Một số doanh nghiệp ôtô đang rất thành công với chiến lược lắp ráp xe mang thương hiệu nước ngoài. Ảnh:Văn Đông

Một số doanh nghiệp ôtô đang rất thành công với chiến lược lắp ráp xe mang thương hiệu nước ngoài. Ảnh:Văn Đông

Sản lượng ôtô Việt Nam bằng một phần mười Thái Lan

Quy mô thị trường ôtô của Việt Nam hiện thấp nhất trong 5 nước đang theo đuổi ngành công nghiệp này trong khu vực ASEAN. 

Thông tin trên được ông Trương Thanh Hoài, Phụ trách Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết tại hội thảo “Công nghiệp ôtô và cơ hội phát triển mạng lưới sản xuất tại Việt Nam” ngày 12/10.

Quy mô thị trường ôtô của Việt Nam hiện còn quá nhỏ, thấp nhất trong 5 nước đang theo đuổi ngành công nghiệp ôtô tại ASEAN. Trong đó, theo ông Hoài, nếu so với Thái Lan, quy mô thị trường chỉ bằng một phần mười, còn so với Indonesia thì bằng một phần tư. 

Cũng theo ông Hoài, công nghiệp hỗ trợ ngành ôtô của Việt Nam đã hình thành, nhưng mới chỉ sản xuất được một số chủng loại phụ tùng đơn giản, có hàm lượng công nghệ thấp như gương, kính, ghế ngồi, bộ dây điện, ắc quy… Chỉ có một số ít doanh nghiệp đầu tư dây chuyền dập thân, vỏ xe.

Ông Võ Quang Huệ, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup – phụ trách dự án Vinfast cũng cho biết, hiện ở Việt Nam, trung bình trong 1.000 dân mới có 23 người sở hữu ôtô. Trong khi đó, con số tương đương tại Thái Lan là 204 và mức tối thiểu tại các nước phát triển là 400. Riêng tại Mỹ, tỷ lệ sở hữu ôtô là 790 trên 1.000.

Tổng công suất lắp ráp các loại xe của Việt Nam đạt khoảng 500.000 xe mỗi năm, kém xa so với mức 2 triệu tại Thái Lan và một triệu xe của Indonesia.

“Tuy nhiên, nhiều dữ liệu phân tích cho thấy Việt Nam vẫn có thể trở thành một trong những thị trường ôtô tiềm năng 10-15 năm tới, bởi mức GDP bình quân đầu người, tăng trưởng kinh tế, cơ sở hạ tầng và các đặc điểm nhân khẩu học hấp dẫn”, ông Huệ nói.

Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), sản lượng nhỏ cũng là một trong những khó khăn lớn nhất của ngành công nghiệp ôtô Việt Nam. Đại diện VAMA cho rằng, do thị trường và sản lượng nhỏ nên chi phí khấu hao đầu tư thiết bị lớn và dẫn đến chi phí sản xuất ôtô ở Việt Nam cao hơn các quốc gia khác trong khu vực. 

Ông lấy ví dụ, số lượng sản xuất ôtô Vios của Thái Lan gấp 8 lần Việt Nam. Trong khi đó, chi phí sản xuất ở Việt Nam cao gấp rưỡi.

Sản lượng ôtô Việt Nam bằng một phần mười Thái Lan ảnh 1

Bên cạnh đó, theo VAMA, hiện tại phần lớn linh kiện ôtô phải nhập khẩu nên các nhà sản xuất tại Việt Nam phải chịu thêm các chi phí như đóng gói, vận chuyển, thuế dẫn đến tổng chi phí để sản xuất một chiếc sẽ ở Việt Nam sẽ cao hơn so với làm tại Thái Lan, Indonesia. Từ năm 2018, thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ khu vực ASEAN sẽ vể 0%, tuy nhiên, thuế linh kiện vẫn còn lớn hơn 0%. Vì thế, đại diện VAMA cho rằng ngành sản xuất ôtô trong nước sẽ rất khó khăn để cạnh tranh và tồn tại. Đó cũng là lý do khiến công nghiệp phụ trợ cũng không phát triển được.

Hiệp hội này vì thế cũng đề xuất Chính phủ có những chính sách thuế liên quan đến ôtô đồng bộ, ổn định hơn để thị trường phát triển bền vững. Cụ thể, trong ngắn hạn nên giảm, bãi bỏ thuế nhập khẩu đối với linh kiện từ năm 2018 cho các nhà sản xuất ôtô và nhà sản xuất linh kiện nhưng không gắn với điều kiện về sản lượng, nội địa hóa.

Đồng tình với những khó khăn, thách thức mà ngành ôtô gặp phải nhưng đại diện Bộ Tài chính lại bày tỏ sự thất vọng khi các doanh nghiệp chỉ đưa ra một giải pháp là giảm thuế. Bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, Vụ phó Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính nói: “Cá nhân tôi thấy mừng vì các doanh nghiệp sản xuất đang cho thấy một thông điệp rằng họ rất quyết tâm xây dựng một ngành công nghiệp ôtô. Tuy nhiên, tôi thấy thất vọng về giải pháp đưa ra của VAMA. Tôi đồng tình khi VAMA nói về đặc điểm, khó khăn thách thức của ngành công nghiệp ôtô, kinh nghiệm phát triển của các nước… nhưng cuối cùng giải pháp thì lại chỉ đề xuất việc giảm thuế", bà Hằng nói. 

Thay vì thế, theo bà, các doanh nghiệp không nên tập trung quá nhiều vào chính sách thuế mà có các giải pháp khác để phát triển ngành công nghiệp ôtô.

Trước mắt Chính phủ có giải pháp để công nghiệp ôtô duy trì phát triển sản xuất sau năm 2018, tiếp đến là nghiên cứu chính sách phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.

Bà Hằng cũng cho rằng, trong 20 năm phát triển công nghiệp ôtô thì chính sách thuế bảo hộ cho sản xuất rất cao. Cụ thể, chính sách thuế với linh kiện luôn thấp hơn so với nhập khẩu ôtô nguyên chiếc lên tới 70%. "Tuy nhiên, thực tế, từ năm 2004 đến nay, tại sao nội địa hóa vẫn thấp", bà đặt câu hỏi.

Từ năm 2018 tới là thời điểm giảm thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ ASEAN về 0%. Đại diện Vụ Chính sách Thuế cho biết đây là thời điểm phải làm kiên quyết.  Không riêng với chính sách thuế, theo bà cần tập trung giải pháp để có sự liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất, phụ trợ..., nhằm cùng nhau thúc đẩy ngành công nghiệp ôtô trong nước. 

Tin bài liên quan