UniCredit bị loại khỏi danh sách các ngân hàng quan trọng trong hệ thống toàn cầu

UniCredit bị loại khỏi danh sách các ngân hàng quan trọng trong hệ thống toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hôm thứ Hai (27/11), Ủy ban Ổn định Tài chính (FSB) đã loại UniCredit của Ý khỏi danh sách các ngân hàng quan trọng đối với hệ thống toàn cầu, đưa tổng số ngân hàng trong danh sách giảm xuống còn 29 từ mức 30 vào năm ngoái.

Danh sách các ngân hàng quan trọng đối với hệ thống toàn cầu (G-SIBs) dựa trên nhiều yếu tố, chẳng hạn như quy mô ngân hàng, mức độ liên kết và độ phức tạp. Những ngân hàng được xem là quan trọng về mặt hệ thống phải tuân thủ các yêu cầu bổ sung đối với các tiêu chuẩn áp dụng cho tất cả các ngân hàng hoạt động quốc tế và bao gồm mức bộ đệm vốn cao hơn cũng như kỳ vọng giám sát.

Cùng với UniCredit, Credit Suisse cũng bị loại khỏi danh sách và Ngân hàng Truyền thông Trung Quốc lần đầu tiên được thêm vào, nên tổng số ngân hàng trong danh sách giảm từ 30 vào năm 2022 xuống còn 29.

UBS đã được chuyển sang nhóm cao hơn trong năm nay do việc tiếp quản Credit Suisse, làm tăng yêu cầu về vốn đệm.

Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc và Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc cũng chuyển sang nhóm cao hơn.

Để được đưa vào danh sách các ngân hàng quan trọng với hệ thống tài chính toàn cầu, các tổ chức phải đạt được các yêu cầu do FSB đưa ra, trong đó bao gồm:

Bộ đệm vốn cao hơn: Kể từ bản cập nhật tháng 11/2012, G-SIB đã được phân bổ vào các nhóm tương ứng với mức dự trữ vốn cao hơn mà chính quyền quốc gia yêu cầu phải nắm giữ theo tiêu chuẩn quốc tế. Các yêu cầu về bộ đệm vốn cho G-SIB được xác định trong bản cập nhật vào tháng 11 hàng năm sẽ áp dụng kể từ 14 tháng sau. Do đó, việc chỉ định G-SIB cho các nhóm trong danh sách vừa được công bố, sẽ xác định các yêu cầu về đệm vốn cao hơn sẽ áp dụng cho mỗi G-SIB kể từ ngày 1/1/2025.

Tổng năng lực hấp thụ tổn thất (TLAC): G-SIB được yêu cầu phải đáp ứng tiêu chuẩn TLAC, bên cạnh các yêu cầu về vốn pháp định được quy định trong khuôn khổ Basel III. Tiêu chuẩn TLAC bắt đầu được áp dụng theo từng giai đoạn từ ngày 1/1/2019.

Khả năng tái cấu trúc trong khủng hoảng: Những yêu cầu này bao gồm lập kế hoạch giải quyết trên toàn danh sách và đánh giá khả năng giải quyết thường xuyên. Khả năng giải quyết của từng G-SIB được xem xét trong Quy trình đánh giá khả năng tái cấu trúc (RAP) của FSB.

Kỳ vọng giám sát cao hơn: Những yêu cầu này bao gồm kỳ vọng giám sát đối với chức năng quản lý rủi ro, khả năng tổng hợp dữ liệu rủi ro, quản trị rủi ro và kiểm soát nội bộ.

Tin bài liên quan