Thị trường tài chính 24h: “Sóng” sẽ xuất hiện ở một số ngành đạt kết quả kinh doanh ấn tượng quý II

Thị trường tài chính 24h: “Sóng” sẽ xuất hiện ở một số ngành đạt kết quả kinh doanh ấn tượng quý II

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index lên gần 1.150 điểm; Nợ xấu đẩy về tương lai; Nếu VND không mất giá trên 3%, SBV sẽ tiếp tục ưu tiên hạ lãi suất; "Sóng" kết quả kinh doanh quý II: Kỳ vọng, nhưng cần tránh "bẫy" FOMO; Triển vọng cho bộ ba “bank – chứng – thép”; ECB gặp khó khi quyết định lúc nào ngừng tăng lãi suất…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 10/7 tăng 50.000 đồng/lượng ở chiều mua vào nhưng giảm 50.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với ngày cuối tuần trước, thì vào cuối ngày chưa có thêm điều chỉnh nào và hiện đứng ở mức 66,50 – 67,12 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần qua tại Mỹ tăng 13,6 USD lên 1.924,4 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng giảm nhẹ về 1.920 USD trước khi trở lại vùng 1.925 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 102,40 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 10/7 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.810 đồng/USD, giảm 23 đồng so với cuối tuần qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.480 – 23.820 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giằng co nhẹ và đứng tại 30.300 USD, thì sang phiên hôm nay đã tiếp tục xu hướng này cho đến cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,53 USD (-0,72%), xuống 73,33 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,44 USD (-0,56%), xuống 78,03 USD/thùng.

VN-Index tăng lên gần 1.150 điểm

Thị trường tiếp tục khả quan từ sớm khi sắc xanh xuất hiện trên diện rộng trên bảng điện tử. Thêm vào đó, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là BID khi trở thành ngôi sao sáng, tiếp tục dẫn dắt xu hướng tăng, giúp VN-Index vượt vùng đỉnh mới của năm khá xa và tiệm cận mốc 1.150 điểm, điều này càng giúp tâm lý nhà đầu tư kỳ vọng hơn về con sóng nhóm ngân hàng có thể lan tỏa rộng hơn và kéo dài hơn.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 14,49 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng 390,79 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 10/7: VN-Index tăng 10,95 điểm (+0,96%), lên 1.149,02 điểm; HNX-Index tăng 2,55 điểm (+1,13%), lên 228,37 điểm; UPCoM-Index tăng 0,57 điểm (+0,68%), lên 85,23 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall giảm trong phiên thứ Sáu (7/7) khi giới đầu tư thận trọng đón nhận dữ liệu việc làm chính thức từ Bộ Lao động Mỹ.

Theo đó, báo cáo việc làm tháng 6 của Bộ Lao động Mỹ cho thấy nền kinh tế Mỹ đã tạo ra thêm 209.000 việc làm trong tháng 6, thấp hơn so với dự báo thêm 240.000 việc làm từ cuộc thăm dò của Dow Jones. Trong khi, tỷ lệ thất nghiệp ở mức 3.6%, tương đương mức dự báo trước đó.

Trong tuần, Dow Jones giảm 1,96%, S&P 500 giảm 1,16%, còn Nasdaq Composite mất 0,92%.

Kết thúc phiên 7/7, chỉ số Dow Jones giảm 187,38 điểm (-0,55%), xuống 33.734,88 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 12,64 điểm (-0,29%), xuống 4.398,95 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 18,33 điểm (-0,13%), xuống 13.660,72 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm phiên giảm thứ năm liên tiếp - chuỗi giảm dài nhất trong năm nay, bị đè nặng bởi đồng yên mạnh hơn và sự suy yếu trên Phố Wall vào tuần trước.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,61% xuống 32.189,73 điểm. Chỉ số này đã giảm 4,63% kể từ khi đóng cửa ở mức cao nhất trong 33 năm là 33.753,33 điểm trong tuần trước đó. Chỉ số Topix giảm 0,51% xuống 2.243,33 điểm.

Phiên này, cổ phiếu năng lượng là lĩnh vực duy nhất tăng, sau khi dầu thô tăng 2 USD lên mức cao nhất trong chín tuần vào thứ Sáu.

Cổ phiếu hoạt động kém nhất trên Nikkei 225 là Yaskawa Electric, giảm 3,44% sau khi báo cáo kết quả tài chính đáng thất vọng khi mùa báo cáo thu nhập của Nhật Bản đang diễn ra.

Các nhà sản xuất ô tô cũng hoạt động kém hiệu quả sau khi đồng tiền của Nhật Bản mạnh lên khoảng 2 yên so với đồng USD vào thứ Sáu với Nissan mất 2,55%, trong khi Honda giảm 1,72%.

Chứng khoán Trung Quốc tăng, khi việc công bố dữ liệu kinh tế yếu kém trong tuần trước đã thúc đẩy những hy vọng về việc sớm có các biện pháp kích thích và những dấu hiệu tan băng trong quan hệ Trung-Mỹ.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,22% lên 3.203,70 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,49% lên 3.844,33 điểm.

