Thị trường hàng hóa thế giới tuần từ 30/12-6/1: Giá dầu bật tăng, nông sản giảm mạnh

Thị trường hàng hóa thế giới tuần từ 30/12-6/1: Giá dầu bật tăng, nông sản giảm mạnh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Trong tuần giao dịch đầu tiên của năm mới 2024 (từ 30/12-6/1), thị trường hàng hóa thế giới chứng kiến giá dầu bật tăng do căng thẳng gia tăng ở Trung Đông, trong khi nông sản giảm mạnh bởi hoạt động thương mại chưa đạt kỳ vọng…

Năng lượng: Giá dầu bật tăng

Trên thị trường dầu mỏ, giá dầu thế giới tăng trong phiên giao dịch ngày 5/1 và ghi nhận mức tăng trong cả tuần qua khi những căng thẳng gia tăng ở Trung Đông làm dấy lên lo ngại làm gián đoạn nguồn cung dầu thô.

Cụ thể, kết thúc phiên này, giá dầu thô Brent tăng 1,17 USD (+1,51%) lên 78,76 USD/thùng; dầu thô Mỹ tăng 1,62 USD (+2,24%) lên 73,81 USD. Tính chung cả tuần, dầu Brent tăng 2,2% và dầu thô Mỹ tăng 3%.

Giá dầu thô tăng giảm liên tục trong tuần giao dịch đầu tiên của năm 2024, nhưng vẫn kết thúc tuần qua trong vùng tăng giá.

Tập đoàn vận tải biển khổng lồ Maersk cho biết sẽ chuyển hướng tất cả tàu ra khỏi Biển Đỏ trong tương lai gần, cảnh báo khách hàng về sự gián đoạn cung cấp.

Một báo cáo của Chính phủ Mỹ cho thấy việc làm tăng trong tháng 12/2023 sẽ hỗ trợ nhu cầu trong năm tới. Các nhà tuyển dụng Mỹ đã thuê nhiều công nhân hơn dự kiến trong tháng 12/2023, trong khi lương tăng với tốc độ vững chắc khiến thị trường tài chính quay trở lại kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 3/2024.

Bảng lương phi nông nghiệp tăng 216.000 việc làm trong tháng 12, Bộ Lao động Mỹ cho biết. Các nhà kinh tế được Reuters thăm dò đã dự báo bảng lương tăng thêm 170.000 việc làm. Điều này chỉ ra rằng, nhu cầu nhiên liệu sẽ tăng lên.

Kim loại: Giá vàng và quặng sắt giảm, đi ngược với đồng

Ở nhóm kim loại quý, vàng dao động trong quãng hẹp do dữ liệu kinh tế hỗn hợp của Mỹ. Giá vàng thỏi đã có tuần giảm đầu tiên trong 4 tuần do USD mạnh hơn và lợi suất trái phiếu kho bạc cao hơn.

Cụ thể, vàng giao ngay tăng 0,1% lên 2.044,21 USD/ounce trong phiên 5/1, nhưng vẫn giảm gần 1% trong tuần. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ hầu như không đổi ở mức 2.049,8 USD/thùng.

Dữ liệu chính thức cho thấy các nhà tuyển dụng Mỹ đã thuê nhiều công nhân hơn dự kiến trong tháng 12, nhưng dữ liệu riêng biệt từ Viện Quản lý cung ứng (ISM) chỉ ra rằng, lĩnh vực dịch vụ của Mỹ đã chậm lại đáng kể vào tháng trước. Cả đồng đô-la Mỹ và lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm đều đạt mức cao nhất trong 3 tuần, lần lượt hướng tới những tuần tốt nhất kể từ tháng 7 và tháng 10/2023. Thị trường kỳ vọng khả năng Fed cắt giảm lãi suất khoảng 67% vào tháng 3/2024, theo công cụ CME FedWatch. Lãi suất thấp hơn làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng không sinh lời.

Sức mua vàng ở nước tiêu thụ lớn Ấn Độ đã tăng trong tuần qua khi giá trong nước giảm trở lại từ mức cao kỷ lục.

Một số kim loại quý khác, giá bạc tăng 0,8% lên 23,17 USD/ounce nhưng có tuần giảm thứ hai liên tục; bạch kim tăng 0,5% lên 961,53 USD/ounce nhưng hướng đến tuần tồi tệ nhất trong 8 tuần qua. Palladium giảm 0,9% xuống mức thấp nhất ba tuần 1.027,11 USD/ounce với phiên giảm thứ 9 liên tiếp và giảm 6,4% cả tuần.

Ở nhóm kim loại màu, giá đồng phục hồi do USD giảm nhẹ, nhưng kỳ vọng điều chỉnh của thị trường về quy mô và thời gian cắt giảm lãi suất của Fed đã hạn chế mức tăng.

