Tín dụng tại TP.HCM giảm 0,92% sau 2 tháng đầu năm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP.HCM cho hay, tín dụng 2 tháng đầu năm trên địa bàn TP.HCM giảm 0,92%, cùng kỳ năm 2023 tín dụng giảm 0,11%; năm 2022 tăng 2,65% và năm 2021 tăng 0,57%.
Tín dụng tại TP.HCM giảm 0,92% sau 2 tháng đầu năm

Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, nguyên nhân tín dụng 2 tháng đầu năm giảm do tín dụng tháng 1/2024 giảm mạnh, với mức giảm 0,93% gắn với tính chất thời vụ và đặc điểm tín dụng dịp Tết cổ truyền Âm lịch, thường biến động mạnh do các khoản vay chủ yếu là ngắn hạn.

Tuy nhiên, đặt trong mối liên hệ với môi trường kinh tế xã hội hiện tại, ông Lệnh cho rằng, tín dụng trên địa bàn TP.HCM sẽ duy trì xu hướng tăng trưởng trong thời gian tới, gắn với những yếu tố tác động tích cực.

Trước hết là yếu tố kỹ thuật. Sau khi giảm mạnh vào tháng 1/2024, tín dụng trên địa bàn Thành phố đã tăng trưởng dương trong tháng 2. Mặc dù tốc độ tăng trưởng thấp, với mức tăng 0,01%, song nếu đặt trong khoảng thời gian 16 ngày làm việc của tháng 2/2024, tín dụng duy trì mức tăng trưởng dương là nền tảng để bắt đầu xu hướng tăng trưởng trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, cơ chế chính sách về tiền tệ tín dụng và lãi suất tiếp tục là yếu tố nguồn lực tốt trong vai trò hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, chính sách lãi suất thấp và thị trường tiền tệ ổn định là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp người dân mở rộng và phát triển sản xuất kinh doanh.

Hiện nay, lãi suất cho vay thấp cùng với những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp là yếu tố quan trọng thúc đẩy mở rộng và tăng trưởng tín dụng trong thời gian.

Cuối cùng là những chuyển biến tích cực từ nền kinh tế là yếu tố môi trường thuận lợi cho tăng trưởng tín dụng. Trong đó, tăng trưởng kinh tế thành phố trong 2 tháng đầu năm được duy trì; các hoạt động du lịch thương mại dịch vụ tiếp tục tăng trưởng; một số ngành lĩnh vực phục hồi và có nhiều đơn đặt hàng kỳ hạn, hợp đồng mua bán dài hạn hơn và hoạt động 100% công suất; thu ngân sách và giao dịch mua bán trên các thị trường đã sôi động hơn…

Tuy nhiên, theo ông Lệnh, tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng kinh tế có mối liên quan chặt chẽ với nhau. Để tín dụng mở rộng và tăng trưởng hiệu quả, việc hấp thụ vốn và phát triển các thị trường (hàng hóa, tài chính, bất động sản) cũng như việc sử dụng vốn vay đúng mục đích và hiệu quả của doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng, không chỉ thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn nâng cao hiệu quả quá trình tuần hoàn và chu chuyển vốn trong toàn bộ nền kinh tế.

Trước đó, số liệu được Cục Thống kê TP.HCM đưa ra, tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Thành phố tính đến ngày 29/2 ước đạt 3,53 triệu tỷ đồng, tăng 0,6% so với cuối năm 2023.

Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn ước tính là 1,67 triệu tỷ đồng, chiếm 47,3% tổng dư nợ tín dụng, tăng 0,7% so với cuối năm ngoái. Dư nợ trung hạn, dài hạn ở mức 1.859,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 52,7% tổng dư nợ, tăng 0,5% so với đầu năm.

Còn theo số liệu của NHNN Chi nhánh TP.HCM, tính đến cuối tháng 1, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố đạt hơn 3,5 triệu tỷ đồng, giảm 0,93% so với cuối năm 2023 và tăng 9,27% so với cùng kỳ. Tốc độ giảm này cao hơn mức giảm cùng kỳ năm ngoái (giảm 0,48%) và mức giảm của bình quân cả nước (0,6%).

Tin bài liên quan