Sàn Hà Nội sẵn sàng cho những cuộc đấu giá lớn

(ĐTCK-online) Với 4 ngày làm việc liên tục, gồm cả 2 ngày nghỉ cuối tuần, Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HaSTC) cùng với 13 CTCK đại lý đã hoàn tất cuộc bán 59,44 triệu cổ phần của Bảo Việt với số lượng nhà đầu tư tham gia lớn chưa từng có: 20.368 nhà đầu tư.

Đây là phiên đấu giá có quy mô lớn nhất từ trước tới nay tính trên các tiêu chí: số lượng đại lý tham dự, khối lượng cổ phần chào bán, số lượng nhà đầu tư tham gia và nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận tuần qua.

Tại cuộc đấu giá Bảo Việt, vấn đề dư luận quan tâm nhất là tính bảo mật trong việc đặt giá của nhà đầu tư, do số lượng tổ chức tài chính trung gian tham gia cuộc đấu giá này quá lớn. Theo tìm hiểu của ĐTCK, tính bảo mật tại cuộc đấu giá này được thực hiện theo nhiều cấp độ. Tại cấp độ đăng ký đấu giá, đại lý nhận đăng ký nào chỉ biết lượng đăng ký của đại lý đó, không có kênh chia sẻ thông tin chung cho các đại lý khác và vì vậy, thông tin về tổng số lượng nhà đầu tư cũng như số cổ phiếu đăng ký mua được bảo mật đến phút chót khi Trung tâm tổng hợp lại và công bố chung ra thị trường. Tại cấp độ đặt giá, phiếu đấu giá của nhà đầu tư được bỏ tại hòm phiếu CTCK đại lý, trên phong bì bắt buộc phải có chữ ký của nhà đầu tư và được niêm phong bên cạnh việc giám sát của thành viên HaSTC. Như vậy, về nguyên tắc, HaSTC kiểm chứng được tính bảo mật của việc đăng ký cũng như đặt giá của nhà đầu tư.

Vấn đề thứ hai là sự chia sẻ mức phí giữa các đại lý đấu giá. Hiện nay theo quy định của Bộ Tài chính, mức phí tối đa dành cho 1 cuộc đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng của DNNN là 80 triệu đồng. Tuy nhiên, việc chia sẻ khoản phí này cho HaSTC và 13 CTCK đại lý trở nên vô nghĩa so với nỗ lực làm việc của họ trong 4 ngày nhập lệnh liên tục và nhiều ngày chuẩn bị cho cuộc đấu giá trước đó. Trong khi đó, khoản tiền thu về cho Nhà nước trong cuộc đấu giá Bảo Việt là rất lớn: tổng giá trị cổ phần bán được là 4.393,21 tỷ đồng, cao hơn 3.798 tỷ đồng so với tổng giá trị cổ phần tính theo mệnh giá và cao hơn 2.580 tỷ đồng so với giá trị cổ phần tính theo giá khởi điểm. Do đó, sẽ là hợp lý hơn nếu cơ chế phí đấu giá được xác định phù hợp với nỗ lực của các đơn vị tham gia, nhằm duy trì văn hoá làm việc công khai và tận tâm trong các cuộc đấu giá sau này.

Vấn đề thứ ba là tính hiệu quả của mô hình đấu giá 2 cấp. Nếu duy trì cách đấu giá 1 cấp như trước đây (nhà đầu tư đăng ký đấu giá và đặt lệnh qua 1-2 CTCK hoặc trực tiếp tại TTGD) thì khả năng “vỡ chợ” hoàn toàn có thể xảy ra do lượng nhà đầu tư tham gia quá lớn. Hiệu quả của mô hình đấu giá 2 cấp tại cuộc đấu giá Bảo Việt được nhìn nhận trên cả 2 khía cạnh: tính phổ cập của thông tin đấu giá và khả năng phục vụ đông đảo nhà đầu tư. Tuy nhiên, do lần đầu tiên đối diện với một cuộc đấu giá quy mô lớn nên mô hình này vẫn bộc lộ một số nhược điểm, như chất lượng phục vụ của các đại lý có sự khác biệt lớn, đường truyền dữ liệu còn chậm… Một vấn đề nữa là cơ chế đặt giá của nhà đầu tư hiện nay còn nhiều kẽ hở có thể dẫn đến tình trạng đẩy giá quá mức, gây khó xử cho Ban đấu giá trong một số trường hợp. Theo đó, cơ chế này cũng cần được hoàn chỉnh chặt chẽ hơn, hướng đến ưu tiên số 1 là bảo vệ toàn thị trường.

Mặc dù còn một vài tồn tại nhỏ trong cuộc đấu giá Bảo Việt vừa qua, nhưng ông Trần Văn Dũng, Giám đốc HaSTC cho biết, HaSTC đang nỗ lực nâng cấp cơ sở hạ tầng và  sẵn sàng đáp ứng những cuộc đấu giá lớn sắp tới.