Ngân hàng phải xác định chiến lược chuyển đổi số và quyết định mô hình kinh doanh mà họ sẽ tham gia và xây dựng hệ sinh thái mở cho các dịch vụ tài chính.

Ngân hàng phải xác định chiến lược chuyển đổi số và quyết định mô hình kinh doanh mà họ sẽ tham gia và xây dựng hệ sinh thái mở cho các dịch vụ tài chính.

Tài chính nhúng: Xu hướng định hình lại cách người dùng tương tác với dịch vụ tài chính

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) “Tiềm năng của tài chính nhúng rất lớn và thị trường sẽ sôi động hơn khi các Ngân hàng tham gia cuộc chơi này”. Đó là nhận định của ông Phạm Quang Minh, Tổng giám đốc Mambu Việt Nam chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán.

Theo báo cáo của công ty Dealroom và Quỹ đầu tư mạo hiểm ABN AMRO (Ngân hàng ABN AMRO), đến năm 2030, tổng giá trị thị trường tài chính nhúng có thể đạt 7,2 nghìn tỷ USD, vượt qua giá trị hiện tại của tất cả các công ty khởi nghiệp và top 30 ngân hàng toàn cầu cộng lại. Điều này cho thấy tài chính nhúng đã và đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới. Ông đánh giá cơ hội phát triển tài chính nhúng tại Việt Nam sẽ như thế nào?

Ngày càng nhiều doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ tài chính trên nền tảng thương mại và dịch vụ cho người dùng. Có thể kể ra như dịch vụ thanh toán ví điện tử hay tài khoản ngân hàng, thanh toán thẻ tín dụng, bảo hiểm. Các doanh nghiệp đã và đang nắm lấy cơ hội “tài chính nhúng” giống như dịch vụ của Ngân hàng được cung cấp bởi doanh nghiệp nhằm giữ chân và gia tăng giá trị vòng đời khách hàng.

Hay nói một cách khác, hiện đã có nhiều doanh nghiệp nhúng các sản phẩm thanh toán đơn giản như ví điện tử hay đã bắt đầu xuất hiện các dịch vụ thanh toán trả sau trên các nền tảng số được cung cấp bởi các tổ chức thanh toán trung gian hay công ty tài chính tiêu dùng.

Theo báo cáo e-Conomy SEA 2021 do Google, Temasek và Bain & Company nghiên cứu, dự kiến vào năm 2025, toàn bộ nền kinh tế số của Việt Nam sẽ đạt giá trị 57 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt 29% cho thấy tiềm năng của tài chính nhúng rất lớn và thị trường sẽ sôi động hơn khi các Ngân hàng tham gia cuộc chơi này.

Ông Phạm Quang Minh, Tổng giám đốc Mambu Việt Nam

Ông Phạm Quang Minh, Tổng giám đốc Mambu Việt Nam

Dẫn chứng cụ thể hơn về tài chính nhúng hiện nay ở Việt Nam, ông sẽ đề cập đến câu chuyện nào?

Không thể không nhắc tới dịch vụ thanh toán Cake trên ứng dụng gọi xe Be, khách hàng có thể dễ dàng đăng ký tài khoản ngân hàng số Cake trên ứng dụng gọi xe Be được cung cấp bởi công ty BeFinancial là công ty thành viên của Be Group và dùng để thanh toán các dịch vụ cung cấp trên nền tảng số Be.

Cake đã có được một triệu khách hàng sau 10 tháng ra mắt và hướng tới trên 2 triệu khách hàng vào cuối năm nay. Cake tiếp tục ra mắt các sản phẩm thanh toán có tín dụng trên nền tảng Be. Có thể nói với tốc độ phát triển khách hàng, sự đa dạng về dịch vụ tài chính cùng với quy mô giao dịch, Cake là một mô hình tài chính nhúng thành công nhất tại Việt Nam hiện nay.

Ngoài câu chuyện trên, còn có các hình thức nào nữa cần phát triển trong tương lai ở Việt Nam?

Sự hợp tác giữa doanh nghiệp và ngân hàng là mật thiết để phát triển, nắm bắt các cơ hội kinh doanh mới. Ở khía cạnh doanh nghiệp đó là mô hình tài chính nhúng, còn từ phía Ngân hàng là BaaS (banking as a service), đây là hai xu hướng sẽ định hình ngay lại cách người dùng tương tác với các dịch vụ tài chính. Công nghệ sẽ quyết định sự thay đổi này với yêu cầu chủ yếu là một nền tảng công nghệ lõi linh hoạt.

Có 3 yếu tố tạo ra sự thay đổi mô hình kinh doanh mới này: Thứ nhất, lợi nhuận và doanh thu từ phí dịch vụ giảm đối với các sản phẩm tài chính truyền thống. Thứ hai, nhu cầu tăng đối với các sản phẩm tài chính trong trải nghiệm trên nền tảng số. Thứ ba, lợi thế chiến lược về tăng trưởng tự thân (organic growth).

