Thành phố Hà Nội (Thành phố) đã bám sát tinh thần Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và ban hành kế hoạch hành động, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính chính thức cho người dân, đặc biệt là các nhóm yếu thế, người thu nhập thấp và khu vực nông thôn.
Kết quả tích cực trên nhiều phương diện
Qua 5 năm triển khai, Thành phố đã đạt được những kết quả tích cực trên nhiều phương diện.
Thứ nhất, phát triển đa dạng các tổ chức cung ứng và mở rộng độ bao phủ các điểm cung ứng dịch vụ tài chính, các kênh phân phối hiện đại dựa trên ứng dụng công nghệ số.
Đến cuối quý I/2025, trên địa bàn Thành phố có hơn 2.200 điểm giao dịch của tổ chức tín dụng, công ty tài chính, tổ chức tài chính vi mô, chương trình/dự án tài chính vi mô và hệ thống quỹ tín dụng nhân dân, bao phủ hầu hết các đơn vị hành chính cấp xã, phường, giúp người dân tiếp cận dịch vụ tài chính thuận tiện hơn.
Sự hiện diện của các tổ chức tín dụng, trong đó có quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô, cùng với chương trình/dự án tài chính vi mô đã nâng cao khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính cho những người trước đây chưa hoặc ít được tiếp cận, góp phần mở rộng dịch vụ tới khu vực nông thôn và người dân thu nhập thấp.
Các ngân hàng đã chủ động nghiên cứu, phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số và dịch vụ trên thiết bị di động đảm bảo an toàn, bảo mật, nâng cao trải nghiệm và sự hài lòng của khách hàng; thường xuyên nâng cấp ứng dụng Mobile Banking, kết nối hệ sinh thái với các lĩnh vực khác, cho phép khách hàng thực hiện giao dịch không cần đến phòng giao dịch, tạo thuận lợi cho người dân vùng sâu, vùng xa. Giao dịch qua các kênh hiện đại tiếp tục tăng nhanh cả về số lượng và giá trị, góp phần rút ngắn khoảng cách tiếp cận tài chính, giảm chi phí, tiết kiệm thời gian và nâng cao sự thuận tiện cho người dân.
Thứ hai, thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt, tạo điều kiện cho các đối tượng mục tiêu của tài chính toàn diện được tiếp cận và sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử. Thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng được mở rộng với nhiều giải pháp quyết liệt từ các sở, ngành, địa phương, đặc biệt trong thu/chi ngân sách nhà nước, thuế, hải quan, y tế, giáo dục, chi trả an sinh xã hội. Đã đẩy mạnh kết nối, tích hợp thanh toán trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, xác thực định danh điện tử VneID, kết nối với ngân hàng và tổ chức trung gian thanh toán.
![]() |
100% trung tâm thương mại, siêu thị đã áp dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt |
Hiện có trên 99% doanh nghiệp nộp thuế bằng phương thức điện tử thông qua Cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế kết nối với tổ chức tín dụng; 97,25% đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội đã mở tài khoản; 93,79% đăng ký nhận trợ cấp và được chi trả qua tài khoản; tỷ lệ chi trả lương hưu, bảo hiểm xã hội qua tài khoản cá nhân đạt trên 99,04%. Thành phố cũng đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt cho dịch vụ trông giữ xe.
Ngoài ra, các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán tích cực hỗ trợ mở tài khoản và cấp mã QR cho hộ kinh doanh tại các chợ, cửa hàng trong tuyến phố thương mại; hỗ trợ cài đặt ứng dụng ngân hàng trên thiết bị thông minh. Việc triển khai được người dân tích cực đón nhận. Tại nhiều chợ trên địa bàn các quận trung tâm và vùng ven, tỷ lệ hộ kinh doanh sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt đạt trên 90%. 100% trung tâm thương mại, siêu thị cũng đã áp dụng phương thức này.
Thứ ba, tăng cường tiếp cận tài chính cho mọi đối tượng, nhất là phát triển các sản phẩm, dịch vụ phục vụ sản xuất - kinh doanh nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ sản xuất - kinh doanh.
Theo số liệu sau điều chỉnh đơn vị hành chính, Hà Nội còn 126 xã, phường; trong đó, 54 đơn vị có sự hiện diện của 95 quỹ tín dụng nhân dân đang hoạt động, 100% xã có điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội, ngoài ra trên địa bàn có 2 tổ chức tài chính vi mô với 2 chi nhánh và 4 phòng giao dịch tại các địa phương, 5 chương trình/dự án tài chính vi mô.
Nhằm tạo điều kiện cho mọi đối tượng, nhất là nhóm yếu thế, tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ tài chính, các tổ chức tài chính đã có các giải pháp cân đối nguồn vốn, tăng trưởng tín dụng hiệu quả, hướng vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Tính đến 31/3/2025, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn đạt hơn 4,6 triệu tỷ đồng, trong đó tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ trọng lớn.
