Tiền ngân hàng vẫn chảy vào chứng khoán

Tiền ngân hàng vẫn chảy vào chứng khoán

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Kênh đầu tư chứng khoán thu hút một lượng tiền từ kênh tiết kiệm. Trong bối cảnh lãi suất thấp, nhà đầu tư còn vay tiền để đầu tư chứng khoán. Thậm chí, không loại trừ các nhà băng cũng đổ tiền vào kênh đầu tư này.

Chứng khoán hút tiền

“HOSE lại nghẽn mạng”. Các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư F0, lại nháo nhào bởi thấy giá tốt mà không mua được than thở tràn ngập trên facebook vào ngày 24/2 vừa qua. Đây không phải là lần đầu tiên HOSE bị nghẽn mạng. Mức độ “nóng” của cụm từ “HOSE bị nghẽn mạng” thể hiện phần nào qua việc tìm kiếm trên google thì trong 0,37 giây cho ra 32.700 kết quả. Nguyên nhân của việc nghẽn mạng được cho là hệ thống giao dịch của HOSE đã lỗi thời và có quan điểm cho rằng, quá nhiều F0 đặt mua bán các lệnh nhỏ khiến sàn giao dịch gặp áp lực…

Nhìn lại năm 2020, một năm đặc biệt khó khăn với nền kinh tế khi đại dịch Covid-19 bùng phát đã làm đình trệ hoạt động sản xuất - kinh doanh. Tốc độ tăng trưởng vì thế sụt giảm, chỉ đạt 2,91%. Thế nhưng, trái ngược với hình ảnh của nền kinh tế thực, thị trường chứng khoán (TTCK) vẫn tăng trưởng mạnh khi VN-Index tăng 142,88 điểm, tương đương tăng 14,86% - gấp đôi mức tăng năm 2019 là năm mà nền kinh tế tăng trưởng 7,02%.

Nhiều ngân hàng tăng cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán khác thông qua tài trợ cho các công ty chứng khoán kinh doanh trái phiếu chính phủ, vì nguồn cung vốn của các ngân hàng thời gian qua dồi dào.

Một trong những nguyên nhân khiến TTCK đạt mức tăng trưởng ấn tượng trong năm qua là lượng nhà đầu tư mới tham gia thị trường tăng mạnh. Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết, tổng số tài khoản lưu ký tại VSD tính đến 31/12/2020 là 2,7 triệu, tăng 17% so với cuối năm 2019.

“Cơn sốt” chứng khoán duy trì trong những tháng đầu năm 2021. Theo đó, ngay trong tháng 1/2021, nhà đầu tư trong nước đã mở mới 86.269 tài khoản, tăng 36,4% so với tháng liền trước. Đây là số tài khoản mở mới trong một tháng lớn nhất kể từ khi TTCK đi vào hoạt động.

Cùng với số lượng nhà đầu tư gia tăng, thanh khoản của thị trường cũng tăng vọt, giá trị giao dịch bình quân năm 2020 đạt trên 7.420 tỷ đồng/phiên, tăng 59,3% so với bình quân năm 2019. Trong tháng 1/2021, khối lượng và giá trị giao dịch lần lượt tăng 291% và 334% so với cùng kỳ năm 2020. Chỉ số VN-Index tăng thêm 61,56 điểm trong tháng đầu năm, tương đương tăng 5,5%.

Những con số trên cho thấy, dòng tiền đã và đang đổ vào TTCK. TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế nhìn nhận, chứng khoán tăng mạnh do có lợi thế giao dịch trực tuyến, vốn đầu tư ban đầu thấp và tính thanh khoản cao. Đặc biệt, điều kiện tài chính nới lỏng và lãi suất giảm xuống mức rất thấp, trong khi các kênh đầu tư khác như bất động sản và ngoại hối gặp nhiều khó khăn trong thời kỳ dịch Covid-19, nên TTCK càng trở nên hấp dẫn các nhà đầu tư.

Tiền từ ngân hàng chảy vào chứng khoán

Điều dễ nhận thấy nhất là kênh đầu tư chứng khoán thu hút một lượng tiền từ kênh tiết kiệm. Không chỉ vậy, trong bối cảnh lãi suất thấp, nhà đầu tư còn vay tiền để đầu tư chứng khoán.

Theo TS. Hiếu, TTCK được coi là hàn thử biểu của nền kinh tế, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp phá sản hay tạm ngừng kinh doanh do đại dịch Covid-19, nhưng thị trường tăng trưởng mạnh sẽ không tránh khỏi những ý kiến quan ngại, thậm chí nghi ngờ về sự phát triển này.

