Thị trường tài chính 24h: Dòng tiền lựa chọn những cổ phiếu có "game" cụ thể

Thị trường tài chính 24h: Dòng tiền lựa chọn những cổ phiếu có "game" cụ thể

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index tăng vọt phiên đầu tháng; Ngân hàng và doanh nghiệp: Người đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng; Hẹp “cửa vào bank” cho khối ngoại; Soi “game” mùa đại hội; Giá dầu giảm mạnh khi Tổng thống Mỹ cân nhắc xả kho dự trữ chiến lược…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 1/4 tăng 200.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 150.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với cuối ngày hôm qua, vào cuối giờ chiều này, giá vàng SJC tại Hà Nội đã tăng thêm 100.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, hiện niêm yết tại 68,40– 60,12 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 4,3 USD/ounce lên 1.937,2 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng quay đầu giảm và về dưới 1.930 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 98,45 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 1/4 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.095 đồng/USD, giảm 5 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.700 – 22.980 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm về 45.500 USD, thì sang ngày hôm nay đã tiếp tục lùi và có thời điểm chạm 44.400 USD, trước khi hồi phục lên trên 45.200 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,13 USD (+0,13%), lên 100,41 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,44 USD (+0,42%), lên 105,15 USD/thùng.

Chứng khoán trong nước

VN-Index tăng vọt

Diễn biến tích cực của phiên sáng được tiếp nối khi nhóm bluechip nới rộng biên độ tăng trong suốt phiên chiều. Chỉ số VN30-Index thậm chí còn vượt hẳn khỏi dải Bollinger Bands trên đồ thị kỹ thuật với khối lượng giao dịch tăng khá, tạo một nến break rất đẹp, xác nhận dòng tiền đã chuyển dịch nhiều vào nhóm này.

Nhóm mã lớn hứng khởi tạo động lực để VN-Index tiếp tục tăng và vượt 1.515 điểm khi đóng cửa.

Nhóm bluechip có và MWG tăng tốc vọt lên giá trần, PNJ +6,1%, SAB +4%, FPT, HDB, BVH, NVL, MSN, VPB, đều tăng hơn 3%.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, Cặp FLC và ROS thoát giá sàn, thậm chí có thời điểm hồi phục sắc xanh với thanh khoản bùng nổ khi lượng xả bán sàn được hấp thụ hết.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 6,47 triệu đơn vị với tổng giá trị mua ròng 465,71 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 1/4: VN-Index tăng 24,29 điểm (+1,63%), lên 1.516,44 điểm; HNX-Index tăng 4,48 điểm (+1%) lên 454,1 điểm; UpCoM-Index tăng 0,15 điểm (+0,12%), lên 117,19 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall giảm trong phiên ngày thứ Năm (31/3) và ghi nhận quý giảm mạnh nhất trong hai năm, do lo ngại tiếp diễn về cuộc xung đột ở Ukraine, tác động của lạm phát và phản ứng diều hâu hơn từ Fed.

Trong khi sự lạc quan về một thỏa thuận hòa bình có thể có giữa Ukraine và Nga đã giúp thị trường giao dịch khá tích cực trong những phiên đầu tuần, thì hy vọng đã nhanh chóng bị lu mờ, khi có những dấu hiệu cho thấy lực lực Nga tiếp tục tấn công các thành phố xung quanh Kiev.

Đặc biệt, tin tức ông Putin đe dọa sẽ ngừng các hợp đồng cung cấp khí đốt cho châu Âu, trừ khi chúng được thanh toán bằng đồng rúp cũng đã giáng một đòn mạnh vào tâm lý thị trường.

Kết thúc tháng 3/2022, S&P 500 tăng 3,6% Nasdaq Composite tăng 3,4% còn Dow Jones tăng 2,2%.

Dù vậy, trong quý đầu tiên của năm 2022, chỉ số S&P 500 giảm 4,9%, Dow Jones mất 4,6% và Nasdaq giảm 9,1%. Đây là quý tồi tệ nhất đối với cả 3 chỉ số kể từ quý I/2020, khi dịch Covid-19 bùng phát ở Mỹ và chứng kiến S&P 500 lao dốc 20%.

Kết thúc phiên 31/3, chỉ số Dow Jones giảm 550,46 điểm (-1,56%), xuống 34.678,35 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 72,04 điểm (-1,57%), xuống 4.530,41 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 221,76 điểm (-1,54%), xuống 14.220,52 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm, khi các nhà đầu tư mở rộng lực bán chốt lời sau khi thị trường đã tăng mạnh trong tháng trước.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,56% xuống 27.665,98 điểm và mất 1,7% trong tuần. Chỉ số Topix giảm 0,11% xuống 1.944,27 và giảm 1,8% trong tuần qua.

Shoichi Arisawa, Tổng giám đốc tại bộ phận nghiên cứu đầu tư của IwaiCosmo Securities cho biết: “Các nhà đầu tư có xu hướng bán cổ phiếu vào đầu năm tài chính mới để chốt lời. Họ luôn cảm thấy thoải mái khi có tiền mặt trong năm mới”.

