Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội đối với dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) sáng 19/6.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội đối với dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) sáng 19/6.

Từ khi Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực, người nước ngoài chỉ sở hữu khoảng 3.000 căn chung cư...

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu như trên và cho rằng, số lượng nhà ở mà người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam không lớn, không ảnh hưởng đến nhu cầu mua nhà ở của công dân trong nước. 

Sáng 19/6, cuối phiên thảo luận hội trường về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã trình bày trước Quốc hội báo cáo Dự kiến tiếp thu, giải trình bước đầu ý kiến thảo luận tại tổ (ngày 5/6/2023) đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật này.

Liên quan đến thời hạn sở hữu nhà chung cư, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ 02 phương án quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn và không quy định về thời hạn, sau đó, Chính phủ đã quyết định báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn phương án có quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến cho rằng, đây là vấn đề có tính nhạy cảm cao, tác động lớn đến xã hội và vẫn còn có những ý kiến chưa thống nhất. Do vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo đã đề nghị Chính phủ cho phép tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là không quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) để trình Quốc hội cho ý kiến.

Về ý kiến liên quan đến người nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam, Bộ trưởng Xây dựng nói rằng, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) kế thừa các quy định của Luật Nhà ở 2014, trong đó có quy định điều kiện được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam của cá nhân người nước ngoài là phải được phép nhập cảnh vào Việt Nam.

Theo thống kê cho thấy, từ khi Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực, số lượng nhà ở mà người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam không lớn, chỉ khoảng 3.000 căn, chủ yếu là căn hộ chung cư tại các dự án phát triển nhà ở thương mại; không ảnh hưởng đến nhu cầu mua nhà ở của công dân trong nước.

Bên cạnh đó, Luật cũng đã quy định người nước ngoài chỉ được mua nhà ở thương mại trong các dự án không thuộc khu vực cần bảo đảm an ninh, quốc phòng và chỉ được mua không vượt quá 30% căn hộ trong một tòa nhà, hoặc 250 căn nhà riêng lẻ trên 1 đơn vị hành chính có số dân tương đương cấp phường..., do đó sẽ không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách nhà ở khác của Nhà nước như chính sách nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, nhà cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị.

"Mặt khác, Nghị quyết số 18/NQ-TW cũng không đề cập đến quy định này, do đó, đề nghị giữ nguyên quy định tại dự thảo để tiếp tục chính sách khuyến khích thu hút đầu tư nước ngoài trong giai đoạn hiện nay", ông Nghị nói.

Về quy định hình thức sử dụng đất để phát triển nhà ở thương mại

Một số ý kiến cho rằng cần mở rộng thêm các loại hình đất khác để được chấp thuận chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại nhằm tăng nguồn cung về nhà ở cho thị trường.

Cơ quan chủ trì soạn thảo cho rằng, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về trường hợp sử dụng đất được thực hiện để phát triển nhà ở thương mại nhằm bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các chủ sử dụng đất, thúc đẩy phát triển nhà ở.

Tuy nhiên, trên cơ sở ý kiến nêu trên, Cơ quan chủ trì soạn thảo dự kiến sẽ báo cáo Chính phủ để tiếp thu và tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh lại quy định nêu trên để bảo đảm tính thống nhất với Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư

Một số ý kiến đề nghị phải bổ sung trình tự, thủ tục di dời người dân để bảo đảm tính khả thi khi thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Đồng thời, có biện pháp cưỡng chế cần thiết để bảo đảm thực hiện việc di dời.

Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị rà soát quy định về việc người dân đóng góp kinh phí kiểm định đánh giá chất lượng nhà chung cư, kinh phí để thực hiện cải tạo xây dựng lại nhà chung cư trong dự thảo Luật và xem xét tổng thể các quy định có liên quan như: trình tự, thủ tục đầu tư, đền bù, giải phóng mặt bằng, bố trí nhà ở tạm thời trong thời gian thực hiện dự án... để bảo đảm tính khả thi.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nói rằng, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã dành một Chương để quy định về chính sách cải tạo, xây dựng nhằm phá dỡ các chung cư hư hỏng nghiêm trọng, bảo vệ an toàn cho người và tài sản của cư dân tại các khu nhà này, đồng thời góp phần chỉnh trang đô thị. Tuy nhiên, Cơ quan chủ trì soạn thảo dự kiến báo cáo Chính phủ để tiếp tục rà soát, bổ sung, làm rõ hơn các nội dung có liên quan như ý kiến của đại biểu trình Quốc hội để bảo đảm tính khả thi, thúc đẩy nhanh việc thực hiện các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.

