Tăng tốc phục hồi: Phải "kích" vào tiêu dùng và đầu tư tư nhân

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đây là quan điểm của TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, được trình bày tại Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2024 sáng 11/1/2024.

Kinh tế Việt Nam 2023: Ba điểm cộng và ba điểm trừ

Tại Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam thường niên lần thứ 16 với chủ đề “Thúc đẩy cơ chế chính sách, thực thi mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy và Bộ Ngoại giao tổ chức tại Hà Nội ngày 11/1, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho biết, kinh tế thế giới trong đó có Việt Nam vừa trải qua một năm khó khăn, suy giảm tăng trưởng.

Dẫn báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố cách đây vài ngày, ông Lực nói rằng, kinh tế Mỹ và Trung Quốc phát triển chậm lại trong năm 2023 đã kéo theo tăng trưởng kinh tế toàn cầu ước tính chỉ đạt 2,6% và dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong năm 2024 với mức tăng trưởng khoảng 2,4%.

Mặc dù đỉnh lạm phát đã qua lâu rồi (mức 8,6% hồi quý III/2022), cuối năm 2023 lạm phát thế giới đã trở về 5,2%; dự kiến cuối 2024 sẽ khoảng 4% và tiếp tục giảm xuống 3% sau đó 2% vào những năm 2025, 2026, song vị chuyên gia lưu ý, thế giới vẫn tiếp tục rủi ro vì tình hình địa chính trị vẫn phức tạp, cả nợ công nợ tư còn khá cao cùng với những bất ổn về an ninh lương thực, an ninh năng lượng...

Trong bối cảnh đó, tăng trưởng GDP 2023 của Việt Nam đạt 5,05%, theo ông Lực, mặc dù thấp hơn so với kế hoạch nhưng là tương đối cao trong khu vực.

"Năm nay đa số các dự báo cho rằng Việt Nam sẽ tốt lên. WB dự báo GDP Việt Nam sẽ tăng 5,5%, các dự báo khác khoảng 6%, chúng tôi lạc quan hơn khi cho rằng Việt Nam có thể đạt GDP cao hơn khoảng 0,5% so với mức trung bình của các báo cáo", ông nói.

Nhìn lại năm 2023, TS. Cấn Văn Lực nhận định, kinh tế Việt Nam có ba điểm cộng. Cụ thể là tăng trưởng GDP ở mức tương đối khá trong khu vực, đặc biệt tín hiệu phục hồi tương đối rõ ràng từ cuối quý II đến giờ, ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề; Kinh tế vĩ mô ổn định (lạm phát tương đối thấp 3,25%, nợ công, nợ tư, nợ nước ngoài, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ...tương đối ổn); đồng thời chứng kiến một năm có nhiều thành tựu trên lĩnh vực ngoại giao kinh tế.

TS. Cấn Văn Lực trình bày tham luận tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2024 (Ảnh: M.M)

TS. Cấn Văn Lực trình bày tham luận tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2024 (Ảnh: M.M)

Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng lưu ý, vẫn còn tồn tại ba điểm trừ:

Thứ nhất là xuất khẩu giảm 4,4%, là mức chưa từng có trong khoảng ít nhất 11 năm qua, chưa bao giờ xuất khẩu âm mà năm 2023 âm (tuy nhiên nhập khẩu giảm 8,9% nên cán cân thương mại vẫn xuất siêu 28 tỷ USD), cho thấy tác động bên ngoài đến Việt Nam là rất lớn. Kéo theo cả năm sản xuất công nghiệp chỉ tăng 1,5% là khá thấp, trong khi thông thường sản xuất công nghiệp tăng khoảng 7-8%.

Thứ hai là tiêu dùng, mặc dù bán lẻ tăng 9,6% nhưng tiêu dùng cuối cùng tăng rất thấp: chỉ 3,52% - bằng khoảng 1/2 tốc độ tăng trưởng GDP hằng năm. Điều này cho thấy người dân tiết kiệm hơn, thận trọng hơn trong tiêu dùng.

Thứ ba là đầu tư tư nhân (doanh nghiệp tư nhân, kinh tế hộ gia đình) chỉ tăng 2,5%.

"Đây là mức thấp chưa từng có 10 năm qua, thậm chí thời Covid con số này vẫn là 3%. Tôi mong muốn đầu tư tư nhân phải tăng gấp đôi hiện nay, khoảng 6-7% thì mới ổn", ông Lực nói.

Cần lấy lại niềm tin của nhà đầu tư và duy trì chính sách hỗ trợ như thời Covid-19

Nhìn vào triển vọng năm 2024, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, ông đồng tình với quan điểm của Nghị quyết 01 về Kế hoạch Phát triển kinh tế xã hội năm 2024 mà Chính phủ mới ban hành, coi năm 2024 là năm tăng tốc, bứt phá để đạt kế hoạch của cả giai đoạn 2021-2025.

Ông cũng đồng tình với quan điểm của Chính phủ, phải "làm mới" các động lực tăng trưởng cũ và thực thi hiệu quả các động lực tăng trưởng mới.

Theo đó, cần "kích" vào hai điểm mấu chốt hiện nay là tiêu dùng và đầu tư tư nhân. Bằng cách duy trì các cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân ít nhất ở mức tương đương giai đoạn đại dịch Covid-19; đồng thời phải lấy lại niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp thông qua việc cải thiện mạnh mẽ thể chế và môi trường đầu tư kinh doanh.

