Rủi ro địa chính trị là mối đe dọa toàn cầu hàng đầu đối với các doanh nghiệp

Rủi ro địa chính trị là mối đe dọa toàn cầu hàng đầu đối với các doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo khảo sát mới nhất của Oxford Economics, các doanh nghiệp đang xem căng thẳng địa chính trị là mối đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế toàn cầu.

Jamie Thompson, người đứng đầu các kịch bản vĩ mô và là tác giả của cuộc khảo sát cho biết, phát hiện này “xác nhận” rằng nhận thức về rủi ro kinh tế đã thay đổi đáng kể đối với các doanh nghiệp.

“Căng thẳng địa chính trị hiện là trọng tâm chính của mối quan tâm, cả trong ngắn hạn và trung hạn”, ông cho biết.

Khoảng 36% doanh nghiệp được khảo sát cho biết đang xem căng thẳng địa chính trị là rủi ro hàng đầu hiện nay, chẳng hạn như những rủi ro liên quan đến các vấn đề về Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và Nga-NATO.

Ngược lại, một cuộc khảo sát tương tự vào tháng 4 cho thấy, gần một nửa số doanh nghiệp được khảo sát xem việc thắt chặt nguồn cung tín dụng hoặc một cuộc khủng hoảng tài chính toàn diện là rủi ro hàng đầu trong thời gian tới.

Cuộc khảo sát rủi ro toàn cầu quý III/2023 mới nhất của Oxford Economics bao gồm 127 doanh nghiệp tham gia từ ngày 6/7 đến ngày 27/7.

Những phát hiện được đưa ra trong bối cảnh mối quan hệ căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh, khi quan hệ song phương xuống mức thấp nhất trong nhiều năm. Về vấn đề Đài Loan, Trung Quốc khẳng định đây là vấn đề nội bộ và cảnh báo Mỹ rằng đây là một lằn ranh đỏ không được vượt qua. Trong khi đó, xung đột Nga-Ukraine đã làm căng thẳng mối quan hệ của Nga với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Nỗi lo lạm phát giảm bớt

Cuộc khảo sát mới nhất lưu ý rằng, trong khi các doanh nghiệp tiếp tục xem lạm phát cao là một “rủi ro ngắn hạn đáng kể”, thì họ có vẻ tin tưởng hơn rằng vấn đề này cuối cùng sẽ giảm bớt.

“Kỳ vọng của những người được hỏi về lạm phát giá tiêu dùng thế giới ở mức 3,7% vào năm 2024, thấp hơn 0,2% so với dự báo cơ sở mới nhất của chúng tôi. Lạm phát kỳ vọng trong trung hạn đã giảm đáng kể sau những mức tăng đã thấy trong hai năm qua”, ông Jamie Thompson cho biết.

Cuộc khảo sát cũng nhấn mạnh những lo ngại về rủi ro liên quan đến hệ thống ngân hàng đã giảm bớt, nhưng các vấn đề vẫn còn nhiều.

Khoảng 30% doanh nghiệp được khảo sát cho biết vẫn xem việc thắt chặt nguồn cung tín dụng hoặc một cuộc khủng hoảng tài chính toàn diện là một trong những rủi ro hàng đầu trong thời gian tới.

Một số nhà đầu tư kỳ cựu của phố Wall đã dự đoán chu kỳ tăng lãi suất liên tục của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có thể dẫn đến nhiều ngân hàng khu vực của Mỹ phá sản.

Rủi ro phía trước

Rủi ro địa chính trị tiếp tục là yếu tố nổi bật đối với các doanh nghiệp như một mối quan tâm chính trong vòng 5 năm tới. Hơn 60% doanh nghiệp được khảo sát xem đó là một “rủi ro rất lớn” đối với nền kinh tế toàn cầu.

“Như đã báo cáo trong quý trước, hơn 3/5 số người được hỏi coi rủi ro địa chính trị là rủi ro rất lớn đối với nền kinh tế toàn cầu trong trung hạn. Việc gia tăng căng thẳng địa chính trị có khả năng kích hoạt quá trình phi toàn cầu hóa đáng kể đối với thương mại và hệ thống tài chính”, ông Jamie Thompson cho biết.

Phi toàn cầu hóa là rủi ro được trích dẫn nhiều thứ ba trong cuộc khảo sát mới nhất, với 23% doanh nghiệp được khảo sát xem là “rủi ro rất đáng kể”.

Khoảng 25% xem việc cắt giảm lãi suất chính sách sớm là một trong những yếu tố hàng đầu thúc đẩy đà tăng trưởng. Về Trung Quốc, các doanh nghiệp nhận thấy “ít cơ hội phục hồi do Trung Quốc thúc đẩy hơn”.

Tốc độ mở cửa trở lại của Trung Quốc với tư cách là điểm sáng hàng đầu trên toàn cầu đã giảm gần một nửa trong 3 tháng qua, giảm 10% trong cuộc khảo sát mới nhất so với 19% vào tháng 4.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) gần đây đã lưu ý rằng, sự phục hồi kinh tế hậu Covid của Trung Quốc đang mất đà và gây thiệt hại cho nền kinh tế thế giới.

IMF cho biết trong một báo cáo: “Sự suy yếu tiếp tục trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc đang đè nặng lên hoạt động đầu tư, nhu cầu nước ngoài vẫn yếu và tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên ngày càng tăng cao, ở mức 20,8% vào tháng 5/2023, cho thấy sự yếu kém của thị trường lao động”.

Tin bài liên quan