PVTrans tiếp nhận tàu PVT Azura từ ngày 9/2/2021, nằm trong chiến lược trẻ hóa đội tàu và phát triển ra thị trường quốc tế.

PVTrans tiếp nhận tàu PVT Azura từ ngày 9/2/2021, nằm trong chiến lược trẻ hóa đội tàu và phát triển ra thị trường quốc tế.

PVTrans: Lớn mạnh, vươn mình ra thế giới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tiếp nối thành công của năm 2020, Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (PVTrans, mã chứng khoán PVT) tiếp tục cho thấy dấu hiệu tích cực trong giai đoạn 6 tháng đầu năm 2021 và triển vọng những tháng cuối năm.

Kết quả kinh doanh duy trì đà tăng trưởng

Năm 2020, thế giới phải đối mặt với đại dịch Covid-19, giá dầu biến động bất thường, nhưng bằng những nỗ lực, cố gắng và sự chỉ đạo của Ban lãnh đạo PVTrans, doanh nghiệp xuất sắc hoàn thành vượt mức kế hoạch kinh doanh.

Kết thúc năm 2020, PVTrans đạt doanh thu 7.730 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 830 tỷ đồng, lần lượt vượt 25% và 92% kế hoạch. Tính chung từ năm 2013 tới nay, doanh nghiệp liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng dương so với nhiều doanh nghiệp trong ngành có kết quả kinh doanh liên tục biến động.

Xét về cơ cấu lợi nhuận gộp năm 2020, lĩnh vực dịch vụ vận tải đạt 721 tỷ đồng, chiếm 64,5% tổng lợi nhuận gộp; dịch vụ hàng hải dầu khí đạt 381 tỷ đồng, chiếm 34,1% tổng lợi nhuận gộp.

Cơ cấu lợi nhuận gộp của doanh nghiệp trong nhiều năm trở lại đây chủ yếu đến từ dịch vụ vận tải (bao gồm vận tải dầu thô, vận tải LPG, vận tải dầu/hoá chất…), dịch vụ hàng hải dầu khí.

Ông Phạm Việt Anh, Tổng giám đốc PVTrans cho biết, hoạt động vận tải nội địa cơ bản ổn định nhờ vận chuyển hàng cho các khách hàng lớn liên quan tới Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Tổng công ty vận chuyển dầu thô từ các mỏ nội địa về Nhà máy lọc dầu Dung Quốc; vận chuyển cho PVOil và các đầu mối xăng dầu khác từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn; vận chuyển LPG cho BSR, PVGas; vận chuyển than cho Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1…

Tại Đại hội cổ đông năm 2021 vừa qua, Ban lãnh đạo PVTrans chia sẻ, 6 tháng đầu năm nay, Tổng công ty ước đạt doanh thu 3.500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 420 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 84% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Trong giai đoạn đầu năm, giá dầu thế giới có diễn biến tích cực. Kể từ đầu năm tới ngày 8/6/2021, giá dầu Brent tăng hơn 37%, lên 71 USD/thùng; giá dầu WTI tăng hơn 40%, lên 68 USD/thùng. Tính từ đáy tháng 3/2020, giá dầu Brent đã tăng 3,94 lần, giá dầu WTI tăng 4,85 lần.

Nhờ xu hướng tăng tích cực của giá dầu, PVN công bố kết quả kinh doanh khả quan trong 5 tháng đầu năm 2021, tổng doanh thu đạt 227.300 tỷ đồng, tăng 16%; lợi nhuận trước thuế đạt 144.900 tỷ đồng, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2020; hoạt động khai thác dầu cũng gặt hái được nhiều thành công.

Với việc giá dầu phục hồi và dự báo tiếp tục tăng, kỳ vọng hoạt động khai thác, sản xuất, vận chuyển dầu sẽ sôi động hơn. Trước đây, khi giá dầu giao dịch ở vùng thấp (30 - 40 USD/thùng), nhiều doanh nghiệp trong ngành dầu khí gặp khó khăn và hoạt động khai thác diễn ra chậm lại. Giá dầu hiện nay hồi phục là cơ hội để doanh nghiệp dầu khí gia tăng sản lượng khai thác, từ đó giúp PVTrans có thể tăng sản lượng vận chuyển.

Năm 2021, PVTrans đặt kế hoạch đạt tổng doanh thu 6.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 404 tỷ đồng. Giải thích cho kế hoạch lợi nhuận thận trọng, Ban lãnh đạo Tổng công ty chia sẻ, kế hoạch là vậy, nhưng doanh nghiệp luôn phấn đấu thực hiện vượt xa kế hoạch.