Cụ thể, trên Sàn giao dịch kim loại London (LME), giá đồng giao sau 3 tháng tăng 0,2% lên 8.482,50 USD/tấn trong phiên 5/1, đảo ngược mức giảm 0,6% trong phiên trước đó. Giá đồng ít thay đổi trong tuần, sau khi tăng 2,2% cả năm 2023.

Chỉ số USD giảm, khiến việc mua kim loại được định giá bằng “đồng bạc xanh” trở nên rẻ hơn. Kỳ vọng Fed sẽ bắt đầu chính sách nới lỏng sớm nhất là vào tháng 3/2024 đã thúc đẩy giá đồng, thường được coi là tín hiệu kinh tế.

Tuy nhiên, biên bản cuộc họp chính sách tháng 12/2023 cho thấy, hầu hết các nhà hoạch định chính sách đều đồng ý rằng chi phí đi vay cần phải duy trì ở mức cao trong một thời gian, thể hiện khả năng cắt giảm lãi suất vào tháng 3 tới ít có khả năng xảy ra.

Cũng gây áp lực lên thị trường là căng thẳng nguồn cung trong bối cảnh tồn kho ở nước tiêu dùng hàng đầu Trung Quốc thấp, nơi nhu cầu vẫn ổn định.

Cũng trên sàn LME, giá nhôm tăng 0,4% lên 2.289,5 USD/tấn; kẽm tăng 0,4% lên 2.549 USD/tấn; nikel tăng 0,3% lên 16.115 USD/tấn; thiếc tăng 0,1% lên 24.865 USD/tấn và chì tăng 0,5% lên 2.051,5 USD/tấn.

Trong khi đó, trên Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải (SHFE), hợp đồng đồng giao tháng 2/2024 được giao dịch nhiều nhất không đổi ở mức 68.410 CNY (tương đương 9.545,40 USD)/tấn.

Ngoài ra, giá nhôm giảm 0,3% xuống 19.220 CNY/tấn; nikel giảm 1,8% xuống 123.940 CNY/tấn; thiếc giảm 1,8% xuống 207.950 CNY/tấn; kẽm giảm 1% xuống 21.210 CNY/tấn; trong khi giá chì tăng 0,6% lên 16.075 CNY/tấn.

Ở nhóm kim loại đen, giá quặng sắt kỳ hạn giảm trong phiên 5/1 do nhu cầu ngắn hạn ảm đạm và lượng tồn kho tại Trung Quốc tăng cao hơn dự kiến, làm suy yếu tâm lý nhà đầu tư và giảm nhu cầu mua nguyên liệu sản xuất thép chính.

Cụ thể, trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên của Trung Quốc, hợp đồng quặng sắt giao tháng 5/2024 được giao dịch nhiều nhất giảm 1,53% xuống 998,5 CNY (tương đương 139,33 USD)/tấn.

Trên Sàn giao dịch Singapore, giá quặng sắt chuẩn giao tháng 2/2024 giảm 2,4% xuống 137,75 USD/tấn.

Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã cho các ngân hàng chính sách vay 350 tỷ CNY thông qua cơ chế cho vay bổ sung (PSL) đã cam kết vào tháng 1/2023 được cho là sẽ hỗ trợ nhu cầu quặng và thép.

Áp lực về giá cũng khiến nhu cầu quặng giảm, được phản ánh bởi sản lượng kim loại nóng giảm liên tục, hiện thấp hơn mức một năm trước.

Giá các nguyên liệu sản xuất thép khác cũng suy yếu, với giá than cốcthan luyện cốc trên DCE giảm lần lượt 2,7% và 2,15%.

Giá thép chuẩn trên Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải cũng thấp hơn. Thép cây giảm 0,77%; thép cuộn cán nóng giảm 0,87%; thép dây giảm 0,85% và thép không gỉ giảm 1,98%.

Nông sản: Đồng loạt giảm mạnh

Giá đậu tương kỳ hạn tại Chicago (CBOT) đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 6/2023 và giảm tuần thứ ba liên tiếp khi mưa xuống các vùng trồng trọt khô hạn ở Brazil.

Cụ thể, chốt phiên giao dịch 5/1, đậu tương kỳ hạn tháng 3/2024 giảm 11-1/4 cent xuống 12,56-1/4 USD/bushel sau khi chạm mức giá thấp nhất kể từ ngày 15/6. Ngô kỳ hạn tháng 3/2024 giảm 5-3/4 cent xuống 4,60-3/4 USD/bushel và chạm mức thấp nhất là 4,6 USD/bushel. Lúa mì kỳ hạn tháng 3/2024 tăng 2-1/2 cent lên 6,16 USD/bushel.

