Tìm không gian để doanh nghiệp nhà nước làm khác

0:00 / 0:00
0:00
Doanh nghiệp nhà nước chắc chắn phải nắm vai trò dẫn dắt trong phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Nhưng việc này chỉ thực hiện được nếu doanh nghiệp được làm khác những gì đã làm thời gian qua.
Bức tranh doanh nghiệp nhà nước vào thời điểm này có nhiều màu xám. Ảnh: Đức Thanh

Bức tranh doanh nghiệp nhà nước vào thời điểm này có nhiều màu xám. Ảnh: Đức Thanh

Trăn trở của Thủ tướng

Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp nhà nước diễn ra cả ngày 24/3 nóng rẫy và chắc chắn sẽ còn nóng.

Sức nóng bắt đầu từ chính người đứng đầu Chính phủ, khi ông đặt ra hàng loạt câu hỏi trực diện, cùng với đó là yêu cầu trả lời “có lửa” từ những người đứng đầu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước. Vì sao doanh nghiệp nhà nước chưa tạo được động lực dẫn dắt? Do cơ chế, chính sách, do con người, do doanh nghiệp chưa chủ động phát triển ngành nghề chính hay vì nguyên nhân khác?

“Chúng ta trăn trở vì doanh nghiệp nhà nước chưa phát triển tương xứng với những gì đã có; trăn trở là có thể làm được một số việc, nhưng chưa làm được; trăn trở vì có thể mạnh hơn nữa, nhưng chưa lớn mạnh; trăn trở là 5 năm qua không có công trình nào lớn cả; trăn trở là trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, doanh nghiệp nhà nước chưa làm được nhiều…”, Thủ tướng Chính phủ phát biểu với lãnh đạo các bộ, ngành, lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố và đặc biệt là lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước.

Cho tới thời điểm này, không ai không thuộc vai trò, vị trí và sứ mệnh của khu vực doanh nghiệp nhà nước, của lực lượng vật chất quan trọng của nền kinh tế, gồm cả con người, tài sản, vốn liếng. Nhưng, như Thủ tướng đã nhấn mạnh, giờ không phải là lúc nói về thành tích, cũng không thể chỉ nói là cần đổi mới cơ chế, cần chuyển đổi số…, mà các lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước phải nói rõ được điểm yếu, điểm mạnh, khó khăn gì, điểm nghẽn nào cần tháo gỡ, tạo điều kiện gì để huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội.

“Khu vực doanh nghiệp nhà nước có rất nhiều đóng góp, chúng ta đều thấy, nhưng phải làm gì để nguồn lực rất lớn mà doanh nghiệp nhà nước đang nắm giữ đóng góp hiệu quả cho phát triển kinh tế. Đây là điều cần phải nói cho hết, phải trăn trở, đau đáu phải làm hết trách nhiệm vì lợi ích của đất nước”, Thủ tướng Chính phủ nói.

Bức tranh doanh nghiệp nhà nước

Tại Hội nghị, câu chuyện của Tổng công ty Lắp máy Việt Nam - CTCP (Lilama) khiến người đứng đầu Chính phủ thêm trăn trở. Có bề dày lịch sử phát triển hơn 60 năm, từng là thương hiệu danh tiếng trong lĩnh vực cơ khí, xây lắp, làm tổng thầu nhiều dự án lớn của nền kinh tế, từng có doanh thu trên 1 tỷ USD/năm, nhưng đến giờ, doanh thu chỉ còn 4.000 tỷ đồng.

“Có thể khó khăn, nhưng đất nước vẫn đang phát triển mà doanh nghiệp không phát triển mạnh hơn, lại bé đi. Có thể các công trình, dự án của Nhà nước không còn rầm rộ, nhưng còn các dự án, công trình của các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tại sao không vào được. Kinh tế thị trường thì phải cạnh tranh, phải thích ứng, linh hoạt và hiệu quả”, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt thẳng câu hỏi cho Lilama.

