Tỷ giá biến động với các chiều hướng ngược nhau

0:00 / 0:00
0:00
Tỷ giá VND/ngoại tệ là một “huyệt” quan trọng đối với nền kinh tế trong cơ chế thị trường, nên việc “bấm” vào “huyệt” này cần hết sức thận trọng. Sự thận trọng càng được quan tâm hơn khi tỷ giá biến động theo các chiều hướng ngược nhau.
Tỷ giá biến động với các chiều hướng ngược nhau

Chiều hướng khác nhau thứ nhất do tỷ giá tăng/giảm có những tác động tích cực và các hiệu ứng phụ ngược chiều. Vì lẽ đó, chẳng có nước nào chỉ có tăng hay giảm tỷ giá một chiều mà “bấm” vào “huyệt” tỷ giá, mà phải phụ thuộc vào việc lựa chọn mục tiêu nào là chủ yếu, đặc biệt là cặp chỉ tiêu tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, nhất là kiểm soát lạm phát. Cả 2 mục tiêu này đối với Việt Nam hiện nay đều quan trọng.

Đối với tăng trưởng kinh tế, sau 2 năm (2020 và 2021), tốc độ tăng thấp xuống chỉ bằng dưới một nửa so với mấy năm trước (do đại dịch Covid-19 xuất hiện năm 2020, bùng phát năm 2021); với mục tiêu tốc độ tăng bình quân 2021-2025 là 6,5-7%/năm, thì phục hồi tăng trưởng là mục tiêu có tầm quan trọng hàng đầu.

Mặc dù tăng trưởng kinh tế 2022 được dự báo sẽ tăng trên 7%, thậm chí có thể cán mốc 7,5% - vượt mục tiêu đề ra và thuộc loại cao hàng đầu ở khu vực châu Á và trên thế giới, nhưng không phải tăng nóng bởi được so sánh trên số gốc thấp của năm trước, nên vẫn cần ưu tiên cho tăng trưởng. Theo đó, có thể tăng tỷ giá để khuyến khích xuất khẩu, góp phần đạt xuất siêu cao hơn và là năm thứ 7 liên tiếp xuất siêu, góp phần vào tăng trưởng kinh tế.

Đối với ổn định kinh tế vĩ mô, sức ép đối với lạm phát đã không còn lớn như dự báo trước đây. Thực tế, CPI bình quân 8 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước còn ở mức thấp (2,58%), dự báo cả năm cũng không vượt quá mục tiêu khoảng 4% - tức là lạm phát được kiểm soát theo mục tiêu và đây là năm thứ 7 có thể thực hiện được.

Về tiền tệ, lạm phát cơ bản còn thấp hơn CPI, định hướng tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức cao không bao nhiêu so với tốc độ tăng trong 2 năm trước, sau 8 tháng mới ở mức gần 10,5%, cách không bao nhiêu so với định hướng 14%. Yếu tố tổng quát là tiêu dùng cuối cùng tuy tăng cao, nhưng chủ yếu là do so với mức thấp đã bị “bào mòn” qua đại dịch, tính tự cấp - tự túc và tiết kiệm, thậm chí là “thắt lưng buộc bụng”, vẫn còn tồn tại ở nhiều người tại nhiều vùng, nhiều đối tượng, ngành nghề…

Chiều hướng ngược nhau thứ hai thể hiện ở chỗ, tỷ giá VND/USD chịu sức ép tăng, còn tỷ giá VND/nhiều ngoại tệ khác lại khác, do tỷ giá các ngoại tệ khác/USD cũng tăng tùy theo từng nước. Không ít nước này cũng là thị trường xuất nhập khẩu rất lớn của Việt Nam. Nếu tốc độ tăng tỷ giá VND/USD cao hơn tốc độ tăng tỷ giá ngoại tệ khác/USD, thì với các thị trường này, xuất khẩu của Việt Nam sẽ có lợi, nhập khẩu sẽ bất lợi. Nhưng nếu tốc độ tăng tỷ giá VND/USD thấp hơn tốc độ tăng tỷ giá ngoại tệ khác/USD, thì xuất khẩu sẽ bất lợi, nhập khẩu có lợi.

Do vậy, việc điều chỉnh tỷ giá VND/USD phải có sự so sánh với tốc độ tăng của tỷ giá các ngoại tệ khác/USD, để tránh chiều hướng ngược nhau thứ 2 này.

Biến động tỷ giá VND/USD từ đầu năm đến nay có 2 điểm đáng lưu ý. Nếu tính bình quân 8 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước, mới tăng 0,37% - là tốc độ tăng thấp sau 3 năm bị tăng thấp và giảm. Nhưng nếu tháng 8/2022 so với tháng 8/2021 (tức là sau 1 năm), thì tăng 2,41%; so với tháng 12/2021 (tức là sau 8 tháng) tăng 2,32%.

Trong khi đó, CPI của Mỹ sau 1 năm đã tăng cao nhất trong mấy chục năm và vượt xa so với định hướng (2%); CPI của nhiều nước cũng trong tình hình tương tự. Những nước này thời gian qua đã giảm giá khá mạnh đồng nội tệ so với USD. Chỉ số USD Index so sánh với 6 đồng tiền chủ yếu khác đã tăng khá cao so với cách đây mấy năm (từ dưới 90 điểm lên trên dưới 110 điểm hiện nay).

Tỷ giá VND/USD có một số điểm đáng quan tâm: chênh lệch giữa tỷ giá sức mua tương đương và tỷ giá hối đoái của Việt Nam còn cao so với nhiều nước là đối tác thương mại lớn của Việt Nam; sau điều chỉnh giá nội tệ/USD, giá nội tệ của nhiều nước đã giảm mạnh hơn nhiều so với mức giảm của VND so với USD.

Theo đó, có thể tăng tỷ giá VND/USD (giảm giá VND) để khuyến khích xuất khẩu, giữ xuất siêu cả năm ở mức 8-10 tỷ USD, góp phần tăng trưởng GDP cao hơn. Do vậy, tốc độ tăng giá USD cả năm có thể ở mức 4% được coi là hợp lý, tương ứng dự kiến lãi suất của Mỹ khoảng 4% trong năm nay.

Tin bài liên quan