Trong hai năm gần đây, kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước tăng rất nhanh. Ảnh: Đức Thanh

Trong hai năm gần đây, kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước tăng rất nhanh. Ảnh: Đức Thanh

Thương chiến Mỹ - Trung và kỷ lục 500 tỷ USD

Xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ vượt ngưỡng 500 tỷ USD trong năm 2019; Mỹ và Trung Quốc đã đạt được các thỏa thuận về thương mại. Đó là hai tin mừng với kinh tế Việt Nam vào thời điểm cuối năm 2019.

Kỷ lục 500 tỷ USD

Một tin quan trọng đã được Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải phát đi trong buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công thương cuối tuần qua, đó là năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ vượt ngưỡng 500 tỷ USD.

Trên thực tế, ngay từ khi Tổng cục Hải quan công bố, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước trong 11 tháng năm 2019 đạt 472,4 tỷ USD, điều này đã được khẳng định. Bởi với kim ngạch xuất nhập khẩu bình quân mỗi tháng khoảng 43 tỷ USD, thì không quá khó để nhận ra, vào nửa sau của tháng 12/2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ vượt ngưỡng 500 tỷ USD.

Năm 2017, tầm tháng 10, khi Tổng cục Hải quan công bố tổng kim ngạch xuất nhập khẩu chạm ngưỡng 400 tỷ USD, đó đã là một tin rất mừng với kinh tế Việt Nam. Bởi từ thời điểm 1/12/2007, khi kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước lần đầu tiên chạm mốc 100 tỷ USD, đến ngày 24/12/2011, ghi nhận mốc 200 tỷ USD, thì hai năm gần đây, kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước tăng rất nhanh.

Cuối năm ngoái, Tổng cục Hải quan ghi nhận tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trên 480 tỷ USD, năm nay vượt ngưỡng 500 tỷ USD. Có được thành quả này, chắc chắn có đóng góp rất lớn từ các doanh nghiệp nước ngoài, cũng như việc ký kết và thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với Hàn Quốc, Liên minh Kinh tế Á - Âu, ASEAN… và gần nhất là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Hiện các nhóm thị trường mà Việt Nam đã ký kết và thực thi FTA đều có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tốt. Chẳng hạn, 11 tháng qua, xuất khẩu sang Nhật Bản tăng 7,6%, sang Hàn Quốc tăng 10,1%; sang ASEAN tăng 2,5%... Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường thành viên CPTPP tăng trưởng rất cao, như xuất khẩu sang Canada tăng 27,2%, đạt 3,5 tỷ USD; sang Mexico tăng 29,5%, đạt 2,7 tỷ USD... trong 11 tháng qua.

Việc các FTA được ký kết đã góp phần thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, qua đó đóng góp lớn cho thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam. 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng điện thoại và linh kiện đạt 48,53 tỷ USD; nhóm máy tính, sản phẩm và linh kiện đạt 32,39 tỷ USD; hàng dệt may đạt 29,87 tỷ USD… Đây là những nhóm hàng mà khu vực đầu tư nước ngoài có tỷ trọng đóng góp rất lớn. Thậm chí, với mặt hàng điện thoại, đồ điện tử và linh kiện, các doanh nghiệp ngoại đóng góp tới 98-99%.

Cũng nhờ đóng góp to lớn của khu vực đầu tư nước ngoài, mà 11 tháng năm 2019, thặng dư thương mại của Việt Nam đạt kỷ lục, lên gần 11 tỷ USD. Đây là kết quả mà Việt Nam chưa bao giờ đạt được.

Tin mừng từ thương chiến Mỹ - Trung

Năm 2020, khá thận trọng, Chính phủ đã trình và Quốc hội đã quyết nghị mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu chỉ là 7%. Tuy nhiên, báo cáo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, năm 2020, tình hình xuất khẩu sẽ khó khăn hơn.

Nguyên nhân, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, là do căng thẳng thương mại toàn cầu đang mở rộng cả về phạm vi và quy mô, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung còn nhiều bất định. Trong khi đó, căng thẳng thương mại Nhật Bản - Hàn Quốc chưa hạ nhiệt. Mỹ và EU vẫn bế tắc trong đàm phán xuất khẩu ô tô và linh kiện.

“Những điều này tiếp tục là yếu tố rủi ro gây suy yếu tăng trưởng thương mại, đầu tư toàn cầu, thậm chí còn có khả năng bóp méo môi trường cạnh tranh và làm xáo trộn mạng lưới sản xuất toàn cầu. Tác động của leo thang căng thẳng thương mại Mỹ - EU (nếu xảy ra kịch bản cả hai bên áp thuế lên hàng hóa của nhau) dự kiến có thể mạnh hơn cả chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.

Mặc dù vậy, tin mừng là cách đây ít ngày, Mỹ - Trung đã tuyên bố đạt được thỏa thuận thương mại, dự kiến ký kết vào đầu năm 2020. Theo đó, Mỹ sẽ giảm dần các biện pháp thuế quan áp với hàng hóa nhập khẩu Trung Quốc. Còn Trung Quốc sẽ tăng mua nông sản Mỹ, bao gồm cả đậu tương và thịt lợn. Trung Quốc cũng đưa ra nhiều cam kết mới về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ bắt buộc và không thao túng tiền tệ.

Những diễn biến mới này đã làm dịu đi lo lắng về khả năng chiến tranh thương mại tiếp tục leo thang. Và điều này sẽ có lợi cho thương mại toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Tuy vậy, cảnh báo vẫn tiếp tục được đưa ra, cho đến khi Mỹ - Trung thực sự ký kết thỏa thuận thương mại. Thêm vào đó, việc tiếp tục cẩn trọng với chuyện gian lận xuất xứ hàng hóa cũng đã một lần nữa được nhấn mạnh.

Một ví dụ được nhắc tới gần đây, đó là xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ Việt Nam sang Mỹ tăng rất mạnh. 11 tháng năm ngoái, con số là 3,5 tỷ USD, nhưng cùng kỳ năm nay lên tới hơn 4,7 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu dăm gỗ đang được chú ý, bởi công suất không tăng, song kim ngạch xuất khẩu tăng tới vài lần so với trước.

Vì thế, theo các chuyên gia, trong thành tích xuất nhập khẩu hơn 500 tỷ USD của Việt Nam năm 2019, có thể, cũng có yếu tố “xuất hộ”, “gian lận xuất xứ”. Đây là điều cần tính tới trong quản lý, điều hành xuất nhập khẩu năm 2020.

Thặng dư cán cân thương mại của Việt Nam đã lên tới con số 10,9 tỷ USD

11 tháng đầu năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt 241,7 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2018, đạt chỉ tiêu 7-8% của Quốc hội giao. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu đạt 230,7 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2018.

Với kết quả này, thặng dư cán cân thương mại của Việt Nam đã lên tới con số 10,9 tỷ USD, cao hơn rất nhiều so với con số ước tính 9,1 tỷ USD trước đó. Đây là mức xuất siêu cao nhất kể từ trước tới nay của Việt Nam. Năm 2019 là năm thứ 4 liên tiếp, Việt Nam có xuất siêu.

Tin bài liên quan