Chủ tịch HĐTV Lilama Bùi Đức Kiên ngậm ngùi chia sẻ về giai đoạn đầu tư ngoài ngành không mang lại hiệu quả, giờ dự án ít, cơ chế tiền lương không đủ sức giữ người. Hiện tại, Lilama đang hoàn thiện Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2021-2025, tập trung vào ngành nghề chính là chế tạo cơ khí, tổng thầu xây lắp và xuất khẩu dịch vụ xây lắp ra nước ngoài.

“Thời gian trước đầu tư dàn trải, đủ cả điện, xi măng, cả ngân hàng, may mà thoái vốn được nên chưa phá sản. Giờ thì chúng tôi xác định Lilama trở thành tổng công ty mạnh tại Việt Nam và khu vực, là nhà tổng thầu EPC chuyên nghiệp, nhà chế tạo thiết bị cơ khí có thương hiệu và tham gia vào chuỗi sản phẩm toàn cầu”, ông Kiên nói.

Thực tế, bức tranh doanh nghiệp nhà nước vào thời điểm này có nhiều màu xám. Trong báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi tới Hội nghị, có 5 nhóm tồn tại, hạn chế mà doanh nghiệp nhà nước đều thấy rõ.

Một là, vai trò dẫn dắt, tạo động lực, mở đường, thúc đẩy các thành phần kinh tế khác chưa được phát huy rõ nét. Hầu hết các tập đoàn kinh tế, tổng công ty thường hoạt động hiệu quả ở các ngành, lĩnh vực có lợi thế tự nhiên (khai thác khoáng sản, dầu khí) hoặc thống lĩnh thị trường do lịch sử để lại (như viễn thông, tài chính tín dụng), nên có xu hướng khai thác lợi thế này ở thị trường trong nước mà chưa chú trọng và cũng chưa có áp lực đủ lớn để buộc các doanh nghiệp nhà nước cạnh tranh quốc tế.

Hai là, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ; năng lực cạnh tranh còn hạn chế. Chất lượng và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước còn thấp hơn tốc độ tăng trưởng nguồn vốn kinh doanh, chưa kể một số doanh nghiệp quy mô lớn có kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh còn thấp, nợ nần, thua lỗ, thất thoát lớn. Trong năm tài chính 2020, vẫn còn có khoảng 11/73 tập đoàn kinh tế, tổng công ty có số lỗ lũy kế với giá trị là 11.464,2 tỷ đồng.

Ba là, năng lực đổi mới sáng tạo của khu vực này chưa đáp ứng được yêu cầu là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước.

Bốn là, việc thực hiện các dự án đầu tư mới của doanh nghiệp nhà nước trong thời gian qua không được thúc đẩy.

Năm là, việc tái cơ cấu toàn diện doanh nghiệp nhà nước vẫn mang tính hình thức. Chỉ riêng quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thì vừa chậm, phần nhiều các kế hoạch cổ phần hóa theo hướng giảm số lượng mà chưa chú trọng thực hiện các định hướng, giải pháp đột phá về khoa học công nghệ, nhân lực chất lượng cao và chiến lược kinh doanh dài hạn có tính khả thi cao.

Nỗi buồn của “sếu đầu đàn”

Dù chưa có quy định nào về việc xác định doanh nghiệp nào là sếu đầu đàn trong khu vực doanh nghiệp nhà nước, trong các lĩnh vực, ngành nghề mà doanh nghiệp nhà nước đang nắm giữ ưu thế, nhưng các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang làm mọi việc để gánh vác vai trò tiên phong. Vì vậy, bức tranh nhiều màu xám về doanh nghiệp nhà nước khiến các doanh nghiệp cảm thấy buồn.

“Không thể mong muốn doanh nghiệp nhà nước hoạt động hiệu quả như doanh nghiệp tư nhân, vì họ có lợi thì làm, còn doanh nghiệp nhà nước đúng mới làm. Mà đúng thì khó sáng tạo, khó đổi mới. Trong bối cảnh công nghệ phát triển rất nhanh, nếu không sáng tạo, thì không thể hiệu quả được”, ông Tô Dũng Thái, Chủ tịch HĐTV VNPT chia sẻ tâm tư.

