Doanh nghiệp vẫn e ngại rủi ro của nền kinh tế nên hạn chế vay vốn mở rộng sản xuất – kinh doanh

Doanh nghiệp vẫn e ngại rủi ro của nền kinh tế nên hạn chế vay vốn mở rộng sản xuất – kinh doanh

Tắc vốn!

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dù có sự tăng tốc trong tháng cuối năm nhưng tăng trưởng tín dụng không như giới đầu tư kỳ vọng.

Tác nhân chính, được giới phân tích đồng thuận, đến từ khả năng hấp thụ vốn kém của nhiều doanh nghiệp trong nền kinh tế. Khi sức khỏe của doanh nghiệp, yếu tố cơ bản trong đầu tư chứng khoán chưa tích cực, dòng tiền vào thị trường này cũng "nhỏ giọt".

Khó bơm tín dụng vào sản xuất - kinh doanh

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Finpeace nêu quan điểm, tăng trưởng tín dụng kém, tiền đang khó đi vào hoạt động sản xuất - kinh doanh dù thanh khoản của hệ thống ngân hàng dư thừa, chủ yếu do nhu cầu tín dụng yếu (xuất khẩu và tiêu dùng nội địa yếu); các ngân hàng thận trọng cho vay trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng thấp, rủi ro nợ xấu tăng cao; lãi suất cho vay dù giảm nhưng vẫn ở mức cao, chưa hấp dẫn với doanh nghiệp để vay mới. Kết quả đi kèm là tốc độ phục hồi của nền kinh tế trong năm 2023 khá thấp, các doanh nghiệp khó khăn. Khi lợi nhuận của các doanh nghiệp chưa phục hồi mạnh mẽ thì thị trường chứng khoán khó có thể tăng trưởng tốt. Riêng với ngành ngân hàng, việc tăng trưởng tín dụng yếu kém cho thấy triển vọng lợi nhuận kém tích cực, bởi mảng tín dụng thường đóng góp trên 80% tổng lợi nhuận của các ngân hàng.

Theo đó, ông Tuấn Anh cho rằng, yếu tố quan trọng nhất để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng là mặt bằng lãi suất cho vay giảm sâu hơn. Mặt bằng lãi suất cho vay trung và dài hạn hiện vào khoảng 10%/năm, dù đã giảm khá mạnh so với giai đoạn đầu năm 2023, nhưng vẫn ở mức cao, chưa hấp dẫn các doanh nghiệp vay mới.

“Kỳ vọng lãi suất cho vay năm 2024 có thể giảm nhờ lượng tiền gửi hơn 1 triệu tỷ đồng với lãi suất cao đáo hạn và quay vòng lại vào hệ thống ngân hàng, nhờ đó giảm lãi suất huy động và các ngân hàng có thể dễ dàng cho vay với lãi suất thấp hơn”, ông Tuấn Anh nói.

Thống kê của Maybank Investment bank (MSVN) cho thấy, lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng đã giảm khoảng 3%/năm, xuống còn 9%/năm. Ông Brian Lee Shun Rong - Kinh tế gia Tập đoàn Maybank Investment Banking nhận định, chính sách tài khóa của Việt Nam vẫn duy trì sự hỗ trợ, với chi tiêu cho cơ sở hạ tầng mạnh mẽ. Các dự án đang được triển khai bao gồm một số phân đoạn của Cao tốc Bắc - Nam trị giá 6 tỷ USD và sân bay Long Thành trị giá 16 tỷ USD. Chính phủ dự kiến mức thâm hụt ngân sách 399.000 tỷ đồng (16,4 tỷ USD) trong năm 2024, tương đương khoảng 3,6% GDP. Dư địa tài khoá sẽ duy trì ở mức hợp lý với nợ công dự kiến đạt khoảng 40% GDP vào cuối năm 2024, thấp hơn đáng kể so với mức trần là 60%.

Dù lãi suất rất thấp, người dân vẫn tiếp tục gia tăng gửi tiết kiệm

Dù lãi suất rất thấp, người dân vẫn tiếp tục gia tăng gửi tiết kiệm

“Chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng (từ tháng 6/2023) đã được gia hạn đến tháng 6/2024. Việc giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu sẽ được duy trì cho đến cuối năm 2024. Các giảm thuế và phí khác vẫn được áp dụng, bao gồm giảm thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước”, ông Brian Lee Shun Rong bổ sung.

