Tăng cường năng lực để kiểm soát chất lượng tín dụng

Tăng cường năng lực để kiểm soát chất lượng tín dụng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ông Hồ Minh Tâm, Tổng giám đốc VietCredit cho rằng, việc thực hiện cập nhật nhóm nợ cao nhất, đồng thời trích lập dự phòng rủi ro dựa trên nhóm nợ cao nhất tác động đến nhiều chỉ số của các tổ chức tín dụng và toàn ngành ngân hàng.

Nợ xấu năm 2021 của nhiều tổ chức tín dụng tăng cao. Ông có dự báo gì về tình hình nợ xấu năm nay?

Nợ xấu tăng có nguyên nhân khách quan là do đại dịch Covid-19. Tôi muốn đề cập cụ thể hơn đến đối tượng khách hàng của các công ty tài chính phần lớn là người lao động có thu nhập thấp/trung bình - đây cũng chính là nhóm bị ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 như thất nghiệp, giảm/mất thu nhập. Mặt khác, giai đoạn giãn cách xã hội kéo dài dẫn đến các công ty tài chính gặp nhiều khó khăn trong việc giao dịch với khách hàng như giới thiệu sản phẩm, thu hồi nợ, xử lý nợ xấu. Những yếu tố này tác động đến phát sinh nợ quá hạn, nợ xấu tăng cao, đồng thời ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của các công ty tài chính.

Ông Hồ Minh Tâm, Tổng giám đốc VietCredit

Ông Hồ Minh Tâm, Tổng giám đốc VietCredit

Bên cạnh đó, dù gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19 nhưng các công ty tài chính trong đó có VietCredit cũng như các tổ chức tín dụng vẫn luôn đồng hành cùng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước trong thực thi các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, cơ cấu nợ, gia hạn nợ, miễn giảm lãi, phí theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN, Thông tư 03/2021/TT-NHNN và Thông tư 14/2021/TT-NHNN. Các công ty tài chính còn triển khai nhiều chương trình hỗ trợ cho người thân, gia đình của khách hàng gặp khó khăn bởi dịch bệnh.

Ngoài ra, việc áp dụng cơ chế, chính sách cơ cấu nợ, gia hạn nợ, miễn giảm lãi, phí hỗ trợ khách hàng đã đến mức giới hạn. Nhiều tổ chức tín dụng đã thực hiện việc tái cơ cấu đang đứng trước mối quan ngại về rủi ro tín dụng tiềm ẩn, bởi dịch bệnh tạm thời kìm hãm đà tăng của nợ xấu trong năm 2021 nhưng đẩy rủi ro nợ xấu về tương lai. Tôi dự báo, nợ xấu sẽ tăng mạnh trong năm 2022, đặc biệt khi các Thông tư 01, 03 và 14 hết hiệu lực.

Có ý kiến cho rằng, quy định tại Thông tư 11/2021/TT-NHNN góp phần khiến nợ xấu các tổ chức tín dụng gia tăng. Quan điểm của ông như thế nào về việc này?

Ngày 30/7/2021, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 11 về phân loại tài sản, mức trích, phương pháp lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/10/2021.

Theo đó, khách hàng vừa có khoản vay tại một tổ chức tín dụng A, vừa có khoản vay ở các tổ chức tín dụng khác, dù thanh toán nợ đúng hạn cho tổ chức tín dụng A nhưng quá hạn tại các tổ chức tín dụng khác thì tổ chức tín dụng A phải thực hiện phân loại nhóm nợ của các khách hàng này ở nhóm nợ cao nhất, thống nhất trên toàn hệ thống tổ chức tín dụng.

Trong bối cảnh kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, việc thực hiện cập nhật nhóm nợ cao nhất, đồng thời trích lập dự phòng rủi ro dựa trên nhóm nợ cao nhất tác động đến nhiều chỉ số của các tổ chức tín dụng và toàn ngành ngân hàng. Cụ thể, việc ghi nhận nợ kéo theo từ các tổ chức tín dụng khác sẽ dẫn đến việc tổ chức tín dụng phải chuyển từ ghi nhận nợ trong hạn sang quá hạn, thậm chí là nợ xấu để phù hợp với mức độ rủi ro của khách hàng.

Tôi cho rằng, việc ban hành Thông tư 11 là quyết sách của Ngân hàng Nhà nước nhằm tạo khung pháp lý chặt chẽ hơn để đánh giá, phản ánh chất lượng tín dụng và tình hình tài chính của tổ chức tín dụng. Các tổ chức tín dụng cũng tuân thủ quy định mới của cơ quan quản lý. Tuy nhiên, với quy định cập nhật thông tin vào Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC), nợ xấu của các tổ chức tín dụng bị đẩy lên mức cao hơn so với trước đây.

Hệ thống các tổ chức tín dụng giữ vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, do vậy nợ xấu là mối lo chung. VietCredit có những biện pháp nào để đối phó với nợ xấu?

Để có nguồn lực dự phòng xử lý nợ xấu, VietCredit tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, đẩy mạnh trích lập dự phòng rủi ro. Bên cạnh đó, VietCredit tăng cường năng lực quản trị rủi ro, nâng cao kiểm soát chất lượng tín dụng các khoản vay mới, tránh nợ xấu phát sinh thêm.

Đặc biệt, 2022 là năm VietCredit đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm hoàn thiện hệ thống quản trị rủi ro. Việc sử dụng công nghệ trong các hoạt động thẩm định, dự đoán, cảnh báo hành vi khách hàng đóng vai trò quan trọng trong việc tăng khả năng đưa ra quyết định cho vay chính xác, giảm thiểu rủi ro nợ xấu, cũng như giảm chi phí hoạt động.

Tin bài liên quan