Đồ họa: Ngọc Tuấn

Đồ họa: Ngọc Tuấn

Từ PVI Sun Life, dự báo “số phận” các liên doanh bảo hiểm

(ĐTCK) Đầu tháng 11/2016, Tập đoàn tài chính Sun Life thông báo đã hoàn tất thương vụ nhận chuyển nhượng 25% phần vốn còn lại trong liên doanh PVI Sun Life từ PVI, đồng thời đổi tên liên doanh thành Sun Life Việt Nam, 100% vốn của Sun Life. Rất có thể thị trường sẽ xuất hiện các thương vụ M&A tương tự trong khối liên doanh bảo hiểm.

Lối tắt tham gia thị trường

Sun Life mua lại phần vốn góp trong liên doanh là thông tin không mấy bất ngờ đối với thị trường, bởi lâu nay, đó là một phần trong chiến lược phát triển của tập đoàn này. Nếu có bất ngờ, có lẽ là thời điểm thực hiện, vì thương vụ diễn ra “hơi nhanh” so với dự đoán của thị trường.

Theo ông Kevin Strain, Chủ tịch Tập đoàn Tài chính Sun Life tại châu Á, Việt Nam là một trong những nền kinh tế có thị trường bảo hiểm nhân thọ và hưu trí phát triển nhanh nhất châu Á. Thương vụ mua lại phần vốn góp trong liên doanh PVI Sun Life sẽ giúp Tập đoàn tăng cường hoạt động tại Việt Nam.

Kể từ khi bắt đầu hoạt động vào năm 2013, PVI Sun Life đã đạt được vị trí công ty bảo hiểm nhân thọ lớn thứ 6 trên thị trường và là công ty tiên phong trong lĩnh vực bảo hiểm hưu trí. Nhiều ý kiến cho rằng, việc mua thêm phần vốn góp và tiến tới mua toàn bộ phần vốn góp từ đối tác trong liên doanh PVI Sun Life của Tập đoàn Sun Life cho thấy, có thể liên doanh chỉ là cách nhanh nhất và dễ nhất để các tập đoàn tài chính nước ngoài tham gia vào một thị trường bảo hiểm nhân thọ đầy tiềm năng, nhưng cũng không ít thách thức như thị trường Việt Nam.

Nhìn vào hoạt động của những liên doanh bảo hiểm nhân thọ đang hoạt động tại Việt Nam như Vietcombank Cardif hay VietinAviva có thể thấy, phần lớn những liên doanh này chưa thực sự tạo được dấu ấn.

Sau nửa thập kỷ có mặt tại Việt Nam, thị phần của những liên doanh bảo hiểm hiện vẫn còn rất khiêm tốn. Hơn 80% thị phần của thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam đang thuộc về những doanh nghiệp bảo hiểm lớn, gần 20% thị phần còn lại thuộc các doanh nghiệp bảo hiểm mới vào thị trường, trong đó một phần rất nhỏ là của các liên doanh bảo hiểm.

Mặc dù thời gian qua, các liên doanh này đã có những bước đi đột phá và đầu tư mạnh vào các kênh phân phối, đại lý để tìm kiếm khách hàng mới, thay vì chỉ bán qua ngân hàng với nguồn dữ liệu khách hàng của ngân hàng đối tác, song về tổng thể, sự thay đổi này vẫn chưa giúp các liên doanh bảo hiểm có những cải thiện mang tính “bước ngoặt”.

Không như BIDV và Vietinbank có các công ty bảo hiểm thành viên hoạt động mạnh, nhưng Vietcombank cũng kịp có 1 liên doanh Vietcombank Cadif (VCLI) thành lập năm 2008 

Bài toán “đầu ra”

Một chuyên gia trong ngành cho rằng, không chỉ trong lĩnh vực bảo hiểm, mà trong bất cứ ngành nào ở thị trường Việt Nam, hình thức liên doanh đều có những khó khăn nhất định, đặc biệt là trong việc đạt được những thỏa thuận chung về mục tiêu, cũng như chiến lược phát triển của liên doanh. Liên doanh trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ lại càng khó thành công hơn, vì đây là lĩnh vực đòi hỏi người lãnh đạo công ty phải có kinh nghiệm, chuyên môn cao, trong khi số vốn đầu tư lớn, mà phải là đầu tư lâu dài.