Chuyên gia MSVN kỳ vọng, Ngân hàng Nhà nước vẫn sẽ duy trì lãi suất chính sách trong năm 2024. Lãi suất chính sách đã giảm hơn 1,5%/năm trong năm 2023 và có thể sẽ không giảm thêm nữa do nền kinh tế đang hồi phục. Áp lực tỷ giá cũng đã hạn chế Ngân hàng Nhà nước cắt giảm lãi suất sâu hơn nữa, trong bối cảnh Ngân hàng Trung ương Mỹ (Fed) dự báo chưa giảm lãi suất trước quý III/2024.

“Ngân hàng Nhà nước có thể không cần tăng lãi suất, do lạm phát dự kiến vẫn dưới mức mục tiêu 4% và các cơ quan chức năng vẫn lo ngại về sự sụt giảm của thị trường bất động sản”, ông Brian Lee Shun Rong dự báo.

Ông Trương Quang Bình, Phó giám đốc Phân tích Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam kỳ vọng từ năm 2024, tăng trưởng tín dụng cao hơn khi xuất khẩu đang dần phục hồi (tác động tích cực đến sản xuất). Tăng trưởng kinh tế nói chung và lợi nhuận của doanh nghiệp nói riêng sẽ ổn hơn nhờ xu hướng hồi phục của nền kinh tế thế giới. Trong trường hợp thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng sẽ giúp giảm chi phí huy động vốn cho nền kinh tế.

Trong các kênh đầu tư, bất động sản thường hiệu quả ở giai đoạn cuối chu kỳ kinh tế; vàng vật chất khá “chắc ăn” nhưng kém hiệu quả; USD thì đang ở cuối chu kỳ tăng lãi suất của Fed nên không có xúc tác tăng nữa. Còn kênh chứng khoán, vẫn đang được nhìn nhận hấp dẫn hơn, khi EPS năm 2024 trung bình sàn HOSE được ông Bình dự đoán tăng trưởng 2 con số.

Tiền vào chứng khoán cũng hụt hơi

Ảnh tác giả

Tổng cung tiền M2 của Việt Nam thật ra tăng ở mức vừa phải mấy năm qua, trừ đợt bơm tiền mạnh đặc biệt hồi đại dịch Covid-19. Cái gọi là “nới lỏng chính sách tiền tệ” của Việt Nam trong năm nay thật ra không tác động đáng kể đến cung tiền. Lũy kế 9 tháng đầu năm, cung tiền chỉ tăng chưa tới 6%, bất chấp nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước.

Giờ tiền bơm ra cũng không hấp thụ được. Điều cần thiết lúc này là tập trung tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản bằng cơ chế và ngồi chờ thế giới phục hồi, đơn hàng xuất khẩu tăng lên. Khi ấy, tự khắc không cần bơm vốn rẻ, nhu cầu vốn cũng tăng lên. Còn bơm thiết thực nhất là qua chính sách tài khóa, đẩy nhanh các dự án đầu tư công.

TS. Hồ Quốc Tuấn, Đại học Bristol, Anh Quốc

Nhà đầu tư trong nước vẫn chiếm gần 80% giá trị giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam và là yếu tố dẫn dắt dòng tiền trong năm 2023. Dòng tiền nhà đầu tư cá nhân trong nước phần nào đã bù đắp được hoạt động rút ròng của khối ngoại, ước khoảng 770 triệu USD kể từ đầu năm. Mặc dù dòng tiền nội là yếu tố dẫn sóng trong năm 2023, nhưng do thiếu sự đồng thuận của dòng vốn ngoại nên diễn biến thị trường hồi phục không mạnh và biến động thất thường trong cả năm 2023.

Chủ tịch Finpeace Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, khi Fed tăng lãi suất, USD tăng giá cũng khiến dòng tiền dịch chuyển về Mỹ và thị trường đã ghi nhận xu hướng dòng tiền rút khỏi các thị trường mới nổi và trở về Mỹ, khiến chứng khoán Mỹ được hỗ trợ bởi các dòng tiền này tốt hơn. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán châu Á nói chung, thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng tăng trưởng thấp hơn nhiều so với kỳ vọng của nhà đầu tư ngoại, nhất là với các quỹ đầu cơ lướt sóng. Theo thống kê của Finpeace, Việt Nam nằm trong số thị trường bị các quỹ ETF rút ròng mạnh nhất trong năm qua, bên cạnh các thị trường chịu hoàn cảnh tương tự như Trung Quốc, Thái Lan…

Ông Bùi Nguyên Khoa, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) nhìn nhận, dòng vốn rẻ là yếu tố cần để hình thành một xu hướng tăng điểm của thị trường chứng khoán. Dù vậy, mặt bằng lãi suất thấp vẫn chưa kéo được dòng tiền vào thị trường do rủi ro của thị trường vẫn đang lớn. Song song đó là diễn biến thị trường chứng khoán trong nước không đồng pha với thị trường chứng khoán thế giới (do hoạt động bán ra của khối ngoại), tạo tâm lý lo ngại và khiến cho dòng tiền suy yếu. Xu hướng giao dịch giằng co thì dòng tiền không thể tăng trưởng và thu hút được dòng tiền mới.

