Ảnh Internet

Ảnh Internet

S&P nâng hạng tín nhiệm quốc gia lên BB+ có ý nghĩa gì với Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngày 26/5/2022, S&P Global Ratings (“S&P”) đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+ với triển vọng Ổn định.

Trước đó, Việt Nam được xếp hạng ở mức nào?

Vào ngày 21/5/2021 S&P công bố duy trì mức BB nhưng nâng triển vọng xếp hạng từ “Ổn định” lên “Tích cực”. Theo phương pháp luận của S&P và thông lệ ngành xếp hạng tín nhiệm, khi triển vọng xếp hạng “Tích cực” tức là có khả năng cao kết quả xếp hạng sẽ được nâng hạng trong vòng 12 - 24 tháng sau đó.

Tháng 4/2021, Việt Nam đã được S&P nâng điểm xếp hạng tín nhiệm lên BB sau 9 năm giữ ở mức BB-.

Theo công bố của S&P, ngoài việc ghi nhận sự hồi phục mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam hậu Covid-19, cũng như tăng trưởng mạnh nhờ xuất khẩu và đầu tư nước ngoài (FDI), yếu tố quan trọng được S&P đề cập đó là những cải thiện mạnh mẽ về các quy trình thủ tục hành chính của Chính phủ Việt Nam về quy trình thực hiện nghĩa vụ nợ nước ngoài do Chính phủ bảo lãnh.

Bên cạnh các điểm mạnh, S&P cũng ghi nhận những điểm cần cải thiện bao gồm tăng trưởng GDP chưa như dự báo của S&P, giải ngân đầu tư công chậm và một số điểm yếu của hệ thống ngân hàng - tài chính Việt Nam.

Việt Nam lần đầu tham gia hoạt động xếp hạng tín nhiệm từ những năm 1990 bởi Moody’s.

Mức BB+ là mức xếp hạng cao nhất trong nhóm BB, nhóm điểm được định nghĩa là “khả năng đáp ứng nghĩa vụ nợ thấp, chịu tác động lớn từ các sự kiện tiêu cực từ môi trường kinh doanh, kinh tế và tài chính”. Mức BB+ vẫn được cộng đồng tài chính và đầu tư quốc tế xem là “có tính đầu cơ” trong các quyết định đầu tư liên quan đến Việt Nam. Tuy nhiên, đây là mức điểm tiệm cận với nhóm BBB-, nhóm xếp hạng được định nghĩa là “mức đầu tư” của S&P. Khi đó, các nhà đầu tư quốc tế sẽ xem xét Việt Nam ở mức rủi ro thấp hơn và kỳ vọng một mức lợi nhuận (ví dụ qua lãi suất cho vay hoặc trái phiếu phát hành bởi các doanh nghiệp Việt Nam) ở mức thấp hơn.

Được biết, so với một số nước trong khu vực ASEAN, Việt Nam hiện có mức xếp hạng thấp hơn Malaysia (A-), Indonesia (BBB), Philippines (BBB+), Thailand (BBB+). Riêng Singapore có mức xếp hạng tương đương với các thị trường tài chính đã phát triển cao (AAA) trong khi Lào và Campuchia chưa tham gia xếp hạng tín nhiệm bởi S&P. Trung Quốc hiện cũng được xếp hạng ở mức A+.

Việc nâng hạng này có lợi ích gì cho doanh nghiệp Việt Nam?

Ông Nguyễn Tùng Anh, Trưởng nhóm Nghiên cứu Rủi ro Tín dụng, Khối Dịch vụ Xếp hạng Tín nhiệm FiinRatings, FiinGroup cho rằng, lần đánh giá này là một bước tiến quan trọng đối với nền kinh tế và thị trường vốn Việt Nam bởi những lý do sau:

Thứ nhất, nâng hạng tín nhiệm quốc gia trong thời điểm kinh tế toàn cầu có nhiều bất ổn cho thấy sự công nhận về vị thế của kinh tế Việt Nam trên trường quốc tế và trong khu vực. Sau đại dịch Covid-19, Việt Nam là nước duy nhất trong 8 nước khối ASEAN được nâng hạng năm 2022, trong khi phần lớn các nước giữ nguyên, riêng Malaysia và Lào được Fitch Ratings hạ 1 bậc xuống lần lượt là BBB+ và CCC.

