Tín dụng nền kinh tế đến ngày 28/1 tăng 2,74%

Tín dụng nền kinh tế đến ngày 28/1 tăng 2,74%

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 28/1/2022, dư nợ tín dụng tăng khoảng 2,74% so cuối năm 2021 (tăng 16,32% so cùng kỳ năm trước và cao hơn nhiều mức tăng 0,53% của tháng 1/2021).

Lãnh đạo NHNN cho biết, dư nợ tín dụng bứt phá ngay từ những ngày đầu năm cho thấy dòng vốn đã khai thông, khả năng phục hồi của doanh nghiệp sau dịch khá tích cực.

Trước đó, tăng trưởng tín dụng đã tăng mạnh trong quý IV/2021. Thông tin NHNN đưa ra, tăng trưởng tín dụng tính đến 31/12/2021 của ngành ngân hàng tăng 13,53% so với cuối năm 2020, đưa tổng dư nợ toàn nền kinh tế lên gần mức 10,44 triệu tỷ đồng tại thời điểm kết thúc năm.

Tính theo con số tăng trưởng dư nợ gần cuối tháng 1/2022, lượng tín dụng được bơm ra trong tháng 1 vào khoảng gần 286.000 tỷ đồng, mức tăng theo tháng mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Trong năm 2022, NHNN dự kiến mở rộng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng lên khoảng 14% và có thể linh hoạt theo định hướng điều hành.

Việc phân bổ tín dụng vào các lĩnh vực sẽ được thực hiện theo các công cụ hạn mức tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng và các phương án điều hành khác.

Tăng trưởng tín dụng sẽ linh hoạt hơn để hỗ trợ nền kinh tế, cùng với gói tín dụng hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng ưu tiên vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực phục hồi kinh tế.

Theo kết quả điều tra xu hướng tín dụng của các tổ chức tín dụng (TCTD) tháng 12/2021 của NHNN, dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được dự báo tăng 5,3% trong quý I/2022 và tăng 14,1% trong năm 2022, điều chỉnh giảm nhẹ so với mức dự báo 14,3% tại kỳ điều tra trước.

Về lãi suất, một số ngân hàng có điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất huy động vốn, nhưng mặt bằng lãi suất huy động - cho vay tính đến cuối năm 2021 vẫn được các TCTD kỳ vọng xu hướng “giảm” so với cuối năm 2020, tuy nhiên mức độ giảm bình quân toàn hệ thống so với cuối năm 2020 có điều chỉnh thu hẹp.

Lãi suất thời gian tới được các tổ chức tín dụng dự báo được giữ ổn định trong quý I/2022 và có thể tăng nhẹ trở lại vào cuối năm 2022.

Tuy nhiên, mức độ rủi ro tín dụng tiếp tục được các TCTD dự báo "tăng" trong 6 tháng đầu năm 2022 nhưng tốc độ "tăng" thấp hơn 6 tháng cuối năm 2021 và được kỳ vọng "giảm nhẹ" trong cả năm 2022 so với năm 2021.

Trong đó, rủi ro tín dụng của một số lĩnh vực như "cho vay phục vụ nhu cầu đời sống", "đầu tư công nghiệp hỗ trợ"; "cho vay đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp"; "đầu tư ngành vận tải, kho bãi"; "kinh doanh xuất nhập khẩu" và rủi ro tín dụng VNĐ được kỳ vọng điều chỉnh "giảm".

Trong 6 tháng đầu năm 2022 và cả năm 2022, các TCTD dự kiến "nới lỏng nhẹ" tiêu chuẩn tín dụng tổng thể của đơn vị mình và áp dụng với hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên.

Các TCTD cho biết, cơ sở để dự kiến "nới lỏng" nhẹ tiêu chuẩn tín dụng trong 6 tháng đầu năm 2022 tiếp tục là kỳ vọng về các yếu tố "Triển vọng kinh tế vĩ mô" khả quan, "Chính sách và định hướng của Chính phủ, NHNN" cùng với "năng lực tài chính của TCTD" được cải thiện hơn.

Bước sang năm 2022, trên cơ sở bám sát Nghị quyết 01 của Chính phủ và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngành ngân hàng đã chủ động, tích cực triển khai quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm ngay từ đầu năm.

Theo số liệu NHNN, lũy kế từ đầu dịch Covid-19 bùng phát đến nay, toàn hệ thống đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ khoảng 620.000 tỷ đồng; miễn, giảm lãi, phí tổng cộng lên tới trên 40.000 tỷ đồng, tích cực tham gia an sinh xã hội hỗ trợ công tác phòng chống dịch trên 3,5 nghìn tỷ đồng từ chính nguồn lực tài chính của hệ thống các TCTD.

Đây là những giải pháp rất kịp thời, có ý nghĩa thiết thực nhằm tiếp tục ổn định, duy trì năng lực tài chính và không bị đứt gãy dòng vốn cho người dân, doanh nghiệp…

Tin bài liên quan