VN-Index được kỳ vọng sẽ tiếp tục hồi phục, dù phiên cuối tuần qua giảm điểm

VN-Index được kỳ vọng sẽ tiếp tục hồi phục, dù phiên cuối tuần qua giảm điểm

VN-Index vẫn trong kênh tăng giá

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nếu như trong tháng 7, VN-Index là một trong các chỉ số tiêu cực nhất khi hồi phục rất yếu so với nhiều thị trường trên thế giới, thì sang tháng 8 đã có chuyển biến tích cực.

Chỉ số phục hồi tốt

Nhìn lại tháng 7/2022, so với mặt bằng chung các thị trường trên thế giới, VN-Index là một trong các chỉ số kém tích cực nhất, hồi phục chưa đến 1% (7 tháng đầu năm giảm gần 21%).

Tuy nhiên, từ đầu tháng 8 đến ngày 18/8, VN-Index là một trong các chỉ số tăng điểm tốt nhất khu vực Đông Nam Á và mức tăng cũng vượt trội so với chỉ số các thị trường cận biên hay mới nổi.

Tính từ đầu năm 2022 đến hết ngày 18/8, VN-Index vẫn là một trong các chỉ số giảm điểm mạnh trên thế giới, nhưng mức giảm của chỉ số đã thấp hơn mức giảm của các chỉ số thị trường cận biên hay thị trường mới nổi.

Trong nửa đầu tháng 8, đà tăng của thị trường đến từ các mã cổ phiếu trụ như VCB, NVL hay HPG. Việc các mã vốn hóa lớn nhất thị trường hồi phục giúp VN-Index tăng điểm nhanh, chỉ trong chưa đến 3 tuần, chỉ số ghi nhận mức tăng gần 70 điểm. Xu hướng tăng giá của các mã này có khả năng sẽ được duy trì. Ngược lại, một số mã đang chịu áp lực điều chỉnh như KBC, VIB hay VJC.

Đà tăng tích cực của thị trường chung đến từ đa số nhóm ngành. Trong đó, hai nhóm tăng điểm tốt nhất là dịch vụ tài chính - chứng khoán và tài nguyên cơ bản với các mã cổ phiếu thép.

Mặc dù thị trường ghi nhận đà phục hồi trở lại trong tháng 8 ở tất cả các nhóm vốn hóa, nhưng nếu so với đầu năm, mức hồi phục vẫn yếu, riêng nhóm vốn hóa lớn có mức suy giảm so với đầu năm ít nhất.

Trong nửa cuối tháng 8, TVSI đánh giá cao các mã cổ phiếu có đà hồi phục tích cực trong nửa đầu tháng nhưng vẫn giữ được mức tăng điểm so với đầu năm nay như nhóm ngành năng lượng với các mã cổ phiếu điện và dầu khí. Ngoài ra, nhóm ngành ngân hàng vốn đã giảm giá sâu nhưng mức hồi phục chưa lớn cũng đáng quan tâm.

Thanh khoản cải thiện tích cực

Thanh khoản giao dịch khớp lệnh bình quân trong nửa đầu tháng 8 cải thiện rất tích cực nếu so với bình quân tháng 6 hay tháng 7 trước đó, nhờ sự hỗ trợ của các thông tin về thời gian thanh toán T+2 sắp được rút ngắn, cùng với đó là kết quả kinh doanh quý II/2022 tăng trưởng tốt tại một số nhóm ngành như bất động sản công nghiệp.

Đà hồi phục thanh khoản tập trung tại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và trung bình. Với trạng thái tích cực hiện tại, thanh khoản bình quân tháng 8 năm nay có thể kỳ vọng quay lại vùng 22.000 - 24.000 tỷ đồng.

Khối ngoại sau khi bán ròng 1.137 tỷ đồng trong tháng 7 đã mua ròng trở lại trong nửa đầu tháng 8, với mức mua ròng 2.150 tỷ đồng, tập trung vào các mã SSI, HPG, HDB (ngược lại, VNM, BSR, chứng chỉ quỹ FUEVFVND là các mã bị bán ròng nhiều nhất). Lũy kế kể từ đầu năm 2022, khối ngoại mua ròng 5.204 tỷ đồng.

Kỳ vọng vùng 1.315 - 1.320 điểm

Với xu hướng hồi phục đang dần tích cực trở lại, đà tăng của VN-Index kỳ vọng sẽ tiếp diễn trong thời gian tới, dù phiên cuối tuần qua giảm điểm.

Xét định giá P/E, theo dữ liệu lịch sử được TVSI ghi nhận, VN-Index thường có xu hướng hồi phục đến khi mức P/E hiện tại tiệm cận với ngưỡng bình quân 6 tháng trong ngắn hạn trước khi kỳ vọng vào một nhịp tăng mới.

VN-Index ghi nhận mức P/E 13,5 lần vào ngày 18/08/2022, tiến lên sát mức P/E bình quân 6 tháng quanh 14 lần. Như vậy, chỉ số có thể gặp khó khăn tại vùng kháng cự 1.310 - 1.320 điểm.

Về mặt kỹ thuật, tính đến hết phiên 18/8/2022, VN-Index đã lấp thành công “gap” (khoảng trống) giảm điểm tháng 6 và đang gặp khó khăn tại vùng kháng cự ngắn hạn 1.280 - 1.285 điểm. Chỉ số đã có 2 phiên dừng chân tại mốc giá trị này và số lượng cổ phiếu giảm giá dần chiếm ưu thế trong các phiên gần đây khi áp lực chốt lời mạnh lên.

Mặc dù vậy, TVSI kỳ vọng, VN-Index sẽ hồi phục lên vùng 1.315 - 1.320 điểm như mẫu hình 2 đáy. Tuy nhiên, việc số mã tiêu cực đang gia tăng cho thấy nhà đầu tư nên xem xét hạ tỷ trọng cổ phiếu trong ngắn hạn.

Tin bài liên quan