Thêm 1.439 tỷ đồng làm cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh; đề xuất 4.000 tỷ đồng xây Hồ Thượng Sông Vệ

Đề xuất tăng thêm 1.439 tỷ đồng cho cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh; Quảng Ngãi đề xuất đầu tư 4.000 tỷ đồng xây Hồ Thượng Sông Vệ…
Thêm 1.439 tỷ đồng làm cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh; đề xuất 4.000 tỷ đồng xây Hồ Thượng Sông Vệ

Đó là hai trong số những thông tin về đầu tư đáng chú ý trong tuần qua.

Triển khai xây dựng 2 cầu vượt sông Đuống trên hành lang đường thủy số 1

Sáng 22/7, tại xã Yên Viên, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội, Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với UBND TP. Hà Nội và các đơn vị liên quan tổ chức Lễ triển khai thi công Dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống (cầu đường sắt Đuống).

Phối cảnh cầu đường sắt và cầu đường bộ vượt sông Đuống.

Phối cảnh cầu đường sắt và cầu đường bộ vượt sông Đuống.

“Mặc dù có quy mô vốn không lớn nhưng 2 công trình cầu vượt sông Đuống khi hoàn thành sẽ không chỉ nâng cao năng lực khai thác của hành lang đường thủy số 1 mà còn cải thiện điều kiện kết nối qua sông Đuống, góp phần thúc đẩy phát triển đô thị phía Bắc sông Hồng”, ông Nguyễn Danh Huy, Thứ trưởng Bộ GTVT khẳng định tại Lễ triển khai thi công Dự án nâng cấp vận tải thủy sông Đuống vừa được tổ chức vào sáng nay (22/7).

Theo ông Nguyễn Danh Huy, đến thời điểm này, cả 5/5 quy hoạch ngành quốc gia thuộc các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không do Bộ GTVT xây dựng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Cách thức tổ chức lập các quy hoạch lần này có sự khác biệt lớn từ trước đến nay, đây là lần đầu tiên 5 quy hoạch chuyên ngành được thực hiện đồng thời nên đã có sự phân công, phân định rõ ràng vai trò của từng phương thức vận tải, đảm bảo tính hệ thống, kết nối đồng bộ giữa các các chuyên ngành và đã giải quyết được các bất cập về quy hoạch mà các chuyên gia, nhà khoa học, các địa phương đề cập, phản ánh, trong đó có việc kết nối giữa các phương thức vận tải.

Đối với lĩnh vực đường thủy nội địa, quy hoạch lần này xác định vận tải thủy nội địa là phương thức trung gian kết nối với phương thức đường bộ, đường sắt, hàng hải; trong đó phát huy tối đa lợi thế của vận tải ven bờ ở cự ly trung bình trên cơ sở khai thác tối đa điều kiện tự nhiên, kết hợp với đầu tư nâng cấp góp phần giảm chi phí logicstics, nâng cao lợi thế cạnh tranh của nền kinh tế.

Với mục tiêu nêu trên, quy hoạch đã định hướng ưu tiên thực hiện đầu tư nâng cấp luồng tuyến, nâng tĩnh không các cầu trên các tuyến vận tải chính yếu đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật đồng bộ, trong đó ưu tiên các tỉnh khu vực phía Bắc.

“Hiện nay khu vực phía Bắc có 3 hành lang vận tải thủy nội địa chính, trong đó hành lang số 1 qua sông Đuống từ khu vực cảng biển Quảng Ninh, Hải Phòng đến cảng Việt Trì đã được đầu tư nâng cấp, luồng tàu đạt cấp II, các cầu vượt sông cơ bản đã được đầu tư bảo đảm tĩnh không đường thủy nội địa. Tuy nhiên, điểm nghẽn lớn nhất trên hành lang này là cầu Đuống do tĩnh không thông thuyền thấp, gây tắc nghẽn, làm tăng thời gian, chi phí vận tải, trong khi phương thức vận tải thủy nội địa là phương thức vận tải rẻ và an toàn nhất. Đây là lý do khiến việc triển khai Dự án nâng cấp vận tải thủy sông Đuống được Chính phủ, Bộ GTVT ưu tiên bố trí vốn đầu tư”, ông Nguyễn Danh Huy thông tin.

Đầu tư 1.105 tỷ đồng mở rộng đoạn cao tốc An Phú - vành đai 2 TP.HCM

Sở GTVT TP.HCM vừa có văn bản gửi Bộ GTVT hỗ trợ xem xét có ý kiến về đề xuất chủ trương đầu tư Dự án mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, đoạn từ nút giao An Phú đến đường vành đai 2.

Vị trí xây dựng Dự án mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, đoạn từ nút giao An Phú đến đường vành đai 2.

Vị trí xây dựng Dự án mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, đoạn từ nút giao An Phú đến đường vành đai 2.

Theo đó, Dự án mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, đoạn từ nút giao An Phú đến đường vành đai 2 có điểm đầu tại Km0+800 (lý trình cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây), tiếp giáp điểm cuối Dự án nút giao An Phú; điểm cuối tại Km4 (lý trình cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây) tại điểm bắt đầu nút giao vành đai 2 (không bao gồm phần cầu cạn trong nút giao) với tổng chiều dài tuyến 3,2 km.

Theo đề xuất, đoạn từ nút giao An Phú đến đường vành đai 2 sẽ được mở rộng 2 bên, mỗi bên 4,75m, đảm bảo quy mô 8 làn xe, bề rộng nền đường 36 m, khổ cầu tương ứng với khổ đường.

Tổng mức đầu tư dự án là 1.105,6 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Thành phố, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng là 0 đồng; chi phí xây dựng là 874 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn, chi phí khác là 87,4 tỷ đồng; chi phí dự phòng là 144,2 tỷ đồng.

Sở GTVT TP.HCM dự kiến phê duyệt đề xuất chủ trương đầu tư trong quý III/2023; phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi trong quý IV/2023; lựa chọn nhà thầu thi công trong quý II/2024; tổ chức triển khai xây dựng từ quý III/2024 đến quý IV/2025.

Dự án đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư giai đoạn 1 vào tháng 2/2007 nhằm mục đích tạo lập một hệ thống giao thông liên vùng, tạo tiền đề khai thác tối đa thế mạnh của từng địa phương, kích thích phát triển kinh tế của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đồng thời sẽ là cửa ngõ phía Đông của TP.HCM đón nhận du khách và hàng hóa quốc tế.

Giai đoạn đầu của Dự án đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây với quy mô 4 làn xe đã hoàn thành và được đưa vào khai thác từ năm 2015 đến nay.

Với lưu lượng xe ngày càng tăng, thời gian qua đã xuất hiện tình trạng ùn ứ trên tuyến cao tốc này: khu vực thường xảy ra kẹt xe là từ TP.HCM đến Quốc lộ 51 và ở chiều ngược lại hướng từ Đồng Nai về TP.HCM. Ngày 25/6/2015, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 94/2015/QH13 về chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không quốc Long Thành dự kiến hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2025.

Với công suất lên đến 100 triệu hành khách/năm khi hoàn tất các giai đoạn, đây sẽ là sân bay lớn nhất Việt Nam trong tương lai, Chính phủ đã định hướng Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ là một cảng trung chuyển hàng không và là một thủ phủ hàng không của cả nước cũng như trên thế giới. Với quy mô và vai trò quan trọng như vậy, việc kết nối Cảng hàng không quốc tế Long Thành với hệ thống hạ tầng giao thông khu vực là một nhiệm vụ hết sức quan trọng.

Theo dự kiến Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ được kết nối với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Như vậy, với quy mô hiện tại của Dự án đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đoạn tuyến từ nút giao An Phú đến nút giao Quốc lộ 51 không đáp ứng được nhu cầu vận tải trên tuyến.

