Thị trường tài chính 24h: Dòng tiền có thể không “neo” ở một nhóm cổ phiếu nào quá lâu

Thị trường tài chính 24h: Dòng tiền có thể không “neo” ở một nhóm cổ phiếu nào quá lâu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index giảm hơn 13 điểm; “Sao đổi ngôi” giữa các nhóm cổ phiếu; Nhiều dấu hiệu của thị trường “răng cưa”; "Phao cứu sinh" giữa mùa giông bão; Mỹ e ngại tình trạng phá sản doanh nghiệp…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 16/10 tăng 150.000 đồng/lượng ở chiều mua vào nhưng giảm 150.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với ngày cuối tuần trước, thì vào cuối ngày hôm nay đã giảm 250.000 đồng/lượng chiều mua vào và 150.000 đồng/lượng chiều bán ra, hiện đứng ở mức 69,60 – 70,32 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần qua tại Mỹ tăng mạnh 64 USD lên 1.932,5 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng hồi phục dần và đã lên gần 1.890 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 106,51 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 16/10 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.089 đồng/USD, tăng 12 đồng so với cuối tuần qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 24.290 – 24.630 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng lên 27.000 USD thì sang phiên hôm nay đã có nhịp tăng vọt lên gần 28.000 USD, trước khi hạ nhiệt nhẹ về dưới 27.800 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,13 USD (+0,15%), lên 87,82 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,05 USD (-0,04%), xuống 90,85 USD/thùng.

VN-Index giảm hơn 13 điểm

VN-Index sớm mất điểm khi lực bán lan rộng và gần như trong suốt cả phiên chưa thể tìm được lực cầu khi về dưới 1.150 điểm.

Thậm chí áp lực bán còn mạnh hơn về cuối phiên khiến chỉ giảm xuống mức thấp nhất ngày tại gần 1.140 điểm với số mã giảm chiếm áp đảo, gấp tới gần 3,5 lần số mã tăng, đồng thời thanh khoản chưa có dấu hiệu nào được cải thiện.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 32,32 triệu đơn vị, giá trị bán ròng 871,51 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 16/10: VN-Index giảm 13,31 điểm (-1,15%), xuống 1.141,42 điểm; HNX-Index giảm 2,59 điểm (-1,08%), xuống 236,46 điểm; UPCoM-Index giảm 0,55 điểm (-0,63%), xuống 87,35 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ trái chiều trong phiên thứ Sáu (13/10), khi giới đầu tư thận trọng với các dữ liệu mới cũng như lợi suất trái phiếu chỉ giảm nhẹ.

Cuộc khảo sát được theo dõi sát sao của Đại học Michigan cho thấy số liệu tâm lý tiêu dùng giảm trong tháng 10, trong khi dự báo lạm phát tăng vọt.

Nhà đầu tư cũng dõi theo lợi suất trái phiếu với lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm gần 9 điểm cơ bản còn 4,62%.

Trong tuần, Dow Jones tăng 0,79%, S&P 500 tăng 0,45%, còn Nasdaq giảm 0,18%.

Kết thúc phiên 13/10: Chỉ số Dow Jones tăng 39,15 điểm (+0,12%), lên 33.670,29 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 21,83 điểm (-0,50%), xuống 4.327,78 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 166,99 điểm (-1,23%), xuống 13.407,23 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản lao dốc, bị kéo lùi bởi các cổ phiếu liên quan đến chip, cũng như khẩu vị rủi ro suy yếu do xung đột ở Trung Đông leo thang.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 2,03% đóng cửa ở mức 31.659,03 điểm. Chỉ số Topix mất 1,53% xuống 2.273,54 điểm.

"Khi rủi ro đối với Trung Đông tăng lên, các nhà đầu tư đã chuẩn bị cho sự sụt giảm hơn nữa trên thị trường và cắt giảm vị thế mua của họ đối với cổ phiếu", Takehiko Masuzawa, người đứng đầu bộ phận giao dịch tại Phillip Securities Japan, cho biết.

Các cổ phiếu liên quan đến chip đều giảm với hai mã lớn là Tokyo Electron và Advantest giảm lần lượt 3,84% và 4,79%. Trong khi SoftBank Group giảm 2,04%.

