Áp lực lạm phát khiến việc giảm lãi suất cho vay gặp thách thức, trong khi nhu cầu tín dụng gia tăng.

Áp lực lạm phát khiến việc giảm lãi suất cho vay gặp thách thức, trong khi nhu cầu tín dụng gia tăng.

Thách thức hạ lãi suất

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán, HSBC Việt Nam cho rằng, lạm phát sẽ được kiểm soát ở mức thấp, nhưng lãi suất cho vay khó có thể giảm. 

Mối lo lạm phát đang hiện hữu, đặc biệt là rủi ro nhập khẩu lạm phát. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Tôi cho rằng, áp lực lạm phát của Việt Nam vẫn ở mức thấp trong khối ASEAN. Trong tháng 5/2022, lạm phát tăng 0,38% so với tháng 4 và tăng 2,86% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới; giá lương thực, thực phẩm, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào là những nguyên nhân chủ yếu làm CPI tăng.

Trong khi đó, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tháng 5 giảm 0,13% so với tháng 4 do giá gas giảm 5,38%. Dự báo, nhu cầu trong nước tiếp tục phục hồi và giá hàng hóa toàn cầu nhiều khả năng thêm, lạm phát năm 2022 ước tính tăng 3,7%, vẫn dưới mức trần lạm phát 4% của Ngân hàng Nhà nước.

Với dự báo lạm phát trong tầm kiểm soát, lãi suất cho vay liệu có giảm trong thời gian tới?

Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu có dấu hiệu chậm lại, lạm phát tại Mỹ có khả năng đạt đỉnh và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ hạ nhiệt, hiện có những kỳ vọng về mặt bằng lãi suất cho vay sẽ giảm.

Ảnh tác giả

Các ngân hàng không dễ thực hiện được chủ trương giảm lãi suất cho vay 0,5 - 1%/năm trong năm 2022 - 2023.

Ông Ngô Đăng Khoa

Tuy nhiên, đây chưa chắc sẽ là chất xúc tác cho một đợt giảm rõ rệt về lãi suất, nhất là các nguồn chính gây lạm phát như năng lượng vẫn còn “dai dẳng”.

Bất chấp kỳ vọng tổng cầu toàn cầu giảm, giá dầu vẫn neo ở mức cao với dầu thô Brent quanh mức 110 - 120 USD/thùng, do gián đoạn nguồn cung bởi xung đột Nga - Ukraine. Các biện pháp bảo hộ nhằm đối phó với cuộc xung đột đó làm trầm trọng thêm áp lực giá cả toàn cầu.

Tại Việt Nam, mặc dù lạm phát nằm trong tầm kiểm soát, nhưng với độ mở cao của nền kinh tế, áp lực lạm phát cũng như kỳ vọng về lạm phát tăng cao hơn trong những tháng cuối năm 2022 là tương đối rõ nét. Điều này đặt ra những thách thức trong việc điều hòa giữa giảm thêm lãi suất và ổn định kinh tế vĩ mô.

Ngoài ra, tỷ giá biến động khó lường và kỳ vọng về tăng trưởng tín dụng được duy trì, việc đảm bảo thanh khoản trên thị trường tiếp tục dồi dào như hiện nay có thể là một thách thức, khiến các ngân hàng không dễ thực hiện được chủ trương giảm lãi suất cho vay của Ngân hàng Nhà nước.

HSBC từng dự báo, tỷ giá sẽ tăng nhẹ trong ngắn hạn và thực tế thời gian qua cho thấy tỷ giá tăng. Liệu tỷ giá trong những tháng tới có giữ được sự ổn định?

Thị trường ngoại hối trong nước tiếp tục chứng kiến nhiều biến động trong tháng 5/2022. Cụ thể, tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng có mức tăng hơn 220, từ 22.970 lên mức cao nhất kể từ đầu năm đến nay là 23.190, tương đương tăng 1%.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, tiền đồng mất giá khoảng 2% so với USD. Diễn biến này tương đối trái ngược với xu hướng ổn định của những năm gần đây, dù trong tháng 5 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã có những biện pháp ổn định thị trường như thay đổi tỷ giá bán USD.

Nguyên nhân tiền đồng mất giá có thể kể đến những yếu tố từ thị trường quốc tế. Cụ thể, căng thẳng địa chính trị dai dẳng, sự gián đoạn nguồn cung toàn cầu tiếp diễn, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có quan điểm cứng rắn khiến USD mạnh lên trong thời gian dài trên thị trường quốc tế. Tương tự như các đồng tiền khác trong khu vực giảm giá trị, tiền đồng cũng không là ngoại lệ.

