Thiên tai lũ lụt miền Trung năm 2020 Ảnh Lê Toàn

Thiên tai lũ lụt miền Trung năm 2020 Ảnh Lê Toàn

Việt Nam tham gia công cụ bảo hiểm rủi ro thiên tai Đông Nam Á

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bộ Tài chính vừa ký Biên bản ghi nhớ (MoU) để trở thành thành viên thứ 8 của công cụ bảo hiểm rủi ro thiên tai Đông Nam Á (SEADRIF) bao gồm các quốc gia Campuchia, Indonesia, Lào, Myanmar, Philippines, Singapore và Nhật Bản và Việt Nam.

SEADRIF là một nền tảng hợp tác khu vực của các nước thuộc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc (ASEAN+3) nhằm tăng cường năng lực tự cường tài chính đối với rủi ro thiên tai và khí hậu trong khu vực ASEAN.

Với việc tham gia SEADRIF, Việt Nam sẽ tiếp cận các giải pháp kỹ thuật, tài chính của khu vực và quốc tế giúp tăng cường khả năng bảo vệ tài chính quốc gia và người dân trước những cú sốc về thiên tai và khí hậu.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, việc tham gia vào các cơ chế hợp tác khu vực và quốc tế như SEADRIF sẽ giúp Việt Nam tăng cường năng lực và khả năng ứng phó với các tác động thiên tai bằng các công cụ tài chính mới.

SEADRIF là sáng kiến đầu tiên cơ chế tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai tại châu Á được thành lập vào tháng 12 năm 2018 với sự phê duyệt của các Bộ trưởng tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương ASEAN+3 và hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới.

Với tư cách là thành viên SEADRIF, Việt Nam có thể cùng với các quốc gia khác thiết kế, phát triển các giải pháp và dịch vụ nhằm giải quyết thách thức quốc gia trong việc huy động nguồn lực tài chính ứng phó với rủi ro thiên tai.

Được biết, tư cách thành viên SEADRIF cho phép các nước thành viên nhận được hỗ trợ kỹ thuật trong các lĩnh vực bảo vệ ngân sách nhà nước, bảo vệ tài chính đối với tài sản công, lập mô hình rủi ro và quản lý rủi ro, phát triển thị trường bảo hiểm trong nước, đổi mới công nghệ và sản phẩm tài chính. Việt Nam cũng có thể thông qua SEADRIF để tiếp cận thị trường tài chính quốc tế với quy mô kinh tế rộng lớn hơn nhờ cơ chế chia sẻ rủi ro với các nước thành viên khác và tiếp cận các nguồn hỗ trợ tài chính tiềm năng từ các đối tác phát triển.

Theo ước tính sơ bộ trong báo cáo Sigma của Viện nghiên cứu Swiss Re, tổn thất được bảo hiểm do thảm họa thiên nhiên trong năm 2021 là 105 tỷ USD, tăng 17% so với năm 2020 và tổn thất do con người gây ra là 7 tỷ USD, giảm 24% so với năm 2020. Tổn thất do thảm họa thiên nhiên được bảo hiểm trong năm 2021 cao hơn gần 30 tỷ USD so với mức trung bình 10 năm trước, trong khi đó tổng tổn thất do con người được bảo hiểm thấp hơn mức trung bình khoảng 2 tỷ USD.

Nhìn chung, thiệt hại kinh tế do thiên tai lên tới 259 tỷ USD trong năm 2021, tăng 20% so với năm ngoái và cũng cao hơn mức trung bình 10 năm trước khoảng 229 triệu USD. Thiệt hại kinh tế của các thảm họa do con người gây ra lên đến 9 tỷ USD trong năm 2021, so với 14 tỷ USD trong năm 2020 và mức trung bình 10 năm trước là 13 tỷ USD.

Tin bài liên quan