Thường vụ Quốc hội chuẩn bị xem xét kết quả thí điểm xử lý nợ xấu

0:00 / 0:00
0:00
Sau khi xem xét, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quyết định có trình Quốc hội kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết 42 như đề xuất của Chính phủ hay không.
Một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng sẽ là nội dung đầu tiên trong phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Dự kiến phiên họp này sẽ diễn ra từ 14 - 26/4/2022 với nhiều nội dung quan trọng cả về công tác lập pháp, giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng khác.

Theo chương trình dự kiến, ngay sáng 14/4, sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội (Nghị quyết 42) về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Liên quan đến nội dung này, như Báo điện tử Đầu tư đã thông tin, Chính phủ đề xuất kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết 42 thêm 2 năm (đến 15/8/2024), không đề xuất điều chỉnh, bổ sung bất cứ quy định nào tại nghị quyết.

Về kết quả thực hiện Nghị quyết 42, báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết đến 31/12/2021 là 412.700 tỷ đồng, giảm 6,32% so với cuối năm 2020 và giảm 17,21% so với ngày 14/8/2017 .

Lũy kế từ 15/8/2017 đến 31/12/2021, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 380.200 tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42.

Tổng số nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 được xử lý từ 15/8/2017 đến 31/12/2021 đạt trung bình khoảng 5.670 tỷ đồng/tháng, cao hơn khoảng 2.150 tỷ đồng/tháng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình tại thời điểm trước khi Nghị quyết này có hiệu lực (trung bình từ năm 2012 - 2017, hệ thống các tổ chức tín dụng xử lý được khoảng 3.520 tỷ đồng/tháng).

Thẩm tra đề xuất của Chính phủ, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Kinh tế đồng ý kéo dài kéo dài thời hạn áp dụng của Nghị quyết 42, song đề nghị sửa đổi, bổ sung một số nội dung cần thiết, khả thi.

Sau khi xem xét, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quyết định có trình Quốc hội kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết 42 như đề xuất của Chính phủ hay không.

Bên cạnh nội dung trên, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023 và xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 3/2022.

Nội dung phiên họp thứ 10 còn có việc cho ý kiến về báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020 (trong đó có báo cáo kết quả xử lý nợ hằng năm theo Nghị quyết số 94/2019/QH14), báo cáo tài chính nhà nước năm 2020.

Đáng chú ý, nếu Chính phủ kịp trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét việc dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho các dự án, các khoản vốn chưa phân bổ; việc kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách trung ương năm 2021 sang năm 2022; phương án phân bổ vốn cho các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Trong đó sẽ xem xét về danh mục dự án đầu tư thuộc Chương trình phục hồi kinh tế và phương án điều hòa vốn Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội và vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Tại phiên họp này, bên cạnh cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 3 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn thảo luận Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp Quốc hội và việc sửa đổi, bổ sung Nội quy kỳ họp Quốc hội. Đề án, dự thảo Nghị quyết về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội cũng được xem xét.

Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” cũng là nội dung được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến ở phiên họp này, trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ ba.

Về công tác lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về các dự án luật: Dầu khí (sửa đổi), Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. Luật Thanh tra (sửa đổi). Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Việc ban hành Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân cũng được đặt lên bàn nghị sự của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp thứ 10.

Tin bài liên quan