Thứ hai, mức điểm BB+ đã tiệm cận với nhóm điểm mức Đầu tư của S&P, tức là nếu lên đến điểm BBB-, Việt Nam sẽ lọt vào tiêu chí đầu tư của nhiều định chế tài chính trên thế giới. Mức BBB- sẽ giúp đưa Việt Nam lên chỉ còn thấp hơn Indonesia 1 bậc và thấp hơn Thái Lan, Philippines và Malaysia 2 bậc.

Thứ ba, nâng hạng tín nhiệm giúp giảm chi phí huy động vốn không chỉ cho trái phiếu Chính phủ Việt Nam trong sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế mà còn cho doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào thị trường nợ quốc tế. Mặc dù không có thống kê về chênh lệch lãi suất giữa BB và BB+, thông lệ quốc tế cho thấy nếu vươn lên mức xếp hạng BBB, chênh lệch trung bình của các khoản vay sẽ là 150 - 300 điểm phần trăm về lãi suất.

"Điều này đồng nghĩa với chi phí huy động của doanh nghiệp sẽ giảm đi đáng kể, đơn cử như lô trái phiếu quốc tế 525 triệu USD của một doanh nghiệp trong nước phát hành, theo tính toán của chúng tôi, chi phí vốn hàng năm có thể giảm được từ 8 - 16 triệu USD nếu như lãi suất vay được xác định dựa trên mức xếp hạng ở mức BBB của Việt Nam. Dĩ nhiên, điều này còn phụ thuộc vào mức xếp hạng của chính doanh nghiệp tổ chức phát hành nữa", ông Tùng Anh nhận định.

Thứ tư, việc nâng hạng cũng giúp “nâng trần” xếp hạng đối với tất cả các doanh nghiệp của Việt Nam bởi S&P. Mức trần xếp hạng tín nhiệm này đã làm giảm đáng kể mức độ phân hóa về điểm xếp hạng tín nhiệm giữa các đơn vị phát hành công cụ nợ trên thị trường vốn quốc tế, dẫn đến việc nhà đầu tư gặp khó khăn trong phân loại và đánh giá giữa các hồ sơ tín nhiệm của đơn vị phát hành công cụ nợ, đặc biệt đối với nhà đầu tư cá nhân và nhà đầu tư nước ngoài.

Ông Tùng Anh nhấn mạnh: "Do đó, xếp hạng theo các tổ chức quốc tế chỉ có tác dụng lớn đối với thị trường vốn quốc tế và không có nhiều ý nghĩa đối với thị trường vốn nội địa".

Doanh nghiệp Việt Nam nên tận dụng sự thay đổi này ra sao?

Theo ông Tùng Anh, do mức trần xếp hạng được nâng lên BB+ nên dự báo sẽ có một số doanh nghiệp của Việt Nam có thể sẽ sớm được nâng hạng theo. Huy động vốn trên thị trường quốc tế sẽ góp phần đa dạng hóa kênh huy động vốn của nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Bởi dữ liệu của FiinRatings chỉ ra mức lãi suất huy động (tính cả phí bảo lãnh) của nhiều doanh nghiệp bất động sản ở mức rất cao, lên tới gần 7,4% bằng USD, cao hơn đáng kể nếu so với một số doanh nghiệp trong cùng ngành ở các quốc gia trong khu vực có điểm BBB hoặc A như chỉ ra ở trên.

"Trong bối cảnh tỷ giá có xu hướng gia tăng, nghĩa vụ nợ bằng ngoại tệ có thể tăng theo và dẫn đến phát sinh lỗ tỷ giá cho các khoản vay hoặc trái phiếu bằng ngoại tệ, thị trường vốn nội địa vẫn là ưu tiên chính trong chiến lược vốn của doanh nghiệp Việt Nam. Do vậy, doanh nghiệp nên chú trọng nhiều hơn đến việc xây dựng năng lực tín dụng với thị trường vốn nội địa, bao gồm cả kênh huy động trái phiếu doanh nghiệp", ông Tùng Anh nhận định.

Theo ông Tùng Anh, tiềm năng vốn của thị trường nội địa còn rất lớn với hơn 5 triệu tỷ VND số dư tiền gửi trong hệ thống ngân hàng và nhiều định chế tài chính, tín dụng, bảo hiểm... vẫn cần đa dạng hóa kênh đầu tư ngoài trái phiếu chính phủ Việt Nam. Bởi vậy, công tác cải thiện hồ sơ tín dụng, cải thiện minh bạch công bố thông tin, trong đó xem xét thực hiện xếp hạng tín nhiệm nội địa, sẽ góp phần cho sự thành công của một chiến lược vốn tối ưu.

Tin bài liên quan