Tính chung cả tuần, giá đậu tương giảm khoảng 3,2%; ngô giảm 2,2% và lúa mì giảm 1,9% .

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) hôm thứ Sáu (5/1) báo cáo doanh số xuất khẩu đậu tương niên vụ 2023/24 của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 28/12/2023 là 201.600 tấn, thấp hơn kỳ vọng của các nhà phân tích là 0,5-1,3 tấn. Doanh số bán ngô và lúa mì hàng tuần của Mỹ cũng không đạt kỳ vọng.

Tuần tới, USDA dự kiến công bố báo cáo dự trữ ngũ cốc hàng quý của Mỹ và dữ liệu hàng tháng về cung/cầu toàn cầu. Công ty Tư vấn kinh doanh nông nghiệp Safras & Mercado đã hạ dự báo vụ mùa của Brazil từ 158,23 triệu tấn xuống 151,36 triệu tấn.

Nguyên liệu công nghiệp: Giá đường tăng, ca cao giảm, cà phê và cao su biến động trái chiều

Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, giá đường kỳ hạn tháng 3/2024 ít thay đổi ở mức 21,11 cent/lb và tăng 2,5% trong tuần qua. Giá đường trắng cùng kỳ hạn ít thay đổi, ở mức 607,1 USD/tấn.

Brazil đã xuất khẩu thêm 75% đường trong tháng 12/2023 so với một năm trước. Thái Lan dự kiến sẽ sản xuất 8-8,5 triệu tấn đường trong niên vụ 2023-2024. Sản lượng đường của Trung Quốc cùng niên vụ được dự báo ở mức 3,2 triệu tấn, giảm 60.000 tấn so với một năm trước đó.

Giá cà phê arabica kỳ hạn trên sàn ICE chạm mức thấp nhất trong một tháng và kết thúc tuần với mức giảm 3%, trong bối cảnh các chỉ số hàng hóa tái cân bằng và dự báo mưa ở nước trồng hàng đầu Brazil. Cụ thể, cà phê arabica kỳ hạn giảm 2,75 cent (-1,5%) xuống 1,828 USD/lb, sau khi chạm mức thấp nhất 1 tháng trước đó, ở mức 1,820 USD.

Các đại lý cho biết, việc tái cân bằng các chỉ số hàng hóa trong tháng 1/2024 có khả năng dẫn đến việc các quỹ bán cà phê arabica kỳ hạn. Thời tiết vẫn chủ yếu là tích cực cho sự phát triển cây trồng ở Brazil, tiếp tục cho thấy xuất khẩu tốt. Nước này đã xuất khẩu 4,06 triệu bao cà phê nhân trong tháng 12/2023, tăng 33% so với một năm trước.

Cà phê robusta kỳ hạn tháng 3/2024 tăng 0,3%, lên 2.795 USD/tấn, nối dài đà tăng của phiên trước. Tuy nhiên, hợp đồng này đã giảm 2% trong tuần. Các đại lý cho biết, giá sẽ phải tăng hơn nữa để thu hút nông dân Việt Nam bán với khối lượng thường xuyên. Trong khi đó, các nhà xuất khẩu đang phải vật lộn để đối phó với sự chậm trễ giao hàng từ nông dân.

Trong khi đó, giá ca cao London kỳ hạn tháng 3/2024 giảm 60 pound (-1,7%) xuống 3.494 pound/tấn, sau khi chạm mức thấp nhất một tháng trước đó là 3.484 pound/tấn. Giá ca cao New York cùng kỳ hạn 3/2024 giảm 56 USD m(-1,3%) xuống 4.204 USD/tấn.

Giá cao su kỳ hạn của Nhật Bản tăng cao được củng cố bởi dữ liệu cho thấy nhu cầu ô tô mạnh mẽ, trong khi giông bão ở nhà cung cấp hàng đầu Thái Lan làm dấy lên lo ngại về nguồn cung.

Cụ thể, trên sàn Osaka Exchange (OSE), hợp đồng cao su giao tháng 6/2024 tăng 1,3 JPY (+0,51%) lên 256,2 JPY (1,77 USD)/kg, nhưng cả tuần vẫn giảm 0,3% - thiết lập mức giảm hàng tuần đầu tiên trong 4 tuần qua.

Trên sàn SHFE, hợp đồng cao su giao tháng 5/2024 giảm 55 CNY (-0,39%) xuống 13.915 CNY (1.943,73 USD)/tấn.

Tại Sở giao dịch Singapore, giá cao su kỳ hạn tháng 2/2024 tăng 1,18% lên 153,9 US cent/kg.

Giá một số mặt hàng trên thị trường quốc tế tuần qua

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam) (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg). (USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam)

(1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

(USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

Tin bài liên quan