Sẽ có Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm từ 2014

Sẽ có Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm từ 2014

(ĐTCK) Việc trích nộp Quỹ Bảo vệ người mua bảo hiểm sẽ được thực hiện từ năm 2014.

Ngày 15/9 tới, Thông tư số 101/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý, sử dụng Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm chính thức có hiệu lực. Đây là lần đầu tiên quy định về việc thành lập quỹ nhằm bảo vệ quyền lợi của người được bảo hiểm trong trường hợp DN bảo hiểm bị mất khả năng thanh toán hay phá sản được ban hành. Điều này càng có ý nghĩa khi trong bảng đánh giá của Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), đã có DN trong khối bảo hiểm phi nhân thọ bị xếp loại trong nhóm 3.

Sẽ có Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm từ 2014 ảnh 1Người mua bảo hiểm nhân thọ sẽ được bồi hoàn tối đa tới 200 triệu đồng khi DN bảo hiểm phá sản

 

Người mua bảo hiểm được bồi hoàn tối đa 200 triệu đồng

Theo Thông tư 101/2013, Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm được sử dụng để trả tiền bảo hiểm, giá trị hoàn lại; trả tiền bồi thường bảo hiểm; hoàn phí bảo hiểm theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm trong trường hợp DN bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài mất khả năng thanh toán, DN bảo hiểm bị phá sản và chỉ chi trả đối với hợp đồng bảo hiểm gốc. Đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, Quỹ chi trả tối đa 90% mức trách nhiệm của DN bảo hiểm nhân thọ, nhưng không quá 200 triệu đồng/người được bảo hiểm/hợp đồng. Đối với hợp đồng bảo hiểm thuộc các nghiệp vụ bảo hiểm khác theo quy định của pháp luật, Quỹ chi trả tối đa 80% mức trách nhiệm của DN bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, nhưng không quá 100 triệu đồng/hợp đồng.

Nỗ lực cho ra đời Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm của Bộ Tài chính được giới chuyên gia đánh giá rất cao. Bởi trên thị trường chứng khoán thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ CTCK xâm phạm tài khoản nhà đầu tư, nhưng đến nay, Quỹ Bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán vẫn chưa được thành lập. Hạn mức chi trả cho người được bảo hiểm khi DN bảo hiểm phá sản cũng cao hơn hẳn so với bảo hiểm tiền gửi ngân hàng, khi mức bảo hiểm tiền gửi tối đa 50 triệu đồng.

 

Trích quỹ 100 tỷ đồng trong năm 2014

Hiện cơ quan chức năng đang xúc tiến việc thành lập Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm để chính thức ra mắt khi Thông tư 101/2013 có hiệu lực. Tuy nhiên, việc trích nộp quỹ theo quy định tại Thông tư 101/2013, được tính tối đa không vượt quá 0,3% tổng doanh thu phí bảo hiểm giữ lại thuộc các hợp đồng bảo hiểm gốc trong năm tài chính liền kề của DN bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài và mức trích nộp quỹ cụ thể do Bộ Tài chính công bố bằng văn bản trước ngày 30/4 hàng năm. Như vậy, có thể hiểu, việc trích nộp quỹ sẽ áp dụng từ năm 2014 trên cơ sở số liệu tài chính của các doanh nghiêp bảo hiểm trong năm 2013.

Căn cứ trên con số ước tính của Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (công bố tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2013 ngành bảo hiểm), trong năm 2013, tổng doanh thu phí toàn thị trường bảo hiểm ước đạt 43.711 tỷ đồng, tăng 6,5% so với năm 2012; trong đó, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ tăng 5%, đạt 23.968 tỷ đồng; doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước tăng 9%, đạt 19.743 tỷ đồng, có thể tính được con số trích nộp cho Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm. Với khối bảo hiểm nhân thọ, do tỷ lệ phí tái bảo hiểm rất nhỏ, tỷ lệ trích quỹ có thể được tính trên doanh thu phí bảo hiểm và với tỷ lệ trích quỹ tối đa 0,3% tổng doanh thu phí bảo hiểm giữ lại, số tiền trích quỹ trong năm 2014 ước tính vào khoảng 50 tỷ đồng.

Với khối bảo hiểm phi nhân thọ, dù chưa có ước tính doanh thu phí bảo hiểm giữ lại của năm 2013, nhưng giả sử tỷ lệ doanh thu phí bảo hiểm giữ lại tương đương với năm 2012 thì số tiền trích nộp quỹ sẽ lên tới gần 50 tỷ đồng. Như vậy, tổng số tiền cho lần trích quỹ năm đầu tiên có thể đạt tới 100 tỷ đồng.         

 

Thông tư 101/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định, việc trích nộp Quỹ Bảo vệ người mua bảo hiểm được thực hiện đến khi quy mô của Quỹ trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ đạt 5% tổng tài sản của DN bảo hiểm phi nhân thọ, chi nhánh nước ngoài và quy mô của quỹ trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ đạt 3% tổng tài sản của DN bảo hiểm nhân thọ trong năm tài chính trước liền kề.

Trước ngày 30/6 hàng năm, DN bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài nộp 50% số tiền phải nộp quỹ của năm tài chính trước liền kề. Trước ngày 31/12 hàng năm, DN bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài nộp 50% số tiền phải nộp quỹ còn lại của năm tài chính trước liền kề.