Ngân hàng phải xác định chiến lược chuyển đổi số và quyết định mô hình kinh doanh mà họ sẽ tham gia và xây dựng hệ sinh thái mở cho các dịch vụ tài chính. Ngân hàng phải quyết định sẽ mang sản phẩm của bên thứ ba nào vào nền tảng và kênh bán hàng của họ, cũng như sẽ tích hợp các sản phẩm nào của Ngân hàng vào nền tảng của bên thứ ba.

Đâu là thách thức và cơ hội cho các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng?

Doanh nghiệp đang cân nhắc chiến lược tài chính nhúng cần đánh giá cụ thể các vấn đề sau: tài chính nhúng có tạo ra trải nghiệm khách hàng tốt hơn trong hành trình khách hàng đang được cung cấp? Tài chính nhúng có tạo ra lợi thế cạnh tranh so với đối thủ? Doanh thu từ dịch vụ tài chính nhúng có đủ bù đắp chi phí đầu tư và vận hành dịch vụ? Có đủ năng lực về kỹ thuật và kinh doanh để hợp tác với Ngân hàng thông qua dịch vụ BaaS?

Về phía Ngân hàng, để cung cấp dịch vụ BaaS, tạo khả năng “tài chính nhúng” cho doanh nghiệp, cần xây dựng hạ tầng công nghệ hiện đại để cung cấp các sản phẩm với kiến trúc Ngân hàng kết hợp kết nối API với bên thứ ba. Mặc dù vậy, Ngân hàng thường có nền tảng công nghệ truyền thống với nhiều vấn đề phải giải quyết với hệ thống lõi, đối mặt với khó khăn trong việc tạo ra các sản phẩm tài chính nhúng hoặc không thể. Ví dụ, chi phí cao để thay đổi hoặc tạo ra sản phẩm mới và mất hàng tháng để thực hiện, không hỗ trợ hoặc rất hạn chế khả năng tích hợp API với bên thứ ba; hay như, không thể cung cấp dữ liệu tức thời và khó khăn khi mở rộng với số lượng khách hàng và giao dịch lớn.

Ngoài ra, phía ngân hàng cần cân nhắc các yếu tố sau: Chiến lược chuyển đổi số có thực sự chuyển đổi hỗ trợ mô hình kinh doanh BaaS? Cung cấp sản phẩm gì, thuần tuý công nghệ tạo ra sản phẩm tài chính nhúng hay sản phẩm đồng thương hiệu… ? Nếu không theo đuổi mô hình BaaS, Ngân hàng có chiến lược nào để cạnh tranh với các đối thủ hoặc Fintech?

Các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng cần làm gì để đón đầu cơ hội kinh doanh này?

Doanh nghiệp sẽ cần đánh giá tác động của tài chính nhúng tới hành trình khách hàng, mô hình kinh tế và các quy trình, công nghệ cần thiết phải thay đổi để sẵn sàng cho một giải pháp tài chính nhúng. Cụ thể đó là từ thanh toán tới tín dụng phục vụ các phân khúc khách hàng khác nhau nhằm gia tăng tỷ lệ chuyển đổi khách hàng giao dịch thành công cũng như tạo ra nguồn doanh thu mới. Sau đó, đánh giá các đối tác với mô hình hợp tác phù hợp để triển khai dịch vụ tài chính nhúng trên tập khách hàng hiện hữu.

Các Ngân hàng ở Việt Nam đang có xu hướng xây dựng nền tảng ngân hàng (digital banking) tích hợp với các sản phẩm dịch vụ bên thứ ba thành một siêu ứng dụng (super app) trong chiến lược chuyển đổi số, với cơ hội tài chính nhúng Ngân hàng cần có chiến lược chuyển đổi số cân bằng giữa hai mô hình kinh doanh “digital banking” và “open banking/BaaS”. Hạ tầng truyền thống không được thiết kế cho việc ra quyết định tức thời nhưng lại là yêu cầu cốt lõi trong việc kinh doanh sản phẩm tài chính nhúng.

Theo đó, ngân hàng cần xây dựng một hàng tầng công nghệ mới để phục vụ mô hình kinh doanh mới này, nhìn về khía cạnh công nghệ tài chính nhúng là một sản phẩm số kết hợp sản phẩm tài chính căn bản và các kết nối API để tích hợp với bên thứ ba thường là doanh nghiệp nền tảng số. API cũng quan trọng như hợp đồng hợp tác kinh doanh để phục vụ hai đối tượng khách hàng đồng thời là đối tác kinh doanh và người sử dụng.

Tin bài liên quan