Các doanh nghiệp bảo hiểm đang tập trung nguồn lực xây dựng chiến lược chuyển đổi số

Các doanh nghiệp bảo hiểm đang tập trung nguồn lực xây dựng chiến lược chuyển đổi số

Thêm lối khởi nghiệp Insurtech

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong bối cảnh cách mạng 4.0 bùng nổ, chuyển đổi số là con đường tất yếu phải đi đối với các doanh nghiệp bảo hiểm và việc nới lỏng pháp lý thử nghiệm khởi nghiệp công nghệ bảo hiểm sẽ giúp con đường này trở nên bớt ghập ghềnh hơn.

Số hóa bảo hiểm: Cuộc đua ngày càng sôi động

Đầu tuần qua, hãng bảo hiểm AIA Việt Nam chính thức công bố thiết lập mối quan hệ hợp tác toàn diện độc quyền đầu tiên giữa một doanh nghiệp cung cấp giải pháp bảo hiểm và một nền tảng thương mại điện tử là Tiki. Theo ông Wayne Besant, Tổng giám đốc AIA Việt Nam, sự hợp tác đặc biệt chưa có tiền lệ tại Việt Nam giữa AIA Việt Nam và Tiki hứa hẹn mở ra một kỷ nguyên mới về bảo hiểm nhân thọ cá nhân. Trong đó, AIA Việt Nam sẽ tập trung vào 3 nội dung chính, bao gồm các sản phẩm định vị phong cách sống qua kênh phân phối bảo hiểm thông minh, các sản phẩm bảo hiểm nổi bật về sức khỏe trên nền tảng kỹ thuật số, các hợp tác khác về tài chính và thương mại điện tử.

Nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ sinh thái công nghệ, nâng cao trải nghiệm và hỗ trợ khách hàng tối đa trong mùa dịch, trong thông báo mới nhất Generali Việt Nam cho biết, kể từ tháng 7/2021, việc giải quyết quyền lợi bảo hiểm chỉ cần bản chụp chứng từ (thay thế cho bản gốc chứng từ), áp dụng cho các hồ sơ nộp trực tuyến qua chức năng “Giải quyết quyền lợi bảo hiểm” trên ứng dụng GenVita của Công ty. Thời gian giải quyết được thông báo là 2 phút hoàn tất thủ tục, 30 phút nhận phản hồi sau khi nộp hồ sơ thành công…

Ảnh tác giả

Trong 10 năm tới, ngành bảo hiểm sẽ có sự chuyển dịch mạnh mẽ và tương lai doanh nghiệp bảo hiểm sẽ khó đảm bảo nếu không chuyển đổi số.

Ông Ngô Trung Dũng, Phó tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam

Cũng liên quan tới số hóa hoạt động bảo hiểm, mới đây, Prudential Việt Nam triển khai tính năng định danh khách hàng điện tử (e-KYC) nhằm giúp đội ngũ tư vấn tài chính của Công ty dễ dàng xác nhận danh tính khách hàng bằng công nghệ sinh trắc học.

Ở một động thái khác, Học viện MBA Manulife Việt Nam cho ra mắt nền tảng MBA Channel - phiên bản Beta. Đây là một trong những kênh học tập trực tuyến đầu tiên về bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam. Nền tảng mới này được xây dựng dựa trên công nghệ phát sóng truyền hình kỹ thuật số tích hợp, mang lại những giây phút học tập sống động và hiệu quả cho các tư vấn viên, các cấp quản lý và đối tác của Manulife Việt Nam.

Thực tế trên cho thấy, cuộc đua tranh trong việc áp dụng các ứng dụng công nghệ, mang lại tiện ích tối đa cho khách hàng giữa các hãng bảo hiểm tại thị trường Việt Nam ngày càng sôi động. Chia sẻ tại một hội thảo về thị trường bảo hiểm tổ chức mới đây, ông Ngô Trung Dũng, Phó tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam nhìn nhận rằng, trong 10 năm tới, ngành bảo hiểm sẽ có sự chuyển dịch mạnh mẽ và tương lai doanh nghiệp bảo hiểm sẽ khó đảm bảo nếu không chuyển đổi số.

