Thị trường chứng khoán: Tái cấu trúc để phát triển bền vững

Thị trường chứng khoán: Tái cấu trúc để phát triển bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường chứng khoán đang trải qua chuỗi ngày khó khăn, đòi hỏi mỗi thành viên phải gồng gánh vượt qua để có thể trụ vững và đi tiếp.

Bất ngờ và đặc biệt

Trong bức thư gửi tới nhà đầu tư hôm 23/11/2022, ông Petri Deryng, Tổng giám đốc Quỹ PYN chia sẻ: “Chúng tôi đã trải qua một năm bất ngờ và rất đặc biệt, 2022 là năm thử thách căng thẳng cho các nhà đầu tư Việt Nam”. Thử thách đó là VN-Index đã giảm mạnh 40%, trong khi chỉ số chứng khoán của các thị trường trong khu vực ASEAN chỉ giảm vài phần trăm.

Giá cổ phiếu tuột dốc, trái phiếu đóng băng và tín dụng hết room, thị trường khan hiếm tiền đồng đã đẩy các doanh nghiệp vào tình thế khó khăn chưa từng có. Ông Trần Minh Tuấn, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán AAS nhận xét: “Năm 2012, lãi suất cũng tăng vọt nhưng tiền không biến mất như hiện nay, doanh nghiệp vẫn có thể vay vốn nếu chấp nhận lãi suất cao. Nay giá vốn cao, doanh nghiệp cũng không thể tiếp cận được”.

Giữa bối cảnh như vậy, doanh nghiệp buộc phải xoay xở để tồn tại. Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) cho biết, ông ghi nhận có những doanh nghiệp chấp nhận lãi vay 10%/tháng, cầm cự đến đầu năm 2023 mới có thể tiếp tục vay vốn từ ngân hàng.

Còn theo phó tổng giám đốc một công ty bất động sản lớn, doanh nghiệp đã cắt giảm tới hơn một nửa nhân sự, các dự án mới bắt đầu triển khai đều tạm ngưng. Giờ chỉ có dự án đang bán hàng là có hoạt động, doanh nghiệp cũng chỉ tập trung vào những dự án này để đảm bảo tiến độ với khách hàng, thu được tiền về trang trải và cầm cự hoạt động.

Trong xu hướng bắt buộc này, động thái tái cấu trúc của Novaland được thị trường chú ý. Cuối tuần qua, tập đoàn này công bố đã đàm phán thành công với nhà đầu tư và các tổ chức có năng lực tài chính lớn để chuyển nhượng một phần vốn tại Novaland.

Theo đó, NovaGroup đăng ký bán 150 triệu cổ phiếu trong tổng số 710,929 triệu cổ phiếu NVL đang nắm giữ nhằm bổ sung các nguồn vốn để thực hiện các phương án xử lý trái phiếu. Sau giao dịch, NovaGroup sẽ hạ tỷ lệ sở hữu tại NVL từ 36,461% vốn về 28,768% vốn.

Mục đích thực hiện giao dịch là để bổ sung nguồn vốn thực hiện các phương án xử lý trái phiếu, đưa hệ số tài chính của Công ty về mức an toàn trong chiến lược tái cấu trúc toàn bộ Tập đoàn do Hội đồng quản trị đã thông qua. Novaland tiếp tục nỗ lực triển khai các hoạt động bán hàng, thu xếp nguồn vốn, cắt giảm các khoản đầu tư chưa thật sự cần thiết để tối ưu chi phí, tập trung nguồn lực tối đa hoàn thiện các dự án trọng điểm đang triển khai như Aqua City, NovaWorld Phan Thiet, NovaWorld Ho Tram và các dự án bất động sản trung tâm TP.HCM.

Động thái của Novaland được một số chuyên gia tài chính nhận xét mang hơi hướng giải pháp tái cơ cấu nợ. Theo tìm hiểu của Đầu tư Chứng khoán, nhóm nhà đầu tư tham gia vào Novaland bao gồm cả tập đoàn có năng lực phát triển, khai thác dự án bất động sản và định chế tài chính lớn tại Việt Nam. Kỳ vọng rằng những cái bắt tay như vậy sẽ từng bước hỗ trợ doanh nghiệp thoát khỏi khó khăn.