Minh chứng cho điều này, trong giai đoạn 2018 - 2020, PVTrans đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Cụ thể, năm 2018 ghi nhận lợi nhuận 780,1 tỷ đồng, hoàn thành 218,5% kế hoạch, năm 2019 đạt 820,7 tỷ đồng, hoàn thành 205,2% kế hoạch và năm 2020 đạt 830,4 tỷ đồng, hoàn thành 191,8% kế hoạch.

Xét về lợi nhuận, kể từ năm 2012 đến 2020, PVTrans liên tục ghi nhận tốc độ tăng trưởng lợi nhuận dương, trong khi một số doanh nghiệp cùng ngành như Công ty cổ phần Vận tải Xăng dầu Vitaco (VTO), Công ty cổ phần Vận tải Xăng dầu VIPCO (VIP), Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVX) có những năm kinh doanh khó khăn, lợi nhuận suy giảm.

80% đội tàu hoạt động tại thị trường quốc tế

PVTrans hiện là công ty vận tải biển số 1 Việt Nam, sở hữu đội tàu hiện đại gồm 34 chiếc, đa chủng loại từ tàu dầu thô, tàu dầu sản phẩm/hóa chất, tàu LPG và tàu hàng rời.

Trải qua hơn 19 năm thành lập và phát triển, PVTrans không ngừng lớn mạnh và tính tới cuối năm 2020 đã nâng đội tàu lên 34 chiếc. Trong đó, giai đoạn 2015-2020, doanh nghiệp liên tục đầu tư thêm các tàu mới để thực hiện chiến lược trẻ hoá đội tàu, năm 2015 đầu tư thêm tàu Đại Hùng Queen, năm 2017 đầu tư thêm 4 tàu chở dầu sản phẩm và LPG, năm 2018 đầu tư thêm 7 tàu…

Nhờ chiến lược đẩy mạnh trẻ hoá đội tàu, cũng như tập trung vào ngành cốt lõi, PVTrans củng cố vị thế là doanh nghiệp vận tải hàng lỏng số 1 Việt Nam, vận chuyển dầu thô chiếm lĩnh 100% thị phần, vận chuyển dầu sản phẩm chiếm lĩnh 30% thị phần và vận chuyển LPG chiếm lĩnh 100% thị phần tại thị trường nội địa.

Không dừng lại ở thị trường nội địa, PVTrans từng bước hiện diện nhiều hơn trên trường quốc tế. Trong năm 2020, Tổng công ty có 80% đội tàu hoạt động tại thị trường quốc tế với hình thức khai thác đa dạng, giúp doanh nghiệp xây dựng được thương hiệu quốc tế, giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường nội địa vốn đang bão hoà.

Bước sang năm 2021, công ty mẹ dự kiến đầu tư mới 4 tàu. Trong đó, 2 tàu chở dầu/hoá chất khoảng 10.000 - 25.000 DWT với giá trị 39 triệu USD; 1 tàu chở hàng rời khoảng 50.000 - 80.000 DWT với giá trị 15 triệu USD; 1 tàu chở dầu thô Aframax khoảng 105.000 - 120.000 DWT với giá khoảng 26,5 triệu USD. Ngoài ra, các đơn vị thành viên dự kiến đầu tư mới 11 tàu.

Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2021, Ban lãnh đạo PVTrans chia sẻ, giá đầu tư tàu mới vẫn đang ở vùng đáy 10 năm, mặc dù tăng nhẹ so với năm 2019 và năm 2020. Đây là vùng giá trung bình thấp để có thể đầu tư và thực hiện trẻ hoá đội tàu.

Được biết, khác với các công ty khác khi đầu tư đội tàu sẽ chấp nhận lỗ trong những năm đầu vận hành, PVTrans khi đưa tàu mới vào khai thác đều có lãi ngay năm đầu vận hành nhờ chiến lược đầu tư thận trọng của Ban lãnh đạo.

Có thể thấy, ngay khi đang dẫn đầu thị phần vận tải hàng lỏng tại Việt Nam, Ban lãnh đạo PVTrans đã bắt đầu xây dựng chiến lược vươn mình ra biển lớn, vừa thực hiện đầu tư đội tàu mới, vừa từng bước tăng hiện diện trên trường quốc tế. Việc tiếp tục trẻ hoá đội tàu sẽ giúp PVTrans cải thiện hiệu quả vận hành và gia tăng tính cạnh tranh khi bước vào sân chơi lớn hơn.

Tin bài liên quan