Trong cuộc khảo sát nhanh của Báo Đầu tư Chứng khoán vừa thực hiện, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm cũng chia sẻ, không có trở ngại nào cản trở được quá trình chuyển đổi số. Các doanh nghiệp đang tập trung nguồn lực xây dựng chiến lược chuyển đổi số tại Việt Nam cho 5 năm tới và xa hơn với các mục tiêu cụ thể…

Cần nới lỏng pháp lý khởi nghiệp Insurtech

Đánh giá tác động của việc số hóa ngành bảo hiểm tại Việt Nam, ông Nguyễn Tiến Hùng, Khoa Tài chính, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, đổi mới công nghệ trong lĩnh vực bảo hiểm mang lại nhiều lợi ích, đặc biệt trong việc giảm chi phí, cải thiện hiệu quả hoạt động, nâng cao hiệu quả đánh giá rủi ro, tăng trải nghiệm khách hàng..., nhưng cũng có thể tác động tới sự ổn định của thị trường bảo hiểm nói chung, doanh nghiệp bảo hiểm và người tiêu dùng bảo hiểm nói riêng.

“Kinh nghiệm đổi mới công nghệ từ các thị trường bảo hiểm phát triển cho thấy, công nghệ bảo hiểm (Insurtech) giúp các doanh nghiệp bảo hiểm kiểm soát chuỗi giá trị của quá trình phân phối bảo hiểm, nhưng sự phân mảng của quá trình này có thể khiến doanh nghiệp mất kiểm soát quá trình phân phối, mất thị phần, khách hàng...”, ông Hùng nói và nhấn mạnh rằng, chuyển đổi số đặt ra thách thức cho tất cả các thành viên thị trường, bao gồm cả cơ quan quản lý nhà nước.

Liên quan tới đổi mới công nghệ bảo hiểm, được biết, dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm đang được Bộ Tài chính xây dựng và hoàn thiện, dự kiến có hiệu lực vào năm 2023, sẽ bao gồm các quy định và thủ tục pháp lý cụ thể về Insurtech, trong đó bổ sung một số nội dung, nguyên tắc khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm; bổ sung yêu cầu đối với doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện đổi mới công nghệ…

Cụ thể, dự thảo Luật kinh doanh bảo hiểm mới quy định, đối với các giao dịch bảo hiểm có ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp bảo hiểm phải đảm bảo quy trình, thủ tục yêu cầu bảo hiểm và xác định đầy đủ thông tin, danh tính của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, người thụ hưởng trước khi bên mua bảo hiểm hoàn thành việc yêu cầu bảo hiểm; trong trường hợp ủy thác cho bên thứ ba cung cấp một hoặc một số dịch vụ bảo hiểm qua môi trường mạng, hợp đồng dịch vụ phải quy định rõ trách nhiệm của tổ chức cung cấp dịch vụ, bao gồm bảo mật thông tin khách hàng, có quy trình, quy chế nhằm kiểm soát, giảm thiểu rủi ro phát sinh từ việc ủy quyền cho tổ chức khác…

Về đảm bảo an ninh trong việc thu thập, xử lý và lưu trữ thông tin cá nhân của khách hàng qua môi trường mạng, tổ chức cung cấp dịch vụ phải thực hiện tất cả các bước để bảo vệ quyền riêng tư của khách hàng, không được truy cập hoặc sử dụng trái phép, chữ ký điện tử khách hàng phải được kiểm chứng, hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực không được phép hủy ngang do lỗi thao tác máy tính…

“Theo đó, Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm cần tham mưu cho Bộ Tài chính thiết lập một nền tảng pháp lý mới theo hướng nới lỏng quy định để cho phép thử nghiệm khởi nghiệp công nghệ bảo hiểm. Khi các công nghệ được coi là thử nghiệm thành công và có thể mở rộng sẽ được đưa vào khuôn khổ quy định thông thường, hoặc sẽ có những điều chỉnh khung pháp lý phù hợp cho việc khuyến khích phát triển rộng rãi. Về phía doanh nghiệp bảo hiểm, thay vì thay đổi mô hình kinh doanh hiện hữu thì nên lập quỹ đầu tư mạo hiểm để tài trợ cho các dự án khởi nghiệp Insurtech ngay từ giai đoạn đầu, hoặc mua lại những dự án đã thành công, hoặc thực hiện hợp tác mang tính chiến lược…”, ông Hùng đề xuất.

Tin bài liên quan