Ở một doanh nghiệp bất động sản niêm yết có dự án đủ điều kiện bán hàng nhưng thị trường đóng băng, sức cầu thấp nên phải tạm ngưng kế hoạch mở bán sản phẩm, theo chia sẻ của chủ tịch công ty, “dòng tiền theo kế hoạch năm bị tác động đáng kể và lợi nhuận năm nay may mắn cũng chỉ đạt 30% kế hoạch năm”. Dù vậy, cổ đông của doanh nghiệp này được cho là rất may mắn khi ban lãnh đạo luôn có tâm thế thận trọng, hạn chế vay nợ và đa dạng hóa nguồn thu thêm cả thủy điện, xây lắp dự án giao thông...

Phòng thủ là tâm lý phổ biến đang diễn ra hiện nay, khiến dòng tiền trên thị trường thêm cạn kiệt. Ông Petri Deryng cho biết, qua quan sát, ông nhận thấy nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh mua vào USD tạo thêm áp lực gia tăng cho tỷ giá USD/VND. Tương tự, trên thị trường chứng khoán, nhà đầu tư không cần tiền nhưng lo ngại nên đua nhau rút chứng chỉ quỹ, trái phiếu trước hạn để chuyển sang kênh tiết kiệm.

Vẫn có doanh nghiệp xuất khẩu có dòng tiền đều đặn, hoạt động kinh doanh ổn định, nhưng bối cảnh kinh doanh và những rủi ro khó dự đoán khiến doanh nghiệp có xu hướng co lại. Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần TNG cho biết, Công ty đã rà soát lại các kế hoạch đầu tư trong năm 2023 và thống nhất tạm ngưng đầu tư mới, giữ tiền mặt ổn định trong tài khoản ngân hàng.

Nhìn nhận về sự thay đổi chiến lược của doanh nghiệp gần đây, hai diễn giả của talkshow “Chọn danh mục” do Báo Đầu tư thực hiện tuần qua đều nhấn mạnh sự cần thiết phải tái cấu trúc, tinh gọn bộ máy hoạt động để thích ứng với bối cảnh mới. Qua thực tế làm việc với các doanh nghiệp, ông Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw cho biết, các doanh nghiệp hiện nay năng động hơn trong việc đi tìm nguồn vốn. Trước đây, họ chỉ dựa vào ngân hàng và các kênh huy động vốn truyền thống thì hiện nay đã bắt đầu tìm kiếm nguồn vốn khác trong xã hội, bằng các hợp đồng hợp tác kinh doanh, hợp tác đầu tư. Họ cũng tăng cường hoạt động M&A, bán bớt dự án, tái cấu trúc doanh nghiệp bằng cách giảm nhân sự và tập trung vào những dự án cốt lõi để ra dòng tiền.

Còn ông Mohammad Mudasser, lãnh đạo dịch vụ tư vấn quản lý vốn lưu động của PwC Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp có thể cân nhắc tới nguồn vốn ngoài ngân hàng.

“Doanh nghiệp cần chú trọng bảng cân đối kế toán, tình hình thanh khoản, dòng tiền. Báo cáo tài chính là một phần, quan trọng nhất vẫn là dòng tiền, đây mới là vấn đề sống còn của doanh nghiệp”, chuyên gia nhấn mạnh.

Phát triển thị trường, cần nỗ lực của nhiều bên

Thời điểm này năm trước, giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán Việt Nam đạt 9,19 triệu tỷ đồng, bằng 147,97% GDP. Nhưng chỉ một năm sau, biến động lớn trên thị trường chứng khoán khiến cho các con số trên giảm mạnh. Tính đến cuối tuần trước, giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán Việt Nam còn hơn 5 triệu tỷ đồng, bằng 66% GDP.

Trong khi mức độ sụt giảm của chỉ số VN-Index từ tháng 4 tới nay là 40% thì có nhiều thị trường khu vực, mức độ sụt giảm thấp hơn khá nhiều (xem bảng). Điều này đặt ra thực tế về tính bền vững của thị trường. Thị trường phát triển bền vững mới kỳ vọng thu hút được nhiều người dân bỏ vốn vào chứng khoán, mới huy động được các nguồn lực xã hội cho doanh nghiệp mở rộng đầu tư, sản xuất - kinh doanh.

Tại cuộc họp của lãnh đạo Bộ Tài chính với các doanh nghiệp, công ty chứng khoán lớn tuần qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, qua theo dõi thuế, thấy sức khoẻ doanh nghiệp suy giảm, nếu chính sách tiền tệ không thành công sẽ tạo gánh nặng lên chính sách tài khoá vì doanh nghiệp không nộp được thuế, nợ thuế.

