Ông Trương Minh Tiến, Giám đốc điều hành Viet Research.

Ông Trương Minh Tiến, Giám đốc điều hành Viet Research.

Tận dụng cơ hội từ hai làn sóng đổi mới sáng tạo

0:00 / 0:00
0:00
Theo ông Trương Minh Tiến, Giám đốc điều hành Viet Research, nhận thấy mỗi làn sóng đổi mới sáng tạo đều có tầm quan trọng theo một ý nghĩa riêng, các doanh nghiệp Việt Nam dù đang ở giai đoạn khởi sự hay đã tồn tại lâu năm đang “bọc lót” cho nhau để tận dụng tốt cơ hội từ hai làn sóng đó.

Vì sao Viet Research lại đưa ra tiêu chí đổi mới sáng tạo để vinh danh các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh này, thưa ông?

Là người luôn có sáng tạo, cải tiến quy trình cho bản thân, tôi đánh giá cao vai trò của đổi mới sáng tạo và cách tân. Sau khi thay đổi, nâng cấp thì đạt được lợi ích hơn rất nhiều.

Đổi mới sáng tạo đối với tổ chức sẽ khó khăn hơn nhiều so với cá nhân. Thành công phụ thuộc rất nhiều vào văn hóa của cả tổ chức, trình độ và sự quyết liệt của ban lãnh đạo. Một doanh nghiệp có sự nhất quán, luôn sẵn sàng thay đổi cải tiến, sau khi đạt được những thành tựu nhất định sẽ được đánh giá là có tiềm năng cao.

Yếu tố nào giúp doanh nghiệp có thể nhận biết rõ nhất về xu hướng đổi mới sáng tạo đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới?

Hiện trên thế giới có hai làn sóng đổi mới sáng tạo.

Thứ nhất, làn sóng đổi mới sáng tạo thời đại kỹ thuật số được xây dựng trên siêu máy tính, trí tuệ nhân tạo và tự động hóa. Làn sóng này đang trên đà tạo ra những tác động mạnh mẽ đến năng suất trên khắp các ngành và lĩnh vực nghiên cứu khoa học.

Thứ hai, làn sóng đổi mới sáng tạo khoa học sâu, được xây dựng dựa trên những đột phá trong công nghệ sinh học, công nghệ nano, vật liệu mới và các ngành khoa học khác. Làn sóng này đang cách mạng hóa đổi mới sáng tạo trong 4 lĩnh vực có tầm quan trọng chủ chốt đối với xã hội là sức khỏe, thực phẩm, môi trường và di động.

Qua quá trình thực hiện đánh giá tại các doanh nghiệp, ông nhận thấy doanh nghiệp Việt Nam tận dụng hai làn sóng đó thế nào?

Mỗi làn sóng đều có tầm quan trọng theo một ý nghĩa riêng. Với làn sóng thứ nhất, chúng ta thấy sự đa dạng, phong phú được áp dụng trong mọi ngành nghề, lĩnh vực, công việc. Việc đổi mới sáng tạo thời đại kỹ thuật số, hay còn gọi là chuyển đổi số đang được Nhà nước hỗ trợ và mọi doanh nghiệp quan tâm đón nhận và áp dụng triệt để.

Điển hình, về hạ tầng viễn thông, nền tảng công nghệ thông tin, hạ tầng về thuế và ngân hàng điện tử được coi là những tài nguyên mà các doanh nghiệp có cơ hội khai thác tốt.

Nói về làn sóng thứ hai, cơ sở hạ tầng của chúng ta tuy vẫn còn khó khăn, nhưng được sự ủng hộ của các bộ, ban, ngành và hệ thống thông tin, kiến thức chuyên ngành được đảm bảo đầy đủ cả trong nước và quốc tế, vì vậy, việc tận dụng làn sóng thứ hai có nhiều thách thức hơn, nhưng các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân đều đạt được những kết quả trong đủ mọi lĩnh vực, từ năng lượng, năng lượng tái tạo, vật liệu và kỹ thuật xây dựng, đến công nghệ lai tạo sinh học, y dược học ứng dụng, công nghệ gen, công nghệ chip, công nghệ nano... tạo tiền đề phát triển sâu hơn nữa cho sự sáng tạo khoa học - kỹ thuật chuyên môn.