“Đối với một công ty bảo hiểm nhân thọ mới tham gia thị trường, việc có thể hòa vốn sau 7 - 8 năm hoạt động là chuyện hết sức bình thường”, vị chuyên gia trên cho biết.

Thực tế, trước khi Tập đoàn Sun Life quyết định mua lại toàn bộ phần vốn của PVI trong liên doanh, thị trường bảo hiểm cả nhân thọ và phi nhân thọ Việt Nam đã từng chứng kiến một số thương vụ mua bán tương tự. Chẳng hạn, thương vụ Dai-ichi Life mua lại liên doanh bảo hiểm nhân thọ Bảo Minh - CMG, hay BIDV mua lại vốn góp của Tập đoàn Bảo hiểm QBE trong liên doanh bảo hiểm Việt Úc và chuyển thành công ty con là Bảo hiểm BIDV (BIC). Sau M&A, cả Dai-ichi Life Việt Nam và BIC đều là những công ty bảo hiểm có tốc độ phát triển nhanh và có thị phần đáng kể tại thị trường bảo hiểm Việt Nam, không còn hoạt động mờ nhạt như trước đó.

Quay trở lại câu chuyện hoạt động của các liên doanh bảo hiểm nhân thọ tại thị trường Việt Nam. Thực ra, cùng với câu chuyện chọn hình thức liên doanh để rút ngắn thời gian thâm nhập thị trường thì liên doanh cũng là cách để các bên tận dụng thế mạnh của nhau. Ví dụ, PVI Sun Life trước đây cũng tận dụng được thế mạnh của PVI để bán các sản phẩm bảo hiểm cho doanh nghiệp như bảo hiểm hưu trí; các liên doanh khác như Vietcombank Cardif , VietinAviva, MetLife BIDV… có thể tận dụng hệ thống ngân hàng để bán các sản phẩm bảo hiểm.

Mạng lưới chi nhánh của các ngân hàng thương mại từng được coi là thế mạnh “độc quyền” để các liên doanh này phát triển kênh bancassurance. Có thể các đối tác liên doanh cũng đã từng kỳ vọng vào kênh này, nhưng thực tế thị trường bảo hiểm Việt Nam có nhiều điểm khác với những thị trường khác. Kênh bancassurance mới chỉ chiếm khoảng 10% doanh thu khai thác phí mới, nếu tính tổng doanh thu thì tỷ lệ này còn thấp hơn nhiều. Tỷ lệ doanh thu phí từ kênh bancassurance tại thị trường Việt Nam còn một khoảng cách khá xa so với tỷ lệ doanh thu từ 30 - 50% tại một số thị trường trong khu vực.

Dù thị trường tài chính của Việt Nam đã khá phát triển, nhưng thói quan tiêu dùng tiền mặt vẫn là lực cản lớn để kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Chính vì thế, lợi thế độc quyền kênh ngân hàng chưa chắc đã phát huy hết thế mạnh. Đó cũng chính là lý do đã có liên doanh phải mở thêm “lối đi khác” ngoài bancassurance. Kênh đại lý đã được lựa chọn. Việc tìm lối đi khác của thương hiệu bảo hiểm đó đã thành công.

Thị trường có nhiều hướng nhìn nhận về tương lai của các liên doanh bảo hiểm nhân thọ hiện nay. Trong những luồng nhận định đó cũng có ý nghiêng về khả năng sẽ có liên doanh đi theo con đường Sun Life đã đi. Tất nhiên, đó chỉ là những đoán định. Còn hiện tại, không thể phủ nhận các liên doanh bảo hiểm sau nhiều năm hoạt động tại thị trường Việt Nam vẫn chưa tạo được nhiều dấu ấn. Chính vì thế, nếu không có những thay đổi mạnh mẽ hơn nữa thì các liên doanh bảo hiểm rất khó cải thiện được thị phần, cũng như vị trí trong lòng khách hàng.

Tin bài liên quan