Quản trị công ty gia đình đang cản bước nhiều doanh nghiệp Việt

Quản trị công ty gia đình đang cản bước nhiều doanh nghiệp Việt

(ĐTCK) HĐQT công ty có các thành viên gồm phần lớn là người trong một gia đình, trong khi chính những người này lại đảm nhận luôn các chức vụ điều hành doanh nghiệp; chủ tịch công ty không tin tưởng người ngoài nên hạn chế giao các chức vụ quan trọng trong doanh nghiệp cho những người thực sự có tài; đây chính là lý do đẩy nhiều doanh nghiệp Việt Nam đi lùi, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản.

Trước mùa ĐHĐCĐ năm nay, cổ đông lớn của một tập đoàn tư nhân hàng đầu Việt Nam đã kịch liệt phản đối chuyện HĐQT dự kiến bổ nhiệm giám đốc tài chính. Lý do là vị trí quan trọng này được đề cử cho một ứng viên hiện là người nhà của Chủ tịch Tập đoàn.

Đáng chú ý, em trai của Chủ tịch hiện giữ vị trí Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính của Tập đoàn, mà doanh nghiệp lại dự kiến đưa vợ vị Phó tổng giám đốc trên vào ghế giám đốc tài chính.

Khoan hãy nói đến trình độ và năng lực của ứng viên, nhìn vào mối quan hệ gia đình kể trên, các cổ đông không khỏi lo ngại đặt ra câu hỏi rằng: “Với cách tổ chức như vậy, có cơ chế giám sát nào để kiểm soát công việc và liệu có tránh được rủi ro phát sinh với doanh nghiệp vì quy mô tài chính của Công ty hiện rất lớn?”.

Sau nhiều cuộc trao đổi, cuối cùng vị Chủ tịch Tập đoàn đã phải nhượng bộ và từ bỏ ý định trên. Dù là một tập đoàn lớn, có quan hệ giao thương với hàng chục thị trường nước ngoài nhưng ông Chủ tịch vẫn ôm đồm nhiều việc, từ ký kết các hợp đồng có giá trị kinh tế nhỏ đến kiểm soát đề xuất tăng lương cho các nhân sự…

Việc tự tay giải quyết tất cả chuyện “lặt vặt” có thể dẫn đến bỏ qua những việc cần thiết, có lợi với Tập đoàn, trong khi đó vẫn tồn tại nhiều lỗ hổng khiến cơ chế hoạt động của doanh nghiệp không hiệu quả. Khi thị trường khó khăn, việc hạn chế ở mức thấp nhất các tổn thất khó có thể thực hiện được.

“Hạn chế của vị chủ tịch này là không tin người ngoài, vì thế ông khó có thể kiếm được người giỏi để hỗ trợ mình”, đối tác của doanh nghiệp nhận xét.

Trên sàn HOSE, CTCP Thuận Thảo (GTT) cũng là một trường hợp điển hình của mô hình quản trị công ty gia đình. Tại doanh nghiệp này, gia đình bà Chủ tịch Võ Thị Thanh nắm quyền kiểm soát chủ yếu (chiếm đa số ghế trong HĐQT).

Tuy là doanh nghiệp niêm yết nhưng GTT thiếu yếu tố đại chúng và không có các nhà đầu tư lớn tham gia bỏ vốn vào. ĐHCĐ 2015 của Công ty chỉ có 32 cổ đông đại diện cho 41,08% tổng số cổ phần của Công ty (chủ yếu là gia đình bà Thanh) tham dự nên phải tổ chức đến lần thứ 3 mới thành công.

Hội đồng quản trị GTT bầu mới năm 2015 có 5 người, bao gồm bà Võ Thị Thanh - Chủ tịch HĐQT và 4 thành viên: ông Võ Hoàng Chương (con trai bà Thanh), bà Võ Thanh Minh Hằng (con gái bà Thanh), bà Đặng Thị Nguyệt Thương và ông Trần Quốc Hiến. HĐQT nhiệm kỳ trước còn có cả chồng bà Thanh là ông Võ Văn Thuận. 

Không chỉ vậy, các thành viên HĐQT đều kiêm nhiệm luôn việc điều hành doanh nghiệp. Cụ thể, bà Thanh là Tổng giám đốc GTT, các con là Phó tổng giám đốc, nắm giữ các vị trí chủ chốt trong doanh nghiệp.

Giới phân tích nhận xét rằng, thiếu yếu tố phản biện, HĐQT GTT khó có thể hoạt động hiệu quả. Đó là chưa kể, doanh nghiệp gia đình dễ mắc phải những căn bệnh như nể nang hoặc sức ỳ lớn. Năm 2014, GTT lỗ 186 tỷ đồng; năm 2015, Công ty lỗ tiếp 119 tỷ đồng.

Dù trước khi ra mắt HĐQT nhiệm kỳ mới bà Võ Thị Thanh cam kết, HĐQT nhiệm kỳ mới sẽ quyết tâm đưa Thuận Thảo vượt qua giai đoạn khó khăn và tiếp tục vững mạnh trong tương lai. Giải pháp để “thoát lầy” vẫn chung chung như trước đây, đó là tái cấu trúc hệ thống quản lý Công ty, cắt giảm chi phí, xin giãn/hoãn nợ, xin chậm nộp thuế, bán tài sản…

Tính đến cuối năm 2015, lỗ lũy kế của GTT đã lên đến hơn 302 tỷ đồng, chiếm gần 70% vốn điều lệ của Công ty

Không hẳn công ty gia đình nào cũng có những vấn đề về quản trị doanh nghiệp, song nếu chủ doanh nghiệp không bản lĩnh, cầu thị và có những quân sư “giỏi” sẽ rất dễ mắc phải các vết xe đổ, gây ra bước cản cho tiến trình phát triển của doanh nghiệp.

Tin bài liên quan