Tâm lý thị trường được hỗ trợ bởi các dấu hiệu cải thiện trong quan hệ Trung-Mỹ. Sau khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết 10 giờ gặp gỡ các quan chức cấp cao Trung Quốc trong chuyến công du tuần trước là "trực tiếp" và "hiệu quả".

Giá cổng nhà máy của Trung Quốc đã giảm với tốc độ nhanh nhất trong hơn bảy năm rưỡi vào tháng 6, phản ánh sự rằng nền kinh tế nước này đã mất đà phục hồi kinh tế sau đại dịch, nhưng cũng làm dấy lên hy vọng rằng Bắc Kinh sẽ đưa ra nhiều biện pháp kích thích hơn.

Chứng khoán Hồng Kông cũng nhích lên nhờ nhóm cổ phiếu công nghệ với cái tên Alibaba nhận được sự chú ý.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,62% lên 18.479,72 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,59% lên 6.235,24 điểm.

Chỉ số công nghệ Hang Seng tăng tới 3,2%, dẫn đầu là Alibaba, mở cửa cao hơn 5,5%, sau thông tin Trung Quốc đã Ant Group (đơn vị của Alibaba) số tiền 984 triệu USD vì vi phạm luật pháp và quy định, làm dấy lên hy vọng rằng một cuộc đàn áp quy định kéo dài nhiều năm đối với lĩnh vực fintech đã kết thúc.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm, khi các nhà đầu tư thận trọng dữ liệu việc làm của Mỹ cho thấy những tín hiệu trái chiều về con đường chính sách tiền tệ trong tương lai của Fed.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 6,01 điểm, tương đương 0,24% xuống 2.520,70 điểm.

"Thị trường không có định hướng và không có động lực dẫn dắt, trong khi các nhà đầu tư đánh giá dữ liệu việc làm của Mỹ cho thấy thị trường lao động vẫn mạnh mẽ", Lee Kyoung-min, nhà phân tích tại Daishin Securities, cho biết.

Cổ phiếu tài chính Hàn Quốc tăng trở lại nhờ nỗ lực của chính phủ nhằm xoa dịu những lo lắng của thị trường về tác động lan tỏa từ sự cố tại Hợp tác xã Tín dụng Cộng đồng MG.

Kết thúc phiên 10/7: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 198,69 điểm (-0,61%), xuống 32.189,73 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 7,09 điểm (+0,22%), lên 3.203,70 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 114,02 điểm (+0,62%), lên 18.479,72 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 6,01 điểm (-0,24%), xuống 2.520,70 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Nợ xấu đẩy về tương lai

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn ngành ngân hàng đã tăng lên mức 2,9% vào cuối quý I/2023 so với mức 2% vào cuối năm 2022, nợ nhóm 2 tăng đột biến hơn 100% so với cùng kỳ. Về nguyên tắc, một số khoản nợ đã trở thành nợ xấu, song do được cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ nên xu hướng tăng nợ nhóm 2 tiếp tục diễn ra trong quý II/2023..>> Chi tiết

- SGI Capital: Nếu VND không mất giá trên 3%, SBV sẽ tiếp tục ưu tiên hạ lãi suất

Các lãi suất chủ chốt gồm lãi tiền gửi tiết kiệm, trái phiếu chính phủ và lãi suất liên ngân hàng đều giảm mạnh cuối quý II/2022. Nếu VND không mất giá trên 3% so với đầu năm, SGI Capital tin rằng SBV sẽ tiếp tục ưu tiên hạ lãi suất..>> Chi tiết

- "Sóng" kết quả kinh doanh quý II: Kỳ vọng, nhưng cần tránh "bẫy" FOMO

Ông Nguyễn Viết Công, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS cho rằng, “sóng” sẽ xuất hiện ở một số ngành đạt kết quả kinh doanh ấn tượng trong mùa công bố báo cáo tài chính quý II/2023. Tuy nhiên, khi lựa chọn cổ phiếu, nhà đầu tư cần thận trọng để tránh sa vào “bẫy” FOMO..>> Chi tiết

- Triển vọng cho bộ ba “bank – chứng – thép”

Sau những diễn biến tích cực ở bộ ba nhóm cổ phiếu bank – chứng – thép, bà Nguyễn Ngọc Linh, Giám đốc tự doanh Chứng khoán DNSE đã có những bình luận về cơ hội đối với các nhóm ngành này trong thời gian tới. Bình Minh thực hiện..>> Chi tiết

- OECD: ECB gặp khó khi quyết định lúc nào ngừng tăng lãi suất

Nhà kinh tế trưởng của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), bà Clare Lombardelli nhận định, châu Âu đang phải đối mặt với một thách thức thực sự khó khăn về lạm phát..>> Chi tiết

Tin bài liên quan