Ngân hàng Nhà nước chỉ kiểm soát tín dụng bất động sản đầu cơ, còn tín dụng với nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân… luôn được khuyến khích

Ngân hàng Nhà nước chỉ kiểm soát tín dụng bất động sản đầu cơ, còn tín dụng với nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân… luôn được khuyến khích

Vốn cho bất động sản: Dựa hết vào ngân hàng sẽ càng rủi ro

0:00 / 0:00
0:00
Doanh nghiệp bất động sản tố ngân hàng ngâm hồ sơ, ngừng cho vay, trong khi ngân hàng thương mại cũng than khó tứ bề.

Doanh nghiệp và Ngân hàng chưa tìm được tiếng nói chung

Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp bất động sản, suốt 2 tháng nay, không chỉ doanh nghiệp mà bản thân người mua nhà cũng rất khó khăn mới được ngân hàng giải ngân hồ sơ tín dụng.

Ông Nguyễn Minh Nhật, Tổng giám đốc Vạn Xuân Group cho biết, doanh nghiệp này đang làm hồ sơ vay 2.000 tỷ đồng, nhưng chờ 3 tháng nay vẫn chưa được do các ngân hàng thông báo “hết room”. Ông Nhật cho rằng, tín dụng ngân hàng trên thực tế đang có dấu hiệu “bất bình thường” khiến doanh nghiệp vô cùng bất an, nhất là khi nhu cầu vốn nửa cuối năm tăng rất mạnh.

Trước bức xúc của các doanh nghiệp bất động sản, nhiều ngân hàng cho hay vẫn cho vay bình thường, song không phải phân khúc nào, dự án nào cũng được lựa chọn cho vay.

Theo ông Nguyễn Đình Vinh, Phó tổng giám đốc VietinBank, đầu tháng 6/2022, lãnh đạo ngân hàng này đã có văn bản chỉ đạo toàn hệ thống tiếp tục ưu tiên các dự án bất động sản tốt của các chủ đầu tư có kinh nghiệm, có vị trí tốt. “Quan điểm của chúng tôi là cứ dự án uy tín, hiệu quả là đều được cho vay”, ông Vinh khẳng định.

Trong khi đó, lãnh đạo BIDV cho biết, sẽ tập trung 3 phân khúc tín dụng bất động sản, bao gồm: bất động sản công nghiệp, bất động sản nhà ở, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.

Chia sẻ với nỗi lo của doanh nghiệp bất động sản, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhiều lần khẳng định, không có văn bản chỉ đạo nào về vấn đề “siết” hay “thắt”, “chặn” tín dụng bất động sản. Thực tế, tín dụng bất động sản 5 tháng đầu năm nay tăng trưởng cao hơn tốc độ tín dụng chung. Tuy nhiên, định hướng của NHNN là hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, hạn chế tín dụng rủi ro.

Hơn nữa, hiện nay, huy động vốn của hệ thống ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn, trong khi cho vay bất động sản chủ yếu là trung và dài hạn. Vì vậy, cho vay bất động sản đồng nghĩa ngân hàng đứng trước nguy cơ rủi ro thanh khoản rất lớn. Kiểm soát tín dụng bất động sản cũng là để đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng và cả thị trường bất động sản.

Tuy vậy, NHNN chỉ kiểm soát tín dụng bất động sản đầu cơ, còn tín dụng đối với nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người nghèo… luôn được khuyến khích. Tất cả các dự án có hiệu quả, có năng lực, dù lớn hay nhỏ đều được ngân hàng thương mại xem xét cho vay và được kiểm soát bằng các hạn mức, quy định và tỷ lệ…

“Những dự án nào có hiệu quả, có dòng tiền, đảm bảo chứng minh được các phương án hiệu quả thì chúng tôi vẫn khuyến khích ngân hàng thương mại quan tâm, tạo điều kiện cho vay. NHNN không có chính sách ‘siết’ hay ‘thắt’ tín dụng vào lĩnh vực này”, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định.

Theo số liệu của NHNN, hiện dư nợ cho vay bất động sản vào khoảng 2,2 triệu tỷ đồng, trong đó 65% là cho vay mua nhà, sửa nhà, phục vụ nhu cầu ở thực.

Cần sự bắt tay giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ

TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, mỗi khi gặp khó khăn về vốn, doanh nghiệp lại đổ lỗi do ngân hàng không cho vay, đòi nới room là không đúng. Thực tế, ngành ngân hàng Việt Nam đang phải gánh cả hai vai: ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát, nên không thể bơm vốn ồ ạt. Hơn nữa, bất động sản dựa quá nhiều vào ngân hàng sẽ khiến rủi ro kỳ hạn thêm căng thẳng.

Các thị trường là thông suốt, do đó, một mặt cơ quan quản lý phải giám sát, quản lý chặt, nhưng mặt khác cũng phải tạo cho thị trường phát triển. Chúng ta chấn chỉnh sự méo mó của thị trường, chứ không phải hạn chế nó phát triển. Vì thế, chính sách tài chính, kinh tế phải nhất quán, thông suốt, tránh giật cục.

- Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Trả lời chất vấn trước Quốc hội mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng khẳng định, kiểm soát tín dụng bất động sản là để đảm bảo an toàn cho cả hệ thống ngân hàng, lẫn đảm bảo cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh.

Để giải bài toán vốn cho doanh nghiệp bất động sản hiện nay, theo ông Hùng, cần phải có sự kết hợp giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ. Bên cạnh đó, các bộ, ngành cần có giải pháp để xây dựng hệ sinh thái bất động sản theo hướng kinh tế tuần hoàn, hoàn thiện hành lang pháp lý về bất động sản, phát triển nguồn cung nhà ở xã hội, rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai nhiều năm không triển khai và những chủ đầu tư không đủ năng lực thì phải thu hồi… Chỉ khi có các giải pháp đồng bộ, thì mới có thể tháo gỡ dứt điểm khó khăn cho thị trường bất động sản, bao gồm cả thị trường vốn.

TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Tài chính, Đại học Kinh tế TP.HCM cũng cho rằng, việc doanh nghiệp bất động sản dựa quá nhiều vào hệ thống ngân hàng là rất rủi ro. Hiện nay, tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam thuộc nhóm cao nhất khu vực. Vì vậy, các doanh nghiệp cần đa dạng hóa kênh huy động vốn ngoài ngân hàng.

Thời gian qua, kênh trái phiếu doanh nghiệp phát triển mạnh đã giảm tải áp lực cho tín dụng ngân hàng. Tuy vậy, việc mạnh tay chấn chỉnh thị trường này thời gian qua đã khiến hoạt động phát hành trái phiếu của doanh nghiệp khựng lại.

Trả lời Quốc hội tại phiên chất vấn vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, không siết trái phiếu doanh nghiệp mà chỉ chấn chỉnh thị trường. Tuy nhiên, thực tế, phát hành trái phiếu của khối doanh nghiệp bất động sản 2 tháng qua gần như đóng băng, trong khi doanh nghiệp than khát vốn trầm trọng.

Tại các phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước , Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đều thẳng thắn nhận định, dù các bộ trưởng khẳng định không siết thị trường trái phiếu, bất động sản, song những tháng gần đây, các thị trường này chững lại, doanh nghiệp muốn huy động vốn rất khó khăn.

“Chúng ta thanh tra, kiểm tra và giám sát từ sớm, từ xa, chứ để ‘mất bò mới lo làm chuồng’ thì rất dở. Nhưng nếu để xảy ra trường hợp mất bò rồi mà không dám làm lại chuồng, thì còn dở hơn”, Chủ tịch Vương Đình Huệ nói.

Tin bài liên quan