Có doanh nghiệp của Việt Nam đã đưa công nghệ thu gom, xử lý, tái chế Vonfram tiên tiến nhất của Đức về Việt Nam để vận hành, giúp kích thích khả năng sáng tạo, học hỏi cho việc xử lý các kim loại khác trong thời gian tới.

Trong quá khứ, nền tảng của đổi mới sáng tạo tại doanh nghiệp nằm ở việc phát triển sản phẩm có ích. Nhưng khi mọi thứ thay đổi và khó đoán như hiện nay, việc tạo ra sản phẩm mới không còn quan trọng bằng việc tạo ra năng lực sáng tạo bền vững cho doanh nghiệp. Vậy theo ông, làm thế nào có thể giúp doanh nghiệp có chuyên môn, điều kiện cần thiết cho quá trình cải tiến năng lực đổi mới sáng tạo?

Việc tạo ra sản phẩm mới hay dịch vụ mới luôn đóng vai trò quan trọng đối với một doanh nghiệp. Điều này là kết quả từ việc xây dựng thành công năng lực đổi mới sáng tạo bền vững của doanh nghiệp. Tổ chức nào xây dựng được văn hóa đổi mới sáng tạo, cách tân, thay đổi tốt hơn trong bộ máy của mình thì việc thích nghi với thị trường nhiều biến động sẽ không bị khó khăn, thậm chí còn là ưu thế.

Để doanh nghiệp cải tiến năng lực sáng tạo, cần có đủ điều kiện nội sinh và ngoại sinh.

Thứ nhất là yếu tố nội sinh. Năng lực sáng tạo nằm trong từng nhân sự đang có của doanh nghiệp. Một tập thể có nhiều nhân viên luôn ý thức đóng góp ý tưởng cải tiến quy trình, vận hành công việc sẽ luôn phát huy hiệu quả. Ngoài ra, tập thể đó cần đến tầm nhìn, mong muốn lãnh đạo sẵn sàng điều tiết, phối hợp để thực thi thúc đẩy những ý tưởng mới sao cho được áp dụng khai thác một cách triệt để.

Thứ hai là yếu tố ngoại lực. Đó chính là hệ sinh thái, hạ tầng cơ sở giúp phát triển đổi mới sáng tạo của ngành cụ thể. Một yếu tố ngoại lực khác mà tôi đang thấy thuận lợi là chính sách cởi mở của Nhà nước đã và đang tạo điều kiện phát triển công nghệ sáng tạo, đổi mới và cách tân của doanh nghiệp.

Ông có thể chỉ ra các rào cản khiến doanh nghiệp còn hạn chế trong đổi mới sáng tạo?

Có một số rào cản, nhưng tôi chỉ muốn đề cập đến rào cản đầu tiên và lớn nhất là môi trường kinh doanh hiện nay có sự lợi dụng, đánh cắp ý tưởng rất nhanh. Một ý tưởng khởi sinh để áp dụng thành công rất khó khăn, nhưng khi đạt được thành công rồi thì rất nhanh chóng bị bắt chước.

Việc này xảy ra cả trong nội bộ giữa cá nhân cho đến giữa những tổ chức với nhau. Hệ thống hỗ trợ và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tại quốc gia và thế giới cần phải chung tay để hạn chế rào cản này. Yếu tố tương tự nhưng rất quan trọng khác là khả năng dấn thân và tự bảo vệ ý tưởng của từng người để thúc đẩy phát triển, đem lại lợi ích cho cá nhân và tập thể.

Tin bài liên quan