TPS chỉ ra 6 lý do nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh năm 2023

TPS chỉ ra 6 lý do nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Khối ngoại vẫn bán ròng khá mạnh trong 2 tuần đầu của năm mới 2024 với tổng giá trị đạt gần 2.000 tỷ đồng. Liệu đà bán ròng mạnh mẽ có lặp lại như năm 2023, TPS sẽ chỉ ra các nguyên nhân dẫn tới xu hướng này để nhà đầu tư soi chiếu.

Năm 2023 đã khép lại với nhiều điểm nhấn, bên cạnh chỉ số VN-Index đã hồi phục hơn 12% nhờ diễn biến tích cực của nhóm nhà đầu tư trong nước, trong đó nhà đầu tư cá nhân đã duy trì vị thế mua ròng trong 5 tháng liên tiếp với giá trị hơn 8,3 nghìn tỷ đồng, còn nhà đầu tư tổ chức mua vào gần 800 tỷ đồng, đánh dấu 3 tháng giải ngân liên tiếp.

Trái ngược với sự hấp thụ của dòng tiền trong nước, khối ngoại đã ghi nhận 6 tháng liên tục bán ròng và có phần tăng tốc ở tháng cuối cùng trong năm 2023. Qua đó, khối ngoại đã nâng tổng giá trị bán ròng ở cả năm 2023 lên xấp xỉ 21 nghìn tỷ đồng.

Theo CTCK TPBank (TPS), các nguyên nhân chính dẫn đến động thái bán ròng mạnh của khối ngoại có thể kể đến bao gồm: Thứ nhất, nền kinh tế phục hồi không đạt kỳ vọng khi tăng trưởng tín dụng và GDP lỡ hẹn mục tiêu năm. Cùng với đó, sản xuất vẫn còn yếu (PMI dưới 50) và việc mạo hiểm đánh đổi tăng trưởng với tỷ giá đã khiến USD/VND neo ở mức cao trong giai đoạn cuối năm, từ đó làm dấy lên lo ngại về câu chuyện tỷ giá.

Thứ hai là nhóm doanh nghiệp niêm yết hồi phục chậm. Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết chưa đạt kỳ vọng, đặc biệt là nhóm ngân hàng vốn chiếm tỷ trọng cao nhất thị trường.

Thứ ba là định giá không quá hấp dẫn. Việc tăng mạnh trong giai đoạn tháng 06-09/2023 đã khiến định giá theo P/E của VN-Index vượt mức trung bình 10 năm.

Thứ tư là chốt lời. Nhìn vào biến động của thị trường và dòng tiền đầu tư ròng của khối ngoại, có thể dễ dàng thấy được nhóm nhà đầu tư này đã khôn khéo giải ngân khi thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam có mức chiết khấu lớn và định giá rơi về các mức thấp trong lịch sử. Sau đó, nhà đầu tư ngoại bắt đầu chốt lời dần khi thị trường bước vào nhịp tăng mạnh với thanh khoản bùng nổ. Nhịp bán này càng diễn ra quyết liệt hơn vào những tháng cuối năm.

Thứ năm là thay đổi chính sách ở các thị trường phát triển. Đối với TTCK Mỹ và các nước phát triển, việc chính sách tiền tệ sẽ đảo chiều trong năm 2024 đã giúp dòng tiền tìm về các thị trường này. Đối với Thái Lan, từ ngày 01/01/2024, quy định mới cho phép các cơ quan chức năng đánh thuế thu nhập từ nước ngoài của các cá nhân đã có ảnh hướng đến sự dịch chuyển dòng vốn của nước này tại Việt Nam trong thời gian qua.

Thứ sáu là sự hấp dẫn từ các thị trường khác. TTCK Mỹ đang cho thấy xu hướng tăng rõ nét và mạnh mẽ sau khi các chỉ số chứng khoán của nước này đều vượt đỉnh để mở ra triển vọng tăng dài hạn sau khi Fed phát đi các thông điệp đảo chiều chính sách; trong khi TTCK Thái Lan đang có mức chiết khấu lớn (quanh 15%) sau năm 2023 đầy biến động.

Đáng chú ý, thanh khoản thị trường tiếp tục vận động ở mức thấp với giá trị trung bình gần 14.000 tỷ đồng/phiên tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024, kém xa so với mức cao trong 10 tháng đầu năm 2023 là hơn 21.000 tỷ đồng/phiên.

Các cổ phiếu được nhà đầu tư nước ngoài mua/bán ròng hàng đầu

Các cổ phiếu được nhà đầu tư nước ngoài mua/bán ròng hàng đầu

Ở chiều mua, HPG, HSG, FRT, HDB... là các cổ phiếu được nhà đầu tư nước ngoài mua nhiều nhất năm 2023. Ngược lại, các cổ phiếu bị bán mạnh nhất là STB, MWG, VPB, VHM, VNM...

Tin bài liên quan