Thứ nhất, giá hàng hóa toàn cầu tiếp tục tăng cao, một phần do xung đột Nga - Ukraine. Bên cạnh đó, Fed bắt đầu chu kỳ tăng lãi suất. Bất chấp việc Chủ tịch Fed Jay Powell từ chối lựa chọn tăng lãi suất lớn hơn 0,5% trong cuộc họp báo sau cuộc họp Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) đầu tháng 5/2022, lợi suất trái phiếu dài hạn và giá USD vẫn neo ở mức cao so với đầu năm. Kết quả này dẫn đến khác biệt về chính sách điều hành kinh tế ngày càng lớn giữa Mỹ và Việt Nam.

Thứ hai, ngày càng có những lo ngại về tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc vì sự bùng phát dịch Covid-19 và đồng nhân dân tệ giảm giá. Nhân dân tệ mất giá đột ngột và đáng kể có ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều đồng tiền châu Á, trong đó có Việt Nam, tương tự giai đoạn căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc trong nửa đầu năm 2018.

Theo quan điểm của chúng tôi, do USD mạnh lên, lãi suất tại Mỹ cao hơn và giá dầu tăng, tỷ giá USD/VND duy trì được sự ổn định cho đến cuối năm đã là thành công, chứ khó có thể giảm như năm 2021.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV

Trước ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 đến nền kinh tế, với định hướng hỗ trợ phục hồi tăng trưởng trong giai đoạn 2022 - 2023, dự báo Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt, phù hợp, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác nhằm kiểm soát lạm phát, đảm bảo cung tiền và tăng trưởng tín dụng phù hợp trong năm 2022. Theo đó, chính sách tiền tệ sẽ phối hợp với chính sách tài khóa nhằm thực hiện thành công chương trình hỗ trợ lãi suất trị giá 40.000 tỷ đồng trong 2 năm 2022 - 2023 và chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, phấn đấu giảm lãi suất cho vay 0,5 - 1%/năm.

Trong khi đó, lãi suất điều hành có khả năng sẽ được giữ nguyên trong năm 2022 do dư địa giảm không còn nhiều và áp lực lạm phát gia tăng.

Chúng tôi nhận định, lãi suất cho vay có thể tăng nhẹ trong nửa cuối năm 2022, bởi lãi suất huy động (gồm cả lãi suất liên ngân hàng) có khả năng sẽ tăng dần. Lý do là nhiều kênh đầu tư khác (như bất động sản, chứng khoán) vẫn hấp dẫn; nhu cầu tín dụng tăng trong bối cảnh kinh tế phục hồi; nhiều nước có xu hướng tăng lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát. Bối cảnh như vậy sẽ khiến biên lãi ròng (NIM) của các tổ chức tín dụng thấp hơn 2 năm vừa qua.

Về tỷ giá, các yếu tố tác động tổng thể nhìn chung vẫn ủng hộ cho xu hướng ổn định của tỷ giá trong nước, dù chịu áp lực tăng khi Fed thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ. Dự báo, tỷ giá USD/VND năm 2022 tăng 1 - 1,5%, nếu không xuất hiện các cú sốc lớn ngoài dự kiến.

Yếu tố ủng hộ sự ổn định của tỷ giá là kinh tế Việt Nam có khả năng phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022 và những năm tới. Theo đó, các dòng ngoại tệ cơ bản như xuất nhập khẩu, vốn FDI, kiều hối, M&A sẽ được cải thiện đáng kể trong bối cảnh Việt Nam đang là thành viên của nhiều hiệp định thương mại tự do như CPTPP, RCEP, EVFTA… bao gồm các đối tác lớn, các đối tác thương mại, đầu tư chính của Việt Nam (Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN, EU…). Ước tính, cán cân vãng lai có thể thặng dư 8 - 12 tỷ USD trong năm 2022.

Ngoài ra, chính sách điều hành tỷ giá ngày càng chủ động, linh hoạt và có tính thị trường cao của Ngân hàng Nhà nước là cơ sở để tỷ giá trong nước duy trì sự ổn định. Nguồn dự trữ ngoại hối được bồi đắp mạnh mẽ trong nhiều năm qua sẽ giúp cơ quan này thực hiện mục tiêu điều tiết, ổn định tỷ giá khi cần.

Tin bài liên quan