“Có nguy cơ bong bóng nếu VN-Index tăng vọt lên 1.300 điểm”, TS. Hiếu nói.

Cuối tuần qua (26/2), VN-Index đóng cửa tại 1.168,47 điểm, giảm 0,4% so với cuối tuần trước đó, nhưng tăng 5,8% so với cuối năm 2020 và tăng 21,6% so với cuối năm 2019.

Trong bối cảnh chứng khoán bùng nổ, không loại trừ các nhà băng cũng đổ tiền vào kênh đầu tư này. Báo cáo tài chính quý IV/2020 của không ít ngân hàng ghi nhận khoản mục chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán tăng khá mạnh. Chẳng hạn, thời điểm cuối năm 2020, lượng chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán của Techcombank là gần 84.633 tỷ đồng, tăng 18.474 tỷ đồng so với cuối năm 2019. Tương tự, khoản mục này của SHB tăng thêm gần 10.000 tỷ đồng trong năm qua, lên 16.386 tỷ đồng.

Về tín dụng chứng khoán, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước thông tin, đến cuối tháng 12/2020, tín dụng lĩnh vực chứng khoán là 45.784 tỷ đồng, tăng 49,37% so với cuối năm 2019, song chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ (0,5%) trong tổng dư nợ nền kinh tế. Đáng chú ý, tín dụng lĩnh vực chứng khoán tăng mạnh trong 2 tháng cuối năm 2020. Trước đó, từ đầu năm 2020 đến tháng 10, dư nợ cho vay để đầu tư kinh doanh chứng khoán tăng trưởng âm so với cuối năm 2019 (dao động từ âm 15,83% của tháng 7 đến âm 0,96% trong tháng 10). Tuy nhiên, ước tính đến tháng 1/2021, dư nợ lĩnh vực này vào khoảng 43.495 tỷ đồng, giảm 5% so với tháng 12/2020 (cùng kỳ năm 2019 và 2020 lần lượt giảm 4% và 5,23%).

Theo giới chuyên gia, có không ít khoản tín dụng tiêu dùng về thực chất là chảy vào chứng khoán khi mà lượng nhà đầu tư cá nhân mới tham gia thị trường thời gian qua tăng nhanh, trong khi thu nhập thực tế suy giảm vì dịch bệnh.

Bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT nhận định, con số tín dụng chứng khoán tương đương 45.000 tỷ đồng mặc dù chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng dư nợ nền kinh tế, nhưng một số ngân hàng có thể đã sử dụng hết giới hạn cho vay. Thông tư 36/2014/NHNN quy định, tỷ lệ cho vay kinh doanh chứng khoán không được vượt quá 5% vốn điều lệ/vốn được cấp của ngân hàng thương mại; tỷ lệ 5% cũng được áp dụng đối với cho vay đầu tư trái phiếu doanh nghiệp không niêm yết.

Theo bà Hiền, trong điều kiện thanh khoản TTCK và thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển mạnh, “bộ đệm” từ các ngân hàng thương mại nhiều khả năng sẽ tiếp tục được sử dụng trong bối cảnh các ngân hàng đang cạnh tranh tìm người cho vay. Hiện tại, năng lực quản trị của rủi ro của hệ thống ngân hàng, công ty chứng khoán và chính nhà đầu tư đã được cải thiện. Nhà đầu tư cũng nhận diện được những rủi ro khi sử dụng đòn bẩy trong đầu tư, do đó, tỷ lệ nợ xấu phát sinh từ cho vay chứng khoán tương đối thấp.

Về vấn đề này, ông Tuấn Anh nhấn mạnh, các ngân hàng tăng cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán khác thông qua tài trợ cho các công ty chứng khoán kinh doanh trái phiếu chính phủ (ngắn hạn, chủ yếu thời hạn từ 1 - 3 tháng) vì nguồn cung vốn của các ngân hàng thời gian qua dồi dào. Theo đánh giá của các ngân hàng, hoạt động tài trợ này an toàn. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục giám sát và quản lý chặt chẽ hoạt động tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro nói chung và lĩnh vực chứng khoán nói riêng.

Một số chuyên gia cảnh báo, việc chứng khoán tăng trưởng nóng tiềm ẩn nhiều rủi ro với các nhà đầu tư, từ đó tiềm ẩn rủi ro nợ xấu nếu như dòng tiền của các nhà đầu tư có nguồn gốc từ tín dụng ngân hàng. Vì thế, các ngân hàng cần kiểm soát chặt hoạt động cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán để phòng ngừa rủi ro.

Tin bài liên quan