Trong thời đại bùng nổ công nghệ, các thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi

Trong thời đại bùng nổ công nghệ, các thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi

Tiếp diễn chiêu trò mạo danh bảo hiểm để lừa đảo

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Gần đây, AIA Việt Nam, Bảo hiểm VietinBank bị lợi dụng thương hiệu để lừa đảo. Trước đó, các công ty bảo hiểm thuộc khối phi nhân thọ rơi vào tình huống tương tự.

Thêm AIA Việt Nam, Bảo hiểm VietinBank… bị mạo danh

Ông Đỗ Hồng Sơn, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, mới đây, văn phòng luật sư của ông nhận được phản ánh của chị Nguyễn Thị Hồng về việc người nhà của chị có tham gia “gói sản phẩm đầu tư” trên trang web được quảng cáo là sàn thương mại điện tử xuyên biên giới TEMU (có địa chỉ https://down.temuyn.com). Khi tham gia gói sản phẩm này, nhà đầu tư ký hợp đồng hợp tác đầu tư tiền với cam kết lợi nhuận cao. Đáng nói, hợp đồng có tên gọi “hợp đồng thỏa thuận dự trữ hàng”, được bảo lãnh bởi bên C là Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ AIA Việt Nam.

Chị Hồng gửi kèm bản chụp hợp đồng trực tuyến nhà đầu tư ký kết với TEMU, trên đó có in hình con dấu của AIA Việt Nam và thắc mắc về giá trị pháp lý của con dấu này cũng như hợp đồng “thỏa thuận dự trữ hàng” nêu trên.

Phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán đã liên hệ với phía Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ AIA Việt Nam để tìm hiểu thì được biết, AIA Việt Nam đã nhận được phản ánh nhiều trường hợp tương tự và đã từng cảnh báo trên trang website chính thức của Công ty.

Theo AIA Việt Nam, thời gian qua, Công ty nhận được thông tin một số cá nhân tham gia gói đầu tư tài chính của Tập đoàn WANHAI Lines LTD, hay Công ty TNHH Orsted Việt Nam (Orsted Việt Nam) trên nền tảng Internet. Các nhà đầu tư này đều cung cấp ảnh chụp hợp đồng trực tuyến, trên đó có con dấu của AIA Việt Nam.

“Chúng tôi không có bất kỳ sự hợp tác hay mối quan hệ nào với tổ chức có tên gọi WANHAI Lines LTD, Orsted Việt Nam, cũng như không tham gia bảo lãnh cho bất kỳ hợp đồng đầu tư nào của các tổ chức này”, AIA Việt Nam khẳng định.

Phía nhà bảo hiểm này cũng cho hay: “Liên quan đến WANHAI, chúng tôi có tìm thấy khuyến cáo người dân của Phòng An ninh kinh tế, Công an tỉnh Bắc Giang được đăng tải trên Báo Bắc Giang ngày 31/5/2023, với nội dung người dân cần cảnh giác với hoạt động kêu gọi đầu tư, huy động vốn của WANHAI (Vạn Hải)”.

Ở tình huống khác, giữa tháng 11 vừa qua, Bảo hiểm VietinBank ghi nhận việc bị kẻ lừa đảo mạo danh kêu gọi người tiêu dùng tham gia bình chọn dịch vụ của Công ty, qua đó, nhằm đánh cắp thông tin cá nhân, chiếm đoạt tài sản.

“Để phòng tránh trường hợp khách hàng bị thiệt hại về tài sản, bị đánh cắp thông tin cá nhân trong quá trình thực hiện theo yêu cầu của đối tượng giả mạo, chúng tôi khuyến cáo thông tin về sản phẩm, dịch vụ, các chương trình khuyến mãi, sự kiện của Bảo hiểm VietinBank đều được đăng tải trên các kênh truyền thông chính thức của Công ty. Khách hàng không nên bấm, không đăng nhập vào bất cứ đường link nghi ngờ giả mạo và cẩn trọng trước các chào mời tham gia dịch vụ để nhận hoa hồng hoặc các yêu cầu chuyển khoản. Lưu ý không cung cấp thông tin cho các tài khoản không chính thống để bảo mật thông tin cá nhân’, Bảo hiểm VietinBank lưu ý.

