SSI Research nêu 4 mã đáng mua trong mùa công bố kết quả kinh doanh

SSI Research nêu 4 mã đáng mua trong mùa công bố kết quả kinh doanh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong tháng 6, chỉ số VN-Index nỗ lực kiểm định lại mốc tâm lý 1.300 điểm không thành công và lùi về kiểm định lại vùng 1.160 - 1.150 điểm - vùng đáy ngắn hạn trong tháng 5. Sang tháng 7, nhiều dự báo mới cũng được chỉ ra.

Trong báo cáo chiến lược thị trường tháng 7 với chủ đề: Thách thức và cơ hội, SSI Research chỉ ra thách thức nhà đầu tư cần lưu ý là xu hướng các Ngân hàng trung ương lớn thắt chặt chính sách tiền tệ, căng thẳng Nga - Ukraine kéo dài, áp lực lạm phát ngày càng rõ nét. Trong khi đó, nguy cơ kinh tế thế giới suy thoái cũng bắt đầu tạo thêm áp lực lên tỷ giá.

Ngoài ra, xu hướng yếu đi của dòng vốn toàn cầu cũng khiến cho dòng vốn vào Việt Nam khó có thể xuất hiện bứt phá, đặc biệt là khi rủi ro về tăng trưởng/lạm phát của kinh tế thế giới chưa được nhìn nhận một cách rõ ràng.

Tuy nhiên, các số liệu vĩ mô của Việt Nam vẫn khả quan nhờ tăng trưởng GDP năm 2022 sẽ dễ dàng đạt được mục tiêu 7%, đồng nghĩa tăng trưởng 7,5% trong nửa cuối năm 2022 nhờ mức nền thấp của năm 2021. Giải ngân đầu tư công cũng là chủ đề đáng để nhà đầu tư quan tâm trong nửa cuối năm 2022, sau khi nhiều vướng mắc đã được giải quyết trong nửa đầu năm.

Bên cạnh đó, tháng 7 cũng là cao điểm mùa báo cáo kết quả kinh doanh bán niên với tăng trưởng lợi nhuận tích cực ghi nhận ở các ngành cảng và vận tải biển, thủy sản, hóa chất (phân bón), bán lẻ, dầu khí.

Tại Talkshow Chọn danh mục kỳ 11 với chủ đề: Tìm cơ hội tháng 7 và triển vọng từ tiêu dùng nội địa do Báo Đầu tư Chứng khoán tổ chức chiều ngày 7/7, ông Nguyễn Trọng Đình Tâm, Chuyên gia cao cấp Chiến lược đầu tư SSI Research cũng nhấn mạnh, ngành tiêu dùng, bán lẻ sẽ là một trong những ngành ghi nhận sự tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, nhóm thủy sản, hóa chất, cảng và vận tải biển cũng có bức tranh kinh doanh sáng.

Về kỹ thuật, hiện tại, VN-Index đang chuyển sang trạng thái sideway quanh vùng 1.200 điểm trong những ngày đầu tháng 7. Kênh giá 1.150 - 1.223 điểm có thể là vùng dao động chính của chỉ số VN-Index trước khi xác nhận xu hướng tiếp theo bằng cách chinh phục cạnh trên hoặc phá vỡ cạnh dưới của kênh giá.

Theo đó, các giao dịch ngắn hạn có thể tận dụng gia tăng vừa phải tỷ trọng cổ phiếu sau khi VN-Index hồi phục lại từ cạnh dưới (1.150 điểm) với khối lượng cải thiện và hạ tỷ trọng khi chỉ số tiệm cận cạnh trên (1.223 điểm).

Trong kịch bản tích cực hơn, việc gia tăng tỷ trọng cổ phiếu sẵn có nên được đẩy mạnh khi VN-Index vượt mốc 1.223 với khối lượng lớn. Ngược lại, khi VN-Index phá vỡ mốc 1.150 điểm cùng với khối lượng lớn, chiến lược nên được áp dụng là chờ đợi đáy số 2 (vùng đáy số 1 là vùng đáy ngắn hạn tháng 5) của chỉ số xuất hiện để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu trở lại.