Đặc biệt, đến năm 2025, Cảng hàng không Quốc tế Long Thành đưa vào khai thác sử dụng Dự án sẽ không thể đáp ứng được khả năng thông hành.

Để đáp ứng một phần nhu cầu vận tải tăng cao, ngày 28/3/2022, UBND TP.HCM đã phê duyệt Dự án xây dựng nút giao thông An Phú để tăng cường kết nối đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây với đường Mai Chí Thọ và các trục chính của thành phố. Dự án đã được khởi công vào quý IV/2022 và dự kiến hoàn thành cuối năm 2025.

Đồng thời, hiện nay Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đang đề xuất đầu tư mở rộng tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, đoạn từ nút giao vành đai 2 đến Quốc lộ 51 với quy mô hoàn chỉnh từ 8 đến 10 làn xe cao tốc để đảm bảo khả năng thông hành của tuyến đường. Dự án dự kiến sẽ cơ bản hoàn thành cuối năm 2025, phù hợp với việc khai thác giai đoạn 1 Cảng hàng không Quốc tế Long Thành.

Vì vậy, việc đầu tư nâng cấp, mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, đoạn từ nút giao An Phú đến đường Vành đai 2 để việc khai thác toàn bộ tuyến đường được đồng bộ là yêu cầu cần thiết.

Đồng Nai thống nhất đầu tư đường Vành đai 4 (TP.HCM) quy mô 4 làn cao tốc

Ngày 24/7, UBND tỉnh Đồng Nai có văn bản gửi UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thống nhất về quy mô và tiến độ thực hiện Dự án đường Vành đai 4 (TP.HCM).

Quy hoạch hướng tuyến đường Vành đai 4 TP.HCM.

Quy hoạch hướng tuyến đường Vành đai 4 TP.HCM.

Sau khi xem xét và đánh giá tính khả thi, UBND tỉnh Đồng Nai thống nhất phương án đầu tư Dự án đường Vành đai 4 TP.HCM đoạn qua Đồng Nai (giai đoạn 1) chiều rộng mặt đường là 22 m, xây dựng 4 làn xe cao tốc (có dải phân cách), 2 làn dừng khẩn cấp và hệ thống đường gom tại các khu vực có dân cư.

Về tiến độ thực hiện dự án, UBND tỉnh Đồng Nai thống nhất tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của Dự án hoàn thành vào quý IV/2023. Công tác lập, thẩm tra, thẩm định và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự kiến hoàn thành vào quý III/2024.

Đối với công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư và xây dựng một số hạng mục phụ trợ dự kiến hoàn thành vào quý II/2025. Việc lựa chọn nhà đầu tư, triển khai xây dựng thực hiện từ năm 2025 dự kiến hoàn thành vào quý IV/2027, đưa vào vận hành khai thác dự kiến vào quý I/2028.

Đường Vành đai 4 (TP.HCM) có chiều dài gần 200km, dự án đi qua các địa phương gồm: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Điểm đầu của dự án giao với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (tại thị xã Phú Mỹ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), điểm cuối kết nối tại cảng Hiệp Phước, TP.HCM. Dự án có tổng vốn đầu tư ước tính khoảng 100.000 tỷ đồng.

Đồng Tháp thành lập Cụm công nghiệp An Hòa, vốn đầu tư 612 tỷ đồng

Ngày 24/7, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - Phạm Thiện Nghĩa ký ban hành Quyết định số 117/QĐ-UBND-TL thành lập Cụm công nghiệp An Hòa, xã Bình Thạnh, TP. Hồng Ngự.

Địa điểm xây dựng Cụm công nghiệp An Hòa tại xã Bình Thạnh, TP. Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Phúc Thịnh

Địa điểm xây dựng Cụm công nghiệp An Hòa tại xã Bình Thạnh, TP. Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Phúc Thịnh

Theo đó, quy mô diện tích đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp An Hòa là 43 ha; gồm xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật và môi trường theo quy định, để thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ngành nghề hoạt động Cụm công nghiệp An Hòa gồm sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm, nông sản và thuỷ hải sản; sản xuất chế biến rau, củ, quả các loại; sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thuỷ sản; cơ khí, điện, điện tử; chế biến lương thực và các sản phẩm sau gạo; sản xuất, chế biến phụ phẩm (dầu cá, bột cá, mỡ cá, trấu viên, củi trấu).

Tổng mức đầu tư thực hiện Dự án (bao gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật) là 612 tỷ đồng. Trong đó, vốn của Công ty cổ phần Hùng Cá Hồng Ngự (chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp An Hòa) là 269 tỷ đồng và vốn huy động của tổ chức tín dụng là 343 tỷ đồng.

Tiến độ thực hiện dự án năm 2023-2028. Dự kiến, đến năm 2033 Cụm công nghiệp An Hoà đạt tỷ lệ lấp đầy trên 80%.

Long An ký biên bản ghi nhớ đầu tư với hàng loạt tập đoàn lớn

Ngày 25/7, tại Hội nghị Công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư, UBND tỉnh Long An đã ký biên bản ghi nhớ với 10 nhà đầu tư để nghiên cứu đầu tư các Dự án hạ tầng, khu công nghiệp, khu đô thị, khu phức hợp vui chơi giải trí, nhà ở xã hội, nông nghiệp công nghệ cao.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao giấy chứng nhận đầu tư và chụp ảnh lưu niệm cùng các doanh nghiệp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao giấy chứng nhận đầu tư và chụp ảnh lưu niệm cùng các doanh nghiệp.

Trong đó, Tập đoàn Vingroup ký bản ghi nhớ đầu tư các dự án tổ hợp nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí. Tập đoàn BIM Group ký biên bản ghi nhớ để nghiên cứu đầu tư phát triển lĩnh vực bất động sản, năng lượng tái tạo và nông nghiệp thực phẩm tại Long An.

Công ty TNHH phát triển Phú Mỹ Hưng ký bản ghi nhớ nghiên cứu đầu tư phát triển các khu đô thị, thương mại, dịch vụ với tiêu chuẩn quốc tế tại Long An.

Trong lĩnh vực hạ tầng, ngân hàng VPBank và Công ty cổ phần Tập đoàn MIK Group ký bản ghi nhớ nghiên cứu đầu tư các dự án hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh. Trong đó, 2 nhà đầu tư này đề xuất dự án đầu tư đường Vành đai 4 TP.HCM đoạn đi qua địa bàn tỉnh Long An.

Liên doanh các công ty gồm Công ty cổ phần Công nghệ - Viễn Thông - Sài Gòn (Saigontel), Công ty Energy Capital Vietnam (ECV), Công ty Allotrope Partners, Công ty Chart Industries, Công ty Babcock & Wilcock ký biên bản ghi nhớ nghiên cứu đầu tư phát triển mô hình khu công nghiệp trung hoà carbon, sử dụng năng lượng tuần hoàn đạt tiêu chuẩn thẩm định chứng nhận khu công nghiệp Net-zero theo tiêu chuẩn Âu Mỹ

Trong lĩnh vực nông nghiệp, Tập đoàn Lộc Trời ký biên bản ghi nhớ nghiên cứu đầu tư phát triển lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại tỉnh Long An.

Ngoài ra, Công ty TNHH Hoàn Cầu Long An ký bản ghi nhớ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp; Công ty TNHH Samsung Engineering ký bản ghi nhớ đầu tư các giải pháp về bảo vệ môi trường; Tổng công ty Nhà ở và đất đai Hàn Quốc (LH) ký bản ghi nhớ nghiên cứu phát triển phúc lợi nhà ở; Công Ty cổ phần Đầu tư và thương mại Green Royal nghiên cứu đầu tư hạ tầng khu công nghiệp.

Phát biểu tại buỗi lễ trao biên bản ghi nhớ tại Long An, ông David Lewis, Giám đốc điều hành Công ty Energy Capital Vietnam (ECV) cho biết, việc xây dựng các khu công nghiệp xanh đạt tiêu chuẩn Net-Zero là cơ hội để Long An nói riêng và Việt Nam nói chung nhanh chóng bứt phá trở thành một điểm đến mới cho các nhà đầu tư Hoa Kỳ và châu Âu.

