Nhiều ngân hàng có kế hoạch trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ như Vietcombank, MB, OCB, HDBank...

Nhiều ngân hàng có kế hoạch trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ như Vietcombank, MB, OCB, HDBank...

Thêm chuyện nóng trước mùa đại hội ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Kế hoạch chia cổ tức, tăng vốn, chuyển sàn, bán cổ phần cho cổ đông chiến lược nước ngoài, thay đổi nhân sự cấp cao... đang là các thông tin nóng trước khi mùa đại hội cổ đông bắt đầu.

Lợi nhuận và cổ tức

Hội đồng quản trị VIB dự kiến trình Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 diễn ra ngày 16/3/2022 kế hoạch kinh doanh năm nay với mục tiêu đạt lợi nhuận 10.500 tỷ đồng, tăng 31%; chỉ tiêu tổng tài sản, dư nợ tín dụng và huy động vốn đều tăng 30%, lần lượt là 402.500 tỷ đồng, 265.600 tỷ đồng và 280.600 tỷ đồng. Mức tăng trưởng dư nợ tín dụng có thể được điều chỉnh tùy thuộc vào giới hạn cho phép của Ngân hàng Nhà nước.

Năm 2022, VIB định hướng đẩy mạnh tăng trưởng nguồn thu ngoài mảng tín dụng truyền thống sang các sản phẩm mang lại thu nhập ngoài lãi, giúp đa dạng hóa nguồn thu và nâng cao hiệu suất sinh lời.

Mục tiêu giai đoạn 2022 - 2026 của ngân hàng này là lợi nhuận tăng trưởng kép tối thiểu 30%/năm; giá trị vốn hoá tăng 5 lần, từ 3,2 tỷ USD năm 2021 lên 14 tỷ USD năm 2026. Riêng năm 2022, vốn điều lệ sẽ tăng 35,7%, lên trên 21.000 tỷ đồng, thông qua chia cổ phiếu thưởng 35% cho cổ đông hiện hữu và 0,7% cho cán bộ, nhân viên.

Phó tổng giám đốc Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng cho biết, Ngân hàng sẽ tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông vào ngày 8/4/2022, trình phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Vietcombank mong muốn Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện để Ngân hàng tiếp tục tăng vốn bằng cách giữ lại lợi nhuận sau thuế để trả cổ tức bằng cổ phiếu, đồng thời có lộ trình tăng giới hạn sở hữu nước ngoài, trước mắt là tăng lên 35%.

Năm 2022, Vietcombank đặt mục tiêu tăng trưởng tổng tài sản 8%, tín dụng tăng 12%, tỷ lệ nợ xấu dưới 1,5%, lợi nhuận trước thuế tăng tối thiểu 12%. Năm ngoái, Ngân hàng là quán quân lợi nhuận toàn ngành với lợi nhuận trước thuế đạt 27.376 tỷ đồng, tăng trưởng 19%.

Năm 2022, các ngân hàng có khả năng đạt mức tăng trưởng lợi nhuận trên 20% bao gồm BIDV, MB, Techcombank, ACB, TPBank, MSB...

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng giám đốc MSB cho hay, năm nay, Ngân hàng đặt mục tiêu đạt quy mô tài sản 233.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 6.800 tỷ đồng, tín dụng tăng 20 - 25%, tùy vào mức phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu dưới 1,5%.

MSB sẽ trình Đại hội đồng cổ đông thông qua phương án chia cổ tức 30% cho năm 2021 và kế hoạch tăng vốn điều lệ năm 2022, trong đó hướng đến các nguồn vốn từ nhà đầu tư nước ngoài.

ACB đã chốt lịch họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 vào ngày 7/4 tới để trình cổ đông phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ và các kế hoạch kinh doanh. Theo lãnh đạo ACB, mục tiêu lợi nhuận năm 2022 được Hội đồng quản trị ACB đề ra là tăng trưởng không dưới 20% (năm 2021, Ngân hàng đạt gần 12.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế).