Bởi vậy, thị trường cần thời gian để đánh giá lại, kiểm định sự cải thiện của các yếu tố cơ bản trước khi có sự đồng thuận tăng trưởng giá và giao dịch. Tuy nhiên, thanh khoản thường có xu hướng giảm trước và sau dịp lễ, Tết. Do vậy, ông Khoa cho rằng, khi dòng tiền có sự đồng thuận từ khối ngoại và các yếu tố cơ bản được củng cố trong quý IV/2023, dòng tiền rẻ sẽ vận động tốt hơn trong quý I/2024.

Trong xu hướng vận động giằng co, một số ngành như công nghệ thông tin, chứng khoán, thép, xuất khẩu và bất động sản khu công nghiệp vẫn thu hút được dòng tiền. Đây là những ngành duy trì đà hồi phục tốt trong năm 2023 và còn triển vọng tăng tiếp trong năm 2024. Mặt khác, nhóm cổ phiếu blue-chips đã giảm nhanh hơn diễn biến chung của thị trường khi khối ngoại đẩy mạnh bán ròng. Do vậy, cùng với các nhóm ngành dự báo có triển vọng tích cực thì việc mua vào các cổ phiếu blue-chips đón đầu xu hướng năm 2024 cũng được ông Khoa lưu ý.

Ảnh tác giả

Môi trường kinh tế toàn cầu đầy thách thức và nhu cầu trong nước yếu hơn đang khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam chậm lại. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chậm lại từ 8% vào năm 2022 xuống còn 3,7% trong nửa đầu năm 2023. Dự báo mức tăng trưởng GDP cả năm 2023 của Việt Nam đạt được là 4,7% vào năm 2023, tăng dần lên 5,5% vào năm 2024 và 6,0% vào năm 2025. Chính sách hỗ trợ nhu cầu ngắn hạn, dỡ bỏ các rào cản trong việc thực hiện đầu tư công và giải quyết các hạn chế về cơ sở hạ tầng có thể giúp nền kinh tế đạt được các mục tiêu này và thúc đẩy tăng trưởng dài hạn.

Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Chính phủ có thể hỗ trợ tổng cầu thông qua đầu tư công hiệu quả, từ đó tạo việc làm và kích thích hoạt động kinh tế. Ngoài các biện pháp hỗ trợ ngắn hạn, Chính phủ không nên bỏ qua các cải cách thể chế cơ cấu - bao gồm cả trong lĩnh vực năng lượng và ngân hàng, vì chúng là điều bắt buộc đối với tăng trưởng dài hạn.

Để khai thác sức mạnh của đầu tư công, Việt Nam cần duy trì mức đầu tư, nâng cao chất lượng dự án và giải quyết những tồn tại trong quản lý đầu tư công và các quy định về tài chính.

Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thành Trung, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Kim Group cho rằng, tiền vẫn chưa vào thị trường chứng khoán như kỳ vọng dù mặt bằng lãi suất đang ở mức rất thấp. Nguyên nhân có thể do nhà đầu tư e ngại nhiều yếu tố vĩ mô, cũng như khối ngoại chưa dứt chuỗi bán ròng.

Để kích thích dòng tiền lớn nhập cuộc, theo ông Trung, các yếu tố vừa kể ở trên phải thay đổi theo hướng ngược lại. Tức là, thứ nhất, nền kinh tế phải thấy được những tín hiệu sáng sủa hơn (vì hiện tại, còn nhiều điểm đáng lo như chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ở mức thấp, cho thấy các doanh nghiệp vẫn còn nhiều yếu tố rủi ro và chưa sẵn sàng gia tăng hàng tồn kho; tình hình xuất khẩu vẫn rất khó khăn, cho dù đã có tín hiệu tạo đáy. Kinh tế Mỹ có thể yếu hơn trong năm 2024… Thứ hai, thị trường phải tiếp tục chiết khấu đến mức đủ để kích thích lòng tham của nhà đầu tư. Cuối cùng là, khối ngoại cần chấm dứt chuỗi bán ròng như hiện tại. Mặc dù chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ về giá trị giao dịch nhưng việc khối ngoại bán ròng mạnh trong suốt cả năm 2023 cũng khiến nhà đầu tư trong nước “chùn tay”.