Trước mắt, ECV sẽ thí điểm xây dựng mô hình khu công nghiệp xanh tại Khu công nghiệp Tân Tập và Nam Tân Tập tại Long An. Mô hình khu công nghiệp xanh tại Long An đang được sự quan tâm của các bên cho vay như Ngân hàng Thế giới.

Dự án xây dựng cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 12A qua Quảng Bình “đội” vốn

Sở GTVT Quảng Bình vừa có văn bản gửi Bộ GTVT về việc chủ trương điều chỉnh chủ trương đầu tư, tổng mức đầu tư Dự án xây dựng cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 12A đoạn tránh Ba Đồn và đoạn tránh Nhà máy xi măng Sông Gianh.

Ảnh minh họa. (Ảnh: Phú Cường).

Ảnh minh họa. (Ảnh: Phú Cường).

Theo đó, Sở GTVT Quảng Bình trong vai trò chủ đầu tư kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 cho Dự án xây dựng cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 12A đoạn tránh Ba Đồn và đoạn tránh Nhà máy xi măng Sông Gianh là 33,934 tỷ đồng để thực hiện hoàn thành toàn bộ công trình.

Trước mắt, do chưa duyệt phát sinh chi phí dự phòng của gói thầu và Dự án nên Sở GTVT Quảng Bình kiến nghị Bộ GTVT cho phép điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư các dự án; trong đó điều chuyển giảm tổng mức đầu tư của Dự án thành phần 1 là 7,807 tỷ đồng để bổ sung cho Dự án thành phần 2 thực hiện nhằm hoàn thành đúng tiến độ trong năm 2023.

Sau khi Dự án xây dựng cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 12A đoạn tránh Ba Đồn và đoạn tránh Nhà máy xi măng Sông Gianh được bố trí bổ sung kế hoạch vốn Sở GTVT Quảng Bình sẽ tiến hành các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư theo quy định.

Dự án xây dựng cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 12A đoạn tránh Ba Đồn và đoạn tránh Nhà máy xi măng Sông Gianh được Bộ GTVT phê duyệt và phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư tại các Quyết định: số 1514/QĐ-BGTVT ngày 13/8/2021 và số 1812/QĐ-BGTVT ngày 30/12/2022 với tổng mức đầu tư 474,78 tỷ đồng; nguồn vốn ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và giao cho Sở GTVT Quảng Bình làm chủ đầu tư.

Dự án có tổng chiều dài khoảng 10,82 km, gồm Dự án thành phần 1 - đầu tư xây dựng Quốc lộ 12A đoạn tránh thị xã Ba Đồn có tổng mức đầu tư 418,8 tỷ đồng; Dự án thành phần 2 – đầu tư hoàn thiện Quốc lộ 12A đoạn tránh Nhà máy Xi măng Sông Gianh có tổng mức đầu tư 55,9 tỷ đồng.

Theo Sở GTVT Quảng Bình, hiện tại cả 2 dự án thành phần đang được chủ đầu tư tích cực chỉ đạo, đôn đốc nhà thầu thi công tại hiện trường, đến nay phần xây lắp của dự án đã thực hiện được khoảng 30% giá trị công trình, cơ bản đáp ứng tiến độ thi công theo kế hoạch đã đăng ký với Bộ GTVT.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thi công, do một số nguyên nhân khách quan như thực tế kết quả trích đo chỉnh lý địa chính cần phải thu hồi thêm đất ở; cần bố trí tái định cư tập trung do một số hộ dân đề nghị bồi thường bằng đất ở; giá bồi thường đất ở tăng và quy định về chính sách hỗ trợ giải phóng mặt bằng có sự điều chỉnh tăng lớn so với thời điểm lập dự án; di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật trên tuyến có tính chất kỹ thuật phức tạp như hệ thống đường dây điện 500kV, 220kV đã làm tăng chi phí) nên dẫn tới chi phí giải phóng mặt bằng tăng so với dự kiến ban đầu (khoảng 52,785 tỷ đồng) làm tăng tổng mức đầu tư Dự án đã duyệt lên 508,7 tỷ đồng.

Trên cơ sở kế hoạch vốn trung hạn đã bố trí cho Dự án là 474,78 tỷ đồng và tổng mức đầu tư của các dự án thành phần được duyệt; sau khi cân đối, dự kiến sử dụng phần chi phí dự phòng còn lại và phần chi phí chênh lệch của các hạng mục công việc sau khi duyệt điều chỉnh dự toán để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (khoảng 18,851 tỷ đồng), Sở GTVT Quảng Bình cho biết, phần kinh phí còn thiếu để thực hiện hoàn thành Dự án do phát sinh chi phí giải phóng mặt bằng là 33,934 tỷ đồng.

Quyết định “số phận” dự án Khu đô thị Đại học quốc tế Berjaya trong tháng 7/2023

Ngày 24/7, Văn phòng Chính phủ ban hành văn bản số 287/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trần Lưu Quang tại cuộc họp xử lý vướng mắc liên quan đến điều chỉnh tiến độ thực hiện Dự án Khu đô thị Đại học quốc tế của Công ty TNHH Đại học quốc tế Berjaya (Dự án Khu đô thị Đại học quốc tế Berjaya).

Phối cảnh Khu đô thị Đại học quốc tế Berjaya tại huyện Hóc Môn, TP.HCM.

Phối cảnh Khu đô thị Đại học quốc tế Berjaya tại huyện Hóc Môn, TP.HCM.

Theo thông báo kết luận, ngày 21/7 tại trụ sở Chính phủ Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đã chủ trì cuộc họp để xem xét xử lý vướng mắc liên quan đến điều chỉnh tiến độ thực hiện Dự án Khu đô thị Đại học quốc tế Berjaya.

Tham dự cuộc họp có nhiều Bộ, ngành liên quan như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng, UBND TP.HCM … Sau khi nghe lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo và ý kiến thống nhất của đại diện các cơ quan dự họp, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát kỹ, làm rõ căn cứ pháp lý và thẩm quyền quyết định việc điều chỉnh tiến độ dự án.

Trường hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định việc điều chỉnh tiến độ Dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ và đã đủ điều kiện theo quy định để trình phê duyệt thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn chỉnh lại dự thảo quyết định phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án có ký tắt của lãnh đạo Bộ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định trong tháng 7/2023.

"Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ về kiến nghị đề xuất của mình" văn bản nêu rõ.

Như Báo Đầu tư đã phản ánh trước đó, Dự án Khu đô thị Đại học quốc tế Berjaya tại huyện Hóc Môn (TP.HCM) đã chậm tiến độ 15 năm, đến nay dự án chưa khởi công xây dựng. Ngày 24/12/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2197/QĐ-TTg điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Khu đô thị Đại học quốc tế của Công ty Berjaya Việt Nam.

Tại quyết định này, Chính phủ đồng ý về tổng vốn đầu tư của Dự án là 59.000 tỷ đồng (tăng thêm 3.000 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư ban đầu), thời gian hoạt động 50 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh.

Dù giấy phép đầu tư mới đã điều chỉnh số vốn đầu tư và thời gian hoạt động, nhưng lại không có thông tin cụ thể về tiến độ dự án. Chính vì tiến độ của Dự án chưa được nêu cụ thể trong quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư, nên nhà đầu tư gặp nhiều vướng mắc trong việc triển khai các bước tiếp theo.

Sau đó, UBND TP.HCM có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định điều chỉnh tiến độ đầu tư Dự án Khu đô thị Đại học quốc tế Berjaya hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư trong 36 tháng kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh.

Đồng thời, hoàn thành toàn bộ việc đầu tư xây dựng dự án trong vòng 120 tháng kể từ khi hoàn tất công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (bao gồm cả thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư dự án).

