CEO SAAB Jan Ake Jonsson.

CEO SAAB Jan Ake Jonsson.

SAAB đứng trước bước ngoặt mới

(ĐTCK) Hôm nay (22/2/2009) đánh dấu sự khởi đầu của một chương mới trong lịch sử 62 năm tồn tại của SAAB (SAAB ra đời năm 1947).

Ngày 22/2/2009, SAAB, thương hiệu xe ô tô cao cấp của Thuỵ Điển thuộc quyền sở hữu của General Motors - GM, tập đoàn sản xuất ô tô lớn nhất thế giới của Mỹ đã chính thức đệ đơn xin bảo hộ để tiến hành tái cơ cấu theo Luật Tái cơ cấu công ty của Thuỵ Điển (Swedish Company Reorganization Act). Toà án khu vực Vanersborg đã chấp thuận đơn này. Theo luật pháp Thuỵ Điển, Công ty SAAB Automobile tạm thời sẽ nằm dưới quyền điều hành của 3 người do Toà án chỉ định. Đó là Jan Ake Jonsson, Giám đốc điều hành SAAB; luật sư Guy Lofalk và Stephen Taylor, một chuyên gia quốc tế chuyên về tái cơ cấu doanh nghiệp. Mặc dù vẫn chỉ là giải pháp trung dung, mang tính tình thế, song đây được coi là kết thúc “có hậu” với SAAB, một thương hiệu xe ô tô có thời lừng lẫy và từng là niềm tự hào của Thuỵ Điển (bên cạnh thương hiệu xe Volvo).

Ông Jan Ake Jonsson phát biểu: “Hôm nay (22/2/2009) đánh dấu sự khởi đầu của một chương mới trong lịch sử 62 năm tồn tại của SAAB (SAAB ra đời năm 1947). Chúng ta đang xây dựng lại SAAB Automobile như một thực thể độc lập. SAAB là một thương hiệu có tiếng tại thị trường Thuỵ Điển và quốc tế. Chúng ta có nhà máy sản xuất ô tô có công nghệ hiện đại và có nhiều mẫu xe mới sắp được đưa ra sản xuất hàng loạt. Đó chính là lý do tại sao chúng ta chọn con đường này. Tuy chắc chắn còn nhiều chông gai ở phía trước, song chúng ta đang đặt nền tảng vững chắc cho sự khởi đầu mới”.

Đến thời điểm này, lãnh đạo SAAB mới có thể phát biểu một cách lạc quan như vậy, chứ trong vài tuần qua, có lúc SAAB đã phải tính đến nước... đóng cửa nhà máy và xoá sổ.

Nguyên do là GM sở hữu 100% cổ phần của SAAB cũng đang khốn đốn, đứng trước nguy cơ phá sản và phải cầu viện sự trợ giúp tài chính trị giá hàng chục tỷ USD của Chính phủ Mỹ để tồn tại.

Để nhận được trợ giúp, GM cũng buộc phải tái cơ cấu, đóng cửa những nhà máy làm ăn thua lỗ, bán đi những thương hiệu không sinh lời... Năm 1990, khi đang “ăn nên làm ra” GM mua 50% cổ phần của SAAB (với giá 600 triệu USD) để rồi 10 năm sau vào năm 2000, “ôm trọn” 100% cổ phần của thương hiệu xe Thuỵ Điển này. Trong suốt 19 năm qua, trừ năm 2000 có lãi, các năm còn lại SAAB đều bị lỗ. Thông thường, lẽ ra SAAB phải bị GM “đẩy đi” đầu tiên, song sở dĩ GM cứ lấn cấn muốn giữ lại SAAB, bởi thương hiệu này đã từng “vang bóng một thời” ở châu Âu. Thực ra, thời đó cũng chưa xa, vào những năm 70 và 80 của thế kỷ trước, SAAB còn cạnh tranh ngang ngửa với cả hai thương hiệu ô tô nổi tiếng của Đức là BMW và Mercedes trên thị trường châu Âu. Có thế thì mới hấp dẫn và làm cho GM siêu lòng để GM quyết tâm sở hữu SAAB cho bằng được. Song do SAAB là thương hiệu kén khách, nên lượng xe bán ra không nhiều và có xu hướng ngày càng giảm, nhất là khi các loại xe như Toyota, Honda... của Nhật Bản hay Hyundai... của Hàn Quốc vừa với túi tiền của người tiêu dùng hơn, tràn ngập thị trường châu Âu. Trong năm 2008, chỉ có tổng cộng 93.300 xe SAAB được tiêu thụ, giảm khá mạnh so với con số 120.000 xe bán được trong năm 2005. Năm 2007, SAAB lỗ 2,19 tỷ kronor (248 triệu USD), năm 2008 lỗ khoảng 3 tỷ kronor.

Giữa tháng 1 năm nay, lãnh đạo GM quyết định bán SAAB, mà khách hàng đầu tiên và gần như duy nhất có khả năng mua lại toàn bộ thương hiệu này là Chính phủ Thuỵ Điển. Vì thế, GM đưa ra đề nghị chào bán SAAB cho Chính phủ Thuỵ Điển. Tuy nhiên, Chính phủ Thuỵ Điển đã từ chối thẳng thừng đề nghị này.

Thủ tướng Thuỵ Điển Fredrik Reinfeldt tuyên bố: “Chính phủ Thuỵ Điển không sẵn sàng sở hữu các nhà máy sản xuất ô tô của SAAB. Chúng tôi không liều lĩnh với đồng tiền của người đóng thuế”.

Tuy nhiên, phe đối lập đưa ra lập luận, SAAB là thương hiệu quốc gia cần phải cứu. Nếu SAAB bị phá sản, không chỉ toàn bộ 4.100 nhân viên Thuỵ Điển mất việc làm, mà khoảng 15.000 lao động của các doanh nghiệp cung ứng hàng phụ trợ cũng bị thất nghiệp theo.

Trước sức ép của phe đối lập và các tổ chức công đoàn, Chính phủ Thuỵ Điển đã đưa ra một đề nghị thoả hiệp là nếu SAAB chọn giải pháp đệ đơn xin bảo hộ để tiến hành tái cơ cấu thì  Chính phủ đứng ra bảo lãnh khoản vay khoảng 5 tỷ kronor (450 triệu euro hay 566 triệu USD) của Ngân hàng Đầu tư châu Âu (European Investment Bank - EIB) để SAAB có vốn hoạt động. Mọi thủ tục pháp lý liên quan tới GM sẽ được giải quyết dứt điểm trong năm nay.

Ngày 6/4/2009, các chủ nợ, các tổ chức cam kết cung cấp tín dụng cho SAAB sẽ có cuộc họp quan trọng để thông qua kế hoạch tái cơ cấu của SAAB.

Như vậy, SAAB Automobile đang đứng trước bước ngoặt mới, hoạt động như một công ty Thuỵ Điển thực thụ. Liệu SAAB có trụ vững và phát triển hay không thì chỉ có thời gian mới có thể trả lời.