Rõ ràng, dù lãi suất đang ở mức thấp, nhưng tín dụng vẫn chưa chảy mạnh như mong muốn của nhà điều hành. Trong khi đó, người dân vẫn tiếp tục gia tăng gửi tiết kiệm, chứ chưa có ý định đẩy mạnh hoạt động đầu tư sang các kênh khác như bất động sản, chứng khoán. Thêm vào đó, dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài tiếp tục xu hướng rút ròng mạnh mẽ, bất chấp tình hình tỷ giá trong nước đã ổn định và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phát tín hiệu ôn hòa về việc có thể bắt đầu giảm lãi suất từ năm 2024, từ đó, khiến cho thị trường chứng khoán Việt Nam đang có những diễn biến kém khả quan.

Chỉ số VN-Index vẫn loanh quanh mốc 1.100 điểm và chưa rõ xu hướng, trong khi dòng tiền đang thấp dần. Suốt từ đầu năm 2022 đến nay, xu thế chính của thị trường chứng khoán Việt Nam là điều chỉnh cộng thêm những vấn đề về trái phiếu doanh nghiệp đã khiến việc huy động vốn của doanh nghiệp trên thị trường vốn gặp rất nhiều khó khăn.

Việc tháo gỡ các vấn đề hiện tại, theo ông Thành Trung, không dễ vì nguyên nhân chủ yếu vẫn đến từ tình hình ảm đạm của kinh tế toàn cầu. Khi tổng cầu kinh tế thế giới suy giảm thì các nền kinh tế hướng về xuất khẩu như Việt Nam ảnh hưởng nặng nề. Tín dụng hiện tại chưa như mong muốn cũng là do doanh nghiệp chưa nhìn thấy có sự tăng lên của tổng cầu ở các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, Trung Quốc, EU, nên chưa có nhu cầu gia tăng vốn vay. Chúng ta cần phải chấp nhận thực tế khó khăn này và chờ đợi trong năm 2024 khi tình hình sáng sủa hơn, tức là Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu chu kỳ hạ lãi suất để tránh hạ cánh cứng cho nền kinh tế Mỹ. Tổng cầu kinh tế thế giới phục hồi giúp cho đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam gia tăng trở lại từ đó hoạt động tín dụng được đẩy mạnh, khơi thông dòng tiền và khối ngoại sẽ quay trở lại để bắt đầu một chu kỳ mới. Điều quan trọng là Chính phủ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này bằng các chính sách như tiếp tục kéo dài thời gian giảm thuế VAT; xử lý các vướng mắc về pháp lý; đưa ra các gói kích cầu tiêu dùng, đặc biệt là gói vốn 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp cần được đẩy mạnh để hỗ trợ thị trường bất động sản “hạ cánh mềm”, không xảy ra tình trạng đổ vỡ thị trường.

Để kích thích dòng tiền lớn nhập cuộc, ông Tuấn Anh kỳ vọng vào hai chất xúc tác, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp hồi phục thật sự.

“Theo quan điểm của tôi, lãi suất tác động tới cổ phiếu qua hai pha, pha 1 là pha kỳ vọng. Lãi suất giảm, kết quả kinh doanh chưa phục hồi nhưng giá nhiều cổ phiếu đã tăng mạnh, thậm chí, một số cổ phiếu đã đạt đỉnh của đầu năm 2022, dòng tiền lớn lúc đó đã vào rồi. Tuy nhiên, khi kết quả kinh doanh quý II và quý III/2023 được công bố với những con số không khả quan, thị trường đã có sự điều chỉnh lại rất mạnh. Đến hiện tại, tôi kỳ vọng vào pha 2, khi lãi suất sau độ trễ 3 - 4 quý bắt đầu ngấm vào hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, báo cáo quý công bố với những số liệu tích cực rõ nét về doanh thu và lợi nhuận. Bức tranh khi đó mới rõ ràng và dòng tiền cả nhà đầu tư chuyên nghiệp lẫn không chuyên nghiệp sẽ vào ồ ạt”, ông nói.

Thứ hai, ông Tuấn Anh kỳ vọng, tháng 9/2024, thị trường chứng khoán Việt Nam chính thức nâng hạng. Điều này có thể kéo nhiều quỹ ngoại vào thị trường, khi dòng tiền ngoại rất lớn được đổ vào thì định giá của cả thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ lên mức nền mới. Ví dụ trên thế giới có Quỹ Tundra rất nổi tiếng với việc đầu tư vào các thị trường có câu chuyện tăng trưởng mạnh trong 1 năm, việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2024 chắc chắn sẽ là câu chuyện rất hấp dẫn với các quỹ ngoại như vậy.

Tin bài liên quan