Tín dụng dần tăng trở lại nhưng lực cầu còn yếu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tăng trưởng tín dụng nền kinh tế từ trạng thái âm 0,6% trong 2 tháng đầu năm dần chuyển sang tăng trưởng dương 0,26% tính đến ngày 25/3, song các nhận định đưa ra lực cầu còn yếu.
Tín dụng dần tăng trở lại nhưng lực cầu còn yếu

NHNN cho biết, tín dụng đầu năm tăng thấp chủ yếu do yếu tố mùa vụ của dịp Tết Nguyên đán và khả năng hấp thụ vốn chưa cao, tuy nhiên đã phục hồi trong tháng 3/2024.

Tính đến ngày 25/3, tín dụng nền kinh tế đạt khoảng 13,6 triệu tỷ đồng, tăng 0,26% so với cuối năm 2023, trong đó riêng tháng 3 tăng 0,98%. Như vậy, tín dụng đã đảo chiều trong tháng 3/2024. Trước đó, tín dụng của nền kinh tế 2 tháng đầu năm giảm 0,72% so với cuối năm 2023 (trong đó tháng 1 giảm 0,6%, tháng 2 giảm 0,05%).

Tại một số ngân hàng, tín dụng cũng tăng trưởng trong quý I/2024, như VIB, OCB, SeABank lần lượt tăng 1%; 4,6% và 0,8%. Techcombank cũng cho hay, tín dụng quý đầu năm tăng trưởng trong khoảng 3%..., trong khi trước đó tháng 1/2024 chỉ tăng ít.

Nhận định về cầu vốn tín dụng đang tăng trở lại, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho hay, so với thời điểm sau Tết Nguyên đán, hiện nhu cầu vốn của khách hàng, nhất là với cá nhân mua nhà đang dần trở lại. Một phần, lãi suất vay mua nhà ngân hàng đang áp dụng khoảng 6%/năm trong thời gian đầu 1 năm kể từ giải ngân và từ 8-9%/năm cho giai đoạn sau. Theo nhận định của ông Tùng, tùy vào thu nhập của mỗi người và cần có sự tính toán hợp lý, nhưng đây là giai đoạn hợp lý để bắt đầu mua nhà.

Ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT VIB cũng cho rằng, dù tín dụng còn tăng chậm khi cầu vốn chưa cao, nhưng kết thúc quý I/2024, tăng trưởng tín dụng của VIB tăng 1%. Điều này cũng phù hợp với tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng, đồng thời mức tăng trưởng này cũng cao gấp đôi so với trung bình của ngành.

Năm 2024, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 15%, ước tính khoảng 2 triệu tỷ đồng sẽ được đưa vào nền kinh tế. Hiện các ngân hàng vẫn đang tích cực kích cầu tín dụng bằng các gói tín dụng ưu đãi.

BVBank hiện cho vay mua nhà với lãi suất 5%/năm được áp dụng trong 5 tháng đầu từ ngày giải ngân; 5,5%/năm cho 6 tháng; 6,5%/năm cho 9 tháng; 7,5%/năm cho 12 tháng và 8,9% được áp dụng cho 18 tháng kể từ thời điểm giải ngân.

Ngân hàng Shinhan cho vay mua nhà 5,2%/năm cố định trong 1 năm; 5,5%/năm cố định trong 2 năm; 6%/năm cố định trong 3 năm và 7,5%/năm cố định trong 5 năm (nhưng 6 tháng đầu được nhà băng này áp dụng mức lãi vay 5,5%/năm).

Techcombank hiện áp dụng mức lãi suất cho vay mua nhà chỉ 5%/năm trong thời gian ưu đãi 3 tháng đầu tiên, 6%/năm trong thời gian ưu đãi 6 tháng hoặc 6,8%/năm cho thời gian 12 tháng... Ngoài ra, VPBank cho vay 5,9%/năm cho 6 tháng đầu; các ngân hàng khác như HDBank, MSB, ACB, OCB áp dụng mức lãi suất cho vay 6,5-10,5%/năm..

Nhóm ngân hàng Big 4 cũng đưa mức lãi vay thấp để hút khách hàng. BIDV triển khai gói vay vốn nhà ở với lãi suất hấp dẫn nhất thị trường chỉ từ 5%/năm, thời gian vay tới 30 năm, hạn mức tối đa 100% nhu cầu vốn. Trong đó, BIDV áp dụng mức lãi vay 5%/năm trong 6 tháng đầu kể từ thời điểm giải ngân đầu tiên và 5,5%/năm trong 12 tháng đầu tiên kể từ thời điểm giải ngân. Với các khách hàng tại các địa bàn ngoài Hà Nội và TP.HCM, mức lãi suất cho vay mua nhà tối thiểu cố định từ 6% áp dụng trong 24 tháng đầu tiên hoặc 7% trong 36 tháng. Thời gian vay lên tới 30 năm, hạn mức vay tối đa 100%.

Agribank hiện cũng áp dụng mức lãi suất cho vay mua nhà 6%/năm cho thời gian vay tối đa 6 tháng. Đối với khoản giải ngân có thời hạn trên 6 tháng đến 12 tháng, mức lãi suất cho vay tối thiểu là 6,5%/năm. Đối với khoản vay trung và dài hạn, mức lãi suất cho vay trong 24 tháng đầu tiên là 6,5%/năm. Kể từ năm thứ 3, mức lãi suất cho vay sẽ thả nổi.

VietinBank hiện áp dụng lãi suất cho vay mua nhà 5,7%/năm cho các khoản vay ngắn hạn và 6,45% một năm với khách hàng vay trung, dài hạn.

Ngân hàng Vietcombank đang cho vay mua nhà với lãi suất ưu đãi từ 6%/năm trong 6 tháng đầu với các khoản vay ngắn hạn (dưới 12 tháng); hoặc 6,3%/năm trong 6 tháng đầu với các khoản vay trung, dài hạn.

Mặc dù lãi suất cho vay mua nhà đã giảm, song PSG TS Nguyễn Hữu Huân, Trường đại học kinh tế TP.HCM cho rằng, khách hàng cũng nên xem kỹ mức lãi suất cho vay ưu đãi được ngân hàng áp dụng trong thời gian bao lâu cũng như các khoản phí đi kèm. Mặt khác, mức lãi suất giảm hiện nay vẫn chưa thể kích cầu vốn mua nhà, bởi kinh tế khó khăn tác động lên thu nhập của người dân nên khó có thể trả nợ vay dù lãi suất giảm.

Còn đánh giá từ các chuyên gia phân tích của UOB, nhu cầu tín dụng thấp là do nhiều nguyên nhân và có thể phải cần một thời gian để trở lại trạng thái bình thường.

Theo UOB, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng vốn khá mờ nhạt vào đầu năm nay, với tổng tăng trưởng tín dụng đạt 0,26% tính đến ngày 25/3, đã tụt lại so với tốc độ 1,99% cùng kỳ năm trước. Năm 2024, NHNN đặt mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng tín dụng khoảng 15% với khả năng điều chỉnh linh hoạt dựa trên diễn biến kinh tế trong năm.

Tin bài liên quan