Được biết, trong những năm gần đây, ACB chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ không dưới 25%. MB, OCB, HDBank có kế hoạch chia cổ tức năm 2021 với tỷ lệ trên dưới 20% bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ trong năm 2022.

Ẩn số cổ đông lớn

Mùa đại hội cổ đông 2022, nhiều ngân hàng sẽ bầu thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát nhiệm kỳ mới như Sacombank, HDBank, Eximbank...

Trong đó, đại hội thường niên lần thứ 2 năm 2021 của Eximbank vừa tổ chức thành công ngày 15/2/2021, với vị trí ghế “nóng” Chủ tịch Hội đồng quản trị được đề cử là bà Lương Cẩm Tú, thành viên Hội đồng quản trị duy nhất ở lại nhiệm kỳ VII (2020 - 2025).

Được biết, từ năm 2018 tới nay, bà Tú nhận được sự ủng hộ của đa số cổ đông và cán bộ, nhân viên Eximbank. Vào tháng 3/2019, bà được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, thay cho ông Lê Minh Quốc và được đánh giá là người có vai trò trung hòa trong các mối quan hệ giữa các nhóm cổ đông. Tuy nhiên, Eximbank đang nằm trong tay liên minh nhóm cổ đông nào vẫn là vấn đề được giới đầu tư quan tâm. Có thông tin cho rằng, nhóm cổ đông lớn phía sau Eximbank là một doanh nghiệp bất động sản và một ngân hàng.

Kế hoạch bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài của VPBank cũng được thị trường quan tâm, với kỳ vọng sẽ tạo động lực mới cho giá cổ phiếu VPB. Đối tác ngoại đang được đồn đoán là SMBC, khi đối tác Nhật Bản này vừa quyết định chấm dứt hợp tác chiến lược với Eximbank và trước đó đã mua lại 49% vốn tại FE Credit (công ty con của VPBank) với giá gần 1,4 tỷ USD.

Trong khi đó, VPBank đã lấy ý kiến cổ đông về điều chỉnh tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài từ 15% lên 17,5% vốn điều lệ. Theo quy định của pháp luật, tỷ lệ sở hữu tối đa của một tổ chức nước ngoài không được vượt 15% và tổng mức sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài không được vượt 30% vốn điều lệ ngân hàng.

Ngoài ra, mặc dù đã tuyên bố chấm dứt hợp tác chiến lược với Eximbank, nhưng SMBC vẫn là cổ đông lớn, sở hữu 15% cổ phần. Vì thế, SMBC liệu có rút lui hoàn toàn khỏi Eximbank và chuyển nhượng phần vốn cho nhóm cổ đông nào của Ngân hàng đang được thị trường quan tâm.

Một số thông tin đáng chú ý khác tại các ngân hàng là OCB sẽ bán thêm 10% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, Viet Capital Bank bán 5% cổ phần cho cổ đông ngoại, Nam A Bank dự kiến thu hút vốn ngoại thông qua bán 15 - 20% cổ phần, ABBank có kế hoạch chuyển đăng ký giao dịch từ UPCoM lên niêm yết trên HOSE...

Câu chuyện riêng của các ngân hàng trước thềm đại hội năm nay được nhận định sẽ tác động lên giá cổ phiếu “vua”.

Các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) nhận định, năm 2022, tín dụng ngành ngân hàng tăng 14%, lợi nhuận trước thuế tăng 22,8%, biên lãi ròng (NIM) cải thiện lên 4,12%. Các ngân hàng có khả năng đạt mức tăng trưởng lợi nhuận trên 20% bao gồm BIDV, MB, Techcombank, ACB, TPBank, MSB...

Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup nhận xét, ngành ngân hàng đang phục hồi rõ nét. Nợ xấu dù có tăng cũng khó cản được đà tăng trưởng của ngành này. Cổ phiếu của các ngân hàng có triển vọng tăng trưởng lợi nhuận cao sẽ là điểm đến tích cực của dòng tiền.

Tin bài liên quan