Dự án Khu đô thị Đại học quốc tế Berjaya Việt Nam được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào ngày 1/7/2008, với diện tích 880 ha, tổng vốn đầu tư tại thời điểm đó là 3,5 tỷ USD (tương đương 56.000 tỷ đồng), sau đó dự án tăng vốn lên 59.000 tỷ đồng.

“Ông lớn” cao tốc được giao đạt lợi nhuận sau thuế 570 tỷ đồng trong năm 2023

Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vừa ký Quyết định số 354/QĐ – UBQLV về việc giao chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động doanh nghiệp, xếp loại doanh nghiệp năm 2023 của Công ty mẹ - Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC).

Nhân viên VEC thực hiện phân làn giao thông trên cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.

Nhân viên VEC thực hiện phân làn giao thông trên cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.

Theo đó, Công ty mẹ VEC được giao đạt tổng doanh thu 4.957,20 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 570,42 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư đạt 3.390,38 tỷ đồng; không có nợ phải trả quá hạn; hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn lớn hơn 1.

VEC cũng được yêu cầu chấp hành chế độ, pháp luật về đầu tư, quản lý và sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp, thuế, thu nộp ngân sách, chế độ báo cáo tài chính, báo cáo giám sát tài chính và báo cáo khác, việc thực hiện kết quả thanh tra, kiểm tra.

Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp yêu cầu HĐTV, Tổng giám đốc VEC chịu trách nhiệm đảm bảo hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2023, các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động, xếp loại doanh nghiệp được giao; sử dụng các nguồn lực, nguồn vốn nhà nước có hiệu quả; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; điều hành hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Ban Kiểm soát VEC có trách nhiệm giám sát việc tổ chức, triển khai thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển, các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động, xếp loại doanh nghiệp năm 2023 của doanh nghiệp, định kỳ báo cáo Ủy ban theo quy định.

Được biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu Công ty mẹ VEC (bao gồm chênh lệch tỉ giá) dự kiến trên 2.490 tỷ đồng, đạt 50% kế hoạch năm 2023, lợi nhuận trước thuế và nộp ngân sách Nhà nước lần lượt đạt 51% và 52% kế hoạch năm 2023.

Đáng chú ý, VEC được Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xếp lại hạng Tổng công ty đặc biệt với thời hạn 3 năm.

Cũng trong 6 tháng đầu năm 2023, 4 tuyến cao tốc của VEC đã phục vụ an toàn gần 30 triệu lượt phương tiện, tăng khoảng 13% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đạt 10,5 triệu lượt; tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai đạt 8,0 triệu lượt; tuyến cao tốc TP. HCM - Thành - Dầu Giây đạt 9,8 triệu lượt và tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đạt 1,25 triệu lượt.

Quảng Bình bàn giao hơn 84% mặt bằng sạch cho các dự án cao tốc Bắc- Nam

Ngày 26/7, Sở GTVT Quảng Bình đã có báo cáo về tình hình triển khai Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Bình.

Thi công cao tốc Bắc- Nam qua địa phận tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Ngọc Tân

Thi công cao tốc Bắc- Nam qua địa phận tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Ngọc Tân

Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Bình gồm 3 dự án thành phần, có tổng chiều dài 126,43 km. Trong đó, đoạn Vũng Áng - Bùng có chiều dài dài khoảng 42,95 km; đoạn Bùng - Vạn Ninh có chiều dài 49,93km; đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ có chiều dài 33,55 km. Tổng diện tích chiếm dụng đất các dự án khoảng 1.143,38ha.

Theo Sở GTVT Quảng Bình cho biết, để triển các dự án, có khoảng 3.227 hộ gia đình bị ảnh hưởng trong đó có 580 hộ thuộc diện tái định cư.

Về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), đến nay, các địa phương của tỉnh Quảng Bình đã hoàn thành công tác trích đo hiện trường 126,43km (đạt 100%). Hội đồng GPMB cấp huyện đã thực hiện kiểm đếm tài sản trên đất phạm vi 125,62km/126,43km (đạt 99,36%); hiện còn vướng mắc 800m tại xã Phú Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ liên quan đến việc thống nhất loại đất.

Cùng với đó, UBND cấp huyện đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và chi trả tiền với giá trị 800,638 tỷ đồng, diện tích 951,54ha/1.155,7ha (đạt 82,33%) trên chiều dài 106,78km/126,43km (đạt 84,46%). Đã chi trả 715,918 tỷ đồng trên chiều dài 105,71km/126,43km (đạt 83,61%).

Tính chung, chiều dài các đoạn tuyến đã bàn giao mặt bằng sạch cho các BQL dự án là 106,66km/126,43km (đạt 84,36%).

Cũng theo Sở GTVT Quảng Bình, trong số các địa phương còn diện tích chiều dài chưa được bàn giao, huyện Lệ Thuỷ vẫn còn hơn 9,05km/31,95km. Trong đó bao gồm 1,91km phạm vi đất rừng, đất nông nghiệp đang xác định nguồn gốc đất và kiến nghị về giá bồi thường, hỗ trợ; 3,41km thuộc phạm vi người dân đang đề nghị được tái định cư phân tán; 3,73km thuộc phạm vi các hộ tái định cư.

Được biết, để triển khai dự án, tỉnh Quảng Bình sẽ xây dựng 26 khu tái định cư (TĐC) trên địa bàn tỉnh. Đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt 6 dự án TĐC phục vụ dự án (khu TĐC xã Quảng Phương; xã Quảng Thạch; xã Quảng Thanh; thôn Tam Đa, xã Quảng Lưu; thôn Vân Tiền, xã Quảng Lưu, huyện Quảng Trạch; Thị trấn Nông trường Lệ Ninh, huyện Lệ Thuỷ); có 2 dự án TĐC đang chỉnh sửa hồ sơ theo ý kiến của Hội đồng thẩm định (khu TĐC xã Phú Thuỷ và Bãi rác xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh); 2 dự án đang được tổ chức thẩm định (khu TĐC xã Quảng Lộc và khu TĐC xã Quảng Sơn, thị xã Ba Đồn); 2 dự án đã trình UBND tỉnh thành lập hội đồng thẩm định (Trường mầm non Cự Nẫm và khu TĐC khu vực thôn Hà Môn, xã Cự Nẫm, huyện Bố Trạch).

Về tiến độ giải ngân, theo Sở GTVT Quảng Bình cho biết, trong năm 2022, các địa phương đã hoàn thành công tác giải ngân 571,75 tỷ đồng/571,75 tỷ đồng (đạt 100%).

Trong năm 2023, giá trị giải ngân đến ngày 24/7 là 1.111,71 tỷ đồng/2.693,73 tỷ đồng (đạt 42,11%), trong đó TP. Đồng Hới là địa phương có tỷ lệ giải ngân cao nhất, đạt 60,1 tỷ đồng/61,73 tỷ đồng (đạt 97,35%) và huyện Lệ Thủy là địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp nhất 219,22 tỷ đồng/729 tỷ đồng (đạt 30,07%).

Cũng theo Sở GTVT Quảng Bình, hiện nay, còn 11 hộ gia đình có công trình xây dựng, cơi nới trên phạm vi các tuyến. Trong đó, huyện Quảng Trạch còn 9 hộ và huyện Lệ Thủy còn 2 hộ.

Ông Phạm Văn Năm, Giám đốc Sở GTVT Quảng Bình cho biết, Sở GTVT đã có ý kiến kiến nghị UBND cấp huyện phải đẩy nhanh thi công các khu tái định cư, di dời hoàn trả công trình hạ tầng kỹ thuật; đồng thời, tiếp tục tuyên truyền vận động và có các giải pháp để giải quyết dứt điểm đối với các hộ gia đình có công trình xây dựng cơi nới trong phạm vi dự án để thực hiện công tác GPMB, ưu tiên sớm giải phóng mặt bằng một số vị trí đường găng.

