Doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đang gặp khó vì đơn hàng sụt giảm, chi phí vốn cao

Doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đang gặp khó vì đơn hàng sụt giảm, chi phí vốn cao

Sản xuất công nghiệp hỗ trợ đuối sức

0:00 / 0:00
0:00
Ngành công nghiệp hỗ trợ có khoảng 1.500 doanh nghiệp, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực cơ khí, điện và điện tử, nhựa, cao su và hóa chất… Trong năm 2023, chịu tác động từ suy thoái kinh tế toàn cầu, “sức khỏe” của doanh nghiệp ngành này yếu đi nhiều.

Doanh thu giảm tới 40%

Chia sẻ tại Hội nghị Tổng kết ngành công thương, ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) cho biết, năm 2023 là năm khó khăn với nhiều ngành sản xuất, trong đó có công nghiệp hỗ trợ. Đơn hàng sụt giảm tại nhiều thị trường chính như châu Âu, Bắc Mỹ, khiến doanh thu bình quân của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ giảm 40%.

Sụt giảm mạnh về doanh số bán hàng, doanh thu nội địa cũng như xuất khẩu là tình trạng của Tập đoàn Thaco. Là tập đoàn công nghiệp đa ngành, hoạt động trong các lĩnh vực ô tô, nông nghiệp, cơ khí và công nghiệp hỗ trợ, giao nhận vận chuyển, đầu tư xây dựng và thương mại dịch vụ. Trong bối cảnh của thị trường năm 2023, Thaco kinh doanh đầy khó khăn.

Kết thúc năm 2023, doanh số ô tô bán ra của Thaco đạt hơn 96.500 xe các loại, giảm 25%. Xuất khẩu hơn 2.500 xe. Doanh thu của mảng cơ khí và công nghiệp hỗ trợ ước đạt gần 8.700 tỷ đồng, giảm 20% so với năm 2022, do dung lượng thị trường ô tô Việt Nam năm 2023 giảm gần 30% sản lượng. Doanh thu xuất khẩu chỉ đạt hơn 105 triệu USD, giảm 75% so với năm 2022.

Doanh nghiệp trong nước kinh doanh khó khăn, xuất khẩu ít đơn hàng, tác động mạnh đến doanh thu, lợi nhuận, nhưng theo ông Phan Đăng Tuất, đáng lo ngại hơn, đang có làn sóng đổ bộ công nghiệp hỗ trợ của Trung Quốc vào Việt Nam với quy mô cực lớn và cực nhanh. Kéo theo đó là hệ thống các công ty con, hình thành chuỗi sản xuất cụm chi tiết để xuất khẩu sang châu Âu, Bắc Mỹ, tránh hàng rào kỹ thuật và hàng rào thuế quan.

Cần có đạo luật riêng cho công nghiệp hỗ trợ, với các chính sách ưu đãi mang tính đặc thù, làm cơ sở để thúc đẩy công nghiệp hóa.

Số vụ việc hàng xuất khẩu Việt Nam bị kiện phòng vệ thương mại ngày càng nhiều phần nào cũng liên quan đến làn sóng đổ bộ này. Theo thống kê của Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương), tính đến nay, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đối mặt với 37 vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ của nước ngoài, trong đó riêng năm 2023 là 4 vụ, gồm các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như pin năng lượng mặt trời, dây cáp nhôm, bánh xe kéo bằng thép, thép không gỉ cán nguội.

Chi phí vốn đè nặng vai doanh nghiệp

Công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đi sau nhiều quốc gia, nhưng nội tại ngành, các doanh nghiệp gặp khó khăn kép trong sản xuất, phát triển. Chi phí đầu vào quá cao, nhất là vốn cho đầu tư sản xuất là rào cản không nhỏ.

Theo VASI, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam thiếu và yếu hơn nhiều so với các doanh nghiệp nước ngoài. Một trong những lý do là doanh nghiệp phải vay vốn với lãi suất ở mức 10-12%, trong khi doanh nghiệp Hàn Quốc và nhiều nước khác vay vốn chỉ 2% lãi suất.

“Ngoài ra, chi phí nhập nguyên vật liệu của doanh nghiệp trong nước cũng cao hơn do quy mô sản xuất thấp. Do vốn vay của doanh nghiệp đắt gấp 4-5 lần, vật tư mua nhỏ lẻ đắt gấp 1,5 lần, nên doanh nghiệp ít có cơ hội cạnh tranh”, ông Phan Đăng Tuất chia sẻ.

Năm 2023, sản xuất công nghiệp đối mặt với nhiều thăng trầm, với các chỉ số tăng trưởng ở mức thấp so với nhiều năm. Chỉ số Sản xuất công nghiệp (IIP) tuy có chuyển biến, nhưng còn chậm, IIP toàn ngành công nghiệp năm 2023 ước chỉ tăng khoảng 2,3% (năm 2022 tăng 7,4%), là mức tăng thấp nhất trong 10 năm gần đây.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vốn là động lực tăng trưởng kinh tế trong các năm trước, nhưng chỉ đạt tốc độ tăng trưởng khiêm tốn 3,1% trong năm 2023 vì nhu cầu thị trường thế giới giảm, thiếu hụt đơn hàng.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà băn khoăn khi IPP, nhất là công nghiệp chế biến chế tạo giảm. "Công nghiệp chế biến chế tạo là nền tảng cho các ngành công nghiệp khác, nhưng có lĩnh vực giảm khá sâu 43% như điện tử. Công nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào khối FDI. Nguyên nhân khách quan, chủ quan đều có, nhưng trong “cơn bão” của năm 2023, nền kinh tế đang lộ ra những vấn đề để chúng ta xem xét lại chiến lược trong thúc đẩy sản xuất công nghiệp, thị trường tiêu dùng”, Phó thủ tướng lưu ý.

Để công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển, Tổng giám đốc Thaco, ông Phạm Văn Tài kiến nghị, Bộ Công thương xem xét bổ sung các dòng xe điện hybrid (HEV, PHEV) vào mục tiêu, định hướng tại Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; có cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ phù hợp (thuế, phí, ưu đãi đầu tư) để thúc đẩy sản xuất và sử dụng các dòng xe thân thiện với môi trường.

“Cần có chính sách hỗ trợ, giảm thiểu rủi ro đối với các doanh nghiệp đầu tàu để liên kết các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển ngành cơ khí và công nghiệp hỗ trợ của đất nước”, ông Tài đề xuất.

Còn đại diện VASI kiến nghị, cần có đạo luật riêng cho công nghiệp hỗ trợ, với các chính sách ưu đãi mang tính đặc thù, làm cơ sở để thúc đẩy công nghiệp hóa.

Trong bối cảnh thị trường suy giảm, ông Phan Đăng Tuất cho rằng, cần đẩy mạnh kênh xúc tiến để doanh nghiệp trực tiếp ký hợp đồng sản xuất với châu Âu và Bắc Mỹ. Có chính sách để tạo sự liên kết với các doanh nghiệp trong sản xuất cụm chi tiết, giúp tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tin bài liên quan