.

“Báo cáo việc làm tháng 5 được công vào cuối tuần này sẽ là dữ liệu quan trọng đối với Fed trong việc quyết định đường lối chính sách tiền tệ của mình, đặc biệt là khi lạm phát và triển vọng lạm phát tăng vọt”, BofA Global Research cho biết.

Nỗi lo lạm phát dường như cũng đang len lỏi vào tâm lý người tiêu dùng Mỹ. Chỉ số tâm lý người tiêu dùng tháng 5 do Đại học Michigan nghiên cứu được công bố hôm thứ Sáu giảm xuống mức 82,9, từ mức cao nhất trong 13 tháng là 88,3 của tháng 4.

Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Joe Biden hôm 28/5 đề xuất một khoản ngân sách trị giá 6.000 tỷ USD nhằm tái tạo nền kinh tế Mỹ, cũng như nâng cao khả năng cạnh tranh của nước này trong tương lai.

Trong một thông báo về đề xuất trên, ông Biden cho biết, nước Mỹ sau đại dịch "không thể đủ khả năng để trở lại như trước đây theo một cách đơn giản”, đồng thời cho rằng đây là thời điểm cần nắm bắt để tái tạo và "định hình lại" một nền kinh tế Mỹ mới.

Theo kế hoạch chi tiết của đề xuất, quỹ liên bang sẽ chi hơn 6.000 tỷ USD vào năm 2022 và tăng dần lên 8.200 tỷ USD vào năm 2031. Số tiền này gấp đôi so với chi tiêu liên bang trước đại dịch thời Trump và là mức chi tiêu cao nhất kể từ sau Thế chiến II.

Gói ngân sách này sẽ ưu tiên tăng đầu tư cho cơ sở hạ tầng, giáo dục và chống biến đổi khí hậu, vốn là các ưu tiên quen thuộc của đảng Dân chủ nhiệm kỳ đầu. Kế hoạch lập tức thu hút sự khen ngợi từ các đảng viên Dân chủ, bao gồm Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi. Ngược lại, mức chi tiêu "khủng" vấp phải sự phản ứng quyết liệt của đảng Cộng hòa.

Thị trường tài chính Mỹ sẽ đóng cửa vào thứ Hai để nghỉ lễ Ngày Tưởng niệm.

Kết thúc phiên 28/5, chỉ số Dow Jones tăng 64,81 điểm (+0,19%), lên 34.529,45 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 3,23 điểm (+0,08%), lên 4.204,11 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 12,46 điểm (+0,09%), lên 13.748,74 điểm.

Kết thúc tuần, Dow Jones tăng 0,94%, S&P 500 tăng 1,16%, Nasdaq Composite tăng 2,06%. Trong tháng 5, Dow Jones tăng 1,93%, S&P 500 tăng 0,55%, Nasdaq Composite giảm 1,53%.

Chứng khoán châu Âu có phiên cuối tuần tích cực khi thị trường đặt kỳ vọng vào việc Mỹ tăng chi tiêu tài chính. Đồng thời, sự lạc quan về tăng trưởng kinh tế vẫn là yếu tố trụ cột thúc đẩy chứng khoán châu Âu trong bối cảnh khu vực này dần nới lỏng các hạn chế Covid-19 với chiến dịch tiêm chủng ổn định.

Kết thúc phiên 28/5, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 2,94 điểm (+0,04%), lên 7.022,61 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 113,25 điểm (+0,74%), lên 15.519,98. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 48,40 điểm (+0,75%), lên 6.484,11 điểm.

Kết thúc tuần, FTSE 100 tăng 0,06%, DAX tăng 0,53%, CAC 40 tăng 1,53%.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản tăng mạnh khi các nhà đầu tư đổ xô tìm mua các cổ phiếu giảm sâu do ảnh hưởng từ việc MSCI tái cơ cấu trong phiên trước.

Chứng khoán Trung Quốc sụt giảm trong phiên cuối tuần song đã có tuần tốt nhất trong hơn ba tháng, khi những lo lắng về lạm phát và thắt chặt chính sách giảm bớt và đồng nhân dân tệ mạnh thúc đẩy dòng vốn nước ngoài vào thị trường chứng khoán nước này.

Chứng khoán Hồng Kông gần như không đổi khi đà tăng của các công ty tài nguyên đã bù đắp cho sự sụt giảm ở nhóm cổ phiếu công nghệ và chăm sóc sức khỏe.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng nhờ nhóm cổ phiếu ô tô và công nghệ lớn, trong khi đà tăng trên phố Wall đêm trước cũng thúc đẩy tâm lý giới đầu tư.

Kết thúc phiên 28/5, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 600,40 điểm (+2,10%), lên 29.149,41 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 8,07 điểm (-0,22%), xuống 3.600,78 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 11,21 điểm (+0,04%), lên 29.124,41 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 23,22 điểm (+0,73%), lên 3.188,73 điểm.

Trong tuần, Nikkei 225 tăng 2,94%, Shanghai Composite tăng 3,28%, Hang Seng tăng 2,34%, KOSPI tăng 1,02%.

Giá vàng phiên ngày thứ Sáu tăng trở lại lên trên mốc tâm lý 1.900 USD/ounce, khi Mỹ công bố chỉ số PCE tăng mạnh, cho thấy lạm phát đang tăng mạnh. Vàng được các nhà đầu tư lựa chọn là nơi trú ẩn an toàn trong bối cảnh lạm phát đi lên.

Kết thúc phiên 28/5, giá vàng giao ngay tăng 7,60 USD (+0,40%), lên 1.903,50 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 6,80 USD (+0,36%), lên 1.902,50 USD/ounce.

Trong tuần, giá vàng giao ngay tăng 1,21%, giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 1,37%.

Trong khảo sát về giá vàng tuần tới của Kitco với 14 chuyên gia trên phố Wall, 8 người dự báo vàng sẽ tăng giá, 3 người cho rằng giá vàng giảm và 3 người dự báo giá vàng sẽ đi ngang.

Đối với khảo sát trực tuyến với 1.236 người tham gia, 67% tin rằng giá vàng sẽ tăng, 17% cho rằng giá vàng giảm và 16% có quan điểm giá vàng sẽ ít thay đổi.

Giá dầu giảm nhẹ trong phiên cuối tuần qua khi dữ liệu kinh tế mạnh mẽ của Mỹ thúc đẩy kỳ vọng nhu cầu toàn cầu phục hồi, song không thể xóa bỏ được hết lo ngại nguồn cung sẽ nhiều hơn từ Iran sau khi các lệnh trừng phạt được gỡ bỏ. Tuy nhiên, dầu có tuần thăng hoa khi cả dầu WTI và dầu Brent đều tăng khoảng 5%, chạm mức giá cao nhất trong hai năm.

Kết thúc phiên 28/5, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI giảm 0,53 USD (-0,79%), xuống 66,32 USD/thùng, giá dầu thô Brent giảm 0,17 USD (-0,2%), xuống 69,63 USD/thùng.

Trong tuần, giá dầu WTI tăng 5,06%, giá dầu Brent tăng 4,8%.

Tin bài liên quan