Trong đó, tại huyện Bố Trạch, Sở đề nghị tiếp tục giải quyết dứt điểm một số vướng mắc các đoạn tuyến trên địa bàn các xã Cự Nẫm, Phú Định và thị trấn Nông Trường Việt Trung. Tại TP. Đồng Hới, giải quyết dứt điểm các vướng mắc để bàn giao khoảng 120m2 còn lại thuộc đoạn tuyến nhánh N1 nút giao Nhật Lệ 2 để sớm hoàn thành bàn giao 100% diện tích mặt bằng.

Tại huyện Lệ Thuỷ, Sở cũng đề nghị huyện phải tập trung giải quyết các vướng mắc về ranh giới, nguồn gốc đất của các hộ dân tại thị trấn Nông trường Lệ Ninh; các xã Mai Thuỷ, Trường Thuỷ, Kim Thuỷ, Phú Thuỷ; và vướng mắc về giá đất bồi thường của Công ty Green Stas. Đồng thời, xử lý các trường hợp có công trình xây dựng cơi nới tại xã Phú Thuỷ để sớm bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công với chiều dài khoảng 1,91km.

Sở GTVT Quảng Bình cũng đề nghị các BQL dự án tích cực phối hợp với UBND các huyện sớm hoàn thành việc đánh giá ảnh hưởng của 92 hộ có công trình nhà ở trong phạm vi hành lang đường bộ, làm cơ sở để địa phương tổ chức giải phóng mặt bằng theo quy định và đảm bảo tiến độ Chính phủ yêu cầu.

Quảng Nam đề xuất đầu tư hơn 2.700 tỷ đồng để mở rộng, nâng cấp quốc lộ 14D

Ngày 26/7, UBND tỉnh Quảng Nam đã gửi Bộ Giao thông - Vận tải về nghiên cứu các phương án mở rộng, nâng cấp quốc lộ 14D.

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, đối với phương án đầu tư theo hình thức BOT trên tuyến đường hiện có, Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải đề xuất 2 phương án đầu tư.

Lượng hàng hóa lưu thông qua Cửa khẩu Quốc tế Nam Giang ngày càng tăng do đó tỉnh Quảng Nam đề xuất mở rộng, nâng cấp Dự án quốc lộ 14D.

Lượng hàng hóa lưu thông qua Cửa khẩu Quốc tế Nam Giang ngày càng tăng do đó tỉnh Quảng Nam đề xuất mở rộng, nâng cấp Dự án quốc lộ 14D.

Cụ thể, đầu tư mở rộng toàn tuyến theo quy hoạch với tổng mức đầu tư khoảng 2.640,5 tỷ đồng, trong đó, ngân sách hỗ trợ 1.914 tỷ đồng, tương đương 72,5% tổng mức đầu tư (nếu chỉ thu phí xe thông quan qua Cửa khẩu Nam Giang thì tăng lên 2.186 tỷ đồng, tương đương 82,8% tổng mức đầu tư) và phần còn lại Nhà đầu tư thu phí hoàn vốn trong khoảng 20 năm.

Phương án 2 là đầu tư mở rộng các đoạn hiện có tiêu chuẩn kỹ thuật thấp và nâng cấp một số đoạn xuống cấp, với tổng mức đầu tư khoảng 730,3 tỷ đồng, trong đó, ngân sách hỗ trợ 310,4 tỷ đồng, tương đương 42,5% tổng mức đầu tư và phần còn lại Nhà đầu tư thu phí hoàn vốn với xe tải thông quan qua Cửa khẩu Nam Giang trong khoảng 20 năm.

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, các phương án do Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải đề xuất đều vướng mắc về pháp lý. Cụ thể, tại Điều 45 của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư thì hình thức Hợp đồng BOT chỉ áp dụng đối với công trình xây dựng, kinh doanh, vận hành; đồng thời, Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 ngày 21/10/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là “chỉ áp dụng đối với các tuyến đường mới để bảo đảm quyền lựa chọn cho người dân, không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo hiện hữu”.

Ngoài ra, tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia tương đương 72,5% tổng mức đầu tư, không phù hợp với quy định tại Điều 69 của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án PPP không quá 50% tổng mức đầu tư).

Bên cạnh đó, các quy định của pháp luật, phương án tài chính chưa đảm bảo; trường hợp đầu tư với phương án 2 nêu trên thì tổng mức đầu tư thấp (730 tỷ đồng), công trình chỉ được cải tạo cục bộ, vốn nhà nước phải tham gia 42,5% nhưng thời gian nhà đầu tư thu phí kéo dài 20 năm, sẽ không hiệu quả. Do vậy, UBND tỉnh Quảng Nam kiến nghị không thực hiện phương án đầu tư theo hình thức Hợp đồng BOT.

Hiện nay, lưu lượng hàng hóa thông quan qua cửa khẩu Quốc tế Nam Giang ngày càng tăng (trong 6 tháng đầu năm 2023 xuất khẩu tăng 37,25%, nhập khẩu tăng 79%, quá cảnh tăng 40% so với cùng kỳ năm 2023). Do đó, việc đầu tư mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 14D là rất cần thiết và cấp bách, các hình thức đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đều không thể thực hiện trong giai đoạn hiện nay.

UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc có chủ trương dừng nghiên cứu đầu tư Dự án Mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 14D theo hình thức PPP (BOT) để chuyển sang hình thức đầu tư công.

UBND tỉnh Quảng Nam đề xuất Chính phủ bố trí nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2020 - 2025 và 2026 - 2030 để mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 14D nhằm giải quyết nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh tại địa phương; trong trường hợp này kiến nghị đầu tư theo 2 giai đoạn.

Cụ thể, giai đoạn I, từ nay đến năm 2025, đầu tư mở rộng các đoạn hiện có tiêu chuẩn kỹ thuật thấp và nâng cấp một số đoạn xuống cấp, với tổng mức đầu tư khoảng 730,3 tỷ đồng.

Giai đoạn II, giai đoạn 2026-2030, đầu tư mở rộng toàn tuyến theo quy hoạch được duyệt và tiêu chuẩn hiện hành, đảm bảo xe container vận tải đi lại thuận lợi, an toàn, với tổng mức đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng.

Đề xuất tháo gỡ vướng mắc chuyển mục đích sử dụng rừng đối với hai tuyến cao tốc

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng vừa báo cáo rà soát các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương theo phương thức PPP.

Theo đó, Tuyến đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1386/QĐ-TTg ngày 10/11/2022 về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc theo phương thức PPP.

Tuy nhiên, do đoạn tuyến trải dài trên địa phận 2 tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai nên việc thiết lập, phê duyệt các hồ sơ kiểm kê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng theo phân cấp, phân quyền đều thuộc UBND cấp tỉnh.

Vì vậy, có rất nhiều khó khăn trong công tác tổng hợp và đồng bộ các hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng rừng. Cụ thể, đối với diện tích trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng do có những đoạn tuyến phải điều chỉnh cục bộ để phù hợp với địa hình nên phải thiết lập lại hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng rừng trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (theo nội dung hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại văn bản số 97/TCLN-KL ngày 16/1/2023).

Tuy nhiên, qua kết quả rà soát điều chỉnh sơ bộ cho thấy, mặc dù có điều chỉnh thay đổi địa điểm, vị trí cục bộ hướng tuyến nhưng diện tích rừng tác động sẽ giảm so với chủ trương đã đượcThủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bên cạnh đó, hiện nay theo kết quả quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng thì phần lớn diện tích đất thực hiện dự án đều nằm trên đất lâm nghiệp đối tượng rừng sản xuất, mà việc điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng để phù hợp với Quy hoạch lâm nghiệp Quốc gia phải thực hiện theo nội dung chỉ đạo tại Thông báo số 259/TB-VPCP ngày 4/7/2023 của Văn Phòng Chính phủ thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại cuộc họp về dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, để thực hiện các nội dung trên thì mất rất nhiều thời gian, từ đó sẽ ảnh hưởng đến thời gian hoàn chỉnh hồ sơ xin chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng. Đối với phần diện tích trên địa phận tỉnh Đồng Nai, theo báo cáo của đại diện liên danh nhà đầu tư đề xuất dự án thì việc chấp nhận phương án nộp tiền trồng rừng thay thế gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó là các khó khăn về thủ tục liên quan đến việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, đầu tư, đầu tư công.