Năm 2024, Việt Nam có thể "kích" tiêu dùng và đầu tư tư nhân mà không quá lo về lạm phát. Lạm phát có thể kiểm soát tốt theo mục tiêu đề ra bằng cách kiềm chế áp lực tăng giá từ lương thực thực phẩm, giá nhà ở và vật liệu xây dựng - hai nhóm gây ra hơn 70% nguyên nhân lạm phát năm 2023.

TS Cấn Văn Lực

"Đặc biệt, kích cầu đầu tư cần chú trọng ba khu vực có mức độ lan toả liên kết vùng rất lớn là Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh", ông Lực lưu ý và nhấn mạnh, đây là ba đầu tàu kinh tế nhưng năm 2023 có mức tăng trưởng GRDP rất thấp (Đà Nẵng 3,26% - thấp gần nhất cả nước; TP HCM chỉ 5,81% và HN trên 6% là chưa cao).

"Ba đầu tàu này cần có tăng trưởng cao gấp 1,3-1,5 lần tăng trưởng của cả nước thì mới hợp lý", ông nói.

Về các động lực tăng trưởng mới, vị chuyên gia cho rằng có rất nhiều nhưng thực thi đến đâu mới là vấn đề. Đó là các động lực đến từ chuyển đổi số và khoa học công nghệ, từ việc đẩy mạnh năng suất lao động, từ cải cách thể chế hay là chiến lược tăng trưởng xanh và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu...

Những động lực mới này hiện nay Việt Nam còn rất nhiều dư địa. Năm ngoái chuyển đổi số khá mạnh nhưng mức tăng năng suất lao động vẫn thấp - chỉ 3,65%, ông Lực nêu vấn đề và băn khoăn phải chăng đây là hậu quả của tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm khiến cho những nỗ lực thúc đẩy, cải cách phải "đi lòng vòng".

Toàn cảnh Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam thường niên 2024 (Ảnh: M.M)

Toàn cảnh Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam thường niên 2024 (Ảnh: M.M)

Đặc biệt, dẫn một số liệu thống kê của Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), ông Lực cho biết, chúng ta đã ký rất nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với quốc tế nhưng hiện mới tận dụng được khoảng 31-32% các lợi thế từ các FTA này.

"Việt Nam còn nhiều cơ hội tận dụng ngoại giao kinh tế. Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho rằng chỉ cần tận dụng 3 sự kiện: cạnh tranh chiến lược Mỹ và Trung Quốc, CPTPP và RCEP, Việt Nam có thể hưởng lợi bằng cách tăng 15-16% tổng kim ngạch xuất khẩu từ nay đến năm 2030", vị chuyên gia lưu ý.

Nhấn mạnh những động lực tăng trưởng mới nếu làm tốt, mỗi năm Việt Nam có thể tăng GDP 1,5-2%, TS Cấn Văn Lực đề nghị nhóm giải pháp để thực thi bao gồm:

Một là, đẩy mạnh cải cách thể chế, trong đó chú ý xây dựng khung pháp lý cho các mô hình kinh tế mới, mô hình kinh doanh mới (sand-box), quá trình này hiện nay đang chậm.

Hai là, chú trọng cơ cấu lại nền kinh tế. Việc xử lý dự án yếu kém, doanh nghiệp yếu kém, tổ chức tín dụng yếu kém... hiện cũng đang bị chậm.

Ba là, có chiến lược rõ ràng để tăng năng suất lao động, bao gồm lập ra Uỷ ban thúc đẩy năng suất lao động, ví dụ như Uỷ ban năng suất quốc gia.

Bốn là, thúc đẩy tăng trưởng xanh; ban hành đầy đủ, kịp thời văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Bảo vệ môi trường 2020; có kế hoạch cụ thể ứng phó biến đổi khí hậu; thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh, Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn, cam kết “Zero – carbon” đến năm 2050...

Năm là, cần tăng tính tự chủ tự cường và sức chống chịu của nền kinh tế trong bối cảnh mong manh từ bên ngoài, cả doanh nghiệp và các địa phương.

"Ngoài ra, cần chú trọng xây dựng, quản lý và khai thác cơ sở thông tin, dữ liệu quốc gia trong mỗi lĩnh vực, ngành nghề, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp cùng với cơ chế liên thông, chia sẻ và quản lý rủi ro dữ liệu...", vị chuyên gia lưu ý.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán bên lề Diễn đàn về giải pháp cụ thể để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư, TS. Cấn Văn Lực nói rằng, Việt Nam đang nỗ lực làm việc này.

TS Cấn Văn Lực trả lời báo chí bên lề Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2024 (Ảnh: M.M)

TS Cấn Văn Lực trả lời báo chí bên lề Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2024 (Ảnh: M.M)

Ví dụ như trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, sau hàng loạt vụ việc doanh nghiệp vi phạm phải xử lý, Bộ Công an đang cố gắng tối đa thu hồi tài sản cho nhà đầu tư.

"Chúng tôi cũng đã kiến nghị giải quyết dứt điểm càng nhanh càng tốt", ông Lực nói.

Về lâu dài, để khôi phục niềm tin của nhà đầu tư thì thị trường phải tiếp tục công khai minh bạch, chuyên nghiệp hơn. Việc quay trở lại áp dụng Nghị định 65, có thể có những điều chỉnh phù hợp, là một minh chứng cho quyết tâm của cơ quan quản lý.

Bên cạnh đó, Luật Các tổ chức tín dụng sắp được thông qua được kỳ vọng sẽ xử lý được vấn đề sở hữu chéo cũng sẽ củng cố niềm tin cho nhà đầu tư; bởi vì tính liên thông giữa thị trường tài chính và thị trường bất động sản là vấn đề phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới, gây nên rủi ro hệ thống, bắt buộc phải có cơ chế điều chỉnh.

Tin bài liên quan