Về chính sách phát triển nhà ở xã hội

Cơ quan chủ trì soạn thảo dự kiến báo cáo Chính phủ tiếp thu các nội dung sau: góp ý về loại nhà và tiêu chuẩn diện tích nhà ở xã hội; giao Chính phủ quy định tỷ lệ nhất định trong ngân sách địa phương dành để phát triển nhà ở xã hội; ưu đãi chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội; thủ tục hành chính liên quan giá bán, thuê mua nhà ở xã hội; bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Tổng Liên đoàn Việt Nam khi thực hiện giao dịch nhà ở...

Bên cạnh đó, đối với các ý kiến đề nghị xác định tỷ lệ phần trăm tối thiểu, cụ thể của tiền sử dụng đất của các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị; không quy định trích tiền sử dụng đất của các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để chi một số nhiệm vụ chi cụ thể cho nhà ở xã hội; quy định trách nhiệm của chủ đầu tư nhà ở thương mại, khu đô thị phải đóng góp một phần tiền để đầu tư nhà ở xã hội;...

Bộ trưởng cho biêt, mỗi địa phương có nhu cầu nhà ở xã hội khác nhau, nguồn ngân sách khác nhau, do đó việc để UBND cấp tỉnh báo cáo HĐND cùng cấp quyết định tỷ lệ trích từ nguồn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn là phù hợp với thực tế cũng như các pháp luật có liên quan như pháp luật về ngân sách, pháp luật về tổ chức chính quyền địa phương.

"Tuy nhiên, cơ quan chủ trì soạn thảo dự kiến báo cáo Chính phủ tiếp thu và sẽ bổ sung trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật theo hướng chỉ quy định tỷ lệ nhất định trong ngân sách địa phương...", ông Nghị nói.

Đồng thời, Bộ trưởng Xây dựng cũng khẳng định, việc không quy định thêm trách nhiệm của chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, khu đô thị đóng góp kinh phí để xây dựng nhà ở xã hội là phù hợp, do dự thảo Luật đã quy định dành một tỷ lệ nhất định nguồn tiền thu được từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn để thực hiện hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên phạm vi địa bàn.

Về ưu đãi chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội

Bộ trưởng nói rằng, việc xác định cụ thể về tỷ lệ quỹ đất riêng để xây dựng công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại trong dự án nhà ở xã hội phải được thực hiện theo pháp luật về quy hoạch đô thị và pháp luật về xây dựng.

Quy định về lợi nhuận định mức 10% chỉ đối với phần diện tích xây dựng nhà ở xã hội là nhằm tháo gỡ bất cập hiện nay là lợi nhuận định mức được tính chung cho toàn bộ dự án (bao gồm phần nhà ở thương mại).

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng đã quy định trong giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội có tính đến các chi phí hợp lý, hợp lệ khác của doanh nghiệp, là đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp. Mặt khác, chủ đầu tư cũng được hưởng ưu đãi phần diện tích kinh doanh dịch vụ, thương mại (đất hoặc sàn) và chủ đầu tư được hưởng toàn bộ lợi nhuận đối với phần diện tích này. Như vậy, về tổng thể dự án, chủ đầu tư có thể có lợi nhuận lớn hơn 10% lợi nhuận định mức của cả dự án như quy định của Luật Nhà ở hiện hành.

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng tiếp thu, giải trình hàng loạt vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm khác như chính sách phát triển nhà lưu trú công nhân khu công nghiệp, phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang, về quản lý sử dụng nhà chung cư và nhiều nội dung khác.

Dự kiến, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XV diễn ra vào tháng 10/2023.

Tin bài liên quan