Tương tự như Dự án đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, Dự án đường bộ cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương cũng gặp các khó khăn đối với việc điều chỉnh diện tích đất lâm nghiệp ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng để thực hiện dự án đầu tư và các thủ tục liên quan đến việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, đầu tư, đầu tư công.

Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nêu trên nhằm sớm triển khai thực hiện dự án, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND tỉnh báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cơ chế đặc thù cho phép UBND tỉnh Lâm Đồng không phải lập lại hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng rừng do việc điều chỉnh cục bộ hướng tuyến (mặc dù có thay đổi vị trí, địa điểm do điều chỉnh cục bộ hướng tuyến nhưng diện tích rừng bị ảnh hưởng giảm so với chủ trương đã được Thủ tướng Chính phủ thống nhất); cho phép UBND tỉnh Lâm Đồng thực hiện điều chỉnh cục bộ diện tích thực hiện dự án ra ngoài quy hoạch lâm nghiệp; chỉ đạo UBND tỉnh Đồng Nai khẩn trương tiếp nhận phương án nộp tiền trồng rừng thay thế của đại diện liên danh nhà đầu tư làm cơ sở để triển khai các bước tiếp theo theo đúng quy định; kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm phê duyệt báo cáo đánhgiá tác động môi trường của dự án theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, đầu tư, đầu tư công.

Nâng cấp Liên Khương thành cảng hàng không quốc tế

UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị Công an tỉnh, Chi cục Hải quan Đà Lạt phối hợp với các sở, ngành, UBND huyện Đức Trọng hỗ trợ Cảng Hàng không Liên Khương để hoàn thiện các quy chế phối hợp, văn bản hiệp đồng phục vụ thủ tục Cảng Hàng không Liên Khương thành Cảng hàng không quốc tế.

UBND tỉnh giao Sở Giao thông - Vận tải, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở y tế, UBND huyện Đức Trọng căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp, hỗ trợ Cảng Hàng không Liên Khương trong việc triển khai các hồ sơ, thủ tục liên quan đến việc nâng cấp Cảng Hàng không Liên Khương thành Cảng Hàng không quốc tế Liên Khương.

Trước đó, ngày 11/4/2023, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 2444/VPCP-CN gửi UBND tỉnh Lâm Đồng về việc kiến nghị nâng cấp Cảng Hàng không Liên Khương của UBND tỉnh Lâm Đồng.

Theo đó, Văn phòng Chính phủ cho biết, Bộ Giao thông - Vận tải đã có văn bản số 2875/BGTVT-KHĐT ngày 24/3/2023 báo cáo Phó Thủ tướng Phạm Hồng Hà đề xuất đầu tư nâng cấp Cảng hàng không Liên Khương.

Ngày 4/4/2023, Phó Thủ tướng Phạm Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp về kết quả nghiên cứu Đề án xã hội hóa, đầu tư theo phương thức PPP khai thác cảng hàng không do UBND một số địa phương xây dựng.

Vì vậy, Văn phòng Chính phủ đề nghị UBND tỉnh phối hợp với Bộ Giao thông - Vận tải để hoàn thiện Đề án trên, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét theo quy định.

Đắk Nông chọn 6 dự án trọng điểm chào mừng Kỷ niệm 20 năm Ngày tái lập tỉnh

Đắk Nông đã lựa chọn 6 công trình trọng điểm nằm trong danh mục Dự án chào mừng Kỷ niệm 20 năm Ngày tái lập tỉnh.

Các dự án cụ thể gồm: Dự án đầu tư xây dựng bệnh viện đa khoa chuyên sâu tại thị trấn Ea Tling (Cư Jút), có tổng vốn đầu 786 tỷ đồng. Dự án Hỗ trợ phát triển khu vực biên giới – Tiểu dự án Đắk Nông, tổng vốn đầu tư hơn 568 tỷ. Dự án Trung tâm thương mại huyện Đắk Mil, tổng vốn 472 tỷ đồng.

Ngoài ra, còn có dự án Quảng trường trung tâm TP.Gia Nghĩa, tổng vốn hơn 400 tỷ đồng. Dự án Khu Liên hợp Bảo tàng, Thư viện và Công viên Đắk Nông, tổng vốn của dự án là hơn 124 tỷ đồng. Dự án Trung tâm thông tin Công viên địa chất huyện Krông Nô, tổng vốn đầu tư 6 tỷ đồng.

Tổng vốn đầu tư của 6 dự án này là hơn 2.356 tỷ đồng.

Đắk Nông yêu cầu Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh; các địa phương chịu trách nhiệm theo dõi, chỉ đạo thực hiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh. Chủ đầu tư quyết liệt đôn đốc các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện từng bước, từng khâu trong quá trình triển khai dự án. Các địa phương phải phối hợp với chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng các dự án liên quan.

Đối với dự án đầu tư ngoài ngân sách, UBND tỉnh Đắk Nông giao Sở Xây dựng hướng dẫn, hỗ trợ nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục pháp lý về hồ sơ, thiết kế, kỹ thuật; giám sát quá trình triển khai thi công các dự án bảo đảm chất lượng…

Ngày 25/7, trong thông báo kết luận về tổ chức Lễ Kỷ niệm 20 năm Ngày tái lập tỉnh, Chủ tịch tỉnh Đắk Nông, ông Hồ Văn Mười khẳng định Kỷ niệm 20 năm Ngày tái lập tỉnh là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong năm 2024, đánh dấu chặng đường xây dựng, trưởng thành và phát triển của Đắk Nông.

Vì vậy, Chủ tịch tỉnh Đắk Nông yêu cầu các sở ngành và địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các hoạt động Kỷ niệm 20 năm Ngày tái lập Tỉnh; phản ánh về chặng đường phát triển ấn tượng kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời quảng bá về văn hoá, tiềm năng, lợi thế phát triển, kêu gọi và thu hút đầu tư vào tỉnh.

Ông Hồ Văn Mười giao giao Sở Văn hoá - Thể Thao và Du Lịch tỉnh hoàn thiện các kế hoạch, tổ chức Lễ kỷ niệm, Tổ chức Lễ hội văn hoá thổ cẩm Việt Nam lần thứ III/2024. Sở KH&ĐT đôn đốc các đơn vị đẩy nhanh tiến độ hoàn thành một số công trình để chào mừng Kỷ niệm 20 năm Ngày tái lập tỉnh Đắk Nông…

Theo kế hoạch, Lễ Kỷ niệm 20 năm Ngày tái lập tỉnh Đắk Nông ((1/1/2004-1/1/2024) sẽ diễn ra vào ngày 23/3/2024, dự kiến sẽ có 16 hoạt động lớn trong dịp này.

Bình Định yêu cầu rà soát mức giá cho thuê hạ tầng khu, cụm công nghiệp

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định, thời gian qua, các sở, ngành của tỉnh đã hỗ trợ xúc tiến, thu hút đầu tư các Dự án mới vào tỉnh, bao gồm các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Tính đến ngày 19/7, tỉnh Bình Định thu hút 1 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký đầu tư mới với tổng vốn đầu tư 81.065 USD; điều chỉnh tăng vốn 4 dự án với tổng vốn tăng 26,28 triệu USD.

