Tài chính tiêu dùng vẫn tăng trưởng trong đại dịch

Tài chính tiêu dùng vẫn tăng trưởng trong đại dịch

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mặc dù khó tránh khỏi khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, song hoạt động của các công ty tài chính vẫn ghi nhận được kết quả tích cực, dù mức tăng có khiêm tốn hơn trước.

Theo báo cáo cập nhật về HDBank mới công bố, SSI Research cho biết, trong 6 tháng đầu năm, HD Saison - công ty tài chính của HDBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế 299 tỷ đồng, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng thu nhập hoạt động trong kỳ của HD Saison đạt 1.306 tỷ đồng, tăng 20,7% và tương đương xấp xỉ 44% tổng thu nhập của ngân hàng mẹ.

Song trong khi chi phí dự phòng của ngân hàng mẹ giảm 63% xuống 55 tỷ đồng, chi phí dự phòng của HD Saison đã tăng mạnh 63,7% lên mức 422 tỷ đồng.

Với đặc thù là công ty tài chính, chi phí tín dụng của HD Saison trong nửa đầu năm nay là 10,8% (so với mức 7,5% cùng kỳ), hơn gấp nhiều lần ngân hàng mẹ.

Tuy nhiên, biên lãi ròng (NIM) của công ty cũng đạt ở mức cao, xấp xỉ 30%, tăng 2,6 điểm % so với nửa đầu 2020 và gấp hơn 8 lần HDBank.

Tính đến 30/6/2021, tổng dư nợ cho vay tín dụng của HD Saison là 14.393 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,1% so với đầu năm.

Về chất lượng cho vay, tỷ lệ nợ xấu đã nhích nhẹ từ mức 5,81% cuối năm ngoái lên 5,84% cuối quý II/2021. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu được cải thiện từ mức 47,3% lên 54,8%.

M-Credit, công ty tài chính do ngân hàng MB sở hữu 50% cũng tăng trưởng ấn tượng trong nửa đầu năm nay.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu của M-Credit đạt 2.168 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2020. Lợi nhuận trước thuế đạt 346 tỷ đồng, tăng tới 188% so với cùng kỳ. Hiện vốn điều lệ của M-Credit ở mức 800 tỷ đồng.

Trước đó, trong năm 2020, lợi nhuận trước thuế của M-Credit cũng tăng tới 77% so với năm trước, đạt 320 tỷ đồng. Dư nợ đạt mốc trên 10.000 tỷ đồng, tăng 18,3%, là một trong số ít công ty tài chính tiêu dùng duy trì được đà tăng trưởng dư nợ 2 con số trong năm 2020.

Trong khi đó, 6 tháng đầu năm 2021, lợi nhuận trước thuế của FE Credit đạt xấp xỉ 1.200 tỷ đồng, bằng khoảng 50% so với cùng kỳ, nguyên nhân chính là việc giảm biên lãi ròng từ 29,1% xuống 25,4% theo báo cáo kết quả hoạt động mới công bố của VPBank.

Trong 2 quý đầu năm nay, tổng thu nhập hoạt động, không bao gồm thu nhập khác đạt 8.800 tỷ đồng, tăng nhẹ khoảng hơn 1%. NIM sau một năm tiếp tục giảm từ mức 29,1% xuống còn 26,9%.

Chi phí hoạt động của FE Credit giảm xuống 2.200 tỷ đồng đã giúp kéo tỷ lệ chi phí trên thu nhập giảm xuống còn 25,4%.

Tỷ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROAE) đạt 12,3%, thấp hơn nhiều trong nửa đầu các năm trước. Tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản bình quân (ROAA) ở mức 2,6%.

Cũng trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng khối lượng giải ngân của FE Credit đạt 28.000 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ 2020, song vẫn thấp hơn 25% so với cùng kỳ 2019.

Tổng dư nợ tín dụng FE Credit tính đến ngày 30/6/2021 đã tăng 1,8% lên 61.300 tỷ đồng. Đáng chú ý trong đó, đã đã có thêm khoảng 4.700 tỷ đồng là dư nợ cho vay tổ chức. Cơ cấu dư nợ tín dụng theo sản phẩm không có nhiều sự thay đổi.

Theo ước tính trước đó của SSI Research, đơn vị này dự báo lợi nhuận của FE Credit trong năm 2021 có thể đạt 4.400 tỷ đồng, tăng 20% so với năm trước mặc dù chi phí tín dụng dự kiến sẽ cao hơn vào cuối năm.

SSI Research cho rằng, vì VPBank quyết định không mở rộng hoạt động kinh doanh của FE Credit cho đến quý III/2021, do đó tổng dư nợ của Công ty sau 3 tháng đầu năm đi ngang.

Bên cạnh đó, SSI Research dự báo chi phí tín dụng của FE Credit dự kiến cao hơn vào cuối năm khi công ty có thể mất thêm thời gian để đưa chất lượng tín dụng trở về mức bình thường.

Tin bài liên quan