Trung Quốc nỗ lực lấy lại tăng trưởng

Trung Quốc nỗ lực lấy lại tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với một loạt vấn đề do chính sách của họ gây ra.

Chính sách “Zero Covid” hà khắc đã khóa chặt nền kinh tế Trung Quốc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chi tiêu tiêu dùng của người dân và làm giảm sản lượng của các nhà máy. Bên cạnh đó, việc chính quyền nước này áp dụng chính sách khắc nghiệt với các doanh nghiệp tư nhân và chính sách thịnh vượng chung đã làm tê liệt ngành công nghệ thông tin – lĩnh vực công nghiệp năng động một thời.

Bong bóng nợ trong lĩnh vực bất động sản đã dẫn đến những vụ sụp đổ khó lường, bao gồm cả vụ vỡ nợ của Evergrande, một nhà phát triển bất động sản khổng lồ.

Trong khi đó, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine đang đẩy giá lương thực, năng lượng và các mặt hàng khác do Trung Quốc nhập khẩu trên toàn cầu tăng lên. Vì tất cả những lý do này, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) gần đây đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc xuống 4,4% trong năm nay.

Bloomberg Economics thậm chí còn đưa ra dự đoán mức tăng trưởng 2% cho chỉ số GDP của nền kinh tế số 2 thế giới và kỳ vọng lần đầu tiên kể từ năm 1976 đến nay, Hoa Kỳ sẽ vượt lên Trung Quốc về tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Khó khăn trong ngắn hạn cùng với những khó khăn trong dài hạn như tăng trưởng năng suất chậm lại, nhân khẩu học giảm và tình trạng chảy máu chất xám tiếp tục diễn ra trong giới công nghệ và doanh nhân, Trung Quốc đang bị thử thách vị trí đầu tàu kinh tế của mình.

Hiển nhiên là Trung Quốc sẽ phải hành động.

Thứ nhất, suy thoái kinh tế làm tổn thương rất nhiều người bình thường. Hơn 1,3 tỷ người Trung Quốc sẽ phải chịu gánh nặng của sự hỗn loạn kinh tế, khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới suy thoái.

Trong một nỗ lực nhằm thoát khỏi tình trạng này, Chính phủ Trung Quốc đã có kế hoạch bơm 5.300 tỷ USD vào nền kinh tế - quy mô tương đương 1/3 GDP - thông qua các biện pháp tài khóa và tiền tệ trong năm nay, bao gồm tăng cho vay đối với các doanh nghiệp nhỏ, cắt giảm thuế và phí hành chính, và trợ cấp mua hàng của người tiêu dùng.

Có một điểm mà các nhà đầu tư có thể lưu ý khi kinh tế Trung Quốc phải đối phó với các thách thức nội tại, đó là cơ hội vươn lên của các doanh nghiệp, nền kinh tế có khả năng xuất khẩu khác.

Nếu như năm ngoái, “bùng nổ” là một từ được dùng để miêu tả về cách nền kinh tế Trung Quốc được hưởng lợi từ việc thay đổi nhu cầu toàn cầu khi các chính phủ trên thế giới áp đặt các biện pháp hạn chế để phòng chống dịch bệnh Covid-19, làm giảm chi tiêu cho nhà hàng, du lịch và các dịch vụ khác và khuyến khích mua hàng hóa.

Nhưng năm nay, các lô hàng máy tính xách tay của Trung Quốc đã giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái, phản ánh xu hướng suy yếu tăng trưởng xuất khẩu của nước này, hiện thậm chí có thể giảm xuống.

Trong bối cảnh gián đoạn chuỗi cung ứng do lệnh “đóng cửa” ở nhiều địa phương để phòng chống dịch, xuất khẩu của Trung Quốc chỉ tăng 3,9% trong tháng 4 tính theo đồng USD. Đây là mức tăng yếu nhất của quốc gia này kể từ tháng 7/2020.

Chuyên gia Lu ở Nomura cho biết, việc đóng cửa ở Thượng Hải và các thành phố khác sẽ khiến các nhà cung cấp Trung Quốc gặp bất lợi trước các đối thủ quốc tế.

“Sản xuất ở những nơi khác trên thế giới đã trở lại bình thường, vì vậy, hàng xuất khẩu của Trung Quốc sẽ phải đối mặt với nhiều cạnh tranh hơn”, Lu nói và cho biết thêm rằng, các hạn chế sẽ thúc đẩy đối tác xuất khẩu của Trung Quốc chuyển đơn hàng sang quốc gia khác.

"Tôi không biết quy mô, nhưng tôi tin rằng nó đang xảy ra", Lu nói.

Tin bài liên quan