Thẻ tín dụng nội địa: Nhiều dư địa để phát triển

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tỷ trọng thẻ tín dụng trong cho vay tiêu dùng ở cả khối ngân hàng và khối công ty tài chính đều tăng trong các năm gần đây nhưng không vượt quá 10%, đáng chú ý trong nhóm thẻ tín dụng, thẻ tín dụng nội địa chỉ chiếm tỷ trọng 5,5% dư nợ.
Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phát biểu tại Hội thảo

Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phát biểu tại Hội thảo

Thẻ tín dụng: Phát triển từ “không đến có”

Tại Hội thảo “Thúc đẩy phát triển thị trường thanh toán điện tử ở Việt Nam” được tổ chức chiều ngày 15/9, ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, những chính sách, quy định kịp thời của cơ quan quản lý nhà nước đã tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng thực hiện đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Phát triển các dịch vụ thanh toán số, biến thanh toán điện tử trở thành một phần quen thuộc, phổ biến trong xã hội, hoạt động hàng ngày của người dân, doanh nghiệp.

Trên cơ sở đó, đến cuối năm 2022, trên 77,41% người dân trưởng thành tại Việt Nam đã có tài khoản thanh toán bằng ngân hàng. Trong 7 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022, thanh toán không dùng tiền mặt tăng 51,14% về số lượng, qua kênh Internet tăng 66,46% về số lượng, qua kênh điện thoại di động tăng 63,09% về số lượng; qua QR Code tăng 124,15% về số lượng.

Việc mở tài khoản trực tuyến được thực hiện từ cuối tháng 3/2021. Tính đến tháng 6 năm 2023 đã có gần 27 triệu tài khoản được mở bằng phương thức điện tử eKYC, đang hoạt động 10,8 triệu thẻ lưu hành bằng phương thức eKYC.

Xung quanh vấn đề này, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng vụ Thanh toán, NHNN Việt Nam cho biết thêm, thời gian qua thẻ tín dụng tại Việt Nam phát triển nhanh chóng, đặc biệt trong đó thẻ tín dụng nội địa có bước phát triển đáng kể.

Tính đến hết tháng 7/2023, Việt Nam có 15 tổ chức phát hành thẻ đã phát hành thẻ tín dụng nội địa. Số lượng thẻ tín dụng nội địa đang lưu hành đến tháng 7/2023 đạt trên 811,4 nghìn thẻ (tăng 42,5% so với cùng kỳ năm 2022). Mức độ tăng trưởng bình quân là 29,6%/năm, cao hơn mức tăng trưởng bình quân của thẻ tín dụng quốc tế là 17,72%/năm.

“Thời gian qua, thẻ tín dụng ở Việt Nam có sự phát triển từ “không đến có”. Đặc biệt là thẻ tín dụng nội địa phát triển mạnh mẽ khi có sự tham gia của 15 ngân hàng và các TCTD”, ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó tổng giám đốc NAPAS nói.

Ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó tổng giám đốc NAPAS

Ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó tổng giám đốc NAPAS

Minh họa cụ thể bằng sản phẩm thẻ được phối hợp các ngân hàng thực hiện ở Việt Nam, ông Hùng cho biết, Napas cung cấp đầy đủ bộ tín dụng thẻ: thẻ ghi nợ, thẻ trả trước, thẻ tín dụng góp phần khuyến khích chi tiêu bằng thẻ, giúp tăng trưởng thanh toán không dùng tiền mặt. Điều này giúp đa dạng hoá, đáp ứng nhu cầu các phân khúc khách hàng khác nhau và đặc biệt, thẻ tín dụng nội địa có những chính sách phù hợp với đa số người dân có thu nhập từ 4,5 triệu đồng/tháng trở lên.

Nhiều dư địa phát triển

Số liệu từ FiinGroup cho thấy, tỷ trọng thẻ tín dụng trong cho vay tiêu dùng ở cả khối ngân hàng và khối công ty tài chính đều tăng trong các năm gần đây, tuy nhiên đều không vượt quá 10%. Đáng chú ý trong nhóm thẻ tín dụng, thẻ tín dụng nội địa chỉ chiếm vỏn vẹn tỷ trọng 5,5% dư nợ.

Ông Phạm Anh Tuấn cho biết thêm: “Trong 39 triệu thẻ đang hoạt động, chúng ta có trên 800 nghìn thẻ nội địa, chiếm 8,7% trong tổng số lượng thẻ. Rõ ràng chúng ta còn dư địa để quan tâm đẩy mạnh hơn phát triển thị trường thẻ nội địa tại Việt Nam”.

Ông Lê Phương Hải, Phó tổng giám đốc Công ty Tài chính cổ phần Tín Việt (VietCredit) nhận định, tiềm năng của thẻ tín dụng nội địa là rất lớn. Nói cách khác, phát triển thẻ tín dụng nội địa rất có khả năng trở thành chủ lực trong tín dụng tiêu dùng những năm tới.

Ông Hải dẫn chứng minh hoạ, dù thương mại điện tử phát triển mạnh trong những năm gần đây, đột phá trong và sau COVID-19, nhưng thanh toán bằng tiền mặt khi giao hàng (cash-on-delivery) vẫn chiếm tới trên 80%. Khi giao hàng, người mua có thể chuyển khoản cho người giao hàng thay vì đưa tiền mặt nhưng ở phương thức thanh toán này, tỷ lệ bỏ đơn hàng cũng rất cao (tỷ lệ drop) làm gia tăng chi phí cho các bên cung ứng.