Để dần lấy lại niềm tin của nhà đầu tư, gỡ khó cho thị trường vốn và cung cấp thêm “dòng máu” cho doanh nghiệp, lãnh đạo các tập đoàn đã đề xuất nhiều kiến nghị, tập trung vào 3 giải pháp, đặc biệt gốc rễ là xử lý những khó khăn về thị trường trái phiếu hiện nay. Thứ nhất là hỗ trợ nguồn vốn cho các doanh nghiệp làm thực, có thể thu được dòng tiền trả nợ, có giám sát chặt của các bên. Thứ hai là có quy định pháp lý để các tổ chức phát hành có thể gia hạn nợ dựa trên thương thảo với các trái chủ. Thứ ba là tháo gỡ vướng mắc về pháp lý để doanh nghiệp có thể triển khai dự án, có sản phẩm bán ra thị trường và thu tiền về thực hiện nghĩa vụ chi trả.

“Câu hỏi đặt ra hiện giờ là doanh nghiệp có tồn tại được không, có phát triển được không? Nếu làm doanh nghiệp tồn tại và phát triển bền vững được, nhà đầu tư mới có niềm tin. Doanh nghiệp cần nguồn vốn xoay vòng sản xuất - kinh doanh nên cần room tín dụng. Nếu biết và tin doanh nghiệp có khả năng phát triển, nhà đầu tư mới mua trái phiếu và cổ phiếu”, ông Lê Trọng Khương, Tổng giám đốc Hưng Thịnh Land đề xuất.

Đại diện Tập đoàn Masan cũng đề xuất: “Niềm tin đến từ sự ổn định. Doanh nghiệp sẽ phải chủ động tái cấu trúc, tinh gọn sản xuất, đa dạng hoá kênh huy động vốn nước ngoài. Tuy nhiên, môi trường kinh doanh trong nước cần được ổn định để tạo niềm tin cho nhà đầu tư nước ngoài. Cần điều chỉnh Nghị định 65 về phát hành trái phiếu riêng lẻ”.

Ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc CII thì nêu quan điểm: “Doanh nghiệp vay thì phải trả. Doanh nghiệp sẽ phải tự nỗ lực, phải bán rẻ tài sản đi để trả nợ. Nhưng chỉ cần một doanh nghiệp lớn vỡ trận về trái phiếu thì cả thị trường vỡ trận, do đó, rất cần những giải pháp “vào cuộc” từ cơ quan quản lý”.

Sự vào cuộc về chính sách để khôi phục niềm tin vào thị trường tài chính không chỉ là mong mỏi của cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư trong nước, mà đang được quan tâm rất lớn ở các nhà đầu tư nước ngoài. Ông Petri Deryng kỳ vọng, “Chính phủ Việt Nam đã rất nhất quán trong vài thập kỷ điều chỉnh các chính sách quan trọng của mình theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp. Lần này, cơ quan quản lý cũng sẽ có những giải pháp để không ảnh hưởng đến các lĩnh vực kinh doanh rộng lớn của Việt Nam, vốn là nền tảng của sự tăng trưởng lành mạnh”.

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

Tôi vừa đi một vòng thăm doanh nghiệp và thấy họ hoạt động khó khăn hơn 10 năm trước. Ngày trước, nếu có tài sản thế chấp, doanh nghiệp có thể vay tiền để hoạt động sản xuất, còn ngày nay có tài sản thế chấp cũng không vay được.

Điểm nghẽn đầu tư công kéo theo nhiều doanh nghiệp khác ảnh hưởng như xây dựng, nhà thầu, vật liệu xây dựng. Doanh nghiệp khó khăn, ngân hàng báo nợ xấu, nhà thầu, vật liệu xây dựng điêu đứng. Giá nguyên vật liệu đầu vào cao kéo theo giá bán thành phẩm cao nhưng cũng không bán được. Nếu đầu tư công không điều chỉnh, thúc đẩy giải ngân mạnh, khó khăn còn kéo dài.

Thực trạng doanh nghiệp hiện nay là “làm cũng chết, không làm cũng chết” bởi làm thì lỗ mà không làm thì không được. Doanh nghiệp đang thực sự bế tắc.

Nhiều doanh nghiệp thu hẹp hoạt động vì khó khăn dòng tiền, thậm chí không làm gì. Có doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay nhưng không dám vay vì lãi suất cao không gánh được áp lực về chi phí. Doanh nghiệp chỉ vay khi cần tiền để đáo nợ hoặc bán tài sản để trả nợ.