Các chương trình cho vay theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, Nghị định số 116/2018/NĐ-CP và tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực tiếp cận tài chính của người dân, nhất là ở vùng nông thôn, vùng khó khăn.
Hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô, chương trình tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân đã tích cực hỗ trợ phụ nữ nghèo, hộ nghèo, thành viên khó khăn, đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh nhỏ lẻ, cải thiện đời sống, tiếp cận dịch vụ chuyển tiền điện tử, chi trả trợ cấp an sinh xã hội thông qua việc mở tài khoản thanh toán tại Ngân hàng Hợp tác xã.
Thứ tư, tuyên truyền, giáo dục tài chính, bảo vệ người tiêu dùng.
Công tác truyền thông, giáo dục tài chính được đẩy mạnh qua báo chí, đài truyền thanh, bảng tin công cộng... xoay quanh các nội dung như tài chính toàn diện, dịch vụ tài chính, thanh toán không dùng tiền mặt, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Các tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính phối hợp với các cơ sở đào tạo triển khai chương trình giáo dục tài chính ở nhiều độ tuổi, đặc biệt là học sinh, sinh viên, người lao động trẻ, phụ nữ…, góp phần nâng cao kiến thức và kỹ năng quản lý tài chính cá nhân.
Một số giải pháp cần tiếp tục thúc đẩy
Có thể khẳng định, Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia giai đoạn 2020-2025 tại Hà Nội đã đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số rào cản như: mạng lưới tổ chức tín dụng chưa đồng đều giữa các khu vực; người dân, nhất là ở nông thôn, vùng sâu, còn hạn chế kiến thức và kỹ năng tài chính; thói quen dùng tiền mặt ở một bộ phận người dân vùng nông thôn còn phổ biến; tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân chưa đa dạng hóa các dịch vụ, chủ yếu vẫn là huy động vốn, cho vay, hỗ trợ chuyển tiền và thanh toán tiền điện tử, chưa đủ điều kiện triển khai ứng dụng thanh toán, mở tài khoản.
Trong giai đoạn tới, việc tiếp tục phát triển tài chính toàn diện mang tính kế thừa và đột phá không chỉ là yêu cầu phát triển kinh tế, mà còn là bước đi thiết yếu để thúc đẩy đô thị thông minh và nâng cao chất lượng sống cho người dân Thủ đô.
Theo đó, cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ chính sách và hạ tầng hỗ trợ tài chính toàn diện; hoàn thiện các cơ chế khuyến khích tổ chức tín dụng phát triển sản phẩm dành riêng cho người yếu thế; tăng cường đầu tư hạ tầng thanh toán điện tử, đảm bảo phủ sóng Internet và dịch vụ ngân hàng di động đến các xã ngoại thành.
Đẩy mạnh giáo dục tài chính và nâng cao nhận thức cộng đồng thông qua trường học, tổ chức đoàn thể, truyền thông đại chúng.
Đồng thời, khuyến khích đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính; hỗ trợ các mô hình ngân hàng số, ví điện tử, công nghệ tài chính (Fintech); tăng cường vai trò của ngân hàng đại lý, đặc biệt tại khu vực chưa có sự hiện diện của ngân hàng thương mại; nâng độ bao phủ của các tổ chức tài chính vi mô, quỹ tín dụng nhân dân.
Xây dựng cơ chế hỗ trợ hệ thống quỹ tín dụng nhân dân gắn với hợp tác xã, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân; tạo điều kiện cho các quỹ tiếp cận, triển khai các sản phẩm, dịch vụ của Ngân hàng Hợp tác xã để phục vụ thành viên, người dân.
Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính cấp xã, phường, diện tích, dân số tại địa bàn hoạt động của hệ thống quỹ tín dụng nhân dân tăng mạnh. Để tạo điều kiện cho người dân, thành viên quỹ tín dụng nhân dân tiếp cận dịch vụ tài chính, cần tạo điều kiện để các quỹ tín dụng nhân dân mở rộng hoạt động và huy động vốn linh hoạt hơn; cho phép Ngân hàng Hợp tác xã tham gia vào chuỗi cung ứng, chi trả tiền trợ cấp, an sinh xã hội (hiện nay, việc này chỉ thực hiện thông qua các ngân hàng thương mại); cho phép các quỹ được thành lập phòng giao dịch tại địa bàn đơn vị hành chính cấp xã/phường xa trụ sở chính, để tạo điều kiện cho người dân thuận tiện giao dịch và không phải di chuyển xa.
Ngoài ra, cần hỗ trợ thành lập và vận hành hiệu quả các tổ chức tài chính vi mô cấp xã/phường dưới sự bảo trợ và giám sát chặt chẽ của chính quyền.