Lũy kế, tỉnh Bình Định đã có 87 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký trên 1,13 tỷ USD. Trong đó, 49 dự án ngoài khu kinh tế và khu công nghiệp với tổng vốn đăng ký 250,02 triệu USD; 38 dự án trong khu công nghiệp và khu kinh tế với tổng vốn 882,82 triệu USD.

Ngoài ra, tỉnh Bình Định cũng thu hút mới 39 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 10.697,3 tỷ đồng, đạt 65% kế hoạch năm 2023 (tổng số 60 dự án).

Song qua quá trình triển khai, Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, còn một số vấn đề ảnh hưởng đến hiệu quả thu hút đầu tư tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Trong đó, hiện nay, đa số các quỹ đất của Bình Định đều chưa có sẵn, còn vướng giải phóng mặt bằng, chưa đồng bộ cơ sở hạ tầng điện, nước, xử lý chất thải… , nhất là quỹ đất thuộc các cụm công nghiệp.

Ngoài ra, một số khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định hiện nay có giá cho thuê đất gắn kết cấu hạ tầng và giá dịch vụ hạ tầng còn cao theo nhận định của nhiều nhà đầu tư mà cụ thể là Khu công nghiệp Nhơn Hòa, Khu công nghiệp Nhơn Hội A, Khu công nghiệp Hòa Hội, Cụm công nghiệp Cầu Nước Xanh…

Để giải quyết vấn đề liên quan đến chuẩn bị quỹ đất và giá thuê tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định vừa giao Ban Quản lý Khu kinh tế, Sở Công thương làm việc với chủ đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp; thực hiện rà soát, kiểm tra suất đầu tư, khả năng đáp ứng cơ sở hạ tầng, mức giá cho thuê hạ tầng, tiến độ đầu tư theo quy định.

Trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nhấn mạnh phải “xây dựng mức giá phù hợp để thúc đẩy thu hút đầu tư”.

Cùng với đó, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các cụm công nghiệp chưa có quỹ đất sạch.

“Đề xuất giải pháp chuẩn bị quỹ đất sạch, ít nhất mỗi địa bàn từ 20 – 30 ha/ năm, nhằm đảm bảo diện tích đất sẵn sàng thu hút các dự án mới”, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu.

Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng đã giao Sở Công thương yêu cầu chủ đầu tư xây dựng kế hoạch, tiến độ triển khai cụ đối với các dự án cụm công nghiệp gồm Bình An (huyện Tuy Phước); Đệ Đức – Hoài Tân, Hoài Hương (thị xã Hoài Nhơn); Tân Tường An (huyện Phù Mỹ); Bình Tân, phần mở rộng của Cụm công nghiệp Bình Nghi và Cụm công nghiệp Gò Cầy (huyện Tây Sơn)…

Hà Nội sắp có tuyến đường rộng 22m tại huyện Thanh Oai

UBND TP. Hà Nội đã có Quyết định số 3004/QĐ-UBND về việc phê duyệt chỉ giới đường đỏ tuyến đường vào Trụ sở Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an, Trại tạm giam T16 và Trung tâm thẩm vấn của lực lượng cảnh sát.

Tuyến đường này thuộc địa phận hai xã Tam Hưng và xã Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội.

Theo Quyết định này, vị trí điểm đầu tại vị trí giao với tuyến đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ), điểm cuối tại vị trí hết ranh giới Dự án Trụ sở cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an, Trại tạm giam T16 và Trung tâm thẩm vấn của lực lượng cảnh sát.

Chiều dài tuyến đường khoảng 1,18km. Hướng tuyến: phù hợp với quy hoạch chung xây dựng huyện Thanh Oai, quy hoạch phân khu đô thị S4, quy hoạch phân khu đô thị GS. Cấp hạng tuyến đường thuộc cấp khu vực.

Tuyến đường có quy mô mặt cắt 22m. Tại các đoạn tuyến qua khu vực Trại tạm giam T16 hiện có, khu vực dự án Trụ sở Cơ quan cảnh sát điều tra, Trại tạm giam T16 và Trung tâm thẩm vấn của lực lượng cảnh sát được mở rộng cục bộ để tránh hình thành đất xen kẹt. Thành phần mặt cắt ngang đường sẽ được xác định cụ thể theo dự án đầu tư xây dựng tuyến đường được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Nút giao giữa tuyến đường với tuyến đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ) và các đường ngang được thiết kế giao bằng phù hợp với định hướng Quy hoạch chung xây dựng huyện Thanh Oai, Quy hoạch phân khu đô thị S4 và GS đã được duyệt. Chỉ giới đường đỏ của các đường ngang theo quy hoạch trên bản vẽ này chỉ là xác định sơ bộ. Cụ thể, sẽ được xác định tại các dự án hai bên tuyến đường hoặc khi lập dự án đầu tư xây dựng các tuyến đường ngang.

Đại diện Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội (đơn vị lập chỉ giới) cho biết, việc thiết kế chỉ giới tuyến đưỡng đã bám sát ranh giới các công trình hiện có (Trại giam T16, trường THCS Mỹ Hưng) hạn chế tạo quỹ đất xen kẹt và tránh chồng lấn dự án, thuận lợi cho việc lập dự án đầu tư xây dựng, tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành.

Khu vực tuyến đường đi qua hiện phần lớn đang là đất nông nghiệp và Nghĩa trang Nhân dân xã Mỹ Hưng.

UBND TP. Hà Nội giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc kiểm tra, xác nhận bản vẽ chỉ giới đường đỏ tuyến đường theo Quyết định phê duyệt. Giao UBND huyện Thanh Oai chủ trì, phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội và các đơn vị liên quan tổ chức công bố công khai, bàn giao hồ sơ chỉ giới đường đỏ được UBND TP. Hà Nội phê duyệt cho UBND các xã: Tam Hưng, Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai để quản lý quy hoạch xây dựng dọc hai bên tuyến đường.

UBND huyện Thanh Oai, UBND các xã: Tam Hưng, Mỹ Hưng chịu trách nhiệm tổ chức quản lý việc xây dựng công trình hai bên tuyến đường theo chỉ giới đường đỏ được duyệt. Kiểm tra xử lý các trường hợp vi phạm quy hoạch theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.

Đồng thời, giao chủ đầu tư xây dựng tuyến đường thực hiện triển khai việc cắm mốc giới tuyến đường trong giai đoạn thu hồi đất để tránh lãng phí, chồng chéo trong công tác cắm mốc giới.

Bình Dương khởi công đường Vành đai 4, TP.HCM vào quý I/2024

UBND tỉnh Bình Dương vừa ban hành Kế hoạch số 3655/KH-UBND thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành Đai 4 TP. HCM (đoạn từ cầu Thủ Biên đến sông Sài Gòn -giai đoạn I).

Bản kế hoạch đã đưa mốc thời gian rất cụ thể cho từng công việc.

Đầu tiên là công tác bàn giao mốc giải phóng mặt bằng hoàn thành trong tháng 7/2023. Bình Dương phấn đấu cuối năm 2023 chi trả tiền bồi thường giải phóng mặt bằng cho người dân.

Đến tháng 6/2024 bàn giao tối thiểu 50% mặt bằng; đến tháng 9/2024 bàn giao 70% mặt bằng; đến tháng 12/2024, bàn giao toàn bộ mặt bằng dự án.

Đối với công tác thẩm tra, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thành phần I hoàn thành chậm nhất đến tháng 8/2023.

Bình Dương đưa ra kế hoạch khởi công dự án trong quý I/2024, trường hợp không thực hiện sơ tuyển phấn đấu khởi công trước ngày 1/1/2024.

Đối với Dự án thành phần II, lập, thẩm tra, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi trong tháng 9/2023.

Lựa chọn nhà đầu tư từ tháng 12/2023 đến 1/2024 (bao gồm các công việc đánh giá hồ sơ dự thầu; trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà đầu tư). Trường hợp không tổ chức sơ tuyển nhà đầu tư thời gian hoàn thành dự kiến trong tháng 12/2023.

