Tiền nhàn rỗi vào ngân hàng tăng khi lãi suất đi lên

0:00 / 0:00
0:00
Mặc dù tăng trưởng huy động vốn còn chênh lệch khá lớn so với tín dụng, song tiền nhàn rỗi vào ngân hàng đã tăng trở lại trong những tháng gần đây khi lãi suất tiết kiệm lên cao.
Tiền nhàn rỗi vào ngân hàng tăng khi lãi suất đi lên

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, huy động vốn đến cuối tháng 12/2022 tăng khoảng 6%. Con số này cao hơn những tháng trước cho thấy dòng tiền gửi tiết kiệm đã quay trở lại hệ thống.

Như vậy, sau khi lãi suất huy động tăng mạnh, tiền gửi tại hệ thống ngân hàng cũng có diễn biến tích cực trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, mức tăng trưởng 6% của huy động vốn cho cả năm 2022 vẫn thấp hơn nhiều so với những năm trước.

Số liệu đưa ra từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, cuối năm 2021, tổng tiền gửi của người dân và doanh nghiệp tại hệ thống tổ chức tín dụng đạt hơn 10,94 triệu tỷ đồng. Như vậy, ước tính với mức tăng gần 6%, tổng tiền gửi của khách hàng hiện nay đạt khoảng 11,6 triệu tỷ đồng.

Trước đó, đến cuối tháng 10/2022, tổng tiền gửi đạt hơn 11,42 triệu tỷ, tăng 4,39% so với đầu năm với động lực chính đến từ tiền gửi của dân cư (tăng 6,78%), trong khi nhóm doanh nghiệp tăng nhẹ hơn (2,15%).

Nhìn chung tiền gửi đang có dấu hiệu tăng nhanh hơn trong những tháng trở lại đây do lãi suất huy động trên thị trường tăng khá mạnh kể từ cuối tháng 9.

Trong quý 3/2022, tiền gửi tại hệ thống tổ chức tín dụng đã sụt giảm 0,4% do tiền gửi của nhóm doanh nghiệp giảm tới hơn 66.500 tỷ, trong khi tiền gửi dân cư chỉ tăng thêm 19.000 tỷ.

Mặc dù có diễn biến tích cực hơn trong những tháng cuối năm nhưng mức tăng 6% của huy động vốn cho cả năm 2022 vẫn thấp hơn nhiều so với những năm trước: năm 2021 là 9,24%, năm 2020 là 13,96%, năm 2019 là 13,92%.

Đồng thời, tăng trưởng huy động năm nay cũng chưa bằng một nửa so với tăng trưởng tín dụng. Đến ngày 21/12/2022, tín dụng toàn nền kinh tế đã đạt trên 11,78 triệu tỷ đồng, tăng 12,87% so với cuối năm 2021 và tăng 13,96% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Tín dụng với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát.

Dư nợ tín dụng đối với 23 chương trình tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội đến 30/11/2022 đạt khoảng 279.732 tỷ đồng, tăng 12,81% so với năm 2021 với hơn 6,4 triệu khách hàng còn dư nợ.

Riêng tại địa bàn TP.HCM, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. HCM ông Nguyễn Đức Lệnh cho hay, huy động vốn trên địa bàn thành phố năm nay ước tăng khoảng 6%, còn dư nợ tín dụng tăng khoảng 14%.Tăng trưởng tín dụng tại TP. HCM cán mốc 14%

Trong đó, lĩnh vực sản xuất kinh doanh chiếm 68-70% tổng dư nợ tín dụng tại TP.HCM. Các lĩnh vực ưu tiên bao gồm xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Riêng doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm khoảng 70% tổng dư nợ của chương trình cho vay ưu tiên này. Cụ thể, với chương trình cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp thuộc 5 lĩnh ưu tiên vẫn được triển khai xuyên suốt, lãi suất tối đa chỉ 5,5%/năm.

Dư nợ của chương trình cho vay ngắn hạn đối với doanh nghiệp thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên trên địa bàn TP.HCM với mức lãi suất tối đa 5,5%/năm đang đạt khoảng 200.000 tỷ đồng.

Sau thời gian đua nhau tăng lãi suất huy động để thu hút người gửi tiền từ tháng 10 đến giữa tháng 12/2022, đà tăng đã có dấu hiệu chững lại thời gian gần đây.

Đặc biệt, sau khi Hiệp hội Ngân hàng kêu gọi các ngân hàng thương mại thống nhất áp dụng mức lãi suất huy động tại các kỳ hạn tối đa 9,5%/năm trên cơ sở đó tiết giảm chi phí nhằm giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp.

Phía Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định, sẵn sàng hỗ trợ cho những ngân hàng gặp khó khăn về thanh khoản cho các ngân hàng.

Tin bài liên quan