Bùng nổ công nghệ, thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi

Các công ty bảo hiểm thường không tham gia những hợp đồng không có nội dung liên quan đến bảo hiểm.

Luật sư Đỗ Hồng Sơn, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội

Như vậy, đến nay, không chỉ các công ty bảo hiểm phi nhân thọ, mà cả công ty bảo hiểm nhân thọ bị kéo vào vòng xoáy chiêu dụ của các đối tượng lừa đảo, thường là mời gọi đầu tư hưởng lãi suất cao, với cam kết bảo lãnh đầu tư từ các công ty bảo hiểm.

Trước đó, trong bài báo “Cảnh giác hình thức lừa đảo bảo hiểm mới”, Báo Đầu tư Chứng khoán đã cảnh báo việc một số đối tượng giả mạo giấy tờ bảo lãnh của một số công ty bảo hiểm như Bảo hiểm Bảo Việt, Bảo hiểm Quân đội, Bảo hiểm PVI … để mời gọi đầu tư tài chính nhằm mục đích lừa đảo. Hòng tăng sự tin tưởng của người dân, các đối tượng này chiêu dụ rằng người chơi sẽ được bên công ty bảo hiểm phi nhân thọ… cung cấp gói bảo hiểm bảo lãnh (trường hợp đặt lệnh lỗi sẽ được hoàn tiền 100%, đồng thời cam kết mức lợi nhuận rất cao sau một khoảng thời gian nhất định).

Luật sư Sơn cảnh báo, các công ty bảo hiểm nhân thọ hay phi nhân thọ thường không tham gia những hợp đồng không có nội dung liên quan đến bảo hiểm. Hợp đồng hợp tác kiểu này ghép con dấu của công bảo hiểm nhưng không có chữ ký của ai thì càng cho thấy rõ dấu hiệu giả mạo.

Cùng với sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin, các hành vi, thủ đoạn lừa đảo ngày càng phức tạp và tinh vi. Các chuyên gia pháp lý cũng như chuyên gia công nghệ trong lĩnh vực bảo hiểm khuyến cáo nhà đầu tư cần chủ động trang bị các kiến thức về lĩnh vực này, đặc biệt cảnh giác trước các lời mời gọi đầu tư hưởng lãi suất, lợi nhuận cao… Nếu thấy nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân hay chuyển tiền cho bất kỳ đối tượng nào, liên hệ về hotline của các công ty bảo hiểm, công chứng khoán... để tìm hiểu các thông tin chính thống hoặc thông báo ngay cho cơ quan chức năng để kịp thời xử lý.

Để bảo vệ quyền lợi khách hàng, đảm bảo an toàn tài sản, bảo mật thông tin, các công ty bảo hiểm cũng khuyến nghị khách hàng cần nâng cao cảnh giác, tuyệt đối không cung cấp thông tin tài khoản và các chứng từ cá nhân cho bất kỳ đối tượng nào; chủ động tham khảo thông tin từ các nguồn chính thống của Công ty như hotline chăm sóc khách hàng, webiste, Fanpage Facebook có dấu tích xanh, Zalo OA có tích xác thực tài khoản.

Các công ty bảo hiểm cũng khuyến cáo khách hàng, khi rơi vào tình huống bị lừa đảo, cần liên hệ nhân viên của công ty hoặc đến địa chỉ yêu cầu nhận tiền bảo hiểm để xác minh, phối hợp xử lý. Trường hợp người chưa tham gia bảo hiểm, cần nhanh chóng thông báo tới cơ quan công an tại địa phương để kịp thời xác minh, phối hợp điều tra...

Tin bài liên quan