Thực tế, VNPT cùng các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực viễn thông đang nắm gần hết thị trường này, nhưng theo ông Thái, dư địa của thị trường này tới hạn, doanh thu từ đây sẽ đi ngang, rồi đi xuống. Nếu muốn phát triển mạnh mẽ, cơ hội đang nằm ở lĩnh vực chuyển đổi số, ở đầu tư đổi mới, sáng tạo.

Vấn đề là, với cơ chế “làm đúng” các quy định, thì dù thấy không phát triển mới, doanh nghiệp nhà nước không dám làm, không thể làm được. “Chúng tôi đã trình lại Đề án cơ cấu lại tập đoàn cho giai đoạn 2021-2025 vì tình hình thay đổi rất nhanh, đề án đã trình không còn phù hợp. Chúng tôi rất mong các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nhanh để doanh nghiệp tận dụng cơ hội phát triển”, ông Thái đề xuất.

Đặc biệt, trong nhiều đề xuất gửi tới Thủ tướng, một trong những lo ngại lớn nhất của các doanh nghiệp nhà nước là lo chậm.

Ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel kể, làm doanh nghiệp là phải chớp thời cơ, nhưng để thực hiện đẩy đủ quy trình thủ tục đầu tư mà doanh nghiệp nhà nước phải tuân thủ, thời gian là vài năm. Doanh nghiệp tư nhân chỉ cần một tháng là ký được hợp đồng, thậm chí bàn đầu tuần, cuối tuần đã xong thủ tục. “Doanh nghiệp nhà nước phải làm được như vậy thì mới cạnh tranh được, mới tự tin ra biển lớn, ra nước ngoài”, ông Thắng nói.

Đặc biệt, các doanh nghiệp mong muốn làm rõ vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước, có phải là quy mô, là thị trường hay là lợi nhuận, là vai trò dẫn dắt công nghệ, dẫn dắt chuỗi giá trị… Cùng với đó là nguyên tắc về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, có phải chỉ thoái vốn, bán đi, thu hẹp, nhỏ đi như giai đoạn vừa qua, hay phải có bán đi, có đầu tư thêm…

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam chia sẻ, doanh nghiệp nhà nước không chỉ muốn hiệu quả khi so với chính mình, so với các doanh nghiệp nhà nước, mà muốn hiệu quả theo nghĩa so với doanh nghiệp tư nhân, so với doanh nghiệp nước ngoài trong cùng ngành nghề, để thấy năng lực cạnh tranh, thấy vai trò dẫn dắt.

“Chúng tôi muốn làm rõ các khái niệm, để nếu đúng vai trò, thì có cơ chế để phát huy, nếu không thì Nhà nước thoái vốn, tập trung đầu tư vào các ngành nghề cốt lõi. Nếu không, với cơ chế hiện tại, thời gian đầu tư một nhà máy may chỉ 6 tháng, nhà máy sợi 10 tháng, mà doanh nghiệp nhà nước phải làm thủ tục cả năm thì không thể nói đến hiệu quả, nói đến cạnh tranh”, ông Trường nói.

Một số giải pháp đẩy mạnh việc huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước tham gia phát triển kinh tế - xã hội

a) Nâng cao vai trò của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước là nhà đầu tư của Chính phủ hướng tới trở thành Quỹ đầu tư Chính phủ để huy động nguồn lực tài chính đầu tư linh hoạt, hiệu quả vào các doanh nghiệp, dự án lớn, quan trọng, bổ sung nguồn lực góp phần phục hồi, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.

b) Nghiên cứu cơ chế giao nhiệm vụ cho một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty lớn triển khai nghiên cứu, sản xuất hoạt động trong một số lĩnh vực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững, như: năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, công nghệ bán dẫn, hạ tầng quan trọng quốc gia, các nguyên vật liệu đầu vào quan trọng cho sản xuất…

c) Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và trình cấp có thẩm quyền chiến lược, kế hoạch sản xuất - kinh doanh và đầu tư phát triển của doanh nghiệp phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành quốc gia. Có định hướng gắn chiến lược phát triển của doanh nghiệp nhà nước với phát triển ngành, lĩnh vực để phát huy nguồn lực quan trọng của đất nước

Nguồn: Dự thảo Nghị quyết về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội

Tin bài liên quan