TP.HCM “mở khóa” kênh trái phiếu để huy động vốn làm metro

0:00 / 0:00
0:00
TP.HCM đang xem xét đấu giá quỹ đất dọc các tuyến đường sắt đô thị, phát hành trái phiếu đô thị, trái phiếu chính quyền địa phương, trái phiếu công trình… để có đủ 25 tỷ USD xây dựng 8 tuyến metro trước năm 2035.
TP.HCM “mở khóa” kênh trái phiếu để huy động vốn làm metro

Cách làm mới hoàn toàn

Ngay sau khi Nghị quyết 98/2023/QH15 có hiệu lực, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) đã bắt tay vào nghiên cứu tìm các giải pháp mới để huy động vốn xây dựng 8 tuyến metro. Ông Hoàng Ngọc Tuân, quyền Giám đốc Ban Chuẩn bị đầu tư (thuộc MAUR) cho biết, Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị đặt mục tiêu hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại TP.HCM vào năm 2035.

“Nghĩa là TP.HCM phải hoàn thành khoảng 200 km đường sắt đô thị trong 12 năm tới. Đây là thách thức rất lớn, vì 20 năm qua, Thành phố mới làm được 19,7 km đường sắt đô thị. Nếu tiếp tục làm theo cách như hiện nay, với thời gian chuẩn bị dự án là 4 - 5 năm, thêm thời gian xây dựng 7 - 8 năm, thì không thể thực hiện được”, ông Tuân đánh giá.

Sau khi nghiên cứu nhiều cách thức thực hiện, MAUR đề xuất cách làm mới hoàn toàn. Đối với quy hoạch, thu hồi đất, MAUR đề xuất điều chỉnh quy hoạch tổng chiều dài đường sắt đô thị của TP.HCM từ 220 km hiện nay lên 400 - 500 km, chia thành 2 giai đoạn. Khi quy hoạch, cần xác định luôn ranh giới, vị trí và thiết kế đô thị theo mô hình TOD (phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng) trong bán kính 500 - 1.000 m xung quanh nhà ga. Việc thu hồi đất cho các dự án metro thực hiện cùng quỹ đất TOD, đồng thời đảm bảo có quỹ đất đấu giá và tránh tình trạng đầu cơ.

Đối với thủ tục đầu tư, MAUR đề xuất có thể bỏ qua báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hoặc gom toàn bộ các tuyến còn lại thành 1 - 2 dự án để trình Quốc hội một lần, rồi triển khai theo từng dự án thành phần. “Hầu hết vấn đề chúng tôi đề xuất đều không đúng quy định pháp luật, hoặc chưa có hành lang pháp lý. Nhưng, đúng như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nói, nếu cứ làm theo cách cũ thì 100 năm nữa, TP.HCM mới hoàn thiện được mạng lưới metro”, ông Tuân nhấn mạnh.

“Mở khóa” kênh trái phiếu

Theo tính toán của MAUR, để xây dựng khoảng 200 km đường sắt đô thị, cần khoảng 25 tỷ USD. Để có đủ nguồn vốn này, đơn vị quản lý đường sắt đô thị của Thành phố đề xuất huy động vốn từ 5 nguồn gồm ngân sách nhà nước; đấu giá khai thác quỹ đất theo mô hình TOD; huy động vốn trong nước; vay vốn nước ngoài; phát hành trái phiếu.

Phân tích về tính khả thi của 5 kênh huy động vốn, bà Lê Ngọc Thùy Trang, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) cho rằng, đầu tư metro phụ thuộc vào vốn vay ODA là không khả thi, vì nếu cộng tất cả các phí lại, thì lãi suất cao hơn rất nhiều so với lãi vay ngân hàng thương mại. “Giải pháp khả thi hiện nay là đấu giá đất dọc đường metro, cùng với phát hành trái phiếu đô thị, trái phiếu chính quyền địa phương, trái phiếu công trình”, bà Trang đề xuất.

Tại Tọa đàm “Kết luận 49 và Nghị quyết 98 - Cơ hội, thách thức cho đường sắt đô thị TP.HCM” diễn ra mới đây tại TP.HCM, giải pháp huy động vốn từ đấu giá khai thác quỹ đất theo mô hình TOD, phát hành các loại trái phiếu như trái phiếu đô thị, trái phiếu chính quyền địa phương, trái phiếu quốc tế được các chuyên gia ủng hộ.

Phân tích tính khả thi của các phương án, PGS-TS. Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển giao thông vận tải Việt Đức cho rằng, với mô hình TOD, hiện TP.HCM chưa có quy hoạch. Ngay cả tuyến số 1 sắp đưa vào khai thác cũng chưa triển khai TOD. Vì vậy, ông Tuấn đánh giá cao định hướng phát hành trái phiếu, vì kênh này có thể huy động được 20 - 25 tỷ USD để triển khai.

Chuyên gia này cũng cho rằng, cần xem xét thu phí xe cá nhân vào nội đô hoặc phí dừng, đỗ xe trên lòng đường, vỉa hè. Theo tính toán, lợi nhuận sau khi trừ tất cả các chi phí đến năm 2025 khoảng 2 tỷ USD/năm và đến năm 2030 là 4,4 tỷ USD/năm. “Nguồn vốn này sẽ được dùng để phát triển đường sắt đô thị, phát triển giao thông xanh, vì Nghị quyết 98 đã cho TP.HCM hành lang cơ chế, hoàn toàn có thể triển khai được”, ông Tuấn đề xuất.

Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch bày tỏ lo lắng về việc đấu giá quỹ đất khai thác theo mô hình TOD, bởi việc thu hồi, đền bù đất thế nào đang rất rối. “Thành phố cần làm một đề án nghiên cứu độc lập về khả năng huy động vốn từ TOD”, ông Lịch đặt vấn đề.

Theo ông Lịch, khi xây dựng đề án đầu tư hệ thống đường sắt đô thị cho TP.HCM để trình Bộ Chính trị và thông qua Quốc hội, MAUR phải lý giải chi tiết, đầy đủ việc huy động các nguồn vốn, để Quốc hội không chỉ cho chủ trương, mà còn cả cơ chế thực hiện vì việc triển khai vướng rất nhiều luật và nghị định.

Tin bài liên quan