Phiên này, các cổ phiếu liên quan đến chip đã kéo lùi Nikkei 225 mạnh nhất, với Tokyo Electron mất 2,48% và Advantest giảm 1,76%. Trong khi cổ phiếu lớn Fast Retailing cũng “góp phần”, giảm 1,14%.

Đi ngược lại xu hướng, Toshiba đã tăng 6,45%, sau khi Bain Capital nói với nhiều cổ đông của Toshiba về một lời đề nghị mua thêm cổ phần của tập đoàn Nhật Bản.

Chứng khoán Trung Quốc tăng, với các nhà phát triển bất động sản dẫn dắt, do kỳ vọng có thêm kích thích kinh tế sau khi dữ liệu cho thấy hoạt động của nhà máy giảm với tốc độ nhanh nhất trong hai năm vào tháng 3.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,94% lên 3.282,72 điểm. Chỉ số CSI300 bluechip tăng 1,17% lên 4.276,16 điểm.

Trong tuần, chỉ số CSI300 tăng 2,4%, trong khi chỉ số Shanghai Composite tăng 2,2%.

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tập trung nhiều vào các doanh nghiệp nhỏ ở các vùng ven biển đã giảm xuống 48,1 điểm vào tháng 3, ảnh hưởng từ dịch Covid-19 tại Trung Quốc bùng phát và đe dọa suy thoái kinh tế.

Các quan chức chính phủ Trung Quốc đã tuyên bố sẽ đưa ra các chính sách để ổn định nền kinh tế, trong khi các nhà phân tích cho rằng, khả năng ngân hàng trung ương nước này cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) trong tháng 4 đã tăng lên khi những khó khăn kinh tế gia tăng.

Các nhà phát triển bất động sản tăng 4,6%, các công ty tài chính tăng 1,9% và các mặt hàng tiêu dùng tăng 1,6%.

Chứng khoán Hồng Kông giảm, do nhóm cổ phiếu niêm yết tại Mỹ tiếp tục đối mặt với khả năng hủy niêm yết.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,19% xuống 22.039,55 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,15% lên 7.537,16 điểm.

Nhóm cổ phiếu công nghệ lùi bước, sau khi gã khổng lồ công cụ tìm kiếm Baidu mới được thêm vào danh sách các cổ phiếu phải đối mặt với việc hủy niêm yết tại Mỹ, đóng cửa giảm 4,5%, trong khi Alibaba Group giảm 2,1%.

Hao Hong, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại BOCOM International, cho biết dường như có sự khác biệt không thể hòa giải giữa các cơ quan quản lý của Mỹ và Trung Quốc về vấn đề kiểm toán và họ sẽ khó đạt được thỏa thuận.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm do cuộc khủng hoảng Ukraine ngày càng trầm trọng và dữ liệu yếu ở châu Á làm dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 17,80 điểm, tương đương 0,65%, ở mức 2.739,85 điểm và trong tuần tăng 0,36%.

Dẫn đầu mức giảm là các cổ phiếu lớn về chip như Samsung Electronics và SK Hynix lần lượt giảm 0,72% và 1,69%.

Cuộc khủng hoảng Ukraine ngày càng trầm trọng, với việc Nga đe dọa ngừng cung cấp cho châu Âu trừ khi được thanh toán bằng đồng rúp.

Trong khi đó, hầu hết các nhà máy ở châu Á đều chứng kiến ​​hoạt động chậm lại trong tháng 3, làm dấy lên lo ngại về suy thoái.

Xuất khẩu của Hàn Quốc tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn dự kiến, nhưng cán cân thương mại thâm hụt vào tháng 3 do giá năng lượng và nguyên liệu nhập khẩu tăng mạnh.

Kết thúc phiên 1/4: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 155,45 điểm (-0,56%), xuống 27.665,98 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 30,51 điểm (+0,94%), lên 3.282,72 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 43,70 điểm (+0,19%), lên 22.039,55 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 17,80 điểm (-0,65%), xuống 2.739,85 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Ngân hàng và doanh nghiệp: Người đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng

Lại nổi lên các ý kiến về việc ngân hàng báo lãi cao trong khi doanh nghiệp vừa vượt khó Covid-19 lại phải đối mặt với chi phí đầu vào tăng nhanh..>> Chi tiết

- Hẹp “cửa vào bank” cho khối ngoại

Nhiều ngân hàng Việt đang ở tình trạng cạn room ngoại như VPB, VIB, STB, TCB, OCB… và chỉ cần "hở" room, lập tức có nhà đầu tư mua lấp đầy..>> Chi tiết

- Soi “game” mùa đại hội

Dòng tiền lựa chọn những cổ phiếu có game cụ thể để đầu tư và tâm lý mua nhanh, bán nhanh đang là chủ đạo trên thị trường với nhiều thông tin khó lường trên thị trường thế giới có thể ảnh hưởng..>> Chi tiết

- Giá dầu giảm mạnh khi Tổng thống Mỹ cân nhắc xả kho dự trữ chiến lược

Giá dầu thế giới đã giảm mạnh trong ngày giao dịch 31/3 sau thông tin Tổng thống Mỹ Joe Biden đang cân nhắc việc "xả" tới 180 triệu thùng trong kho dự trữ xăng dầu chiến lược..>> Chi tiết

Tin bài liên quan