Vì sao ngân hàng trung ương các nước tăng cường mua vàng?

Vì sao ngân hàng trung ương các nước tăng cường mua vàng?

Hiện có ý kiến cho rằng giá vàng tăng cao là biểu hiện của bong bóng giá. Vì sao các Ngân hàng Trung ương như Nga, Srilanca, Nam Phi vẫn tiếp tục mua vàng?

Trả lời:

Sau khi giá vàng tăng mạnh mẽ bứt qua các mức kỷ lục và lập đỉnh hơn 1.200 USD/ounce thì đã có sự sụt giảm mạnh trong gần hai tuần qua về quanh vùng 1.100 USD/ounce. Khi giá tăng quá nhanh trước đây, đã có nhiều ý kiến cho rằng giá vàng đang có biểu hiện bong bóng giá, có thể vỡ bất cứ lúc nào, và trong 2 tuần vừa qua thì nhận định về bong bóng giá vàng càng được chú ý nhiều hơn.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, ngân hàng trung ương các nước vẫn đang thực hiện động thái mua vàng vào. Ví dụ điển hình là ngày 23/11, Ngân hàng Trung ương Nga công bố đã mua 15,6 tấn vàng trong tháng 10 để bổ sung cho dự trữ. Thế nhưng, không giống như Ấn Độ, Nga mua vàng từ chính mỏ của nước này. Số vàng mua thêm chiếm 2,7% trên tổng số 568,4 tấn vàng mà Nga sở hữu tính đến tháng 9/2009. Vàng đóng góp 4,3% trong dự trữ của Ngân hàng Trung ương Nga. Srilanka cũng nối bước Ấn Độ và Mauritius, trở thành ngừơi mua 2 tấn vàng từ Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Xu thế này khiến không ít người lo ngại: thông thường, các ngân hàng trung ương thường mua USD cho dự trữ ngoại tệ, việc nhóm đối tượng này quan tâm nhiều hơn đến vàng có thể coi như dấu hiệu mới nhất về sự đi xuống của đồng USD trong vai trò đồng tiền dự trữ chủ chốt của thế giới.

Có thể thấy rằng, đồng USD sẽ tiếp tục bị mất giá hơn nữa do các chính sách nới lỏng tiền tệ và lãi suất thấp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), vì vậy ngân hàng trung ương các nước chọn giải pháp đa dạng hoá sang các loại tài sản khác ngoài USD. Bên cạnh đó, nguy cơ lạm phát cao có thể diễn ra trong giai đoạn này trên hầu hết các đồng tiền chính, dẫn đến giá kim loại quý và hàng hóa leo thang lên mốc cao mới một lần nữa, do đó việc dự báo giá vàng lên 1.300 - 1.400 USD/ounce trong giai đoạn tiếp theo cũng là có căn cứ.

Từ những điều trên, đã dẫn tới xu thế chung của ngân hàng trung ương các nước là mua vàng vào dự trữ thay cho USD và các lọai tiền giấy khác, bất chấp nhiều ý kiến cho rằng, vàng có thể đang trong bong bóng giá. Thực tế, giá vàng lên chậm và khá vững chắc, trong đó thường xuyên có hiện tượng chốt lời khi thông tin kinh tế có sự chuyển biến và biên độ thường khá lớn từ 50 - 100 USD/ounce cho các đợt điều chỉnh và chốt lời. Do đó, chúng tôi khuyên các NĐT cần thận trọng tuân thủ biện pháp chốt lời dừng lỗ có quy tắc và đúng thời điểm.