Ông Lê Phương Hải, Phó tổng giám đốc Công ty Tài chính cổ phần Tín Việt (VietCredit)

Ông Lê Phương Hải, Phó tổng giám đốc Công ty Tài chính cổ phần Tín Việt (VietCredit)

“Các lãnh đạo sàn thương mại điện tử cho biết, người tiêu dùng ngại thanh toán bằng thẻ tín dụng quốc tế vốn có hạn mức cao do lo ngại về an toàn, bảo mật.

Bên cạnh đó, với mô hình phát hành thẻ tín dụng truyền thống, người sử dụng và tổ chức phát hành phải gặp gỡ. Điều này có một số trở ngại về thời gian và khoảng cách địa lý. Khách hàng không ở trung tâm khó tiếp cận địa điểm phát hành. Nhân viên của ngân hàng, công ty tài chính làm việc giờ hành chính khó tiếp cận công nhân do thời gian của họ thì khách hàng cũng đang ở ca sản xuất trong nhà máy”, ông Hải nói.

Còn ông Lê Hồng Phúc, Phó tổng giám đốc Agribank nhận định, khách hàng khi nói đến thẻ tín dụng, thường sẽ nghĩ ngay đến thẻ tín dụng quốc tế. Tuy nhiên, thẻ tín dụng quốc tế trên thị trường thường có nhiều khoản phí, do đó khả năng tiếp cận của khách hàng thấp, thông thường chủ yếu là khách hàng có thu nhập khá trở lên, có nhu cầu mua sắm, đi lại ở nước ngoài hoặc nhu cầu chi tiêu ở mức trung bình trở lên.

Việt Nam với gần 63 triệu người dân ở địa bàn nông thôn là thị trường tiềm năng cho việc phát triển các sản phẩm thẻ thanh toán nhưng một số liệu so sánh cho thấy, chỉ hơn 4% dân số Việt Nam sở hữu thẻ tín dụng, bao gồm cả thẻ tín dụng quốc tế. Còn các quốc gia lân cận như Thái Lan là 10%, Malaysia 21%, Trung Quốc 21%, Singapore 49%, Đài Loan 54%, Nhật Bản 68%...

“Như vậy, thị trường thẻ tín dụng, đặc biệt là thẻ tín dụng nội địa với những ưu thế vượt trội còn nhiều dư địa phát triển”, ông Phúc nói.

Để thẻ tín dụng nội địa là “điểm” hấp dẫn

Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN cho biết, bên cạnh các tính năng của thẻ tín dụng thông thường, một số tiện ích, tính năng của thẻ tín dụng nội địa có thể là điểm hấp dẫn nhóm khách hàng phổ thông hoặc lần đầu tiếp cận sản phẩm, dịch vụ ngân hàng.

Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng vụ Thanh toán, NHNN Việt Nam

Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng vụ Thanh toán, NHNN Việt Nam

Ở góc độ Vụ thanh toán, ông Anh Tuấn đề xuất các giải pháp như, TCTD cần nghiên cứu phát triển các sản phẩm thẻ tín dụng nội địa hiện đại, an toàn, đa năng đáp ứng yêu cầu đa dạng của khách hàng các sản phẩm thẻ tín dụng nội địa cần được thiết kế phù hợp với các nhóm đối tượng khách hàng có hành vi tiêu dùng hay thói quen thanh toán khác nhau. Ngoài ra, cần có chính sách ưu đãi khuyến mại đối với khách hàng sử dụng thẻ tín dụng.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh mở rộng mạng lưới chấp nhận thanh toán thẻ trong đó có thẻ tín dụng nội địa, kết nối thanh toán liên thông với dịch vụ công và các lĩnh vực giao thông, y tế, bảo hiểm…

Ngoài ra, các tổ chức phát hành thẻ cũng cần tích cực hợp tác với các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có liên kết với các sàn thương mại điện tử lớn, tạo điều kiện cho khách hàng sử dụng thẻ tín dụng nội địa có thể thanh toán tại các sàn thương mại điện tử cũng như tại các điểm mua bán hàng hóa, dịch vụ tại các khu vực vùng sâu, vùng xa.

Đồng thời, các TCTD cần tăng cường công tác truyền thông, quảng bá về thẻ tín dụng nội địa tới công chúng. Đây là giải pháp hết sức quan trọng cần được thực hiện thường xuyên, liên tục. Song song với đó, nghiên cứu, hợp tác với các ngân hàng, tổ chức chuyển mạch thẻ nước ngoài để mở rộng phạm vi sử dụng thẻ tín dụng nội địa không chỉ trong phạm vi trong nước mà còn có thể sử dụng thanh toán tại nước ngoài nhằm đáp ứng nhu cầu thanh toán của khách hàng.

Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Trưởng Ban Công tác Đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu quan điểm: “Để phát triển thẻ tín dụng nội địa, không chỉ có trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước mà chúng ta còn có sự phối hợp với các đơn vị phát hành thẻ, các tổ chức tín dụng, đặc biệt là người sử dụng thẻ tín dụng nội địa”.

Phó Thống đốc nhấn mạnh: “Trong thời gian tới, để tiếp tục triển khai mục tiêu thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử tại Việt Nam, các tổ chức tín dụng và các bên liên quan cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ, đầu tư hạ tầng, cung cấp các sản phẩm thanh toán đa dạng, hiện đại, mở rộng hạ tầng chấp nhận thanh toán, xây dựng hạ tầng đồng bộ để tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp ở vùng sâu vùng xa dễ dàng tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng, thanh toán chính thống, góp phần phổ cập tài chính toàn diện, ngăn ngừa tín dụng đen”.

Tin bài liên quan