4 cổ phiếu khuyến nghị trong tháng 7:

IDC - Tổng Công ty IDICO

SSI ước tính lợi nhuận trước thuế quý II của IDC sẽ tăng trưởng hơn 100% so với cùng kỳ nhờ vào việc chuyển hạch toán từ định kỳ sang 1 lần tại khu công nghiệp Phú Mỹ và Phú Mỹ mở rộng, với diện tích thuê trong kỳ đạt 30 - 40 ha. Đồng thời, giá thuê tại Phú Mỹ mở rộng dự kiến tăng 20% so với cùng kỳ đạt mức 125 USD/m2/chu kỳ thuê.

Việt Nam mở cửa trở lại từ ngày 15/3 tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài có thể hoàn thành các hợp đồng đã ký MOU trước đó. Dự báo diện tích cho thuê tại các KCN của IDC có thể đạt mức 100-120 ha/năm trong giai đoạn 2022 - 2024.

IDC có kế hoạch phát triển quỹ đất 2.000 - 3.000 ha tại các tỉnh thành như Tiền Giang, Hải Phòng, Hưng Yên. Đáng chú ý là chính sách cổ tức của IDC theo kế hoạch ở mức 40%.

FPT - Công ty cổ phần FPT

Vị thế tiền mặt ròng có thể là một yếu tố tích cực giúp FPT vượt qua đợt rủi ro tăng lãi suất cho vay. Tính đến cuối quý I/2022, FPT có vị thế tiền mặt ròng đạt 3,7 nghìn tỷ đồng. Các khoản chi phí lãi vay có thể được bù trừ bởi các khoản lãi tiền gửi. Do đó, rủi ro tăng lãi suất cho vay không có áp lực đáng kể lên Công ty.

Bên cạnh động lực tăng trưởng chính từ mảng công nghệ, FPT vẫn có thể tận dụng dòng tiền ổn định từ mảng viễn thông. Đặc biệt, mảng giáo dục vẫn kỳ vọng tăng trưởng ổn định ở mức khoảng 30%/năm trong 3 năm tới.

Hiện tại, FPT đang giao dịch tại mức P/E 2022 và 2023 là 17,7x và 14,4x với mức tăng trưởng EPS ước tính năm 2022/2023 là 25%/22,5% (tương ứng tỷ lệ PEG là 0,7x/0,6x).

VNM - Công ty cổ phần sữa Việt Nam

Tại mức giá hiện tại, VNM đang được giao dịch ở mức 2022 P/E là 17,3 lần và 2023 P/E ở mức 15,6 lần, là mức chiết khấu đáng kể so với định giá của Công ty trong quá khứ cũng như các doanh nghiệp hàng tiêu dùng cùng ngành trong khu vực. SSI kỳ vọng trong bối cảnh lạm phát tăng cao, các công ty thực phẩm và đồ uống với các yếu tố cơ bản tốt, cổ tức đều đặn và lợi nhuận duy trì ổn định có thể là điểm đến của dòng tiền đầu tư.

Mặt khác, giá sữa bột nguyên liệu đã có dấu hiệu “hạ nhiệt” từ tháng 3-4/2022 nên kỳ vọng các quý cuối năm áp lực lên biên lợi nhuận gộp sẽ giảm bớt. Do đó, nhóm nghiên cứu cho rằng tăng trưởng doanh thu sẽ tăng tốc trong các quý sau của năm 2022.

Về tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2022, SSI hy vọng VNM sẽ lần lượt tăng 7,2% và giảm 5,8% do áp lực giá nguyên vật liệu đầu vào đều ở mức cao.

MBB - Ngân hàng TMCP Quân đội

Các chuyên gia kỳ vọng MBB có thể đạt trên 5 nghìn tỷ đồng lợi nhuận trước thuế nhờ tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái và NIM tiếp tục duy trì ở mức cao. Tỷ lệ CASA cao cũng sẽ là yếu tố hỗ trợ tích cực cho ngân hàng khi lãi suất đang trong xu hướng tăng.

Lợi nhuận cả năm 2022 của MBB dự báo tăng trưởng khả quan ở mức 35% so với năm trước, đạt 22,3 nghìn tỷ đồng. Hiện tại, MBB đang giao dịch tại mức P/B 2022 & 2023 là 1,22 và 0,99x với mức ROE dự báo là 26% và 25%.

Tin bài liên quan