Trần tín dụng, tăng lãi suất là hai cú đánh bồi vào doanh nghiệp. Một cú đánh bồi nữa là tiền sử dụng đất tăng khiến doanh nghiệp gồng mình chi trả chi phí trong bối cảnh khó khăn. Nếu không có chính sách tháo gỡ sẽ chậm đi cơ hội phát triển.

Ông Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw

Các doanh nghiệp đang rất khó khăn trong huy động vốn để phát triển hoạt động sản xuất - kinh doanh. Phần lớn các ngân hàng đã hết room tín dụng, lãi suất thì tăng cao. Việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp trở nên khó khăn sau khi Nghị định 65 về phát hành trái phiếu riêng lẻ được ban hành và một số vụ việc sai phạm về trái phiếu gây mất niềm tin đối với nhà đầu tư và người dân.

Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp bất động sản đang phải đối diện với áp lực trả nợ trái phiếu đến hạn và sắp đến hạn.

Trong năm 2023, doanh nghiệp bất động sản sẽ tiếp tục gặp 2 khó khăn: một là huy động vốn để thực hiện dự án cũ và mới, hai là tiếp tục phải trả nợ trái phiếu. Tôi thấy nhiều doanh nghiệp đang phải vay ngoài lãi với lãi suất 20 - 30%/năm, cho thấy họ thực sự khó khăn. Lãi suất chỉ cần cao hơn 12% là đã rất khó cho doanh nghiệp. Có thể nói đây là khúc cua định mệnh rất khó khăn đối với doanh nghiệp bất động sản trong thời gian tới.

Còn một thị trường vốn nữa có thể huy động là lĩnh vực M&A, tuy nhiên việc chuyển nhượng một sự án M&A cũng tương đối khó, nhất là với nhà đầu tư nước ngoài, do phải trải qua quá trình đàm phán rất dài mới có thể mua bán được, đặc biệt những dự án liên quan đến quyền sử dụng đất.

Để đối phó với khó khăn này, hiện nay, doanh nghiệp đang tiến hành tái cấu trúc mạnh mẽ bằng cách cắt giảm nhân sự, tiết giảm chi phí, tập trung vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, những dự án cốt lõi để ra dòng tiền nhanh, từ đó quay vòng sản xuất - kinh doanh. Họ cũng tăng cường các hoạt động M&A, bằng cách bán bớt các dự án mà họ thấy không đủ vốn để làm hoặc là nếu có triển khai thì dễ bị thu hồi dự án.

Đáng lưu ý, nhiều doanh nghiệp hiện nay đã năng động hơn trong việc để đổi mới quy trình sản xuất, tìm kiếm thêm nguồn vốn khác, không chỉ dựa vào nguồn vốn ngân hàng, trái phiếu.

Bài học ở đây là khó khăn về nguồn vốn thì cần tìm cách đa dạng hoá các nguồn vốn khác nhau, bởi vì tiền nhàn rỗi trong nhân dân còn rất nhiều.

Ông Mohammad Mudasser, Lãnh đạo dịch vụ tư vấn quản lý vốn lưu động, PwC Việt Nam

Hiện nay thanh khoản không tốt, nếu doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về dòng tiền thì việc đầu tiên nên làm là tập trung tái cấu trúc để đảm bảo thích ứng trong tương lai. Để vượt qua khó khăn, cần có nhân sự tốt ở lại với doanh nghiệp do đó cần quan tâm đến bộ máy nhân sự, đặc biệt những người có thể tạo ra giá trị cốt lõi cho doanh nghiệp, giữ họ ở lại đồng hành cùng công ty hướng tới phát triển bền vững.

Một vấn đề đáng chú ý là doanh nghiệp cần củng cố hoạt động quản lý ngân quỹ. Trong quá trình tư vấn cho nhiều doanh nghiệp lớn và nhỏ tại Việt Nam, tôi thấy hoạt động này còn hạn chế. Các doanh nghiệp cần làm tốt hơn nữa để đảm bảo khả năng thanh khoản, nguồn vốn, giảm thiểu rủi ro liên quan đến lãi vay, và rủi ro quản lý ngân quỹ khác nhằm đảm bảo khả năng hoạt động ổn định của doanh nghiệp.

Đồng thời, doanh nghiệp cần chú trọng xây dựng định hướng chiến lược rõ ràng và có thể dự báo trước những biến động và các tình huống có thể xảy ra, sự bất thường của thị trường để có kịch bản ứng phó.

Tin bài liên quan