Nhà điều hành đường sắt Keio mất 6,33% để trở thành cổ phiếu hoạt động kém nhất trên Nikkei 225.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, trong bối cảnh lo ngại rằng xung đột Trung Đông có thể tồi tệ hơn.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,46% xuống 3.073,81 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 1% xuống 3.626,60 điểm.

Giá dầu thô dao động trên 90 USD/thùng, trong khi chứng khoán yếu và đồng USD vững chắc, khi các nhà đầu tư lo lắng về khẳng năng bạo lực leo thang ở Gaza có khiến xung đột lan ra ngoài Israel và Hamas.

Trung Quốc đã công bố một loạt dữ liệu vào thứ Sáu tuần trước cho thấy sự sụt giảm của xuất nhập khẩu đang dần giảm bớt, nhưng áp lực giảm phát kéo dài vẫn là thách thức mà các nhà hoạch định chính sách phải đối mặt trong việc cố gắng thúc đẩy phục hồi kinh tế.

Các nhà đầu tư đang chờ đợi dữ liệu tăng trưởng của Trung Quốc trong quý III, dự kiến công bố vào thứ Tư để đo lường đà phục hồi của nền kinh tế.

Trong khi đó, một quan chức Mỹ cho biết sẽ thực hiện các bước để ngăn chặn các nhà sản xuất chất bán dẫn Mỹ lách luật bán sản phẩm cho Trung Quốc.

Tin tức đã khiến chỉ số bán dẫn giảm 3%, trong khi năng lượng mới giảm 2,3% và các nhà phát triển bất động sản giảm 2,6%.

Chứng khoán Hồng Kông giảm khi các nhà đầu tư lo ngại về việc Mỹ sắp áp thêm các hạn chế mới chặt chẽ hơn đối với ngành bán dẫn của Trung Quốc.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,97% xuống 17.640,36 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 1,08% xuống 6.049,82 điểm.

Chỉ số công nghệ giảm 1,8% khi các nhà sản xuất chip hàng đầu của Trung Quốc sụt giảm, với SMIC giảm 2,7%, Hua Hong giảm 3,8%, Alibaba Group giảm 1,6% và Tencent giảm 1,8%.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm, trong bối cảnh rủi ro không chắc chắn của xung đột quân sự tại Trung Đông.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 19,91 điểm, tương đương 0,81% xuống 2.436,24 điểm.

"Thị trường đang trong tình trạng 'giao dịch thời chiến’ thông thường, với giá cổ phiếu và lợi suất trái phiếu giảm, đồng đô la và vàng mạnh lên”, Na Jeong-hwan, Chuyên gia phân tích tại NH Investment Securities cho biết.

Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc cho biết các nhà chức trách sẽ Giám sát chặt chẽ thị trường tài chính và tuyên bố sẽ có phản ứng các biện pháp nếu cần thiết.

Kết thúc phiên 16/10: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 656,96 điểm (-2,03%), xuống 31.659,03 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 14,29 điểm (-0,46%), xuống 3.073,81 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 173,09 điểm (-0,97%), xuống 17.640,36 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 19,91 điểm (-0,81%), xuống 2.436,24 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- “Sao đổi ngôi” giữa các nhóm cổ phiếu

Dòng tiền vẫn đang tập trung vào các nhóm ngành ước đạt lợi nhuận khả quan trong quý III cũng như quý cuối năm nay, nhưng có thể sẽ không “neo” ở một nhóm cổ phiếu nào quá lâu..>> Chi tiết

- Nhiều dấu hiệu của thị trường “răng cưa”

Cơ hội tạo ra sự hồi phục đang xuất hiện, nhưng cách thức hồi phục sẽ quyết định lớn đến các kịch bản vận động sắp tới..>> Chi tiết

- "Phao cứu sinh" giữa mùa giông bão

Kết quả kinh doanh quý III của doanh nghiệp được xem như là "phao cứu sinh" với nhiều nhà đầu tư giữa mùa giông bão..>> Chi tiết

- Mỹ e ngại tình trạng phá sản doanh nghiệp

Lãi suất tăng nhanh đã làm gia tăng tỷ lệ phá sản doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp lớn và các vụ phá sản được nhận định sẽ tiếp tục diễn ra..>> Chi tiết

Tin bài liên quan