Thời gian khởi công Dự án thành phần II vào quý I/2024, thi công hoàn thành vào tháng 11/2026, đưa vào sử dụng từ tháng 12/2026.

Dự án đường Vành đai 4 TP.HCM đoạn đi qua tỉnh Bình Dương từ cầu Thủ Biên đến sông Sài Gòn có tổng chiều dài 47,8 km được xây dựng thành đường cao tốc với vận tốc thiết kế 100 km/h.

Dự án có tổng mức đầu tư 18.247 tỷ đồng, đầu tư theo hình thức PPP loại hợp đồng BOT. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2023 đến năm 2026.

Đường Vành đai 4, TP.HCM có ý nghĩa rất quan trọng khi kết nối giữa Bình Dương với các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ. Sau khi hoàn thành tuyến đường này sẽ kết nối với các tuyến đường cao tốc và các tuyến quốc lộ để kết nối đến sân bay Long Thành và cảng Cái Mép- Thị Vải.

Đề xuất tăng thêm 1.439 tỷ đồng cho cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh

Bộ GTVT vừa có tờ trình số 7967/TTr - BGTVT gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1.

Hai nội dung điều chỉnh

Đây là lần thứ hai trong vòng 6 tháng qua, Bộ GTVT trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư tuyến cao tốc trục ngang Đồng bằng sông Cửu Long.

Được biết, trên cơ sở kết quả thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án, Bộ GTVT đã giao các đơn vị nghiên cứu, tiếp thu, giải trình và hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án; đồng thời phối hợp với Bộ tài chính rà soát, đánh giá tác động của khoản vay do điều chỉnh chủ trương đầu tư, phối hợp với ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (Kexim) để có ý kiến về việc bổ sung vốn vay Chính phủ Hàn Quốc để thực hiện Dự án.

Trước đó, vào cuối tháng 12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2203/QĐ – TTg phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1 với tổng chiều dài hơn 27 km, quy mô 4 làn xe hạn chế đi qua 2 tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang.

Tổng mức đầu tư của Dự án khoảng 4.770,75 tỷ đồng, trong đó vay ODA của Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc - EDCF thông qua Ngân hàng XNK Hàn Quốc - Kexim dự kiến khoảng 3.677,22 tỷ đồng (tương đương 158,80 triệu USD) sử dụng để thanh toán chi phí xây dựng, thiết bị; chi phí tư vấn thiết kế kỹ thuật và giám sát thi công (không bao gồm thuế VAT), dự phòng phần vốn ODA.

Vốn đối ứng dự kiến khoảng 1.093,53 tỷ đồng sử dụng để thanh toán thuế VAT (phần chi phí xây dựng, thiết bị; chi phí tư vấn thiết kế kỹ thuật và giám sát thi công), chi phí QLDA, chi phí tư vấn trong nước như: Chi phí khảo sát, lập dự án đầu tư, thẩm tra thiết kế kỹ thuật, chi phí thẩm tra, quyết toán dự án hoàn thành, chi phí khác… theo các quy định hiện hành; chi phí giải phóng mặt bằng; dự phòng phần vốn đối ứng, phí dịch vụ.

Dự án được chia thành 2 dự án thành phần do Ban quản lý Dự án Mỹ Thuận (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư, gồm 2 dự án thành phần: Dự án thành phần 1 dài 16 km qua địa phận tỉnh Đồng Tháp và dự án thành phần 2 dài hơn 11 km đi qua địa phận Đồng Tháp và Tiền Giang. Ở giai đoạn 1, dự án được đầu tư với quy mô 4 làn xe, chiều rộng nền đường là 17 m.

Tại tờ trình số 7967, Bộ GTVT kiến nghị phê duyệt điều chỉnh khoản 9, Điều 1, Quyết định số 2203/QĐ-TTg. Theo đó, tổng mức đầu tư của dự án khoảng 6.209,77 tỷ đồng, tăng khoảng 1.439 tỷ đồng so với sơ bộ tổng mức đầu tư đã được phê duyệt.

Cơ cấu nguồn vốn Dự án cũng có sự thay đổi đáng kể, trong đó vốn vay ODA của EDCF khoảng 4.462,47 tỷ đồng (tương đương 188,12 triệu USD) được sử dụng để thanh toán chi phí xây dựng, thiết bị; chi phí tư vấn giám sát thi công (không bao gồm thuế VAT), dự phòng phần vốn ODA.

Vốn đối ứng khoảng 1.747,30 tỷ đồng được sử dụng để thanh toán thuế VAT (phần chi phí xây dựng, thiết bị; chi phí tư vấn giám sát thi công), chi phí QLDA, chi phí tư vấn trong nước như: Chi phí khảo sát, lập dự án đầu tư; chi phí tư vấn khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật; thẩm tra thiết kế kỹ thuật, chi phí thẩm tra, quyết toán dự án hoàn thành, chi phí khác… theo các quy định hiện hành; chi phí giải phóng mặt bằng; dự phòng phần vốn đối ứng, phí dịch vụ.

Các nội dung khác giữ nguyên theo Quyết định số 2203/QĐ-TTg về phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1.

Quảng Ngãi đề xuất đầu tư 4.000 tỷ đồng xây Hồ Thượng Sông Vệ

Ngày 28/7, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc đề xuất đầu tư xây dựng công trình Hồ Thượng Sông Vệ.

Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, trên địa bàn tỉnh hiện có 800 công trình thủy lợi được đưa vào quản lý, khai thác để cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và các ngành kinh tế khác. Tổng năng lực tưới thiết kế của 800 công trình là 68.942,9 ha; năng lực tưới thực tế là 48.964,7 ha; đạt 70,63% so với năng lực thiết kế.

UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết sông Vệ là sông lớn thứ hai của tỉnh, diện tích lưu vực khoảng 1.263 km, tiềm năng khai thác nước mặt phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt, công nghiệp và nuôi trồng thủy sản rất lớn. Tuy nhiên, hiện nay trên lưu vực Sông Vệ chưa có công trình thủy lợi quy mô lớn có khả năng cắt giảm lũ hạ du, tích trữ, chuyển nước, điều tiết nguồn nước mặt để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh, chỉ có các công trình thủy lợi nhỏ trên các nhánh suối, nguồn nước không bảo đảm phục vụ cấp nước nông nghiệp, sinh hoạt....

Mặc dù vậy, nhu cầu sử dụng nước của tỉnh hiện nay, cũng như thời gian tới là rất lớn; vào các tháng mùa khô, khoảng 11.300 ha vùng hạ du Sông Vệ và phía Nam tỉnh thường xuyên bị hạn hán, thiếu nước, không bảo đảm nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, thiếu nước sinh hoạt cho người dân, các khu công nghiệp, khu đô thị, vùng ven biển của các huyện, thị xã; vào các tháng mùa mưa thường xuyên chịu ảnh hưởng của lũ, lụt lớn, làm sạt lở bờ sông rất nghiêm trọng gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sản xuất của Nhân dân và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội phía Nam của tỉnh.

Vì vậy, UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng việc đầu tư xây dựng Hồ Thượng Sông Vệ sẽ có nhiệm vụ giảm lũ vùng hạ du, cấp nước cho 11.300 ha đất sản xuất nông nghiệp, phục vụ sinh hoạt, công nghiệp, nuôi trồng thủy sản, bảo đảm nguồn nước phục vụ ổn định.

Dự kiến tổng mức đầu tư Dự án là 4.000 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương.

Dự án sẽ thực hiện năm 2023 - 2030. Trong đó, giai đoạn 2023-2025, UBND tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bổ sung vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn, bố trí vốn chuẩn bị đầu tư và hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư; Giai đoạn 2026-2030 sẽ thực hiện đầu tư hoàn thành dự án.

Tin bài liên quan